.

Hướng bảo vệ rừng bền vững

Thứ Ba, 15/04/2014, 09:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Sản xuất nông nghiệp ở miền núi tỉnh ta vẫn chưa phát triển, đời sống của đồng bào dân tộc vẫn còn dựa nhiều vào rừng, do đó, rừng và các lâm sản khác luôn bị khai thác, tàn phá. Vì vậy, bảo vệ rừng cộng đồng là hướng bảo vệ rừng bền vững khi mà thực trạng phá rừng và chuyển đổi đất rừng tự nhiên vẫn đang diễn ra.

 

Nhiều cây gỗ quý có kích thước lớn ở rừng cấm Khe Trổ, xã Châu Hóa (Tuyên Hóa) được bảo vệ nghiêm ngặt.
Nhiều cây gỗ quý có kích thước lớn ở rừng cấm Khe Trổ, xã Châu Hóa (Tuyên Hóa) được bảo vệ nghiêm ngặt.

Quảng Bình là địa phương có tổng diện tích rừng và đất rừng khá lớn (621.056 ha rừng) chiếm 77% diện tích tự nhiên. Những năm qua, mặc dù lực lượng kiểm lâm đã tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng song hiệu quả vẫn không đạt như mong muốn.

Nguyên nhân là do lực lượng kiểm lâm mỏng, không kiểm soát hết diện tích rừng và cũng không thể có mặt tại rừng 24/24h để bảo vệ. Mô hình quản lý rừng cộng đồng là một thực tiễn sinh động và đa dạng, gắn liền tới đời sống, tín ngưỡng văn hóa và sinh kế của người dân, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số miền núi nên bảo vệ rừng dựa vào dân là hướng bảo vệ rừng bền vững hiện nay.

Quản lý rừng cộng đồng là một hình thức quản lý rừng trong đó cộng đồng dân cư thôn với tư cách là chủ rừng tham gia vào các hoạt động giao rừng, lập kế hoạch quản lý rừng và tổ chức thực hiện kế hoạch đó. Như vậy, xét về khía cạnh pháp lý, trong lĩnh vực lâm nghiệp khái niệm quản lý rừng cộng đồng, tức là nói tới việc cộng đồng dân cư thôn, bản quản lý rừng được nhà nước giao để sử dụng rừng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.

Điển hình về kiểu bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng, chúng ta không thể không nhắc tới rừng Uyên Phong, xã Châu Hóa (Tuyên Hóa), hơn 40 ha rừng nguyên sinh vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt bằng hương ước của làng. Rừng có tên khác đó là rừng cấm Khe Trổ, rừng ở đây với nhiều loài thực vật đa dạng phong phú, vô số những loài cây dây leo rậm rạp, đan xen là cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Không những đa dạng về nhiều loài động, thực vật bản địa mà rừng cấm Khe Trổ còn có nhiều loài cây gỗ quý hiếm có giá trị như: dổi, lim, nao, sú...

Ông Phan Thanh Giang, Bí thư chi bộ thôn Uyên Phong cho rằng: Bảo vệ rừng cộng đồng là một hình thức quản lý rừng trong đó cộng đồng dân cư thôn Uyên Phong với tư cách là chủ rừng tham gia vào các hoạt động quản lý rừng bằng hương ước. Hàng năm, người dân thôn Uyên Phong tự nguyện đóng góp hàng trăm kg thóc để chi trả cho người trong thôn tham gia quản lý và bảo vệ rừng. Ban cán sự thôn còn tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về vai trò của rừng cũng như tác hại của việc chặt phá rừng".

Tháng 7-2013, bà con dân tộc Mã Liềng ở bản Kè và bản Cáo, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, đã vui mừng nhận bàn giao diện tích rừng cộng đồng để sản xuất. Như vậy, sau gần 9 tháng triển khai chương trình thí điểm với sự tham gia và phối hợp chặt chẽ giữa nhiều bên liên quan như cán bộ UBND huyện, lãnh đạo xã Lâm Hoá, điều phối viên mạng lưới nông dân nòng cốt, cán bộ tư vấn CIRD, người dân bản Kè và bản Cáo và cơ quan tư vấn lập hồ sơ giao đất, đến nay, UBND huyện đã ký quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng cho cộng đồng bản Kè với tổng diện tích được giao là 465,02 ha thuộc tiểu khu 43 và bản Cáo với tổng diện tích được giao là 223,12 ha thuộc tiểu khu 34B xã Lâm Hoá.

