Kỳ vọng Ba Đồn

Cập nhật lúc 07:45, Thứ Tư, 30/05/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Tôi về Ba Đồn, trung tâm huyện lỵ Quảng Trạch trong không khí rạo rực, hân hoan của cán bộ và các tầng lớp nhân dân nơi đây đón chào một sự kiện lớn: kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng thị trấn. Hòa mình vào niềm vui này, trong tôi không khỏi có một chút nghĩ suy về vùng đất nép mình bên dòng Gianh lịch sử, đang vươn mình về phía trước...

Ba Đồn được hình thành từ một làng nhỏ nằm ven mạn bắc sông Gianh. Thời Trịnh- Nguyễn phân tranh, vùng đất này là nơi đồn trú của quân Trịnh nhằm chống lại sự xâm lấn của tập đoàn phong kiến phương Nam ngày đêm rình rập bên kia sông. Qua thời gian, với sự cần cù, năng động của người dân bản xứ, nhất là sự hình thành và phát triển của các phiên chợ, Ba Đồn dần nổi danh là nơi giao thương, buôn bán, trao đổi hàng hóa, sản vật của người dân đến từ khắp các vùng xuôi ngược Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Thậm chí, cả những tay thương lái tận mãi Lào Cai, Yên Bái... cũng góp mặt trong các phiên chợ Đồn đông đúc...

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, từ một làng nhỏ có tên là làng Phan Long năm xưa, Ba Đồn đã được điểm tô để mang dáng hình của một thị trấn đang cựa mình phát triển mạnh mẽ trong sự nghiệp đổi mới. Khung cảnh sầm uất, đường ngang ngõ dọc nối tiếp nhau, các khu dân cư được quy hoạch hợp lý, nhà cửa san sát đông vui của thị trấn luôn để lại ấn tượng thật khó quên cho những ai có dịp ghé qua đây, dù chỉ một lần.

Hàng ngàn hộ kinh doanh trên các tuyến đường của thị trấn.
Thị trấn sầm uất

Chợ Ba Đồn cũng vậy, trong những năm bao cấp, hay gần đây thời điểm khó khăn, lạm phát của nền kinh tế, vẫn tấp nập kẻ bán người mua, vẫn xứng danh là một chợ lớn nổi tiếng khắp dải đất miền Trung. Sản vật, hàng hóa của các làng quê, phường phố vẫn theo các ngã đường bộ, đường sông đổ về, góp phần quan trọng làm cho chợ thị trấn trở nên sầm uất, thịnh vượng. Những ngày có phiên chợ, nhất là các phiên chợ gần Tết Nguyên đán, người dân từ các vùng trong huyện, người Đồng Hới, Kỳ Anh, Hà Tĩnh... cứ nườm nượp, đông vui như đi trẩy hội. Người ở xa thường tới chợ từ đêm hôm trước, để hôm sau đã có thể bắt đầu mua bán.

Cùng tôi rảo bước trước đình Phan Long, ngôi đình vốn nổi tiếng từ xa xưa của vùng đất Ba Đồn, nay được phục dựng xây mới với quy mô hoành tráng, ông Nguyễn Văn Liên, Chủ tịch UBND thị trấn khoe rằng: Nhằm khôi phục và phát triển những giá trị truyền thống văn hóa tâm linh, tạo dựng lại dấu ấn sâu sắc của quê hương, Đảng bộ và nhân dân Ba Đồn đã quyết định dựng lại ngôi đình vào năm 2006 ngay trên nền đất cũ, năm 2009 hoàn thành. Tổng kinh phí để xây dựng đình khoảng 20 tỷ đồng. Ông Nguyễn Xuân Đức, một người con của quê hương Phan Long hiện đang sinh sống ở Huế tài trợ 19 tỷ đồng, số còn lại do con em trong làng đóng góp. Người Ba Đồn chúng tôi đặc biệt tự hào với ngôi đình này. Những lúc lễ, tết đây là nơi diễn ra hầu hết các hoạt động lễ hội, văn hóa tâm linh của người dân địa phương.

Chấm phá một đôi chút để thấy rằng, những gì mà người Ba Đồn có được ngày hôm nay là cả một quá trình dài biết kế thừa và phát triển rất mạnh mẽ các giá trị truyền thống của ông cha. Biết kế thừa mấy trăm năm truyền thống giao thương, buôn bán của vùng đất, hiện tại, thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp của địa phương đã phát phát triển hết sức mạnh mẽ, người dân năng động, nhạy bén trong làm ăn kinh tế, mở mang ngành nghề.

