.

Khi người trẻ viết sử

Chủ Nhật, 30/07/2017, 14:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Một cuốn sách có hơn 5.000 ấn bản được đặt trước, 1.000 ấn bản đặc biệt được bán hết chỉ sau 4 giờ đồng hồ, giấy phép tái bản lấy ngay trong ngày phát hành online đầu tiên, các buổi ra mắt sách tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng thu hút hàng nghìn bạn trẻ yêu sách... Đáng ngạc nhiên hơn, đó là một cuốn sách viết về lịch sử “Sử Việt: 12 khúc tráng ca”. Và càng thêm tự hào hơn khi tác giả của cuốn sách này là Phan Trần Việt Dũng (Dũng Phan), một chàng trai chỉ mới 29 tuổi, một kỹ sư xây dựng, một tác giả lần đầu tiên cầm bút và là một người con tài năng của mảnh đất Quảng Bình.

Phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với tác giả Dũng Phan về cuốn sách đang rất “nóng” này và cả về những tâm sự của anh dành cho quê hương, con người xứ Quảng.

P.V: Giáo sư Phan Huy Lê đã nhận xét rất hay về cuốn sách “Sử Việt: 12 khúc tráng ca”, đó là: “mềm mại, nhưng đầy đủ chứng cứ khoa học lịch sử”. Anh cũng từng chia sẻ, bản thân như một người đi góp nhặt từng viên ngọc thô và viết nên những câu chuyện hấp dẫn giới trẻ. Vậy khó khăn nhất của anh trên con đường hoàn thiện cuốn sách “mềm mại” mà chứa đựng bao số liệu, sự kiện này?

Tác giả Dũng Phan (áo xanh) tại một buổi ra mắt cuốn sách “Sử Việt: 12 khúc tráng ca”.
Tác giả Dũng Phan (áo xanh) tại một buổi ra mắt cuốn sách “Sử Việt: 12 khúc tráng ca”.

Tác giả Dũng Phan: Tôi luôn tự ví mình là một người đi góp nhặt các câu chuyện cũ ngàn năm sương khói thành các nốt nhạc mà viết lên 12 khúc ca, tổng hòa thành một bản hùng ca lịch sử, đấy là cuốn sách “Sử Việt: 12 khúc tráng ca”. Hình ảnh viên ngọc thô là hình tượng tôi dùng để so sánh về cách viết sử của tôi, cách xây dựng câu chuyện sử của tôi.

Giữa một cánh đồng khô cằn của các tư liệu lịch sử, tôi chọn cho mình những chi tiết đẹp, dù ít người nhận ra đó là những viên ngọc, và sau đó tôi mài bóng nó lên, làm mềm mại nó để đưa cái hồn tiền nhân đến với người đọc sử. Cuốn sách không hề chứa đựng quá nhiều số liệu. Đồng ý là chứa nhiều sự kiện, nhưng số liệu thì không, vì tôi thiên về kể chuyện, không thiên về biên niên.

Điều khó khăn nhất khi biên soạn cuốn sách này, chính là những tư liệu thuộc về giai đoạn từ năm 908 (khi tôi bắt đầu dòng họ Khúc) đến năm 1400 (khi dân tộc ta mất nước vào tay giặc Minh trong vòng 7 năm). Đó là khoảng hẫng về tư liệu lịch sử mà giặc Minh khi đô hộ đã đốt sạch các tài liệu của dân tộc ta. Tôi buộc phải mò mẫm trên hàng ngàn tư liệu còn sót lại, để lọc ra những cái tốt nhất cho người đọc.

P.V: Hướng đến giới trẻ là mục tiêu mà “Sử Việt: 12 khúc tráng ca” đặt ra, trên thực tế, ngay cả lớp độc giả trung niên và lớn tuổi cũng rất yêu thích cuốn sách. Anh lý giải ra sao về sự thành công này?

Tác giả Dũng Phan: Dù rằng mục tiêu chính là người trẻ, đem tình yêu sử Việt đến với người trẻ, nhưng điều lớn nhất của cuốn sách vẫn là tình yêu dân tộc, tình yêu đất nước và niềm tự hào với sử Việt. Mà bản thân mỗi người dân Việt Nam khi lịch sử gọi tên, bạn là ai không quan trọng, là một công chức, viên chức, là một anh bốc vác, là một chú lớn tuổi, là một cháu học sinh, là một cô nữ sinh, là những công dân hải ngoại, là những bậc lớn tuổi. Tất cả chúng ta đều mang trong mình tình yêu đất nước, lòng kính trọng các bậc tiền nhân đã xây dựng nên nước Việt Nam này. Cuốn sách vì vậy mà dành cho tất cả mọi thế hệ.

