.

Nghệ sĩ violin Trương Nhật Hoàng: "Để âm nhạc phương Tây đối thoại với nghệ thuật truyền thống..."

.
Chủ Nhật, 21/01/2018, 08:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Đã 3 năm trôi qua kể từ khi video clip “Say you do” của Hoàng Rob (Trương Nhật Hoàng) “làm mưa làm gió” trên mạng xã hội, đưa công chúng đến với những hình ảnh hoang sơ, diệu kỳ của mảnh đất Quảng Bình, giờ đây, chàng trai năm ấy đã thực sự trưởng thành, tạo dấu ấn trên thị trường âm nhạc Việt Nam như một nghệ sĩ violin thực thụ. Để có được thành công này, Trương Nhật Hoàng đã phải đánh đổi mồ hôi, nước mắt cùng sự kiên trì, khổ luyện, theo đuổi đam mê. Và hơn tất cả, dù ở bất cứ thời khắc nào, hình ảnh quê hương Quảng Bình vẫn vẹn nguyên và là động lực để anh vươn tới những mục tiêu xa hơn.

PV: Chỉ 3 năm sau video clip “Say you do” chơi đàn trong hang đá, Trương Nhật Hoàng đã có những “bứt phá ngoạn mục”: từ một chàng trai chơi violin tay ngang thành một nghệ sĩ được nhìn nhận và đánh giá cao, mà nổi bật là giải Nghệ sĩ mới của năm trong lễ trao giải âm nhạc Cống Hiến lần thứ 12 năm 2017. Nếu để lý giải thành công ngoạn mục này trong 3 từ, Hoàng sẽ nói gì?

- Nghệ sĩ Trương Nhật Hoàng: Nếu được chọn, Hoàng nghĩ 3 từ đó sẽ là: khác biệt, chăm chỉ và nghiêm túc. Sự may mắn và ngây ngô ban đầu đã cho Hoàng cơ hội được đến gần hơn với khán giả qua hiện tượng video clip quay tại hang Tiên gây tiếng vang cách đây 3 năm.

Trương Nhật Hoàng nhận giải Nghệ sĩ mới của năm trong lễ trao giải âm nhạc Cống Hiến lần thứ 12 năm 2017.
Trương Nhật Hoàng nhận giải Nghệ sĩ mới của năm trong lễ trao giải âm nhạc Cống Hiến lần thứ 12 năm 2017.

Nhưng, từ hình ảnh một "nghệ sĩ mạng" hay "hot boy chơi đàn" nổi lên sau một đêm cho đến việc trở thành một nghệ sĩ violin đương đại độc lập lại là một câu chuyện rất dài, mà trong đó, 3 từ trên đóng một vai trò rất quan trọng.

Trong 3 năm qua, Hoàng đã cố gắng đi một con đường khác biệt, chứng minh bản thân mình bằng sự chăm chỉ và cầu tiến. Bởi, đối với Hoàng, sự may mắn thì khó vững bền, chỉ có sự nỗ lực hết sức mới có thể giúp âm nhạc của mình ở lại trong lòng khán giả.

PV: Dù sống xa nhà, nhưng dường như quê hương Quảng Bình luôn gắn bó với Hoàng trong suốt quãng thời gian theo đuổi đam mê âm nhạc, từ khi có trong tay cây đàn violin đầu tiên rồi đến video clip quay ở hang Tiên và bây giờ khi ra mắt định dạng USB đầu tiên ở Việt Nam cho DVD concert Hừng Đông, tình yêu đó chiếm bao nhiêu % trong thành công của Hoàng?

- Nghệ sĩ Trương Nhật Hoàng: Dù đã sống gần 10 năm tại Hà Nội, nhưng quê hương luôn trong lòng Hoàng - nói một cách "toán học" thì Quảng Bình quyết định 90% thành công của Hoàng. Hoàng vẫn luôn cảm nhận rõ rệt rằng, mình là một người con của Quảng Bình, được mảnh đất này nuôi dưỡng bằng nhiều giá trị mà chỉ có mình mới hiểu được.

Điều ý nghĩa nhất là dấu mốc đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc của Hoàng đã gắn liền với nơi Hoàng sinh ra và lớn lên. Hoàng nghĩ rằng mình như một cái cây vậy, dù cành lá có vươn xa đến đâu, hoa có nở rộ đến đâu thì cội rễ vẫn gắn liền với Quảng Bình - cái gốc của mình, đó sẽ là điều không bao giờ thay đổi.

