Lúa tái sinh và những cảnh báo

Cập nhật lúc 07:36, Thứ Sáu, 21/09/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Một thực tế không thể phủ nhận là lúa tái sinh (TS) đã tăng lên nhanh chóng mà nguyên nhân là có những ưu thế trong canh tác, lợi nhuận cho người sản xuất cao hơn lúa hè-thu... Tuy nhiên, phát triển lúa tái sinh theo khuôn khổ nào là vấn đề cần có sự khẳng định cụ thể, có sức thuyết phục...

Lúa TS đã có từ ngàn xưa, cụ thể hơn là từ khi có lúa nước. Bởi một điều đơn giản là lúa TS mọc từ thân cây lúa sau thu hoạch...Nhưng ngày xưa lúa TS không được coi là một hình thức sản xuất mà tên gọi cũng đơn giản hơn như lúa con, lúa chét. Kể từ hơn chục năm lại đây lúa TS đã được coi là một hình thức canh tác, có đầu tư, có thu hoạch và tiếp đó là có... tranh cãi!

Cũng cần nói rõ để có sự phân biệt giữa hai loại lúa trong vụ hè-thu, đó là lúa TS như nói ở trên và lúa gieo cấy theo phương pháp truyền thống gọi là lúa hè-thu. Lệ Thuỷ là nơi “phát tích” lúa TS từ những năm cuối của thế kỷ trước. Và hơn một thập kỷ qua nó phát triển nhanh không chỉ trên địa bàn huyện Lệ Thuỷ mà loang rộng ra các huyện liền kề như Quảng Ninh, Bố Trạch.

Nếu năm 2001, diện tích lúa TS toàn tỉnh là 1.452ha thì năm 2008 là 6.010ha và đến vụ hè-thu năm nay có con số là 9.186 ha, trong đó Lệ Thuỷ là  8.047 ha, chiếm tỷ lệ áp đảo 87,6%. Ở Quảng Ninh chỉ một vài xã như Vạn Ninh, An Ninh, Bố Trạch chỉ có Đồng Trạch có làm lúa TS. Hiển nhiên ở Lệ Thuỷ lúa TS đang lấn át lúa hè-thu, năm 2001 lúa hè-thu có diện tích là 5.221ha đến năm 2012 xuống còn 1.350ha.

Ưu thế của lúa tái sinh

Sự tồn tại và phát triển đến...bất ngờ ở trên của lúa TS hẳn đã nói lên ưu thế của nó trong canh tác và cả lợi nhuận. Theo anh Võ Văn Khinh, Chủ nhiệm HTX Thượng Phong (Phong Thuỷ-Lệ Thuỷ), lúa TS có các ưu điểm chính: tránh được lũ vì thời gian sinh trưởng ngắn, ngắn hơn lúa hè- thu gieo cấy bình thường từ 40-45 ngày.

Thu hoạch lúa tái sinh.
Thu hoạch lúa tái sinh.

Thứ hai là đầu tư ít, mỗi sào chỉ bón 3kg đạm xong là chờ ngày gặt. Trời ơi vậy mà năng suất ngót nghét 15-20 tạ/ha. Đó là trước đây khi lúa TS mới manh nha. Còn bây giờ lúa TS đã đạt năng suất đến 35 tạ/ha ở HTX Phong Thuỷ nhờ những phương thức canh tác mới, đầu tư lớn hơn... Và tất nhiên biên độ lãi giữa làm lúa TS và lúa hè- thu đã gia tăng đáng kể.

Theo anh Khinh, độ chênh lệch về lợi nhuận giữa TS và hè- thu là 95kg/sào. Nguồn lãi này là thuộc về hộ sản xuất. Đây là cốt lõi của vấn đề phát triển lúa TS với tốc độ lớn mặc cho chính quyền các cấp đã có những khuyến cáo. Nhưng với những địa phương khác thì khiêm tốn hơn, chẳng hạn như ở Phú Thuỷ ( HTX Văn Xá) thì chênh lệch giữa lúa TS và hè- thu chỉ ở mức 800 ngàn đồng/ ha.

