.

Người Việt Nam cuối cùng bên vua Hàm Nghi

Thứ Bảy, 07/01/2017, 14:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Hàm Nghi là vị vua thứ 8 của nhà Nguyễn, vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Cùng với Thành Thái, Duy Tân, ông là một trong ba vị vua yêu nước chống thực dân Pháp.

Sinh thời, Tự Đức không có con nên nhận 3 ông hoàng làm con nuôi. Ưng Chân con trưởng (Dục Đức), Ưng Đăng sau này là Kiến Phúc, Ưng Kỷ là vua Đồng Khánh. Ưng Lịch sinh năm 1872, là người con thứ 5 của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai, là em vua Kiến Phúc và Đồng Khánh, được xem như một thần đồng trong hoàng tộc. Năm 1882, Ưng Lịch đã đứng đầu bảng một cuộc thi mà đích thân vua Tự Đức chấm. Bài “Phú chống Pháp” của Ưng Lịch được nhà vua khuyên sơn đỏ chói: “Tuy còn nhỏ tuổi mà khí phách trượng phu”.

Ngày 2 tháng 8 năm 1884, cậu bé Ưng Lịch được các quan phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi vua, niên hiệu Hàm Nghi. Lúc đó Tôn Thất Thuyết làm Thượng thư Bộ Binh cầm đầu phái chủ chiến chống Pháp. Đêm 22, rạng ngày 23 tháng tư âm lịch (tức ngày 5,6 tháng 7 năm 1885), Tôn Thất Thuyết quyết định ra tay trước. Quân triều đình tấn công đồn Mang Cá nhưng đến sáng thất bại, phải rút chạy.

Vua Hàm Nghi được Tôn Thất Thuyết đưa đến Tân Sở, Quảng Trị. Tân Sở là nơi Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường lập ra từ trước, phòng khi kinh thành có biến. Tân Sở có thành lũy được xây khá kiên cố chiếm 2 đến 3 mẫu Tây đất. Trong thành có kho chứa lương thực và vũ khí.

Quanh thành có 3 lần tường trồng tre dày đặc. Thành nội có 5 cửa: Tiền, hậu, tả, hữu và cửa ngọ môn, có nhiều con đường giao lưu với các tỉnh miền Bắc. Tại đây, Hàm Nghi ra lời hịch Cần Vương kêu gọi sĩ phu và nhân dân cả nước đứng dậy giành độc lập. Vua được đưa tiếp ra vùng rừng núi Tuyên Hóa, Quảng Bình lập căn cứ chống Pháp.

Chân dung ông Trương Thạc tại dinh Gia Long (Algérie) năm 1942.
Chân dung ông Trương Thạc tại dinh Gia Long (Algérie) năm 1942.

Hàm Nghi được Tôn Thất Thuyết cử các con là Tôn Thất Đàm (Đạm) và Tôn Thất Thiệp (Tiệp) hộ giá bảo vệ, cùng đề đốc Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân chia nhau phòng thủ và tấn công lực lượng quân Pháp trong vùng. Lúc đó Toàn quyền Pháp ở Đông Dương là Paul Bert lập Ưng Kỷ lên ngôi (vua Đồng Khánh). Năm Bính Tuất (1886), Đồng Khánh viết thư kêu gọi Hàm Nghi trở về nhưng ông khẳng khái từ chối.

Đồng Khánh ra Quảng Bình để dụ ông nhưng xa giá đi đến đâu đều bị nhân dân và các cựu thần đánh đuổi nên phải quay xuống tàu ở cửa biển Nhật Lệ, Đồng Hới vào Huế. Toàn quyền Paul Bert bàn với Đồng Khánh cho Hàm Nghi làm vua 4 tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh, Bình.  Vua Hàm Nghi nói thà phải chết ở rừng núi còn hơn sống trong vòng cương tỏa của quân xâm lược. 

