.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ: Tôi có một niềm tin mạnh mẽ vào hò khoan Lệ Thủy

Chủ Nhật, 17/09/2017, 09:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Cách xa hàng trăm km, nhưng dăm bữa, nửa tháng lại thấy ông tất tả ngược vào Lệ Thủy, có mặt ở hầu hết những sự kiện lớn, nhỏ, cùng CLB nghệ nhân hò khoan tập luyện, nghiên cứu, sưu tầm. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ gắn bó thiết thân với miền quê Lệ Thủy không chỉ bởi trách nhiệm của một người làm công tác nghiên cứu, mà bởi ông đã dành một tình yêu tha thiết với điệu hò khoan nơi đây.

- Cơ duyên nào đưa ông – một người con xứ Nghệ - đến với hò khoan Lệ Thủy?

- Trong giáo lý nhà Phật có khái niệm nhân duyên. Nhân là nguyên nhân bên trong, tự mình. Duyên là cơ duyên mà các mối quan hệ khách quan đem lại. Tôi làm nghề nghiên cứu và giảng dạy văn học, văn hóa dân gian, đó là nhân. Dân ca mọi vùng miền chúng tôi đều phải quan tâm tìm hiểu mới giảng dạy được. Tôi cũng từng hướng dẫn một số luận văn đại học trước đây về hò khoan Lệ Thủy.

Về cái duyên thì trực tiếp hơn. Cuối năm 2015 âm lịch, tôi được nhờ viết  kịch bản và tổng đạo diễn Lễ hội Di tích chùa Hoằng Phúc, ngôi quốc tự mà tôi được mời sáng tác câu đối, đại tự chữ Hán cũng như khởi thảo văn bia trước đó. Trong lễ hội, theo yêu cầu của ban tổ chức, cần có tiết mục hò khoan quê hương.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ sinh năm 1955. Ông từng là giảng viên của Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục tham gia nghiên cứu về văn hóa dân gian và có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, phát triển và quảng bá hò khoan Lệ Thủy.

Tôi đã tiếp cận Câu lạc bộ nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy. Đó là một cơ may cho tôi với tư cách nhà nghiên cứu. Tôi xin làm một thành viên tình nguyện của CLB vì nghĩ rằng hơn 40 năm kinh nghiệm của mình có thể có ích cho dân ca đẹp đẽ này. Tôi viết ngay hai tiểu phẩm Huyền thoại Trần Nhân Tông và Xuống thuyền đi hội chùa Quan. CLB đã dàn dựng thành công trong vòng mươi ngày tập. Đó là kỷ niệm đầu tiên.

- Ở một số tiết mục hò khoan Lệ Thủy, ông vừa là người biên đạo, vừa viết lời. Điều đó cho thấy, ông đã có một quá trình nghiên cứu rất sâu về hò khoan Lệ Thủy?

- Tôi có sở trường viết lời cổ cho quan họ, chầu văn, chèo... Vì vậy, khi tiếp cận hò khoan Lệ Thủy, tôi không mấy bỡ ngỡ. Trong tổng kho tàng hò khoan Lệ Thủy cổ đã sưu tầm gồm 1.041 lời ca, có đến hơn 780 bài trên khuôn thức song thất lục bát, chiếm 76,6%. Đó là một điều đặc biệt. Các thể thơ dân tộc lại là cái mà tôi được đào tạo và thân thuộc. Vấn đề là tôi tìm hiểu năng lực từng nghệ nhân để viết đúng sở trường hát của họ cũng như dùng bộ ngôn ngữ thế kỷ XIX về trước để viết. Đất Lệ Thủy là đất học, đất văn hiến, nghệ nhân các thế kỷ trước họ hát chữ nghĩa chín chắn lắm, cần học họ!

Nhu cầu mở rộng của môi trường trình diễn khiến tôi phải viết để làm vốn cho CLB. “Cuốn theo chiều gió” thôi. (cười). Vừa làm vừa học hỏi. Chỉ trên nhu cầu hiện thực, các lý thuyết trường quy mới được kiểm nghiệm.