Một điều đáng ghi nhận nữa là sự phát triển lúa TS đã gia tăng đáng kể diện tích trồng lúa. Chẳng hạn như ở Lệ Thuỷ trước đây nhiều chân lúa 1 vụ sau vụ đông- xuân thường bỏ hoang, nay là lúa TS. Vì vậy diện tích vụ hè-thu ở Lệ Thuỷ đã tăng từ 5.221 ha năm 2001 lên 9.347 ha trong năm 2012.

Tranh cãi...

Nhưng khi phát triển lúa TS đã có nhiều luồng dư luận trái chiều nhau. Có ý kiến cho rằng làm lúa TS có nhiều cái lợi, trong đó là né được lũ, thứ hai là hộ gia đình có lợi nhuận khá hơn làm lúa hè-thu. Trong những ưu thế trên thì ưu thế thời gian là rất quan trọng, nhất là với diện tích thấp lụt. Đây cũng là lý do khiến lúa TS ở Lệ Thuỷ lại phát triển nhanh đến thế.

Nhưng luồng ý kiến thứ hai đã khoét sâu vào những hạn chế của lúa TS. Đó là năng suất thấp hơn lúa hè-thu khoảng 17-20 tạ/ha, nên tổng sản lượng toàn cục bị giảm (năm 2012 giảm hơn 6 ngàn tấn). Thứ hai là lúa TS dung dưỡng mầm bệnh, trong đó nặng nề nhất là chuột. Từ các chân ruộng TS nạn dịch bệnh sẽ đe dọa lúa hè-thu liền kề, dù chi phí phòng trừ dịch bệnh, chuột đã tăng lên rất lớn nhưng lúa hè-thu vẫn thất bát. Đây cũng là lý do khiến lúa TS “lây lan” nhanh chóng, nhiều địa phương không chịu nổi chuột nên đành phải “té nước theo mưa” làm lúa TS. Anh Lê Đức Nhường, Chủ nhiệm HTX Văn Xá (Phú Thuỷ- Lệ Thuỷ) còn cho rằng  nên 3 năm làm lúa TS thì có một vụ làm lúa hè- thu để cắt mầm bệnh, chuột.

Tiếp đó, là nếu để lúa TS thì không thể sử dụng cơ giới hoá trong thu hoạch vụ đông- xuân trước đó. Mặt khác lúa TS lệ thuộc rất lớn vào lúa bố mẹ, nếu vụ đông – xuân lúa gãy đổ, sinh trưởng kém thì lúa TS cũng bị mất mùa. Một khía cạnh khác liên quan đến giống, đó là làm lúa TS thì khó đưa các bộ giống chất lượng cao, chất lượng gạo tốt vào sử dụng vì những giống lúa này khả năng tái sinh kém. Ngoài ra các công trình thuỷ lợi lớn đã đầu tư không phát huy hết hiệu quả gây lãng phí; nguồn thu phí dịch vụ các địa phương giảm đáng kể...

Mặc dù tranh cãi quyết liệt nhưng có thể nói rằng, với địa bàn huyện Lệ Thuỷ lúa TS đã thắng thế, bởi khi hộ nông dân được lợi thì sự lựa chọn lúa TS là điều đương nhiên. Vậy xem ra việc “ai thắng ai giữa hai quan điểm” trên thực tế đã rõ. Vừa qua Sở Nông nghiệp và PTNT đã có cuộc hội thảo, kết luận hội thảo đã nêu rõ trên diện tích nào phát triển lúa TS, diện tích đất nào phải làm lúa hè- thu. Trên chân ruộng 1 vụ và 2 vụ bấp bênh sự lựa chọn lúa TS đã không còn bàn cãi mà khuyến khích người dân tiếp tục nâng cao trình độ canh tác để tăng năng suất và lợi nhuận. Điều đọng lại là trên chân đất 2 vụ ăn chắc người dân có làm lúa hè- thu theo ý kiến kết luận tại hội thảo?

