.

Độc đáo Hải Ninh

Thứ Bảy, 19/04/2014, 14:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Vùng biển bãi ngang dân nghèo, ngàn năm nay là vậy, bây giờ cũng thế, khó có trường hợp ngoại lệ nào. Bởi biển ngang không ưu ái nghề biển, đất đai cằn khô và thiên tai luôn khốc liệt...Chỉ có những cách làm độc đáo mới có cơ hội vượt qua sự đói nghèo trên những vùng đất này...

Vẫn những con sóng ào ạt, vẫn những người cán bộ cần mẫn trên vùng đất này nhưng làng quê đã có nhiều đổi khác. Đấy là cảm nhận của tôi khi trở lại Hải Ninh, xã biển duy nhất của huyện Quảng Ninh. Anh Mai Văn Buôi, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh là người tôi quen từ hơn 15 năm trước khi về đây viết bài, gặp lại anh nói: Hải Ninh ngày nay chưa có gì nổi trội nhưng cũng không quá yếu kém, nên chưa được khen mà cũng không bị phê bình...

Có lẽ cái "màn chào hỏi" với ngữ điệu trầm trầm của vị cán bộ cựu trào ở đây đã làm cho sự hào hứng trong tôi lúc mới đến bị chững lại. Nhưng kinh nghiệm nhiều năm tiếp xúc với cán bộ cơ sở mách bảo tôi hãy bình tĩnh, "không phải khi nào lấp lánh cũng là... vàng" và ngược lại. Và một buổi chiều đầu xuân, các anh trong xã đã cho chúng tôi biết cặn kẽ về Hải Ninh...

15 năm rồi, nhiều con số "cơ bản" của xã đã khác đi, năm 1999, Hải Ninh chỉ mới có 4.000 người nay đã là 5.300 và số hộ từ 700 lên 1.300... Nhưng đất đai vẫn vậy, không thể đẻ thêm cả xã có 3.916 ha, chủ yếu là đất rừng, những trảng cát trắng xoá... đất sản xuất nông nghiệp chỉ khoảng 50-60 ha lại thường xuyên bị nạn cát lấp, xói lở đe doạ. Những con số này đã phản ánh sự nóng lên, bức bách hơn của cuộc sống trên vùng đất này. Và có một chuyện cũ được nhắc lại, 15 năm trước Hải Ninh có gần 400 lao động nam đi làm ăn ở các tỉnh phía nam.

Làng quê ở Hải Ninh đã khang trang hơn.
Làng quê ở Hải Ninh đã khang trang hơn.

Trong chuyến đi ấy tôi đã có bài viết "Vui buồn chuyện "xuất khẩu" lao động ở Hải Ninh" trên Báo Quảng Bình. Có một chi tiết trong bài viết nói đến sự kỳ vọng, nhưng cũng khá mong manh của những người ra đi: Là khép kín được vòng tròn: ra đi- lao động- vốn liếng- kinh nghiệm- trở về...Đó cũng chính là điều băn khoăn của anh Buôi, lúc ấy là Bí thư Đảng uỷ xã. Nhưng nay những điều đó đã trở thành hiện thực, chí ít ở một số người, họ đã trở về, cùng với sự rắn rỏi là những nguồn vốn kha khá và kinh nghiệm làm ăn trên biển. Đây là tài sản quý để họ tạo nên sự bứt phá trong chặng đường mới... Xã Hải Ninh đã có 18 con tàu lớn có công suất trên 33CV mà những chủ tàu tuổi còn rất trẻ và phần lớn đều có xuất xứ từ việc "đánh thuê" ở phía nam trở về cùng với đội ngũ thợ máy, người làm cũng là những người từng trải trên ngư trường phía nam.

Hiện nay tàu lớn nhất thuộc về anh Mai Văn Tuấn ở thôn Xuân Hải, có công suất 370 CV, là tàu vây đánh bắt biển xa. Sự hiện diện những con tàu lớn đã làm vợi bớt gánh nặng của những bơ nan bé nhỏ trước sóng gió và cung cách làm ăn cò con. Như anh Buôi nói, một con tàu ra đời sẽ giảm 3 bơ nan, có tàu giảm đến 10 bơ nan vì tàu lớn sẽ hút lao động lên đó. Số bơ nan ở xã lúc cao điểm lên đến trên 500 chiếc, nay khoảng 380 chiếc và việc giảm số bơ nan sẽ tăng thu nhập cho các bơ nan còn lại...Tôi đã xin vài số điện thoại của những chủ tàu, nhưng khi gọi đều không có tín hiệu, anh Buôi giải thích, họ đang đi trên biển xa... bây giờ đang là mùa làm ăn trên biển.

Không chỉ đóng tàu, có người lại đầu tư vào nuôi trồng thuỷ sản. Khi biết năm qua Hải Ninh có đến 200 hộ nuôi tôm trên cát, tôi đã phân vân và tự hỏi nuôi ở đâu vậy? Nhưng anh Buôi đã kịp giải thích, trong 200 hộ chỉ có hơn 20 hộ là nuôi tại địa phương, còn nữa là nuôi ở các địa phương khác từ Quảng Trị ra Quảng Trạch, Đồng Hới đến Lệ Thuỷ.