P.V: Thật tiếc là mặc dù tôi đã đọc nhiều bài báo, tư liệu về anh, nhưng thông tin về cá nhân, anh “giấu” khá kỹ, ngoài chi tiết: “Sinh ra ở Quảng Bình” được in trong phần giới thiệu tác giả cuốn sách. Anh có thể nói rõ hơn về quê hương Quảng Bình trong anh và những dấu ấn của mảnh đất miền Trung nắng gió này đối với anh trong suốt quá trình thai nghén những bài viết của mình, bởi như anh từng tâm sự: “Bến bờ bình yên nhất hoá ra là lòng của những người thân thuộc”.

Tác giả Dũng Phan: Tôi sinh ra ở thị trấn Đồng Lê, huyện miền núi Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Tuổi thơ tôi khá nghèo, đôi khi tôi vẫn ước sao có cỗ máy thời gian để quay lại quá khứ, dúi cho mẹ tôi một ít tiền để mẹ đỡ vất vả, mua cho đứa trẻ như tôi thuở ấy cái gì đó ngon ngon để nó ăn cho đỡ thèm.

Nhưng mẹ tôi, một giáo viên dạy văn đã dạy cho tôi những điều tốt nhất của một con người, về giáo dục, về học thức. Đến năm tôi 10 tuổi, cha tôi đưa cả gia đình vào Đồng Hới. Kể từ khi đó, mọi thứ về kinh tế bắt đầu tốt dần lên. Năm 18 tuổi, gia đình tôi một lần nữa chuyển vào Đà Nẵng. Nhưng tất cả của tôi, tính cách, giáo dục, bạn bè, con người và suy nghĩ đều ở Quảng Bình.

Tuy nhiên, khi biên soạn cuốn sách này, tôi đơn thuần là chỉ muốn làm quê hương tôi và hai chữ “Quảng Bình” trở thành niềm tự hào. Chúng ta trước giờ thường có thói quen nói một chiều, chúng ta hay nói “Tự hào về quê hương Quảng Bình”, chưa bao giờ suy nghĩ ngược lại “Làm cho Quảng Bình tự hào vì thành tích của bản thân.” Tôi thích suy nghĩ và thực hiện theo hướng đó, hơn là biến hai chữ quê hương thành thước đo của quá khứ.

“Bến bờ bình yên nhất hoá ra là lòng của những người thân thuộc” không chỉ đơn thuần là những người cha, người em, người dì, người dượng, người anh họ, của tôi tại quê hương Quảng Bình, mà còn là người bạn gái của tôi tại Sài Gòn, những người anh em huynh đệ của tôi ở khắp các miền đất nước, như: Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An, Cà Mau.

Họ đã ủng hộ tôi, bảo vệ tôi trong những cơn sóng gió để đến với cuốn sách này. Do vậy, bến bờ bình yên ấy thuộc về những người yêu quý tôi và tôi yêu quý họ. Dù họ là ai, Quảng Bình hay Sài Gòn, Hà Nội. Tôi viết lịch sử, lịch sử là dân tộc Việt.

P.V: Với lịch sử hình thành hơn mấy trăm năm, Quảng Bình quê ta đầy ắp những sự kiện, nhân vật lịch sử hấp dẫn. Nhưng, do nhiều nguyên nhân, giới trẻ tỉnh nhà vẫn còn khá xa lạ với nhiều tên đất, tên người. Mới đây, lễ hội “Cộ Ngài khai khẩn” về danh tướng Hoàng Kế Viêm mới được huyện Lệ Thủy tổ chức, nhưng đáng buồn là nhiều bạn trẻ Quảng Bình và thậm chí là Lệ Thủy lại khá mù mờ thông tin. Là một tác giả viết sử trẻ, liệu anh có dự định viết riêng một tác phẩm lịch sử về quê hương?

Tác giả Dũng Phan: Chuyện quên lịch sử quê hương không chỉ diễn ra ở mỗi tỉnh Quảng Bình, mà còn ở các tỉnh khác.

Để giải quyết vấn đề quên lãng này, cần tiến hành giải quyết cái gốc, không phải giải quyết cái ngọn, đó là đam mê, tình yêu sử Việt, yêu quê hương. Tôi nghĩ điều này sẽ tiên quyết, bởi có yêu thì tự động các bạn trẻ sẽ biết nhớ, và đi tìm lại chính lịch sử địa phương mình.