Lối đi nào...

Ở đây chúng tôi xin đề cập thêm một số vấn đề khác liên quan đến sản xuất lúa trên chân đất 2 vụ ăn chắc. Câu hỏi đặt ra là lúa TS có phải là sự lựa chọn trong tương lai? Thứ hai là làm thế nào để lúa hè-thu “thắng” lúa TS trên đồng ruộng mà cụ thể là thuyết phục được hộ nông dân trồng lúa bằng lợi nhuận, chứ không phải bằng tranh cãi hay biện pháp hành chính.

Nhà nước đầu tư nhiều công trình thuỷ lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nhà nước đầu tư nhiều công trình thuỷ lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo chúng tôi lúa TS có hai hạn chế khá cơ bản. Thứ nhất là không sử dụng được cơ giới hoá trong thu hoạch. Để làm lúa TS thì vụ đông- xuân phải gặt tay chứ không thể gặt bằng máy.Và hạn chế này đã đi ngược lại xu thế mang tính thời đại: cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp. Thứ hai, trong khi cuộc cánh mạng về giống đang diễn ra với tốc độ cao thì lúa TS vẫn phải dùng những thứ giống cũ, hay nói cách khác sản xuất lúa TS có nhiều hạn chế trong ứng dụng những tiến bộ về giống. Bởi vậy, lúa TS không thể là sự lựa chọn trong tương lai.

Nhưng khi lúa TS đã đi vào lòng dân thì rất khó dùng các biện pháp hành chính để lôi kéo người dân trở lại với cách canh tác truyền thống là làm lúa hè- thu. Vậy để người dân trở lại với lúa hè- thu cần phải làm gì? Theo chúng tôi cần tập trung vào một số việc sau đây. Đó là phải cơ cấu bộ giống né được lũ. Nếu ở tỉnh ta mà cụ thể ở Lệ Thuỷ, lúa hè-thu thu hoạch trước 25-8 thì được coi là an toàn cao. Người dân tỉnh ta nói chung và Lệ Thuỷ nói riêng ám ảnh bởi lũ lụt đe doạ lúa hè-thu, bao nhiêu lần mất mùa vì lũ, nhìn thấy mà không được ăn dù lúa hè-thu tốt bời bời.

Điều này có thể làm được khi có một số bộ giống cực ngắn đang được các cơ quan chuyên môn thử nghiệm trên địa bàn tỉnh ta. Thứ hai,  tạo được bộ giống chất lượng cao, ngon gạo, năng suất khá... và đặc biệt là giá bán trên thị trường cao. Vấn đề tiếp theo là có các biện pháp ngăn chặn được dịch bệnh trên lúa hè-thu. Một thực tế là nhiều địa phương đã không trụ nổi khi làm lúa hè- thu bởi nạn chuột, các dịch bệnh khác đang ngày càng gia tăng. Khi có những yếu tố trên, chính quyền phải tổ chức làm điểm để người dân thấy sự vượt trội của lúa hè-thu ngay trên cánh đồng họ đang một nắng hai sương...

Lúa TS đang là sự lựa chọn của người dân Lệ Thuỷ và đang có chiều hướng loang rộng trên địa bàn trong tỉnh. Nhưng đây là giải pháp tình thế, một phương thức canh tác mang nặng tính... thủ công, nhỏ lẻ, không có sắc màu làm ăn lớn. Phương thức này lại đang kìm hãm sản lượng lương thực (năm 2012 giảm hơn 6 ngàn tấn so với sản xuất lúa hè-thu truyền thống như đã đề cập đến ở trên), trong dăm bảy năm tới sẽ đe dọa bảo đảm an ninh lương thực ngay trên địa bàn tỉnh...

Một khi chúng ta đã nhìn thấy con đường không sáng sủa mà không có biện pháp hữu hiệu để dịch chuyển hướng đi cho cộng đồng là một khiếm khuyết lớn!

                                                                            Văn Hoàng











 

,
.
.
.