.

Tiếp nối truyền thống quê hương cách mạng

Thứ Sáu, 06/01/2017, 08:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Là một trong những chiếc nôi của phong trào cách mạng ở huyện Quảng Trạch giai đoạn tiền khởi nghĩa, mà dấu ấn là sự thành lập Chi bộ Lộc Điền tháng 1 năm 1937, trải qua 80 năm hình thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và nhân dân xã Quảng Thanh luôn tự hào và nỗ lực phát huy truyền thống anh hùng cách mạng trong sự nghiệp xây dựng quê hương giàu đẹp...

Theo lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Trạch, tập I (1930 – 1954), giai đoạn 1936 – 1939, phong trào đấu tranh cách mạng đã bắt đầu lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Mặc dù bị thực dân phong kiến đàn áp khốc liệt nhưng các phong trào tự phát của nhân dân như đòi dân sinh, dân chủ; đòi phân cấp lại ruộng đất... đã phát triển mạnh. Thời gian này, tại Quảng Thanh, nhiều thanh niên đã giác ngộ lý tưởng cách mạng và  được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng như các đồng chí Lê Tú, Ngô Quốc Sự, Ngô Đăng Long, Nguyễn Nhâm, Hà Văn Hán...

Đến tháng 1 – 1937, dưới sự chỉ đạo của Phủ ủy Quảng Trạch, đồng chí Lê Tú đã triệu tập hội nghị thành lập Chi bộ Lộc Điền tại nhà ông Võ Đối. Đồng chí Lê Tú được bầu làm Bí thư Chi bộ. Sự ra đời của Chi bộ Lộc Điền đã đánh dấu một mốc son mới trong lịch sử đấu tranh của nhân dân Quảng Thanh, góp phần quan trọng vào sự phát triển của phong trào cách mạng ở phủ Quảng Trạch.

Đình làng Lộc Điền, nơi hội họp và liên lạc bí mật của Chi bộ Lộc Điền giai đoạn tiền khởi nghĩa.
Đình làng Lộc Điền, nơi hội họp và liên lạc bí mật của Chi bộ Lộc Điền giai đoạn tiền khởi nghĩa.

Sau khi thành lập, Chi bộ Lộc Điền đã ra sức lãnh đạo, tuyên truyền, giáo dục quần chúng nhân dân rầm rộ đứng lên đấu tranh dưới các hình thức công khai và bán công khai. Tiêu biểu có phong trào đấu tranh bầu các chức sắc hương lý trong làng; phong trào giảm thuế, phân lại ruộng đất...

Đầu tháng 8 – 1945, để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa, Chi bộ Lộc Điền đã tổ chức xây dựng lực lượng, rèn vũ khí, đồng thời chọn nhiều thanh niên ưu tú trong các làng ở Quảng Thanh gia nhập đội tự vệ ở căn cứ Trung Thuần. Tự vệ ở các làng cũng được thành lập và bí mật luyện tập. Phụ nữ trong xã tích cực tích trữ lương thực, tiếp tế cho các chiến sỹ ở chiến khu Trung Thuần. Đêm 22 – 8, lực lượng tự vệ của Chi bộ Lộc Điền kéo về hội quân tại đình làng Lũ Phong (xã Quảng Phong, nay thuộc thị xã Ba Đồn).

Mờ sáng ngày 23-8, các đoàn biểu tình của quần chúng nhân dân trong Mặt trận Việt Minh được chia làm ba mũi tiến về phủ lỵ. Họ mang theo băng cờ, gươm dao, giáo mác, gậy gộc ào ào kéo vào phủ lỵ hô vang khẩu hiệu "Đả đảo phát xít Nhật Pháp", "Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim", "Ủng hộ Mặt trận Việt Minh". Trước khí thế sôi sục cách mạng của quần chúng, tên tri phủ và bọn nha lại xin đầu hàng. Lực lượng tự vệ chiếm phủ đường và công sở. Sổ sách, giấy tờ và triện đồng bị tịch thu và thiêu huỷ tại chỗ. Cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc trụ sở phủ đường.

Đến rạng sáng ngày 23-8, trước hàng ngàn người từ khắp nơi đổ về chợ phiên Ba Đồn, Ủy ban khởi nghĩa đã tổ chức mít tinh tại chợ, tuyên bố với đồng bào cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Ba Đồn đã thành công, chính quyền đã về tay nhân dân. Sau khi giành được chính quyền ở huyện, ngay ngày hôm sau, đoàn biểu tình của nhân dân Quảng Thanh dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Lộc Điền đã kéo đến nhà các lý trưởng trong xã thu hồi ấn triện, đồng thời bầu ra các chức chủ chốt trong xã, chính thức lật đổ chính quyền tay sai, xóa bỏ chế độ thống trị thực dân, phong kiến tại Quảng Thanh.

Với truyền thống cách mạng và nhiều thành tích xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, xã Quảng Thanh đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân nă 2003.

Bước vào thời kỳ đổi mới, phát huy truyền thống cách mạng, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân xã Quảng Thanh luôn đoàn kết, chung sức chung lòng, tích cực đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, lãnh đạo nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo.

Năm 2015, Quảng Thanh đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 30 triệu đồng/ người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 4%... Công tác xây dựng Đảng không ngừng được củng cố. Các cấp uỷ luôn chú trọng công tác tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt. Các biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí được đấu tranh ngăn chặn kịp thời. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và tăng cường, tạo ra thế và lực mới để nhân dân Quảng Thanh tiếp tục đi lên với những triển vọng tốt đẹp.

80 năm đi qua kể từ ngày Chi bộ Lộc Điền được thành lập, nhân dân Quảng Thanh vẫn mang trong mình niềm tự hào, tin tưởng đi theo lá cờ của Đảng, niềm tin đó vẫn được nối tiếp bởi các thế hệ hôm nay và mai sau. Với truyền thống cách mạng vẻ vang, anh hùng trong chiến đấu, năng động sáng tạo trong lao động sản xuất, Đảng bộ và nhân dân xã Quảng Thanh tiếp tục phát huy những thành quả đó để viết tiếp trang sử mới trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng.

X.Phú