Tháng 9 năm 1888, suất đội Nguyễn Đình Tình phản bội ra đầu thú quân Pháp tại đồn Đồng Cá, Tuyên Hóa, Quảng Bình. Tình lại dụ được Trương Quang Ngọc tình nguyện đem quân đi vây bắt Hàm Nghi. Đêm khuya 26 tháng 9 năm 1888, vua Hàm Nghi bị bắt khi đang ngủ, Tôn Thất Thiệp bị đâm chết. Nhà vua ôm lấy Thiệp, máu phun ra như suối ướt đầm cả vạt áo vua đang mặc. Tình quỳ xuống đọc thư của Boulangier xin rước vua về kinh đô. Vua đạp vào giữa bụng tên phản bội và thét lớn: "Mi giết ta đi còn hơn là mi mang ta ra nộp cho Tây".

Tôn Thất Đàm nghe tin đã ngất đi. Sau đó ông viết sớ cho người đem dâng lên nhà vua Hàm Nghi, đồng thời viết thư cho người Pháp khuyên không được trả thù những binh sĩ của ông một cách hèn hạ. Ông đã cởi chiếc khăn nhiễu trên đầu tự treo cổ lên cây vào ngày 11 tháng 11 năm 1888. 

Ngày 13-12 năm 1888, Pháp đưa Hàm Nghi xuống tàu ở Sài Gòn đi lưu đày Bắc Phi. Ngày 13 tháng 1 năm 1889, Hàm Nghi đến thủ đô Alger của Algérie. Vua được chuyển về biệt thự Rừng thông thuộc làng El Biar cách Alger 5 cây số. Ông không chịu học tiếng Pháp vì cho đó là tiếng của kẻ thù đã giày xéo lên Tổ quốc mình. Mọi giao dịch với người Pháp đều qua người thông ngôn Trần Bình Thanh. Những năm sau, ông đính hôn với cô Marcelle Laloe, con gái của ông Laloe, Chánh án tòa Thượng phẩm Alger..

Dần dần Hàm Nghi hòa nhập và giao lưu với một số trí thức người Pháp. Ông chơi thân với cô Foltz, một nhà văn thuộc dòng dõi quý tộc De Bourbon, một gia đình lớn ở Thụy Sĩ. Foltz không lấy chồng nên theo tập quán người Pháp thì người nhiều tuổi mà chưa có chồng vẫn gọi là cô (Demoselle). Thỉnh thoảng ông có gặp một vài người Việt Nam sang Algérie.

Ông Nguyễn Văn Cẩm (Kỳ Đồng) thường lui tới thăm ông nên bị người Pháp sinh nghi và trục xuất về nước. Từ đó, triều đình Huế hàng năm phải cử một người Việt Nam đến phục vụ, chuyện trò cho ông đỡ nhớ quê hương. Mọi tin tức từ Việt Nam đều qua những người này.

Năm 1937, ông Trương Thạc người làng Minh Lệ (thị xã Ba Đồn) được cử đến Algérie hầu cận đức vua. Ông là quan Thất phẩm của Nam triều nên dân làng thường gọi là ông Thất Khiếng. Khiếng là tên người con gái đầu của ông theo cha mẹ vào sống ở Huế từ nhỏ. Làng Minh Lệ thường gọi tên cha mẹ theo tên của người con cả trong nhà. Người con thứ 2 của ông sinh năm 1933 tại Huế nên ông đặt là Trương Minh Huế. Ông Huế nguyên là cán bộ giảng dạy môn toán tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Tôi may mắn ở gần nhà ông Thạc và học một lớp với người con gái thứ 5 của ông.

Lúc bé, tôi thường đến nhà ông Thạc chơi. Ông nói từ thời Cần Vương trong làng cũng có cụ Hoàng Văn Bỉnh theo Lãnh binh Mai Lượng lên núi rừng Cao Mại đánh Pháp bảo vệ vua Hàm Nghi. Và ông là người Việt Nam độc nhất ở Alger được Nam triều cử sang phục vụ nhà vua kể từ năm 1937 cho đến khi chiến tranh thế giới thứ II kết thúc. Chính quyền Pháp tại Algérie cũng cho một người làm vườn và hai người đầu bếp bản xứ nấu nướng cho gia đình nhà vua. Hàng năm Nam triều đã cung phụng cho nhà vua 25 ngàn francs. Hồi đó mỗi francs mua được 2 lít rượu vang. 