Tôi thích sự có ích trực tiếp cho cuộc sống hơn là nghiên cứu kinh viện. Còn nông hay sâu thì tôi thấy cần phải làm nhiều việc hơn nữa để thấu hiểu nó. Với tư cách là người đọc sách, tôi cho rằng, từ năm 1946 đến nay, ta chưa thấu đáo về hò khoan Lệ Thủy lắm đâu, dù đã có nhiều thế hệ nghiên cứu nó. Tôi còn phải học nhiều hơn nữa dù đã già.

Đến nay, qua 17 tháng, tôi cũng đã viết được là 130 bài dài ngắn theo cách tính của văn học dân gian cho hò khoan Lệ Thuỷ. Tôi cũng không nghĩ mình "bốc" đến vậy. (cười)

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ (áo trắng) tham gia biên đạo, tập luyện cùng CLB Nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ (áo trắng) tham gia biên đạo, tập luyện cùng CLB Nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy.

- Những nét đẹp của hò khoan Lệ Thủy là gì, thưa ông?

- Là một hệ thống dân ca, hò khoan Lệ Thủy tập hợp một lúc nhiều giá trị làm nên đặc sắc văn hóa của nó. Tối thiểu là: Sự gắn bó tươi ròng của nó với mọi môi trường thực tiễn và tình thân nhân dân. Tính trữ tình vô cùng đậm đà trong âm nhạc, lời ca và diễn xướng dù gắn achặt với lao động trực tiếp. Tính phổ biến toàn dân, nhân dân yêu quý, bảo tồn, quảng bá. Khả năng bao dung nhiều phong cách khác trong tiếp biến văn hóa vì hò khoan Lệ Thủy có một nội lực mạnh mẽ, cũng giống như quan họ Bắc Ninh đủ sức bao dung xẩm, chèo, tuồng, văn, đúm, lý... vào hệ thống của mình.

Sự đa dạng các mái hò, các phong cách hát ở các nghệ nhân khác nhau. Khả năng tạo sinh mạnh mẽ trên mọi mặt. Đặc biệt là khả năng tạo nên các tổ hợp trình diễn để mở rộng dung lượng, khả năng làm chất liệu cho sáng tác ca khúc mới, khả năng sân khấu hóa trong môi trường hiện đại... Chúng ta chứng kiến hò khoan Lệ Thủy như một hệ thống thẩm mỹ đa dạng, phong phú.

- Theo ông, vì sao hò khoan Lệ Thủy được bảo tồn và phát triển cho đến hôm nay?

-Thứ nhất là nhân dân yêu quý những sáng tạo tinh thần của mình một cách bền vững. Trong tổng thể nhân dân đó, có những nghệ nhân suốt đời lưu giữ, bảo vệ nó như một tín đồ.

Trong hiện tại, ví dụ như nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Lý (Đại Phong) là con người hiếm hoi tôi từng gặp trong cả nước chứ không riêng Lệ Thủy. Thứ hai, cuộc Cách mạng Tháng Tám của chúng ta là một cuộc cách mạng dân chủ nhân dân. Thiết chế chính trị mới ngay từ đầu đã hướng đến nhân dân.

Trong văn hóa là hướng đến dân gian. Điều đó xuyên suốt trong chính sách văn hóa với tinh thần "dân tộc, đại chúng". Các cấp chính quyền luôn đưa nhiệm vụ bảo tồn văn hóa truyền thống trong chương trình hành động của mình. Không phải quốc gia nào cũng làm được đâu nhé! Thứ ba, cuộc sống đã trở lại thời bình, nhu cầu hát, quyền được hát ngày càng thể hiện tạo nên một môi trường thuận lợi. Mà bạn biết đấy, những gì sâu rễ, bền gốc, giá trị cao, chấp nhận phát triển... sẽ tồn tại lâu dài!

- Tôi nhớ trong một bài viết của mình, ông từng viết, đại ý: Tháng 5-2017, hò khoan Lệ Thủy được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là khá muộn màng và có chút thiệt thòi. Ông có thể giải thích rõ hơn về điều đó?