Chẳng hạn khi đọc về Trịnh -Nguyễn phân tranh, hay chi tiết Bùi Thị Xuân áo bào đẫm máu bên Trấn Ninh trong cuốn sách này, những người trẻ ở Quảng Bình sẽ muốn tới tận nơi có Lũy Thầy Đào Duy Từ để chạm tay vào lịch sử, để cảm khái và để yêu. Rồi đây, tôi tin trong các bạn trẻ ở Quảng Bình khi yêu sử nhà, sẽ có một người hoặc nhiều người trong đó sẽ có một tác phẩm lịch sử quê hương, chứ không phải riêng tôi.

P.V: Bài viết đầu tiên của anh trên trang Fanpage “The X file of history” về 5 vị tướng tài danh nhất của lịch sử Việt Nam được cộng đồng mạng vô cùng yêu thích, trong đó có viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một người con đất Quảng Bình. Khi viết về Đại tướng, chắc hẳn anh đã có những cảm xúc rung động riêng và có thể, trong tương lai, nhiều người con tài danh xứ Quảng sẽ được anh viết?

“Sử Việt: 12 khúc tráng ca” đã có mặt tại các hiệu sách ở Quảng Bình.
“Sử Việt: 12 khúc tráng ca” đã có mặt tại các hiệu sách ở Quảng Bình.

Tác giả Dũng Phan: Cảm xúc rung động riêng dành cho tướng Giáp với tôi khi viết về người không phải vì cùng quê với Người, mà là cảm giác mất mát. Tôi cảm thấy chúng ta vừa mất đi một con người anh hùng, một người vĩ đại vô cùng, một người mà khi ra đi, đến cả nước Pháp cũng phải tưởng niệm, thượng nghĩ sĩ Mỹ phải dành tặng những lời tốt đẹp, thì ta phải hiểu ta vừa mất điều gì.

Tôi tin rằng, lịch sử viết về những gì đã qua, thì chúng ta, những người chứng kiến sự ra đi của tướng Giáp sẽ hiểu lịch sử vừa thổi qua cơn gió buồn, và lịch sử sẽ trả lời rằng, quê hương này đã sinh ra một người vĩ đại, mà những người con hậu thế của người trên đất Quảng Bình cần làm gì đó để không thẹn với công tích mà Đại tướng có được khi còn sống.

Về các bài viết trong tương lai về những vĩ nhân trên đất Quảng Bình, đương nhiên là tôi sẽ viết.

P.V: Anh đã có những buổi ra mắt cuốn sách “Sử Việt: 12 khúc tráng ca” thành công tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng..., vậy anh có dự định sẽ ra mắt cuốn sách ngay tại nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình không? Và biết đâu, từ sự kiện này, giới trẻ Quảng Bình sẽ có góc nhìn mới hơn về lịch sử?

Tác giả Dũng Phan: Một lễ ra mắt sách ở một tỉnh thành đòi hỏi rất nhiều yếu tố, thứ nhất là kinh tế, chẳng hạn thuê người, thuê mặt bằng hay đài thọ vé máy bay, tiền khách sạn, thứ hai là hội trường tổ chức, thứ ba là đơn vị phát hành sách và thứ tư là các vấn đề truyền thông.

Đó là bốn vấn đề cần có cho một sự kiện ra mắt sách. Một mình cá nhân tôi dù yêu quê hương đến mấy, không phải muốn bảo về quê ra mắt sách là được. Nếu có một vị mạnh thường quân hay một nhà quản lý ngỏ ý giúp đỡ, thì tôi sẵn sàng trở về, góp chút sức mọn, giới thiệu cuốn sách “Sử Việt: 12 khúc tráng ca”đến với quê hương.

P.V: Xin cảm ơn anh về buổi trò chuyện thú vị này!

Tác giả Dũng Phan, SN 1988, người Quảng Bình, là kỹ sư xây dựng tại TP.Hồ Chí Minh. Trước khi ra mắt sách đầu tay, anh là cây viết rất được yêu thích của trang Fanpage “The X file of history” với hơn 120.000 lượt người theo dõi.

Cuốn sách “Sử Việt: 12 khúc tráng ca” gồm 12 chương viết về 12 nhân vật lịch sử trong công cuộc dựng nước, giữ nước của dân tộc. Cuốn sách tiếp cận người trẻ với phong cách hoàn toàn mới lạ.

Thay vì “ôm đồm” các số liệu, sự kiện lịch sử, tác giả Dũng Phan có cách thức dẫn dắt hấp dẫn mới lạ, cùng những nhận định, đánh giá, kiến giải riêng. Vì lẽ đó, những câu chuyện lịch sử trở nên hấp dẫn, lôi cuốn, sống động và được bạn đọc đón nhận rất tự nhiên.

M.N