Năm 1942, ông Trương Lợ - em trai ông Trương Thạc, một người lính trong Trung đoàn Commandos đến biệt thự Gia Long xin gặp anh. Cùng đi với Trương Lợ có thiếu úy Nguyễn Mạnh Âu, người làng Quảng Nguyên, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây. Ông Âu là người sĩ quan trực tiếp chỉ huy ông Lợ. Binh đoàn người Việt từ Pháp đến Algérie sau khi Pa ri thất thủ.

Ông Trương Thạc dẫn hai người vào phòng làm việc của nhà vua, gặp vua đang cắt móng tay cho công chúa Như Mai, người con gái đầu lòng được nhà vua yêu quý nhất. Xưởng mộc cũng gần đó, mấy bức tranh vẽ dở còn trên giá.

- Ngồi xuống đấy! – vua Hàm Nghi chỉ tay xuống ghế sa lông và đặt tác phẩm chưa hoàn chỉnh lên bàn, đứng dậy rửa tay.

- Nhớ quê hương không? Nhà vua ngoái cổ lại hỏi.

- Bẩm đôi lúc con nhớ đến cháy lòng. Âu đáp. Có tiếng gõ cửa. Ông Trương Lợ ra cùng hai người lính khiêng vào một hòm gạo. Gạo từ Việt Nam gửi sang. Nhà vua quỳ xuống xòe bàn  tay xúc gạo đưa lên mũi hít hà: “Ôi hương thơm của quê hương xứ sở!”. Nhà vua thốt lên như reo rồi lấy vạt áo chấm nước mắt. Bỗng ông đứng dậy đi lấy cái khăn gói từ trong một cái hòm ra. Bà Hoàng Marcelle Laloe gọi đây là “Cái gói Đông Dương”, Hàm Nghi đã từng đeo trên vai suốt những năm trong rừng chống Pháp. Ông run run nâng niu chiếc áo “vạt” bằng sồi nái, khuy tết cạnh sườn, loang lổ vết máu đã đen sì. Ông ấp chiếc áo vào ngực, tinh mắt lạc đi.

- Thiệp là người con út của Tôn Thất Thuyết. Anh tắt thở trong vòng tay tôi.

Ông Âu nhân đà đó nói:

- Bẩm, ông nội con cho biết Huế thất thủ một cách oanh liệt. Có phải ông Thuyết phạm sai lầm là khởi chiến không đúng lúc không ạ?

- Cũng do lòng căm thù dâng lên tột đỉnh. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy Thuyết chưa phải là vị “Tổng tư lệnh” tài ba. Ông chưa vươn tới tầm chiến lược của kẻ lấy yếu đánh mạnh. Ngày đó tôi chỉ là một ông vua con nít.
Những ngày bị lưu đày, vua Hàm Nghi vẫn dõi theo tình hình chiến sự ở nước nhà. Trong tủ sách của ông có nhiều tờ báo Le Paria (Người cùng khổ). Cô Foltz đã sưu tầm nhiều sách báo nói về Đông Dương cho ông. Nhà vua nói cần có một người tài giỏi như Nguyễn Ái Quốc mới lãnh đạo được đất nước. Nói rồi ông lại giá để thanh kiếm:

- Đây là bảo vật của đất nước. Tôi không biết nó tồn tại đã mấy trăm năm hay mấy ngàn năm. Anh thay tôi giữ lấy để cho tôi gửi gắm mảnh hồn về Tổ quốc trước khi vào cõi thọ. Toàn thân vỏ kiếm bằng ngà voi chạm trổ tinh vi hình vua quan mặc triều phục ẩn hiện trong dải mây và cành trúc quân tử. Lưỡi kiếm đã hoen rỉ do thời gian gặm nhấm mà vẫn sắc bén.  (Thanh kiếm đó Nguyễn Mạnh Âu gửi lại cho cô Antoinette Torres có gia đình tại Saoula (Alegr) nhưng sau đó không biết lưu lạc nơi đâu – Theo tác phẩm “Vua Hàm Nghi” – NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh tháng 3 năm 2000).