PV: Trong chương trình giao lưu “Quảng Bình trong lòng Hà Nội”, công chúng đã rất xúc động khi được nghe bài “Quảng Bình quê ta ơi” qua tiếng đàn violin của Hoàng, vậy lần nào chơi bản nhạc này gây xúc động nhất đối với Hoàng?

- Nghệ sĩ Trương Nhật Hoàng: Mỗi nhạc phẩm mà Hoàng chơi đều có những câu chuyện riêng để kể và âm nhạc đều trở nên thật đẹp khi được gắn liền với ký ức. Hoàng may mắn khi có nhiều cảm xúc với những bản nhạc được các tác giả viết riêng cho mình và những ký ức của mình.

Nhưng khoảnh khắc xúc động nhất vẫn là lúc Hoàng bước ra sân khấu với "Quảng Bình quê ta ơi", lúc đó Hoàng thấy mình vẫn là một cậu bé lang thang chơi đùa bên bờ biển Nhật Lệ, vẫn bắt đầu buổi sáng với tô bánh canh quen thuộc, vẫn lẽo đẽo đi theo bà nội dạo quanh chợ Đồng Hới... Đó là những ký ức quý giá mà không thể tìm thấy ở bất cứ bản nhạc nào khác.

PV: Hoàng được biết đến nhiều như một nghệ sĩ dám trải nghiệm những cái mới, như trong concert Hừng Đông của mình, tiếng đàn violin của Hoàng đã đối thoại, giao thoa với những loại hình nghệ thuật khác nhau, từ đàn nhị, ca trù cho đến các giọng ca nhạc nhẹ đương đại như Hà Trần, Thu Phương. Vậy với các di sản phi vật thể của quê hương như hò khoan Lệ Thủy, Hoàng đã bao giờ nghĩ đến sự kết hợp này chưa?

- Nghệ sĩ Trương Nhật Hoàng: Chắc chắn là có rồi, có lẽ là năm sau, Hoàng sẽ cho ra mắt dự án âm nhạc mà Hoàng đã ấp ủ khá lâu. Đây sẽ là những đối thoại mới từ cây đàn violin với các loại hình nghệ thuật truyền thống mang đậm bản sắc Việt Nam và hò khoan Lệ Thuỷ sẽ là một trong số đó.

Nhưng, nói chung, dự án sẽ là một bài toán khó vì sự đối thoại và giao thoa trong âm nhạc, nhất là giữa một nhạc cụ phương tây và các giá trị dân tộc là một thử thách lớn khi phải làm sao để vừa có được sự hài hoà, vừa tôn lên những bản sắc của nhau. Đó chắc chắn sẽ là "cuộc nói chuyện" rất lịch lãm và mềm mại.

Tuy nhiên, trước hết, chắc chắn Hoàng sẽ sắp xếp về Lệ Thuỷ sớm để tìm hiểu kỹ càng hơn về loại hình nghệ thuật này.

P.V: Được biết, Hoàng từng tổ chức một số liveshow nhỏ ở Quảng Bình để phục vụ công chúng yêu nhạc, nhưng một đêm nhạc lớn, thu hút nhiều khán giả hơn ở quê hương Quảng Bình đã nằm trong kế hoạch sắp tới của Hoàng chưa?

- Nghệ sĩ Trương Nhật Hoàng: Đây cũng là điều mà Hoàng trăn trở lâu nay, nhưng có lẽ cũng sẽ mất một thời gian nữa để triển khai. Là một nghệ sĩ đã có đêm nhạc riêng của mình tại thánh đường Nhà Hát Lớn Hà Nội, Hoàng hiểu rõ rằng, một đêm nhạc riêng kéo dài trong 2 tiếng thật sự là một khối lượng công việc và chi phí khổng lồ mà chỉ riêng Hoàng thì khó có thể thực hiện.

Với tính cầu toàn của Hoàng, nếu là một đêm nhạc ở quê hương thì phải hội tụ những điều tinh tuý nhất. Nên chắc chắn, sẽ cần nhiều hơn những sự đồng hành và tạo điều kiện từ chính quê hương mình. Hoàng vẫn mong được đứng trên một sân khấu riêng của mình ở sát bờ biển quê hương, dành tặng âm nhạc của mình đến với mảnh đất đã nuôi lớn mình.

