Lệ Thủy: "Chiến đấu" với sâu bệnh

Cập nhật lúc 11:51, Thứ Hai, 06/05/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Anh Nguyễn Văn Nghĩa, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy cho biết: “Tính đến ngày 25-4-2013, trên địa bàn chúng tôi có khoảng 180 ha lúa đông-xuân đã xuất hiện rầy nâu, rầy lưng trắng với mật độ từ 300 đến 500 con/m2, có nơi từ 500 đến hơn 1.000 con/m2. Tại thời điểm này, huyện Lệ Thủy vẫn đang tăng cường lực lượng về tận cơ sở để túc trực, bám sát đồng ruộng cùng bà con tích cực phòng trừ sâu bệnh, chuột hại lúa...”.  

Vụ đông-xuân 2012-2013, huyện Lệ Thủy triển khai gieo cấy trên tổng diện tích hơn 9.800 ha (trong đó, đối với chân ruộng lúa 1 vụ: 4.175 ha; chân ruộng lúa 2 vụ ăn chắc: 1.515 ha; chân ruộng lúa 2 vụ nhưng có 1 vụ bấp bênh: khoảng 4.100 ha). Với chủ trương đưa các bộ giống chủ lực có năng suất, chất lượng cao, khả năng kháng bệnh tốt, chống chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết... vào thay thế dần các bộ giống kém hiệu quả trước đây, huyện Lệ Thủy đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị và nhân dân trong huyện tiến hành gieo cấy các bộ giống chủ lực gồm: X21, Xi32, NX30, 94-11, X33... trên diện tích khoảng 6.000 ha.

Ngoài ra, một số địa phương trong huyện cũng đưa các bộ giống như HT1, IR 353-66, P6, Nếp, P290, XT 28... triển khai gieo cấy trên diện tích khoảng 300 ha; các giống lúa lai như Nhị ưu 986, Nhị ưu 527, D.ưu 527... cũng được bà con tiến hành gieo cấy trên diện tích gần 800 ha.

Nông dân xã Hồng Thủy phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa.
Nông dân xã Hồng Thủy phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa.

Về diễn biến sâu bệnh xâm hại lúa vụ đông-xuân 2012-2013 ở địa bàn huyện Lệ Thủy, anh Nguyễn Văn Nghĩa cho hay, ngay từ đầu vụ, tình hình sâu bệnh trên cây lúa luôn có những diễn biến khá phức tạp. Cụ thể, vào giai đoạn sau gieo đến đẻ nhánh, hơn 100 ha lúa ở huyện đã bị chuột, bọ trĩ, bệnh tuyến trùng hại rễ... gây hại; giai đoạn đứng cái, làm đòng lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá, khô vằn, sâu cuốn lá, rầy lưng trắng (bệnh đạo ôn lá: 120 ha; khô vằn: 150 ha; sâu cuốn lá nhỏ:150 ha; rầy nâu, rầy lưng trắng: 45ha); ngoài ra một số diện tích lúa cũng xuất hiện các đám cháy đạo ôn cục bộ (cháy chòm) như Lộc Thượng (An Thủy), Bình Minh (Dương Thủy), Quy Hậu (Liên Thủy), Châu Xá, Lê Xá, Mai Thượng (Mai Thủy)...

Vào thời điểm ngày 25-4-2013, trên địa bàn chúng tôi có khoảng 180 ha lúa đông-xuân đã xuất hiện hiện tượng rầy nâu, rầy lưng trắng với mật độ từ 300 đến 500 con/m2, có nơi từ 500 đến hơn 1.000 con/m2...

Xác định là địa phương có diện tích lúa lớn bậc nhất tỉnh, kinh tế nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội..., thời gian qua, UBND huyện Lệ Thủy đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị có chuyên môn luôn tích cực “bám sát đồng ruộng” để theo dõi sát sao, kịp thời đưa ra các hướng dẫn giúp bà con nông dân cách thức chăm sóc, phòng trừ chuột, sâu bệnh hại lúa theo từng thời điểm, từng giai đoạn, từng loại sâu bệnh cụ thể...

Trước tình hình chuột, sâu bệnh xuất hiện gây hại cho lúa, từ đầu vụ lúa đông-xuân 2012-2013 đến nay, UBND huyện Lệ Thủy đã liên tục ban hành các chỉ thị, công văn chỉ đạo Phòng NN- PTNT huyện chủ động phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông, các xã, thị trấn trong huyện... khẩn trương triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại lúa.

Bên cạnh đó, UBND huyện Lệ Thủy cũng chỉ đạo cắt cử đội ngũ cán bộ có chuyên môn trực tiếp về tận cơ sở để hướng dẫn, chỉ đạo bà con nông dân cách thức phòng trừ chuột, sâu bệnh hại lúa. Chẳng hạn, vào thời điểm nạn chuột phá hại lúa trên diện rộng, Lệ Thủy đã kịp thời phân bổ kinh phí để hỗ trợ các địa phương mua bả sinh học về tiến hành đánh đồng loạt, đánh cùng thời điểm... nhờ đó mà đến nay nạn chuột phá hại lúa gần như không đáng kể.

Tình hình một số loài sâu bệnh xâm hại lúa như sâu cuốn lá, rầy nâu, đạo ôn... trên địa bàn cũng được dập tắt và khống chế tương đối hiệu quả, không để xảy ra tình trạng sâu bệnh lây lan trên diện rộng, vượt tầm kiểm soát.

                                                                                     Văn Minh





 

,
.
.
.