- Mảnh đất duyên hải miền Trung nói chung và đất Quảng Bình nói riêng chịu nhiều thiệt thòi hơn nhiều vùng khác. Từ "Bình Trị Thiên khói lửa" đến "Tuyến lửa Quảng Bình" trong thời hiện đại đủ nói lên điều đó. Xa các trung tâm nghiên cứu, trung tâm văn hóa lớn của cả nước, nhiều hiện tượng văn hóa quý báu mang thân phận của "công chúa ngủ trong rừng". Cần sửa sai và thừa nhận giá trị của các di sản quý báu này. Hò khoan Lệ Thủy cũng ở vào tình trạng muộn màng đó.

Nhưng muộn còn hơn không. Chỉ tính riêng trong thời hiện đại thôi, hò khoan Lệ Thủy là một trong không nhiều dân ca, đã hoàn thành sứ mạng nghệ thuật, sứ mạng chính trị gắn với độc lập thống nhất đất nước một cách hiệu quả nhất, xuất sắc nhất... đã nói lên điều đó. Tôi muốn nói thêm là hát chèo, ví dặm, hò khoan Lệ Thủy phải nói là đi đầu trong sứ mạng đó. Còn đặc sắc văn hóa và giá trị nghệ thuật truyền thống đóng góp cho dân ca cả nước thì cần một nhận định dài hơi hơn là khuôn khổ một bài phỏng vấn.

- Với những giá trị tốt đẹp và bền vững đó, theo ông, liệu hò khoan Lệ Thủy có thể trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại không?

- Chúng ta cần nhìn nhận trong tính hiện thực của cuộc sống. Việt Nam hiện nay đã không còn nằm trong danh sách ưu tiên công nhận Di sản văn hóa thế giới nữa, có nghĩa là, mỗi năm chúng ta chỉ được đề xuất 1 hồ sơ thôi, mà hiện nay đang có đến hơn 20 hồ sơ đang “xếp hàng”. Chúng ta có những tổ chức đầy kinh nghiệm đề xuất và bảo vệ dự án trước hội đồng UNESCO. Nếu quyết tâm, chúng ta có thể đề xuất và bảo vệ được vì hò khoan Lệ Thủy đủ giá trị để được công nhận.

- Thực tế cho thấy, có một số Di sản văn hóa phi vật thể sau khi vinh danh lại không phát huy hết giá trị của mình. Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để hò khoan Lệ Thủy phát huy hết giá trị của một Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia?

- Đúng là có một số Di sản văn hóa đang gặp khó khăn trong việc bảo tồn và phát triển. Nhưng tôi có một niềm tin mạnh mẽ vào hò khoan Lệ Thủy bởi những tính chất và đặc sắc văn hóa mà nó có như đã nói ở trên. Còn làm thế nào ư? Chúng tôi được dạy là: Văn hóa là một thực thể phát triển không ngừng. Giữ lấy cốt lõi giá trị, chấp nhận thể nghiệm mọi hướng phát triển: âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, hội họa, văn chương, giáo dục...

Có nhiều sáng kiến lắm, miễn người ta có tâm, có suy tư rộng dài cho nó. Tôi biết, Đảng bộ và chính quyền các cấp ở Quảng Bình đang kết hợp với một số chuyên gia đi những bước chắc chắn, điềm đạm cho sự phát triển này.

Hò khoan Lệ Thủy là gia sản, là của hồi môn của ông bà, tổ tiên để lại cho cháu chắt, chút chít chúng ta. Làm hậu thế tử tế là phải bảo vệ, gìn giữ, phát triển tài sản truyền đời đó. Đừng vì lợi riêng của mình mà giành giật, sẻ chia để làm tan nó đi. Những người thừa kế cần có tư cách, nghĩa vụ, trách nhiệm, tình cảm... của con dân, của công dân. Đạo hiếu nghĩa thể hiện trong hơn 500/1041 bài hò khoan Lệ Thủy có nội dung dạy ta phải phụng sự hò khoan Lệ Thủy như cúng giỗ ông bà tổ tiên mình. Thế mới là tấm lòng chí hiếu.

- Cảm ơn ông về những chia sẻ bổ ích này!

Diệu Hương (thực hiện)