.

Hai cuộc "cách mạng xanh" ở vùng biên cương

Thứ Hai, 20/10/2014, 08:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những năm qua, với nhiều chương trình dự án như Chương trình 134, Chương trình 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện Minh Hóa đã được đầu tư một lượng kinh phí khá lớn để bảo đảm và từng bước nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số các xã biên giới gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, với sự tận tình giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng (BĐBP), hai công trình lúa nước ở Rục Làn thuộc vùng đồng bào Rục, xã Thượng Hóa và ở bản Ka Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa ra đời và được ví như hai cuộc "cách mạng xanh” nơi vùng đất biên cương khí hậu khắc nghiệt.

Mùa vàng ở Rục Làn

Những ngày giữa tháng 10 này, về các bản Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ của vùng đồng bào Rục xã Thượng Hóa, chúng tôi bắt gặp trên các con đường đổ bê tông của bản nhiều bạt lúa vàng ươm, chắc mẩy của bà con đem ra phơi.

Ông Cao Xuân Bính, ở bản Mò O Ồ Ồ vui vẻ khoe: “Năm nay lúa nhà miềng được nhiều lắm. Vì có bộ đội giúp đỡ và là năm thứ 3 bà con miềng tự làm nên vui lắm. Tranh thủ trời nắng thế này miềng đem lúa ra phơi để nó khỏi mốc, ăn cơm ngon hơn, bộ đội họ bảo thế”.

Công trình thủy lợi Rục Làn được đầu tư với tổng kinh phí 4,5 tỷ đồng. Do Bộ Tư lệnh BĐBP và tỉnh Quảng Bình giao cho Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh làm chủ đầu tư. Đồn Biên phòng Cà Xèng nhận trách nhiệm trực tiếp thực hiện. Công trình đã cung cấp nước sạch và phục vụ nước tưới cho cánh đồng Rục Làn có diện tích 10ha lúa nước. Với phương châm "cùng ăn, cùng ở, cùng làm", cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng đã hướng dẫn cho bà con biết cách sản xuất, chăn nuôi, trồng lúa nước.

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Cà Xèng, xã Thượng Hóa cho biết: “Để bà con thành thục với việc trồng lúa nước, thì chúng tôi phải bắt tay chỉ việc. Từ khâu san ủi mặt bằng, làm đất, ủ giống, cách xuống giống rồi làm cỏ, bón phân mình phải hướng dẫn cho bà con thật kỹ. Đến khi thu hoạch bộ đội cũng phải gặt mẫu cho bà con làm theo. Việc phơi lúa, thậm chí xay xát mình cũng trực tiếp làm trước cho bà con học theo".

Bộ đội Biên phòng giúp đồng bào Rục thu hoạch lúa hè-thu năm 2014.
Bộ đội Biên phòng giúp đồng bào Rục thu hoạch lúa hè-thu năm 2014.

Với mục tiêu là chuyển đổi nhận thức cho người dân tự vươn lên sản xuất, ổn định đời sống, ngoài sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ BĐBP Đồn Biên phòng Cà Xèng, hàng năm huyện Minh Hóa cấp thêm hàng chục triệu đồng để hỗ trợ cho bà con mua giống, các vật tư khác để chăm sóc lúa như phân bón, thuốc trừ sâu,... Đồng thời, huyện cử cán bộ khuyến nông trực tiếp cùng BĐBP hướng dẫn cho bà con cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa.

Nhờ đó, hầu hết người dân nơi đây đã nắm bắt và thành thục trong việc trồng lúa nước, năng suất lúa luôn bảo đảm. Riêng vụ hè-thu năm nay, toàn bộ 10ha lúa nước ở cánh đồng Rục Làn đã được bà con đồng bào Rục gieo cấy, đạt kế hoạch 100%.

