.

"Thổi" màu xanh cho cát

Thứ Ba, 15/04/2014, 10:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Được thành lập từ năm 2009, thôn Tân Lộc, xã Cam Thủy (Lệ Thủy) nằm lọt giữa những triền cát dài bất tận, cư dân ở đây hầu hết là dân "chạy lũ". Nhưng với nghị lực vươn lên, họ đã và đang vượt qua mọi khó khăn để xây dựng cuộc sống mới, biến vùng đất cát trắng trở thành xanh tươi, trù phú...

Với địa hình thấp trũng, có những khu vực còn thấp hơn cả mực nước biển bởi vậy về mùa mưa lũ Cam Thủy thường xuyên bị ngập lụt. Cuộc sống của người dân vốn đã khó càng khó hơn. Làm thế nào để giảm thiệt hại hằng năm do ngập lụt gây ra và nâng cao đời sống luôn là điều trăn trở của người dân nơi đây.

Trước thực tế đó, năm 2009, Đảng bộ xã Cam Thủy ra nghị quyết chuyển đổi sản xuất cây trồng, vật nuôi và ổn định chỗ ở cho bà con yên tâm sản xuất. Gần 40 hộ dân thuộc 8 thôn nằm trong quy hoạch, được chính quyền cấp đất để di dời đến nơi ở mới. Làng mới Tân Lộc được hình thành từ đây, cư dân chủ yếu là những gia đình bị ngập lụt nặng trong mùa mưa lũ và những cặp vợ chồng trẻ mới xây dựng gia đình. Đến nay, Tân Lộc đã có 87 hộ với hơn 300 nhân khẩu.

Để người dân ổn định chỗ ở mới và yên tâm phát triển kinh tế, chính quyền xã đã đầu tư xây dựng ở đây hệ thống đường sá cũng như kéo điện lưới về tận từng nhà. Mỗi hộ dân khi ra đây định cư đều được xã cấp 1.000m2 đất và hỗ trợ 10 triệu đồng để xây nhà ở. Khi đã ổn định chỗ ở mới, chính quyền địa phương cũng đã tạo điều kiện hết sức để khuyến khích bà con sản xuất, phát triển kinh tế theo hướng đa ngành, đa nghề từng bước cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu trên quê hương.

Ông Nguyễn Bá Trọng, Chủ tịch UBND xã Cam Thủy cho biết, để kịp thời động viên bà con an tâm lập nghiệp, nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển chăn nuôi, trồng trọt được triển khai như: cho vay vốn để đầu tư làm ăn, hỗ trợ cây, con giống cho bà con, thường xuyên tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác dưa leo, thanh long và các loại cây phù hợp trồng trên đất cát... Không chỉ vậy, xã còn tạo điều kiện cho các hộ dân có thể phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như cho vay vốn khuyến công, cấp đất theo nhu cầu của người dân.

Chính nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, những cư dân mới ở vùng cát cùng với ý chí vươn lên đã biến vùng đất trống khô cằn bốn bề mênh mông cát trắng trở nên xanh tươi, trù phú.

Nhiều hộ gia đình đã vươn lên trong phát triển kinh tế để làm giàu một cách bền vững. Điển hình ở thôn Tân Lộc phải kể đến gia đình anh Thái Văn Thủy. Gia đình anh Thủy là một trong những hộ ra định cư đầu tiên ở thôn Tân Lộc, từ hai bàn tay trắng, giờ đây vợ chồng anh đã làm chủ cả trang trại rộng hơn 2ha trồng thanh long, dưa chuột...

Anh Thủy tâm sự: "Những ngày đầu cực lắm, hai vợ chồng vừa thuê máy, vừa mướn người san lấp hơn 1ha mặt bằng mới có thể trồng cây được. Nhưng ở vùng cát trắng nước vô cùng khan hiếm nên trồng cây lên là bị chết, vợ chồng phải đi xa mới gánh được nước về tưới. Rồi sâu bệnh tấn công phải nhờ đến cán bộ dự án tư vấn cách phòng trừ thì mới ngăn chặn được". Đến nay, sau hơn 5 năm cần cù vượt khó, trang trại của vợ chồng anh đã phủ xanh cả một vùng cát trắng, mỗi năm đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng. Đây được xem là mô hình điểm của việc trồng cây thanh long trên cát ở Lệ Thủy.

Nằm ngay con đường chính chạy dọc giữa làng là xưởng sản xuất giấy của vợ chồng anh Trần Văn Sơn (SN1987) và chị Lê Thị Tuyến. Dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Sơn đã là chủ một xưởng khăn giấy với doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm, hàng hóa sản xuất cung cấp cho thị trường từ Nghệ An vào tận Đà Nẵng, tạo việc làm cho hàng chục thanh niên ở địa phương có thu nhập ổn định từ 2,5 - 3 triệu đồng/ tháng.

Nhớ lại những ngày đầu ra đây lập nghiệp, anh Sơn chia sẻ: "Mới đầu ra thấy đất đai cằn cỗi, gió Lào khô hạn cũng nản lòng. Nhưng được sự quan tâm của các cấp chính quyền trong việc cấp đất sản xuất, cùng anh em, bạn bè tạo điều kiện động viên, cộng thêm vay mượn từ ngân hàng để mở xưởng sản xuất này. Đến nay cuộc sống gia đình đã ổn định, ngoài số vốn để đầu tư mua sắm trang thiết bị, máy móc để sản xuất, vợ chồng anh đã có của ăn của để".

Không riêng gì gia đình anh Thủy, anh Sơn, ở Tân Lộc còn có rất nhiều gia đình thành công trong phát triển kinh tế trên vùng đất cát này. Nhiều hộ gia đình có xu hướng mở rộng thêm diện tích sản xuất theo mô hình trang trại tổng hợp với nhiều loại cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Năm 2013, bình quân thu nhập đầu người của xã Cam Thủy là 19 triệu đồng/năm, riêng thôn Tân Lộc là 25 triệu đồng/năm.

Chỉ mới 5 năm, nhưng bằng ý chí, nghị lực vươn lên cư dân Tân Lộc đã tự xây cho mình một cơ nghiệp ngay trên những triền cát khô cằn. Và  biết đâu đó, vài năm nữa sẽ có nhiều Tân Lộc như thế.

Xuân Phú