P.V: Giờ đây, nhắc về Hoàng, khái niệm “Hoàng Rob” chuyên các bản cover nhạc trẻ đình đám dường như đã lùi xa, người ta nói đến nhiều hơn về Nhật Hoàng, một nghệ sĩ violin dám cống hiến, dám đam mê với nhiều cái đầu tiên, như: là nghệ sĩ nhạc cụ đầu tiên có live concert với Hừng Đông; nghệ sĩ đầu tiên lọt vào đề cử và chiến thắng với số phiếu bầu áp đảo ở hạng mục Nghệ sĩ mới của năm tại giải thưởng âm nhạc Cống Hiến mà không phải là ca sĩ; nghệ sĩ đầu tiên ra DVD định dạng USB ở Việt Nam... Đâu là những cái đầu tiên nữa mà Hoàng đang hướng đến?

- Nghệ sĩ Trương Nhật Hoàng: Hoàng nghĩ rằng cho tới cuối cùng thì mục đích và niềm vui của việc được theo đuổi nghệ thuật đó là đào xới bản thân mình nhiều hơn và phát quang những con đường mới.

Đó là lý do Hoàng đã cố gắng làm những điều chưa ai làm dù cụm từ "đầu tiên" ngoài vinh quang thì luôn đối diện với những khó khăn, thử thách và nhiều ý kiến hoài nghi. Hoàng hiện tại vẫn đang làm những sản phẩm âm nhạc mà mình yêu thích chứ không làm chỉ vì để là người tiên phong, điều Hoàng mong muốn nhất vẫn là đưa được tiếng đàn của mình tiếp cận gần hơn với số đông người nghe nhạc.

P.V: Không hề quá lời khi nhận định Hoàng là một trong những tấm gương để người trẻ học hỏi về theo đuổi đam mê, cống hiến hết mình cho âm nhạc để từ một nhạc công nhận cát sê mấy chục ngàn một buổi cho đến trưởng thành vượt bậc và có thành công như hôm nay, nếu chia sẻ về nỗ lực này với giới trẻ, nhất là bạn trẻ Quảng Bình, Hoàng sẽ nói gì?

Trương Nhật Hoàng “phiêu” cùng cây đàn violin trên sân khấu.
Trương Nhật Hoàng “phiêu” cùng cây đàn violin trên sân khấu.

- Nghệ sĩ Trương Nhật Hoàng: Nếu có một điều để sẻ chia với các bạn, Hoàng mong các bạn hãy lắng nghe bản thân nhiều hơn để biết rằng mong muốn lớn nhất của cuộc đời mỗi người là gì. Hãy cứ đam mê, nhiệt thành và nghiêm túc với những điều mà các bạn theo đuổi rồi để rồi dù có thành công vượt bậc hay không, cảm giác được là mình, được theo đuổi trọn vẹn mục đích sống của mình vẫn là trải nghiệm tuyệt vời.

Và quan trọng nhất là hãy sống và cống hiến với sự tự hào rằng chúng ta đã được sinh ra và lớn lên ở một mảnh đất dù nắng gió nhưng vẫn luôn đẹp một cách kiên cường.

P.V: Năm 2018, Hoàng theo đuổi những kế hoạch dài hơi nào và Quảng Bình có là điểm đến trong đó không?

- Nghệ sĩ Trương Nhật Hoàng: Năm 2018 sẽ là một năm mà Hoàng phải hoạt động hết công suất vì sẽ có khá nhiều sản phẩm âm nhạc ra mắt trong năm nay. Hoàng sẽ cho ra mắt 2 album mới và tổ chức đêm nhạc tiếp theo của mình tại Nhà Hát Lớn TP.Hồ Chí Minh vào giữa năm. Hoàng cũng sẽ có sự kết hợp với các nghệ sĩ quen thuộc được nhiều khán giả yêu mến. Hoàng cũng đang triển khai quay MV mới trong đó sẽ có những hình ảnh về quê hương và con người Quảng Bình.

P.V: Được biết, không chỉ là người đam mê và theo đuổi âm nhạc, Hoàng cũng rất nghiêm túc trong chuyện học tập với tấm bằng thạc sĩ kinh tế và đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ. Vậy đâu là đích đến của Hoàng, một nghệ sĩ hay một doanh nhân?

- Nghệ sĩ Trương Nhật Hoàng: Hoàng vẫn luôn biết ơn và trân trọng gia đình mình vì đã luôn hướng cho Hoàng một lối đi chắc chắn. Dù đam mê với âm nhạc có lớn thế nào thì con đường học vấn vẫn luôn là điều quan trọng nhất. Chính vì vậy, dù lịch trình có bận bịu đến đâu, Hoàng vẫn sắp xếp để học và nghiên cứu tiến sĩ chuyên ngành kinh tế.