Bộ Tư lệnh Binh đoàn Việt mời Hàm Nghi đến thăm doanh trại của anh em binh sĩ người Việt Nam đóng ở thị trấn Saoula cách dinh Gia Long không xa. Bọn chỉ huy Pháp biết Bảo Đại đã mất hết uy tín nên mời Hàm Nghi hoặc Minh Đức, con trai của ông về Việt Nam làm con bài chính trị. (Ông Thạc nói rằng đã có lần Bảo Đại sang Pháp ghé qua Alger xin bái yết, cô Foltz  năn nỉ mãi Hàm Nghi mới cho gặp nhưng ngồi vào hàng ghế con cháu). Thực dân Pháp chờ cơ hội núp bóng quân Anh – Mỹ để trở lại Việt Nam.

Lễ đón tiếp nhà vua với bài kèn quốc ca Pháp đã dứt, lá cờ ba sắc kéo lên đỉnh cột nhưng vua vẫn loay hoay dặn dò con cháu đi theo sửa chữa dụng cụ làm vườn. Bị bẽ bàng, nhưng bọn chỉ huy vẫn nhã nhặn mời nhà vua trao huy hiệu cho 13 người Việt về Trùng Khánh (Trung Quốc) để nhảy dù xuống Việt Nam làm gián điệp. Nhân cơ hội này, ông dặn dò anh em hãy hướng về Tổ quốc đang bị giặc Nhật giày xéo. Khi về nước, 13 người đã tìm cách mạng nộp vũ khí, điện đài và gia nhập vào đội quân “Hải ngoại”, tham gia lực lượng Việt Minh.
Ngày 4 tháng 1 năm 1943 (theo nhà văn Hải Âu là ngày 24 tháng 12 năm 1943), vua Hàm Nghi đã trút hơi thở cuối cùng tại biệt thự Gia Long vì căn bệnh ung thư dạ dày, thọ 71 tuổi. Lễ an táng theo mọi phong tục Việt Nam. Dòng người đi lặng lẽ như chiếc bóng, lá khô xào xạc dưới chân. Trong đó có đại diện chính phủ Pháp và anh em binh sĩ trong binh đoàn Việt.

Năm 1946, theo lời kêu gọi của Bác Hồ, ông Trương Thạc và Nguyễn Mạnh Âu trở về Việt Nam. Ông Âu được gặp Bác Hồ và nhà văn đồng hương Trần Đăng Ninh. Ông đi theo cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Ông nghỉ hưu năm 1976. Ông Trương Thạc về làng tham gia du kích đánh đồn Minh Lệ. Hòa bình lập lại, ông trở về cày ruộng, và là xã viên hợp tác xã Tây Bắc làng Minh Lệ, xã Quảng Minh.

Năm 1995, nhà văn Hải Âu (Nguyễn Mạnh Âu) đến gặp ông Trương Minh Huế xin góp ý về bản thảo tập truyện ký “Vua Hàm Nghi”. Ông Huế đã viết mấy dòng cảm nhận về người cha - Trương Thạc. Ông Huế còn nói thêm, ông vẫn còn giữ được di vật của vua Hàm Nghi là bộ cúc chiếc áo “vạt” đã thấm máu đào liệt sĩ Tôn Thất Thiệp. 

Hoàng Minh Đức

----------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo

* Phan Trần Chúc - Vua Hàm Nghi - Nam Ký - Hà Nội - năm 1935
* Nguyễn Quang Ngọc 2006 - Việt Nam cuối thế kỷ XIX - Tiến trình lịch sử Việt Nam, Hà Nội, Giáo dục
* Tạp chí nghiên cứu lịch sử số 106 (1/1968) - Đặng Huy Vận - Về cuộc kháng chiến kiên cường và anh dũng của nhân dân Quảng Bình cuối thế kỷ XIX
* Tạp chí nghiên cứu lịch sử số 3840 (6/1995) Trần Hữu Đính - Mai Lượng một võ tướng trong phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX
* Gia phả dòng họ Lê Trực do Lê Bá Phiên - Cháu đích tôn của Lê Trực viết và Lê Duy Từ con ông lưu giữ
*Gia phả dòng họ Trương Thạc do Trương Minh Huế viết và lưu giữ.
*Nguyễn Mạnh Âu - Vua Hàm Nghi - NXB Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh (3/2000).