Thấy tôi "chưa thông" về chuyện dân Hải Ninh phải "đi cày" xứ người, anh Buôi nói địa phương không có đất để nuôi tôm, chính xác, đất thì có nhưng xã chưa được "quản", đang chờ tỉnh bàn giao. Như anh Buôi nói đâu khoảng 1000 ha đang chờ thủ tục bàn giao... Nhưng điều độc đáo mà có lẽ người dân các nơi chưa hẳn làm được, người dân Hải Ninh dám mang...  tiền đi đầu tư xứ người với một loại hình nuôi trồng nhạy cảm và rất nặng vốn... Anh Nguyễn Ngọc Thanh là một ví dụ. Ở tuổi 36 sau mấy năm làm ăn ở phía nam có chút vốn liếng anh dồn cả vào nuôi tôm. Tất nhiên phải vay thêm chỗ này chỗ khác và cả vay ngân hàng. Anh cho biết, hiện có 20 ao nuôi, ngoài mấy ao ở thôn Tân Hải, xã Hải Ninh, hồ tôm của anh có từ Bố Trạch đến Ngư Thuỷ Bắc...

Những hồ tôm mới chuẩn bị cho vụ tôm năm nay ở thôn Tân Hải, xã Hải Ninh.
Những hồ tôm mới chuẩn bị cho vụ tôm năm nay ở thôn Tân Hải, xã Hải Ninh.

Vụ tôm vừa rồi anh được lãi khá cao, mấy ngày nay đang tập trung cho vụ nuôi mới, nhưng đang khó khăn về vốn. Anh Buôi cho biết, vụ tôm vừa qua nhiều chủ hồ tôm thắng lớn, như anh Nguyễn Văn Tùng, Nguyễn Văn Viết ở thôn Tân Hải, anh Ngô Văn Đương ở Cửa Thôn đã thu về tiền tỷ....

Đất sản xuất nông nghiệp mà chủ yếu là đất màu ở Hải Ninh quả là quá ít ỏi, chỉ trên dưới 60 ha. Diện tích này lại luôn bị xáo trộn do mưa lũ. Có lẽ đấy là chuyện thường niên ở địa bàn vùng ven biển tỉnh ta. Nhưng cái diện tích nhỏ bé ấy lại bắt nguồn cho một điều độc đáo khác, người dân đã biến cái bé nhỏ thành tiềm lực vô cùng lớn. Bây giờ khoai deo Hải Ninh đã thành thương hiệu trong nam ngoài bắc ai cũng biết.

Và một trong những người đã "chắp cánh" cho khoai deo Hải Ninh chính là chị Hoàng Thị Liễu, Chủ nhiệm HTX chế biến khoai deo Hải Ninh và những cộng sự. Chị Liễu cho biết, năm 2006 là tổ hợp, năm 2009 hình thành HTX chế biến khoai deo Hải Ninh và đây cũng là nhãn hiệu hàng hoá do HTX sản xuất. Khách hàng của chị là các siêu thị, các chợ lớn ở trong và ngoài tỉnh. Qua chị Liễu tôi mới biết cụ thể hơn về thứ "kẹo" đặc biệt này. Cứ 4,5 kg khoai lang tươi chế biến thành 1 kg khoai deo. Giá khoai tươi hiện nay khoảng 9 nghìn đến 10 nghìn đồng/kg, khi thành khoai deo, giá bán từ 60-70 nghìn đồng, tuỳ loại. Nhẩm tính, năng suất khoai lang ở đây chừng 140 tạ/ ha thì người dân có thể làm ra đến 210 triệu đồng trong chuỗi sản xuất, kinh doanh trên mỗi ha đất màu này.

Nhưng 60 ha khoai lang trong xã không đủ để người dân Hải Ninh chế biến khoai deo, chính xác là mới đáp ứng một nửa, vùng nguyên liệu của họ lên đến các xã ven quốc lộ 1, ven biển của huyện Lệ Thuỷ để hàng năm cả xã chế biến trên 300 tấn khoai deo bán ra thị trường. Tôi nhẩm tính, theo giá hiện tại, doanh số bán ra lên đến 21 tỷ đồng từ khoai deo, quả là không nhỏ.

Hiển nhiên, Hải Ninh có những nghề truyền thống như những làng biển khác như chế biến nước mắn, cá khô và chăn nuôi...Nhưng những cách làm độc đáo ở trên  vẫn là đòn xoay có lực rất mạnh để đưa Hải Ninh có những bước tiến khá trong lĩnh vực kinh tế. Từ chỗ tỷ lệ hộ nghèo năm 2009 đến 24,6% hộ nay xuống còn 14,4%, mức thu nhập bình quân đạt trên 21 triệu đồng/ người/ năm, nhà dân đã thực sự khang trang, nhiều nhà cao tầng như phố thị và là địa phương đạt tiêu chí nông thôn mới về nhà ở và thu nhập...

Hải Ninh còn bộn bề khó khăn và cả những vướng mắc, đấy là một thực tế. Bên cạnh những vướng mắc chung mà địa phương nào cũng đang gặp phải cần sự tháo gỡ từ cấp trên và các ngành chức năng như vốn cho nuôi trồng thuỷ sản, đóng mới tàu thuyền...ở đây còn có cái vướng mắc riêng rất cần được giải quyết là sớm chuyển giao đất cho địa phương quản lý. Giải quyết những vấn đề này sẽ góp phần làm cho những ý tưởng độc đáo của người dân nơi đây được nối dài, vươn xa...          

Văn Hoàng