Hoàng không quá tách bạch rằng mình phải là một nghệ sĩ hay doanh nhân, hiện tại, Hoàng cũng có vài mô hình kinh doanh của riêng mình song song với con đường nghệ thuật. Mọi thứ vẫn diễn ra rất hài hoà thoải mái, không điều nào chen lấn điều nào - bởi suy cho cùng thì kinh tế vẫn là nghệ thuật, và một người nghệ sĩ thành công vẫn cần những tư duy nhạy bén từ mảng kinh tế.r

Mai Nhân (thực hiện)


 

  • Đạo diễn, NSND Nguyễn Thước: Người làm phim tài liệu cần nhất là bản lĩnh sống

    (QBĐT) - Tròn 20 năm sau khi thực hiện bộ phim tài liệu "Trở lại Ngư Thủy", với đạo diễn, NSND Nguyễn Thước, mỗi lần đặt chân đến Quảng Bình đều như một cuộc trở về.
    19/11/2017
    .
  • Để người trẻ định vị mình trong thi ca

    (QBĐT) - Gặp lại nhà lý luận phê bình (LLPB) Hoàng Thụy Anh trong một ngày mưa chớm lạnh đầu đông.
    12/11/2017
    .
  • Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ: Tôi có một niềm tin mạnh mẽ vào hò khoan Lệ Thủy

    (QBĐT) - Cách xa hàng trăm km, nhưng dăm bữa, nửa tháng lại thấy ông tất tả ngược vào Lệ Thủy, có mặt ở hầu hết những sự kiện lớn, nhỏ, cùng CLB nghệ nhân hò khoan tập luyện, nghiên cứu, sưu tầm. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ gắn bó thiết thân với miền quê Lệ Thủy không chỉ bởi trách nhiệm của một người làm công tác nghiên cứu, mà bởi ông đã dành một tình yêu tha thiết với điệu hò khoan nơi đây.
    17/09/2017
    .
  • "Chàng trai vàng" Nguyễn Thế Quỳnh và ước mơ tạo dấu ấn khoa học

    (QBĐT) - Nguyễn Thế Quỳnh là học sinh đầu tiên giành "cú đúp" huy chương vàng quốc tế trong lịch sử Giáo dục-Đào tạo Quảng Bình.
    06/08/2017
    .
  • Khi người trẻ viết sử

    (QBĐT) - Một cuốn sách có hơn 5.000 ấn bản được đặt trước, 1.000 ấn bản đặc biệt được bán hết chỉ sau 4 giờ đồng hồ, giấy phép tái bản lấy ngay trong ngày phát hành online đầu tiên, các buổi ra mắt sách tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng thu hút hàng nghìn bạn trẻ yêu sách...
    30/07/2017
    .
  • Khi nào tỉnh ta sẽ có một "Ánh Viên", "Quý Phước"?

    (QBĐT) - Kể từ khi cố VĐV Trần Xuân Hiền giành chiếc huy chương bạc danh giá tại đấu trường SeaGame 21 cách đây 15 năm, bơi lội Quảng Bình vẫn chưa có được thành tích nào vang dội như thế, mặc dù chúng ta có những lứa VĐV vô cùng tiềm năng, như: Phạm Thị Huệ, Hoàng Thị Hạnh, Hoàng Thị Cúc, Lê Thị Việt Trinh…
    02/12/2016
    .
  • Càng "chạm" vào lịch sử, càng thấy yêu quê hương

    (QBĐT) - Trải qua những bước thăng trầm của thời gian, với niềm đam mê ấp ủ từ lâu, hình ảnh mảnh đất Quảng Bình xưa luôn được hiện hữu rõ nét trong tâm thức của anh Phan Thanh Xuân (Đức Ninh, Đồng Hới).
    19/11/2016
    .
  • Để trò yêu sử, thầy phải truyền được lửa đam mê

    (QBĐT) - Cứ mỗi mùa thi tốt nghiệp THPT đến, nhìn những phòng thi môn Lịch sử luôn vắng vẻ đến ám ảnh trên khắp cả nước, bất kỳ ai quan tâm đến môn học được mệnh danh "cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam" này lại không khỏi chạnh lòng.
    04/11/2016
    .