Tạo bước đi vững chắc cho nghề rừng

Cập nhật lúc 07:51, Thứ Sáu, 03/05/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm gần đây, chỉ tiêu khai thác rừng tự nhiên ngày càng bị cắt giảm mạnh, nên hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH một thành viên Lâm công nghiệp Bắc Quảng Bình càng khó khăn thêm. Sớm thấy được điều đó nên công ty đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất lâm nghiệp truyền thống (khai thác gỗ rừng tự nhiên) từng bước cơ cấu lại sản xuất theo hướng tập trung chủ yếu cho việc trồng cây cao su, cây keo... tạo bước đi vững chắc cho nghề rừng.

Công ty TNHH một thành viên Lâm công nghiệp Bắc Quảng Bình là doanh nghiệp nhà nước hoạt động SXKD trong lĩnh vực: quản lý bảo vệ và phát triển rừng; trồng rừng nguyên liệu và trồng cao su; khai thác, chế biến gỗ rừng tự nhiên và rừng trồng; thi công các công trình lâm nghiệp, dân sinh trên địa bàn. Tổng diện tích rừng và đất rừng hiện nay do công ty quản lý là 33.365 ha; trong đó có 624 ha  rừng phòng hộ, còn lại 33.032 ha là rừng sản xuất.

Diện tích rừng và đất rừng của công ty được phân bổ trên địa bàn các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch và Minh Hóa. Rừng bố trí không tập trung, đa phần nằm gần với các khu vực dân cư nên khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ. Công ty có 6 chi nhánh, đơn vị thành viên với 207 công nhân hợp đồng dài hạn, ngoài ra có trên 500 lao động nhận khoán rừng, trồng và chăm sóc cao su.

Vườn cao su mới trồng 3 năm tuổi của công ty.
Vườn cao su mới trồng 3 năm tuổi của công ty.

Những năm qua, nhờ tập trung làm quyết liệt việc chuyển đổi nghề rừng, nên công ty đã trồng được 6.946 ha rừng tập trung; trong đó rừng thông nhựa là 3.752 ha, rừng trồng nguyên liệu 2.837 ha, cây cao su 356 ha.

Đầu năm 2013, khi bắt tay triển khai kế hoạch sản xuất Công ty TNHH một thành viên Lâm công nghiệp Bắc Quảng Bình đã tìm các giải pháp khắc phục  khó khăn về nguồn vốn để đẩy mạnh việc trồng rừng. Chỉ tiêu công ty đề ra trồng mới 100 ha cây cao su tại khu vực chi nhánh Lâm trường Quảng Trạch.

Theo dự tính, mỗi ha cây cao su trồng mới cần đầu tư 60-70 triệu đồng (trong 7 năm) thì số tiền để công ty thực hiện  trồng cao su khá lớn. Để hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng hàng năm Công ty có cách làm sáng tạo là cùng liên doanh, liên kết với các đối tác kết hợp phát huy nội lực trong cán bộ, công nhân nên cơ bản giải quyết đủ vốn cho sản xuất. Điều đáng mừng là từ trước đến nay công ty cố gắng xoay xở tìm kiếm nguồn vốn nên chưa phải vay ngân hàng.

Thí dụ như năm 2012, là năm thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, hầu hết các đơn vị đều gặp khó khăn về nguồn vốn nhưng công ty vẫn hoàn thành chỉ tiêu trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Cụ thể, công ty đã trồng mới 335 ha rừng nguyên liệu, chăm sóc 1.090 ha, đạt 100%  kế hoạch. Bảo vệ rừng trồng nguyên liệu 743,1 ha. Trồng mới được 45 ha cao su và chăm sóc 312 ha cao su 2-3 năm tuổi, vượt chỉ tiêu đề ra.

