.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Từ mật lệnh 990B/TK đến tầm nhìn đại dương

Chủ Nhật, 29/01/2017, 10:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ bức mật lệnh 990B/TK đến chiến lược kinh tế biển, vị tướng tài, nhà khoa học, tri thức yêu nước Võ Nguyên Giáp đã để lại cho dân tộc Việt Nam một di sản quý báu, một tầm nhìn đại dương rộng mở.

Tháng 5 trên đảo Sơn Ca

Một ngày giữa tháng 5-2016, trên đảo Sơn Ca, thuộc quần đảo Trường Sa, công trình văn hóa-lịch sử công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp được khánh thành. Trong khuôn viên rộng 4.000m2 có vườn hoa, tượng chân dung Đại tướng và 300 bức ảnh bằng gốm, khắc họa kí ức về Bác Hồ, Đại tướng với Quân chủng Hải quân. Công trình là tình cảm tri ân của cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca và các nhà điêu khắc, họa sĩ dành cho Đại tướng.

Đảo Phan Vinh-Quần đảo Trường Sa. Ảnh: Anh Tuấn
Đảo Phan Vinh-Quần đảo Trường Sa. Ảnh: Anh Tuấn

“Hướng biển là hướng xung yếu của nước ta về mặt quốc phòng, và từ nhiều năm nay vẫn là một điểm chú ý về mặt an ninh, chính trị. Kẻ địch từ xưa vẫn thường xâm lược nước ta từ hướng biển. Ngày nay, chúng vẫn đang từ hướng biển mà phá hoại ta. Sau này, nếu chiến tranh xâm lược xảy ra, hướng tấn công từ biển của chúng vẫn là hướng mà chúng ta phải hết sức đề phòng”.

Gần nửa thế kỷ trước, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã có tầm nhìn chiến lược về biển. Đại tướng cũng là người đã vạch ra những giải pháp cụ thể phát triển kinh tế biển kết hợp với quốc phòng, vừa bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, vừa ổn định và phát triển chính trị, ngoại giao. Từ bức mật lệnh 990B/TK đến tầm nhìn đại dương, vị tướng tài, nhà khoa học, trí thức yêu nước Võ Nguyên Giáp đã để lại cho dân tộc Việt Nam một di sản quý báu, một tầm nhìn đại dương rộng mở.

Từ mật lệnh 990B/TK...

Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột tháng 3-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kiến nghị với Bộ Chính trị và được ghi vào Nghị quyết ngày 25-3-1975: "Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo mà quân Ngụy đang chiếm giữ, vì nếu không khẩn trương giải phóng các đảo và quần đảo, nước ngoài sẽ chiếm mất, rất phức tạp và khó khăn về sau”.

17 giờ 30 phút ngày 4-4-1975, Đại tướng Tổng Tư lệnh gửi Chính ủy QK5 Võ Chí Công và Tư lệnh Chu Huy Mân bức mật lệnh số 990B/TK với nội dung: “Nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhanh nhất, đánh chiếm các đảo do quân Ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa. Lưu ý: Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng”.

Nghiên cứu kỹ tài liệu về hiện trạng quần đảo Trường Sa và bằng sự mẫn tiệp của một vị tướng cầm quân, Đại tướng lưu ý: “Hải quân Ngụy được trang bị các loại tàu lớn, vùng biển lại có tàu của Hạm đội 7 Mỹ và hải quân một số nước khác đang hoạt động, nên nghệ thuật tác chiến phải kiên quyết, táo bạo, đồng thời phải mưu trí, sáng tạo, bất ngờ và quan trọng là phải đánh đúng lúc”.

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, các chiến sĩ lực lượng Hải quân, QK 5, Tiểu đoàn đặc công 470 Khánh Hòa đã cải trang thành ngư dân trên các tàu đánh cá nhanh chóng đổ bộ, bất ngờ đánh chiếm các mục tiêu. Đúng 4 giờ 30 phút ngày 14-4, quân ta giải phóng đảo Song Tử Tây. Các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, An Bang... cũng lần lượt được giải phóng. Ta làm chủ hoàn toàn quần đảo Trường Sa. Ngày 29-4-1975, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ký điện mừng: "Nhiệt liệt biểu dương các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược".

Trung tướng Ma Thanh Toàn, nguyên UVBCHTW Đảng, Tư lệnh QK2, Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 95 đánh giá: “Về mặt chiến lược, Đại tướng của chúng ta là một thiên tài. Trong lúc ta chưa giải phóng Sài Gòn nhưng Đại tướng và Bộ Tổng tham mưu đã thấy rõ, chiếm được đảo sớm là chiếm được vị trí phòng thủ đất nước từ xa, bảo vệ Tổ quốc từ xa.

