.

Một người Quảng Bình được lãnh tụ Fidel Castro tặng carvisit

Thứ Tư, 07/12/2016, 09:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 15-9-1973, người anh hùng kiệt xuất của Cu Ba là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến thăm Quảng Bình và khu giải phóng Quảng Trị, khi bom đạn thù vẫn còn rập rình trong lòng đất và bên kia ranh giới tạm thời giữa địch và ta, kẻ thù có thể liều lĩnh nổ súng phá hoại hiệp định Pari vừa mới ký kết. Đã có nhiều câu chuyện cảm động trong chuyến đi này. Song, chuyện nghỉ đêm tại khu nhà nghỉ Giao Tế tại xã Đức Ninh, thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình tối ngày trở về sau chuyến vào Quảng Trị của Fidel, ít người được biết đến.

Năm 2000, người viết bài này may mắn được ông Nguyễn Thanh Đàm (1925-2015), nguyên Chủ nhiệm nhà khách Giao Tế Quảng Bình, cư trú tại TDP 4, phường Bắc Nghĩa, TP. Đồng Hới kể chuyện về Phiden, khi ông đang phụ trách cơ sở nhà khách này của Tỉnh ủy, UBND Quảng Bình.

Khi nhân dân Cu Ba, Việt Nam và nhiều nước khác long trọng tổ chức lễ tang Fidel, chúng tôi đã đến nhà ông Nguyễn Thanh Đàm tìm hiểu thêm những tư liệu về Fidel, được vợ con ông bùi ngùi kể lại chuyện những kỷ niệm đó của Fidel với người chồng, người cha của mình mà trước đó chúng tôi cũng đã được nghe ông kể.

Người anh hùng luôn cảnh giác để bảo vệ mình

Sau hai ngày đi đường làm việc tại Quảng Bình, Vĩnh Linh, Đông Hà (Quảng Trị), kể từ khi đặt chân xuống sân bay Gia Lâm (Hà Nội), chiều tối ngày 16-9-1973, đoàn xe chở Chủ tịch Fidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng về đến nhà khách Giao Tế của UBND Quảng Bình tại xã Đức Ninh phía tây thị xã Đồng Hới.

Việc sắp xếp chỗ ăn, nghỉ cho Chủ tịch Fidel Castro và đoàn phục vụ, tháp tùng tại đây chuẩn bị rất chu đáo, cẩn trọng. Riêng chiếc giường để Fidel nghỉ qua đêm, UBND thị xã Đồng Hới trước đó đã huy động các thợ mộc có tay nghề giỏi, đóng gấp chiếc giường gõ ngoại cỡ: dài 2,3 m, rộng 1,8 m.

Chủ tịch Fidel Castro thăm nhà hầm Tỉnh ủy Quảng Bình sáng 17-9-1973.  Ảnh: T.L
Chủ tịch Fidel Castro thăm nhà hầm Tỉnh ủy Quảng Bình sáng 17-9-1973. Ảnh: T.L

Phía Việt Nam ngoài công an, ông Nguyễn Thanh Đàm, một cán bộ cách mạng thời tiền khởi, chủ nhiệm nhà khách Giao Tế Quảng Bình được quyền gần gũi tiếp xúc để phục vụ Fidel.

Đã ăn cơm dọc đường nên tối đó đoàn chỉ uống nhẹ để ngơi nghỉ vì sau một chặng đường đi dài khá mệt mỏi. Ông Nguyễn Thanh Đàm pha cà phê và mời Chủ tịch Fidel dùng thuốc lá Tam Đảo (loại thuốc lá sang nhất của Việt Nam lúc bấy giờ). Chủ tịch Fidel Castro không chối từ và thân mật dùng cà phê cùng thuốc lá Việt Nam với các vệ sĩ Cu Ba bảo vệ mình.

Một sự cố khó quên làm ông Nguyễn Thanh Đàm lúc đó phải lạnh người. Đó là,  vào khoảng 9 giờ tối, vào phòng Fidel ngủ thì ông không thấy Fidel đâu cả. Ông cẩn thận ra nhà vệ sinh. Nhưng vẫn không thấy có người bên trong. Trong lúc đó, ba vệ sĩ Cu Ba vẫn đang ngồi nhẫn nha với mấy tách cà phê và thuốc lá Tam Đảo phía ngoài sân nhà.

Ông Nguyễn Thanh Đàm lo sợ, vội vàng im lặng đi tìm Fidel. Khi sang nhà dưới, cạnh nhà bếp, chỗ cán bộ nhà bếp thường nằm nghỉ trưa, ông bỗng thấy Fidel đang nằm trên một chiếc giường ở đây. Chân của Fidel dài quá phải gác lên thành giường.