Trong lúc thiếu vốn, không có tiền mua cây giống từ các tỉnh bạn, công ty đã có cách làm sáng tạo là tự mình chủ động đầu tư sản xuất cây giống. Tận dụng các vùng đất có thể làm vườn ươm, công ty đã sản xuất được 940 vạn giống keo lai có chất lượng tốt, không những đáp được nhu cầu trồng rừng của công ty mà còn cung cấp cho các tỉnh Bắc Trung bộ giống cây chất lượng cao. Ngoài giống cây keo lai, công ty còn tạo giống cao su tum bầu được 11.000 cây, phục vụ cho trồng dặm rừng cao su 1-2 năm tuổi.

Qua tâm sự với Giám đốc công ty chúng tôi được biết, thời gian qua chỉ tiêu khai thác gỗ rừng tự nhiên của công ty bị giảm mạnh, năm 2012 chỉ có 3.000 m3 và sắp tới Chính phủ sẽ đóng cửa rừng. Để tồn tại và phát triển nghề rừng, công ty xác định chỉ có một con đường duy nhất là chuyển hướng từ khai thác, chế biến gỗ rừng tự nhiên sang trồng rừng kinh tế, nhất là trồng cây cao su.

Cán bộ, nhân viên Công ty diễn tập phòng chống cháy rừng.
Cán bộ, nhân viên Công ty diễn tập phòng chống cháy rừng.

Với tinh thần đó, mỗi năm bình quân công ty huy động các nguồn vốn, mà chủ yếu từ trong nội bộ công ty trồng mới được vài ba trăm ha rừng keo lai nguyên liệu. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, nên sau một thời gian công ty có hơn 2.800 ha rừng keo lai phát triển tốt, một số diện tích đã tiến hành thu hoạch đem lại hiệu quả cao. Cùng với việc đẩy mạnh trồng rừng công ty đã tăng cường công tác quản lý sản phẩm nhất là sản phẩm gỗ rừng và nhựa thông; thực hiện chuyển đổi được 356 ha diện tích rừng thông nhựa kém hiệu quả sang trồng cao su tại địa bàn huyện Quảng Trạch, hiện cây cao su đang sinh trưởng và phát triển tốt.

Nhờ ổn định sản xuất nên doanh thu hàng năm của công ty luôn đạt từ 35 - 40 tỷ đồng, thực hiện ngân sách Nhà nước mỗi năm bình quân 4,5 - 5 tỷ đồng; thu nhập người lao động mỗi năm tăng từ 15 - 20%. Riêng trong năm 2012 thu nhập bình quân của người lao động tại công ty đạt 4 triệu đồng/người/tháng; BHXH, BHYT, BHTN và các chế độ của người lao động được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Trong các tháng đầu năm 2013 công ty đang tổ chức trồng 150 ha rừng vụ xuân; chuẩn bị hiện trường để tổ chức trồng 400 ha rừng kinh tế và tạo giống 1,2 triệu cây giống lâm nghiệp theo kế hoạch sản xuất năm 2013.

Để tạo bức đi vững chắc, công ty đã chủ động phương án liên doanh trồng cao su với Tập đoàn Công nghiệp và Cao su Việt Nam. Qua điều tra khảo sát bước đầu của Tập đoàn Công nghiệp và Cao su Việt Nam thì diện tích đất của công ty có thể đưa vào liên doanh chỉ được 1.300 ha đất nằm ở 2 chi nhánh Lâm trường Bố Trạch và Bồng Lai. Nếu như việc liên doanh thành công thì trong vài ba năm tới công ty có khoảng 2.000ha cây cao su, đủ việc làm ổn định lâu dài cho 2.000 hộ gia đình công nhân và người dân trong vùng.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất của công ty là việc người dân ở một số xã ở Bố Trạch ngang nhiên xâm lấn đất đai, cản trở việc sản xuất trồng cây cao su của các lâm trường. Trong năm 2012 nhiều người dân ở thôn Bồng Lai 1 và Bồng Lai 2 (xã Hưng Trạch) và người dân thôn Ngọn Rào (xã Xuân Trạch) xâm lấn đất của Lâm trường Bồng Lai, Lâm trường Bố Trạch chưa được ngăn chặn có hiệu quả.

                                                               Trọng Thái


 

,
.
.
.