Nếu ta không giải phóng Trường Sa trước khi giải phóng Sài Gòn, các đảo rơi vào tay nước ngoài thì ngày giải phóng đất nước không trọn vẹn mà việc phòng thủ đất nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ về quân sự mà cả về chính trị và ngoại giao”.

Đến tầm nhìn đại dương của Đại tướng Tổng Tư lệnh

Ngày 2-8-1977, tại Hội nghị về biển lần thứ nhất ở Nha Trang (Khánh Hòa), là Phó Thủ tướng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề xuất chiến lược về khoa học biển và kinh tế biển. Đại tướng chỉ rõ: “Chúng ta cần phải nhanh chóng khắc phục sự lạc hậu trong hiểu biết về biển cả, để góp phần thúc đẩy việc khai thác tốt hơn những nguồn lợi mà biển cả sẽ đem lại cho đất nước ta”.

Và Đại tướng đã đặt câu hỏi cho các nhà quản lý, nhà khoa học: “Việc khai thác dầu khí ngoài biển Việt Nam đã là chuyện trước mắt. Việc sử dụng năng lượng thủy triều ở bờ biển nước ta cũng phải đặt ra rồi. Độ chênh lệch thủy triều của nước ta chứa đựng một tiềm lực quan trọng về năng lượng là rất quý. Có thể có những kiểu máy điện thủy triều được không? Các đồng chí vật lý biển phải trả lời vấn đề này, ngành cơ khí phải đi trước một bước”.

Đại tướng trăn trở: Trên thế giới có những nước không có biển, ta có bao nhiêu là biển. Biển thì có thuyền, nhưng thuyền của ta chỉ đánh cá trong lạch, gần bờ. Thuyền đi đánh hải sản ở ngoài khơi xa chỉ có mấy chục chiếc.

“Kinh tế biển có mạnh thì quốc phòng mới mạnh. Muốn bảo vệ biển thì kinh tế biển phải mạnh, rất mạnh. Cần chú trọng tới Trường đại học Hải sản, đi sâu nghiên cứu về kinh tế biển; muốn làm được điều đó, tất nhiên phải có sự hỗ trợ đầu tư của các cơ quan Nhà nước. Chúng ta đều mong muốn tăng cường hải quân, việc này Chính phủ sẽ phải lo, nhưng ở địa phương phải cố gắng xây dựng cho được những đội hải thuyền đi đánh bắt ngoài khơi xa”, ông Nguyễn Hồng Thái, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhớ lời dặn dò của Đại tướng với lãnh đạo tỉnh.

Còn ông Nguyễn Quăng Thọ, một ngư dân ở thị trấn Vạn Dã, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa thì chia sẻ: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Khánh Hòa nhiều lần, bác luôn nhắc nhở người dân chúng tôi vừa làm ăn trên biển vừa bảo vệ môi trường biển. Sau khi bác đi rồi, chúng tôi nhớ lời dặn của bác giữ gìn biển đảo. Có giữ được biển thì mới làm ra được con tôm, con cá. Để nước ngoài nó xâm chiếm thì không còn biển đâu để mình làm ăn”. “Đánh bắt xa bờ để giữ biển đảo của mình. Cảm ơn bác Đại tướng đã nhắc nhở ngư dân chúng tôi”, ông Nguyễn Cẩn, ngư dân Vạn Dã tiếp lời người đồng hương của mình.

Ngày 8-6-1985, tại Hội nghị khoa học về biển lần thứ III ( ở Hà Nội ), Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cương vị Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách về khoa học, kỹ thuật đã phân tích những giá trị to lớn của biển Đông về chính trị, ngoại giao, kinh tế, quốc phòng; về quyết tâm sắt đá của cha ông ta từ ngàn xưa để gìn giữ chủ quyền lãnh thổ quốc gia và phát triển kinh tế biển.

Đại tướng thẳng thắn: “Là một đất nước có biển, diện tích vùng biển lớn gấp 3 lần diện tích đất liền, nhưng chúng ta còn quay lưng lại với biển”. Khai thác và sử dụng tài nguyên biển phải gắn liền với bảo vệ môi trường biển, bảo vệ sự cân bằng sinh thái của biển. Làm vậy là vì lợi ích lâu dài của đất nước, vì thế hệ chúng ta và vì các thế hệ mai sau.