Tuy thời tiết có khắc nghiệt, nắng hạn gây thiếu nước, nhưng với sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng, hầu hết diện tích lúa tại nơi đây được chăm sóc chu đáo. Bộ đội Đồn Biên phòng Cà Xèng vẫn sát sao hướng dẫn cho bà con cách gieo trồng, làm cỏ, bón phân và phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Huyện Minh Hóa cũng đã cấp 70 triệu đồng để hỗ trợ bà con sản xuất thâm canh cây lúa.

Theo đó, giống lúa được đưa vào sản xuất trong vụ này là SV5, do Công ty CP Tổng công ty nông nghiệp Quảng Bình cung cấp. Đây là loại giống có sức chống chịu cao do thời tiết khắc nghiệt, phù hợp với chân đất nơi đây. Nhờ có bàn tay chăm sóc chu đáo của BĐBP và bà con dân bản nên năng suất lúa đạt bình quân từ 35 đến 40 tạ/ha. So với những vụ trước thì năng suất vụ hè-thu này không thua kém.

Chị Hồ Thị Vinh, bản Mò O Ồ Ồ nói: “Làm lúa là phải bón phân, làm cỏ thật kỹ và phải chăm đi lấy nước thì lúa mới đẹp, thóc mới được nhiều. Vì thế, ngày nào tôi cũng tranh thủ làm các việc khác xong để đi thăm lúa, lấy nước”.

Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2011, đến nay công trình thủy lợi Rục Làn thuộc vùng đồng bào Rục đã thực sự phát huy hiệu quả. Không chỉ góp phần ổn định lương thực, nâng cao đời sống cho bà con mà còn nâng cao nhận thức cho người dân. Từ chỗ bà con chưa hề biết gì về cây lúa nước, thì nay họ đã thành thục trong viêc canh tác.

Ông Cao Xuân Bính cho hay:  “Trước đây bà con miềng chưa bao giờ làm lúa nước cả, nhưng nhờ có cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng giúp đỡ, bày vẽ nên đã biết làm lúa nước. Qua ba, bốn năm rồi nên bà con miềng thấy trồng lúa cũng dễ. Bà con miềng rất cảm ơn Đảng, Nhà nước, cảm ơn cán bộ Đồn Biên phòng Cà xèng rất nhiều”.

“Với 10ha ruộng, chúng tôi đã phân về cho 105 hộ dân ở hai bản là Yên Hợp và Mò O Ồ Ồ. Mỗi năm làm hai vụ, đó là vụ đông-xuân và vụ hè-thu, nếu chăm sóc tốt và không bị sâu hại, không bị ảnh hưởng lụt bão thì lương thực của bà con hai bản  này cũng cơ bản đáp ứng được. Cùng với số gạo huyện cấp mỗi tháng 15 kg/khẩu, thì bà con sẽ không bao giờ thiếu đói”, ông Đinh Xuân Tiến, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Xèng khẳng định.

Ông Tiến cho biết thêm: Những năm trước 2011, chẳng ai tin vùng đất này lại có lúa nước. Thậm chí lúc san ủi mặt bằng, nhiều người dân nghe nói trồng lúa nước họ vẫn không tin việc của bộ đội làm. Nhưng với sự quyết tâm cao của cán bộ, chiến sĩ, công trình lúa nước đã thành hiện thực, bà con tin tưởng và làm theo là một thành công rất lớn. 

“Cách mạng xanh” ở Ka Ai

Bản Ka Ai, xã Dân Hóa có 72 hộ, với 323 nhân khẩu đồng bào dân tộc Sách, Mày định cư từ lâu đời ở nơi đây. Điều kiện tự nhiên ở đây có nhiều đồi núi dốc, thời tiết rất khắc nghiệt, trình độ nhận thức, sản xuất của đồng bào còn nhiều hạn chế. Đời sống của người dân phụ thuộc chủ yếu vào rừng, canh tác lương thực trên nương rẫy, thu nhập bấp bênh nên cuộc sống của bà con rất khó khăn, thiếu thốn, nhiều hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại.

Chuẩn bị cho mùa vụ mới.
Chuẩn bị cho mùa vụ mới.