Thành công lớn nhất chương trình là nhận thức về công tác chăm sóc và bảo vệ rừng của người dân được nâng lên. Những buổi tuyên truyền về công tác bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng đã không còn xa lạ đối với người dân thôn, bản ở Lâm Hoá. Nói đi đôi với làm, từ việc tuyên truyền, đồng bào được cán bộ tư vấn CIRD hướng dẫn qua mô hình trực tiếp cầm tay chỉ việc trên từng thân cây, tấc đất nên đồng bào dễ nhớ, dễ thuộc. Qua tuyên truyền, người dân đã nhận thức được rừng rất quý và thực sự có ích trong đời sống, họ thực sự thấu hiểu và làm theo những quy ước giữ rừng, bảo vệ và phát triển rừng.

Cùng với trách nhiệm bảo vệ rừng, cộng đồng còn phát triển rừng để đáp ứng một phần gỗ sử dụng cho nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng của công cộng và cung cấp lâm sản ngoài gỗ, góp phần nâng cao đời sống người dân. Trung bình mỗi tháng, cộng đồng trong thôn, bản tuần tra một lần, còn những người dân ra vào rừng hàng ngày để khai thác lâm sản phụ là lực lượng đông đảo nhất để giám sát rừng. Điều này không chỉ phát triển vốn rừng gắn với đời sống của người dân một cách bền vững mà còn góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái và bảo đảm an sinh xã hội.

Thực hiện kế hoạch của Dự án khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng đến nay đã có 3 cộng đồng thôn bản được UBND huyện ra quyết định giao rừng và đất lâm nghiệp: bản Cổ Tràng (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh) 207,152 ha; bản Phú Minh (xã Thượng Hoá, huyện Minh Hoá) 803,868 ha; thôn Thanh Liêm1 (xã Trung Hoá, huyện Minh Hoá) với 855,576 ha.

Hiện có 6 cộng đồng thôn bản đang trình hồ sơ xin giao rừng và sẽ được UBND huyện ra quyết định giao rừng và đất lâm nghiệp trong thời gian tới (dự kiến trong tháng 4-2014). Ở bản Sắt (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh) dự kiến giao 184,202 ha cho bà con trong bản; bản La Trọng (xã Trọng Hoá, huyện Minh Hoá) 432,741 ha; bản Phú Nhiêu (xã Thượng Hoá, huyện Minh Hoá) 214,350 ha; thôn Thanh Liêm 2 (xã Trung Hoá, huyện Minh Hoá): 735,269 ha. Bản Nịu (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch) 172,389 ha; bản Cà Ròong 2 (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch) 174,715 ha.

Tuy nhiên, sau gần 10 năm chính thức có chủ trương giao đất, giao rừng cộng đồng, hệ thống văn bản pháp luật về rừng cộng đồng vẫn chưa được hoàn thiện, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ và hiệu quả thực hiện công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng.

Theo ông Ngô Văn Hồng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kiến thức Bản địa và Phát triển Quảng Bình (CIRD) cho biết: Hiện nay, thực tiễn triển khai giao đất, giao rừng cho cộng đồng vẫn đang ở giai đoạn mô hình là chính và chưa được triển khai trên diện rộng. Nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số sống phụ thuộc vào rừng chưa được tiếp cận đầy đủ quyền quản lý, sử dụng rừng và các chính sách hỗ trợ của nhà nước khi giao rừng. Để giao rừng cho cộng đồng quản lý một cách an toàn và bền vững thì điều quan trọng nhất là công tác bảo vệ và phát triển rừng phải được gắn với tạo sinh kế cho người dân.

Thanh Hoa