Toàn thị trấn hiện có đến 1.460 hộ dân kinh doanh dịch vụ có quy mô khá lớn, 136 doanh nghiệp tư nhân, nhiều người con em Ba Đồn trở thành những doanh nhân thành đạt. Kế thừa truyền thống văn hóa tinh thần có từ xa xưa, ngày nay các hoạt động tín ngưỡng, trò chơi, lễ hội dân gian, văn nghệ, thể thao của thị trấn luôn diễn ra sôi nổi, đặc sắc, trở thành một nét đẹp trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới. Người Ba Đồn bộc trực, thẳng thắn, thích giao thiệp và mến khách. Kế thừa truyền thống quật cường, yêu nước của dân tộc, già trẻ, gái trai Ba Đồn không ngại ngần khó khăn, gian khổ, mất mát hy sinh, một lòng theo cách mạng, đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, góp phần làm nên nhiều chiến tích vẻ vang, đặc biệt là công cuộc giải phóng thị trấn cách đây tròn 60 năm.

Thị trấn ngày càng giàu đẹp văn minh, đời sống người dân được cải thiện từng ngày, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới ở Ba Đồn hiện tại chỉ còn 5,1%, dự kiến đến cuối năm 2012 còn 3,5%. Và cho dù đối mặt với cơn bão lạm phát, suy thoái kinh tế trong liên tục mấy năm qua, kinh tế- xã hội của địa phương vẫn tăng trưởng không ngừng, hoạt động kinh doanh, buôn bán của người dân vẫn được duy trì và ổn định, tỷ lệ hộ giàu vẫn giữ được ở mức 50-60%, đặc biệt trên địa bàn đã xuất hiện đến 3 siêu thị, đáp ứng ngày càng tốt hơn sức mua của người dân. Cơ sở hạ tầng vẫn không ngừng được xây dựng, hoàn thiện...

Chắc chắn phải hội đủ nhiều yếu tố khác nữa, nhưng có thể khẳng định rằng, chính sự phát triển ổn định và tầm ảnh hưởng của thị trấn, nằm trong khu vực mà tỉnh và huyện đã quyết tâm phải đưa Ba Đồn trở thành đô thị loại IV, làm cơ sở để tiến tới phát triển lên thành thị xã trong tương lai gần.

Chủ trương đúng đắn này đã trở thành hiện thực, khi ngày 18-4, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định công nhận thị trấn Ba Đồn mở rộng thuộc tỉnh Quảng Bình là đô thị loại IV. Theo đó, thị trấn Ba Đồn mở rộng dựa trên cơ sở thị trấn Ba Đồn và 5 xã xung quanh, gồm các xã Quảng Thọ, xã Quảng Long, xã Quảng Thuận, xã Quảng Phong, xã Quảng Phúc và thôn Xuân Kiều, xã Quảng Xuân. Đề án đề nghị công nhận thị trấn Ba Đồn mở rộng là đô thị loại IV đã khẳng định rõ, Ba Đồn là thị trấn huyện lỵ, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Quảng Trạch trong tổng thể các đô thị của tỉnh và cả nước, nằm trong quy hoạch xây dựng vùng nam Hà Tĩnh - bắc Quảng Bình và được xác định là vùng kinh tế tổng hợp, động lực phát triển của hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Tin thị trấn Ba Đồn mở rộng được công nhận đạt chuẩn đô thị loại IV lan nhanh, như tiếp thêm một luồng sinh khí mới, mát rượi, thổi tràn qua mọi con đường, gốc phố của vùng đất giàu tiềm năng này.
Một thị trấn mở rộng, một thị xã tương lai nằm nép mình bên dòng Gianh, ngước mặt đón gió biển Đông đang hình thành. Và khi đó, Ba Đồn sẽ thực sự trở thành một đô thị hiện đại, sầm uất với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, thương mại dịch vụ, văn hóa du lịch, kinh tế -xã hội phát triển mạnh mẽ, hài hòa, bền vững. Đây là một tương lai mới, sáng sủa, là thế đứng hiên ngang, xứng đáng của Ba Đồn, mà những người yêu mến vùng đất này, ai ai cũng đều có quyền kỳ vọng.

                                                                                                              A. T




 

,
.
.
.