Trước tình hình nói trên, những năm qua, huyện Minh Hóa cùng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với người dân đang sinh sống ở trên vùng đất này; hỗ trợ người dân làm nhà ở kiên cố, giống cây trồng vật nuôi để bà con chăn nuôi sản xuất phát triển kinh tế, tăng thu nhập...

Đặc biệt, công tác xóa đói, giảm nghèo luôn được các cấp chính quyền địa phương quan tâm. Trên cơ sở đó, Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Bình đã tiến hành khảo sát điều kiện đất đai, nước, khí hậu và đi đến kết luận, ở Ka Ai có thể triển khai trồng được lúa nước như ở vùng Rục Làn, xã Thượng Hóa. Và thế là quyết định đầu tư, hướng dẫn nhân dân bản Ka Ai sản xuất cây lúa nước.

Dự án lúa nước ở Ka Ai có diện tích khoảng 5ha và công trình dẫn nước sinh hoạt về phục vụ dân bản có tổng vốn đầu tư lên đến 6,3 tỷ đồng, được trích từ nguồn vốn 30a của Chính phủ về hỗ trợ 62 huyện giảm nghèo nhanh và bền vững.

Ra đời sau Rục Làn, công trình thủy lợi bản Ka Ai, xã Dân Hóa vừa đưa vào sản xuất năm 2014. Và vụ hè thu vừa qua là vụ lúa đầu tiên-một mùa vàng bội thu mà ai cũng phải ngỡ ngàng. Để bảo đảm năng suất, ngoài vận động đồng bào cùng bộ đội chăm sóc lúa, UBND huyện Minh Hóa đã hỗ trợ 50 triệu đồng để mua giống lúa, phân bón và thuốc trừ sâu.

Do điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên giống lúa Khang Dân 18 đã được chọn làm thí điểm trong vụ đầu tiên này. Với sự chung tay góp sức của các chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo, sự nỗ lực cố gắng của bà con dân bản nên năng suất lúa đạt khá cao, trên 40 tạ/ha.

Kỹ sư nông nghiệp-thượng úy Phạm Xuân Ninh, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cà Xèng được cử lên tăng cường, giám sát công trình tại Ka Ai cho biết: "Về điều kiện tự nhiên, nơi đây tuy có khắc nghiệt nhưng không đến nỗi không trồng được lúa nước. Những tháng gặp rét có thể hơi khó khăn, còn về mùa nắng thì mình chủ động nguồn nước tưới tiêu hợp lý sẽ bảo đảm cho lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Về phía người dân, mặc dù chưa quen với phương thức canh tác mới, nhưng nghe bộ đội nói, thấy được cái lợi từ cây lúa nước mang lại, bà con ai cũng rất phấn khởi ra đồng cùng tham gia lao động”.

Ông Hồ Hùng, Bí thư Chi bộ bản Ka Ai cho biết: "Bà con mình về xuôi thấy người dưới đó làm lúa nước khỏe hơn và không hay mất mùa như làm rẫy nên nghe bộ đội bảo đi làm lúa nước là thấy ưng cái bụng. Giờ được BĐBP giúp đỡ để có ruộng nên nhân dân mừng lắm. Ai cũng háo hức lao động để được chia ruộng, chia lúa sau khi thu hoạch. Làm ruộng, có gạo nhiều bà con mình sẽ không phải trông chờ vào gạo cấp phát của Nhà nước nữa”.

Với những thành quả từ hai công trình lúa nước nói trên, có thể nói đây chính là giải pháp cơ bản để giải quyết tâm tư nguyện vọng của bà con nơi vùng biên cương về xóa đói giảm nghèo mà lâu nay các cấp, chính quyền các ngành, từ huyện đến xã trăn trở. Việc trợ cấp gạo hàng tháng chỉ là tạm thời trước mắt, việc trồng lúa nước mới thực sự trở thành “cần câu” để bà con ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Minh Văn-Mạnh Chi