Ông Nguyễn Thanh Đàm chợt hiểu, đó là thói quen tự bảo vệ mình của một vị tướng, là tráo chỗ nghỉ đã được bố trí sẵn. Ông Nguyễn Thanh Đàm đến bên và nói bằng tiếng Pháp: “Thưa Chủ tịch, ở đây an ninh bảo đảm tuyệt đối. Kính mời ông về chỗ ngủ cũ để yên giấc hơn. Ở đây cái giường ngắn quá ạ!”.

Fidel Castro thân mật bắt tay cảm ơn ông, rồi cùng ông đi về phòng ngủ cũ. Tuy nhiên, đã rất khuya, cùng cảnh vệ Cu Ba, nhòm qua khe cửa sổ, ông Nguyễn Thanh Đàm vẫn thấy ánh thuốc bên trong phòng Fidel lập lòe. Sáng ra ông mới được biết Fidel thao thức vì chiều qua, ông nhận được tin lãnh tụ của đất nước Chilê, ông Agenđê, người bạn chiến đấu của ông đã bị bọn phản động giết hại, một tổn thất lớn cho phong trào cách mạng Châu Mỹ La tinh.

Sau sáng nói chuyện với cán bộ cốt cán, đại biểu nhân dân trong khu vực ở hội trường Tỉnh ủy Quảng Bình tại thị trấn Đồng Sơn (Đồng Hới), toàn đoàn Cu Ba được các vị lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình mời cơm thân mật, Chủ tịch Fidel rất hài lòng. Xong bữa, ông xuống bắt tay các cán bộ phục vụ trong nhà khách chân tình như người nhà của mình.

Người Quảng Bình duy nhất được Fidel tặng carvisit

Lúc lên phòng, Chủ tịch Fidel rút trong túi áo ra một phong bì nhỏ, ngoài đề: “Kính gửi đồng chí Đàm, phụ trách cơ quan Giao Tế tỉnh Quảng Bình”. Lúc đoàn Cu Ba lên xe rồi, mở phong bì ra, ông Nguyễn Thanh Đàm thấy đó là một tấm carvisit, dài 8,5 cm, rộng 4,5 cm màu mỡ gà. Ông đoán chữ ngoài phong bì là của thư ký, phiên dịch của Fidel.

Khi kể chuyện này lại với chúng tôi, lúc đó, ông Nguyễn Thanh Đàm đứng dậy lục tủ, đưa tấm carvisit ấy ra. Chúng tôi đọc được dòng chữ CMDTE. FIDEL CASTRO RUZ, phía dưới là dòng chữ nét nhỏ, in nghiêng, bằng tiếng Tây Ban Nha, dịch ra là: “Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cu Ba”. Bảo mật tấm carvisit là hình quốc huy Cu Ba in nổi và một số dấu đặc biệt in chìm. Nếu đưa lên ánh sáng dọi vào thì mới phát hiện ra được.

Đầu tháng 9-2009, đoàn làm phim Cu Ba đến Quảng Bình thực hiện bộ phim tài liệu “Chủ tịch Fidel Castro và chuyến vào tuyến lửa khu 4 Việt Nam 1973” đã đến gặp ông Nguyễn Thanh Đàm để thực hiện một số trường đoạn. Khi đưa chiếc carvisit này cho các nhà làm phim Cu Ba xem, tất cả đều ồ lên thán phục. Họ nói rằng, ở Cu Ba người sở hữu carvisit này khi được lãnh tụ Fidel Castro tặng thì có một quyền lực tuyệt đối trong những trường hợp giao lưu, tiếp xúc với bất kỳ tập thể hoặc cá nhân khác.

Ông Nguyễn Thanh Đàm đã qua đời. Con cái, dâu, rể của ông đều là những người thành đạt trong xã hội. Sinh thời, ông là hạt nhân gương mẫu trong phong trào xây dựng nếp sống văn minh và an ninh xã hội tại địa phương ông sống. Trong tang gia bối rối và sau đó là việc tu chỉnh lại nhà cửa, chiếc carvisit mà ngày xưa Fidel tặng cho ông Nguyễn Thanh Đàm mà trước đây chúng tôi được ông đưa cho xem, nay gia đình vẫn chưa tìm lại được.

Nhưng, câu chuyện về nó và những gì xảy ra đêm nghỉ tại nhà nghỉ khách Giao Tế Quảng Bình là những kỷ niệm cao quý thiêng liêng không bao giờ phai trong tâm trí người quá cố và gia đình của ông hiện nay.

Hồ Ngọc Diệp