Người nhắc lại nhiều lần: “Phải đặc biệt chú trọng kết hợp kinh tế với quốc phòng và an ninh...Việc phân bố lực lượng sản xuất, phân bố lại lao động, phát triển kinh tế biển của các ngành, các địa phương phải theo sự bố trí chiến lược thống nhất, nhằm làm chủ cả về kinh tế và quốc phòng. Thế bố trí về mặt địa bàn vừa tạo điều kiện khai thác toàn diện và tổng hợp các nguồn tài nguyên, vừa hình thành một thế trận liên hoàn có chiều sâu, thuận lợi cho tác chiến”.

Người cũng chỉ rõ: Xây dựng vùng biển vững mạnh về kinh tế, có đời sống văn hóa và tinh thần tốt đẹp, phát triển đồng đều trên suốt dải ven biển. Mỗi huyện vùng biển phải được xây dựng toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội để thực sự trở thành một pháo đài vững chắc, duy trì tốt trật tự, an ninh, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ địa phương và bảo đảm được hậu cần tại chỗ.

Ra sức xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh, tăng cường năng lực làm chủ trên biển, dưới biển và ven biển như các dàn khoan, tàu thuyền đánh cá nhiều ngày trên biển khơi, nơi quần tụ của các luồng cá, các cơ sở công nghiệp hóa dầu, các xí nghiệp chế biến hải sản, các kho tàng, bến bãi. Bảo vệ bờ biển, chống lại sự xâm nhập của đối phương qua đường biển. Huy động mọi khả năng, mọi phương tiện, mọi ngành, mọi cấp, với sự tham gia của phong trào quần chúng rộng rãi để phát triển kinh tế và giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

“Hơn nửa thế kỷ đi qua, có nhũng điều Đại tướng căn dặn chúng ta chưa làm được, hoặc làm chưa hiệu quả, nhưng cũng có nhiều điều Người mong muốn đã trở thành hiện thực. Tỉnh Khánh Hòa đã thành lập được những đội thuyền đánh bắt khơi xa. Thuyền cá của ngư dân được trang bị phương tiện và con người vừa bảo đảm đánh bắt hải sản dài ngày vừa sẵn sàng hỗ trợ các lực lượng chức năng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Đặc biệt, ở huyện đảo Trường Sa, đời sống của người dân khá ổn định, một thế hệ mới cư dân của huyện đảo đã ra đời. Những địa danh như xã Sinh Tồn, xã Song Tử Tây, xã Sơn Ca... đã thêm một lần nữa khẳng định chủ quyền Việt Nam trên biển đông”, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nói.

Lễ dâng cát Trường Sa tại mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Lễ dâng cát Trường Sa tại mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

“Không chỉ là một nhà quân sự thiên tài mà với tư duy của một nhà khoa học, nhà chiến lược kiệt xuất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đầu tiên đề xuất về chiến lược biển, tạo môi trường hòa bình, ổn định trên biển. Có thể nói đó là một chiến lược phát triển, một tấm nhìn đại dương của dân tộc ta.”, GS. TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định.

Và nắm đất nơi đầu sóng...

Tròn 50 ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở về yên nghỉ trong lòng đất mẹ Quảng Bình ( tháng 12-2013), Bộ Tư lệnh Hải quân và những người lính đảo đã vượt sóng, mang cát Trường Sa về Vũng Chùa - Đảo Yến.

Bên ngôi mộ cỏ, giữa sự chứng kiến của đất trời, sông núi, đảo khơi và muôn trùng sóng vỗ, Chuẩn đô đốc, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân Nguyễn Ngọc Tương xúc động: “Chúng con xin dâng Người nắm đất từ nơi đầu sóng, ngọn gió, mảnh đất đã thấm đượm mồ hôi, công sức và xương máu của biết bao đời người dân đất Việt... Chúng con xin hứa trước anh linh của Đại tướng sẽ đoàn kết một lòng, phấn đấu hi sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc như Bác Hồ, Đại tướng và các bậc tiền bối hằng mong”.

Cát Trường Sa bên mộ Đại tướng, tượng đài Đại tướng giữa Trường Sa sóng gió. Đại tướng nằm đó, đầu gối lên mũi Rồng, mắt nhìn về biển khơi như một ngọn hải đăng ngàn đời không tắt. Luôn nhìn về phía biển, chiến thắng từ phía biển, tinh thần ấy của Đại tướng Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp sẽ sống mãi trong lòng dân và trường tồn cùng lịch sử, với thời gian.

Trần Hồng Hiếu