.

Di tích văn hóa Chăm ở Phong Nha – Kẻ Bàng

Thứ Tư, 01/02/2017, 17:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhiều người phương Tây đã đến thám sát hang động Quảng Bình và họ đã có những báo cáo khoa học về những di tích văn hóa Chăm ở vùng núi Phong Nha – Kẻ Bàng.

Trong Bản tin Lịch sử Địa lý lịch sử và mô tả (Bulletin de Géographie Historique et Descriptive) của Thư viện Quốc gia Pháp xuất bản năm 1897 cho biết, người phương Tây đến động Phong Nha đầu tiên là những cha cố người Pháp đang làm mục vụ tại vùng Troóc - Phong Nha - Cù Lạc.

Trong một bức thư của cha Bonin gửi cho cha Lesserteur viết: “Từ khi tôi thấy hang động đầu tiên cho đến bây giờ, tôi đã nhận thấy một sự thay đổi đáng ghi nhận. Trong vòng 10 năm, các vú đá đã lớn gấp đôi và nhiều vú đá mới đã hình thành. Lòng khe nước (vì hang động này thật ra chỉ là một khe nước ngầm) đã trở nên nguy hiểm và khó leo trèo. Ở đây, một vực thẳm không đáy là ở một bên cạnh bạn và bạn bước đi trên một sườn dốc đứng và trên lớp sỏi trơn trượt; ở đó nước đã khoét những hốc dưới đất và bạn bị ngăn cách với vực thẳm chỉ bằng một lớp đá mỏng đang hình thành, giống như thạch cao cứng hoặc vôi vữa cũ”.

Sau đó, trong một ghi chép được đọc tại Hội Hàn lâm Đông Dương (Société académique Indo-chinoise), cha xứ Lesserteur cho biết, trước đó cha xứ Frichot đã đến Phong Nha để can các bản văn tự khắc đá trong hang và đã lấy được 15 bản sao từ 15 vị trí khác nhau. Những bản sao này được in nguyên cảo trong nghiên cứu của hầu tước Crozier và tạp chí Pháp về ngoại quốc và thuộc địa (Revue Francaise de estranger et des colonies) ngày 11 tháng 11 năm 1885.

Như vậy, có thể thấy người Pháp đã đến Phong Nha rất sớm, từ giữa thế kỷ XIX. Đến cuối thế kỷ XIX, khoảng năm 1895 ông Camille Paris được Chính phủ Pháp cử đi thực hiện nhiệm vụ khoa học ở Việt Nam đã có chuyến khảo sát vùng núi Phong Nha - Kẻ Bàng và đã có báo cáo “Lộ trình ở Quảng Bình phía bắc Đồng Hới” đăng trong Bản tin Lịch sử địa lý và mô tả năm 1897.

Trong bài viết của ông C. Paris, ngoài việc mô tả những khó khăn trong cuộc thám sát, điều đáng chú ý là ông đã tập trung tìm kiếm những di sản văn hóa của người Chăm trong động Phong Nha. Ngay trong cửa động, C. Paris viết: “Bên phải lối vào, người Chàm (Chăm) đã dựng lên một phần tảng đá một bàn thờ bằng gạch, được người An Nam đã tô trát lại sau đó. Bàn thờ ngày xưa có dựng một tượng đá, chân bắt chéo, có môt chữ vạn (swastika) trên ngực, tóc che gáy. Người dân Phong Gia nói rằng lính Pháp đã lật bức tượng xuống sông. Tôi đã cho người lặn tìm nhưng không thấy”.

Cửa động Phong Nha.      Ảnh: B. CHIẾN
Cửa động Phong Nha. Ảnh: B. CHIẾN

Đi tìm dấu tích văn tự Chăm mà cha Frichot đã sao chép trước đây, những người chèo thuyền đã đưa C. Paris vào sâu trong hang, ông viết: “Sau vài phút tìm trên vách động, tôi nhìn thấy những văn tự thật sự phần nào đáp ứng các tiền khái niệm mà tôi đã mường tượng về chữ viết Chàm vốn đã chạm khắc tỉ mỉ lên các bia đá ở các tỉnh miền Nam... Các văn tự này được đưa vào các mặt lõm và chạy trên bề mặt một chút phẳng để viền các khuôn đúc từ phần nổi này sang phần nổi khác, trong tất cả các hướng và để ngoài tầm tay. Các văn tự hầu như dang dở hoặc chồng chéo, vụng về không theo một trật tự và hình dạng nào, như thể được viết vội vã, không chút tham vọng được khắc trên đá. Tôi bị thuyết phục khi nhận thấy rằng phần đá đầy các nét vẽ nguệch ngoạc được phủ một chất trầm tích mềm, bị bóc ra khi ấn ngón tay vào. Tôi cũng nhận thấy rằng chỗ tiếp nối các nhóm văn tự khắc đá tương ứng với các phần vách đá đã cứng và không có trầm tích”.

Công việc in dập các bản văn tự này hết sức khó khăn, đầu tiên ông thử phủ các chỗ trũng bằng mực tàu, sau đó in lại bằng giấy can, nhưng do mực bị pha loãng khi mặt giấy tiếp xúc với vách đá nên các bản dập không được như ý muốn. Sau đó nhờ sự giúp đỡ của cha Cadiere, họ tô đen từng ký tự rồi dập từng bản một. Khi các ký tự khắc trên đá đã được tô mực, họ đồ lại trên giấy Nhật một cách tỉ mỉ và chính xác.

Để có thể đồ lại được các văn bản, họ phải đứng trong một tư thế chông chênh không vững chắc, hoặc phải ngồi xổm, phải nằm nghiêng hoặc có lúc phải treo mình trên trần hang suýt rơi xuống vực thẳm. C. Paris cho biết, ông đã làm việc suốt trong 9 ngày, mỗi ngày làm việc từ 8 giờ sáng đến tận đêm dưới ánh sáng lập lòe và um tùm khói của những ngọn đuốc. Các ông đã in dập được 97 văn tự khắc đá trong hang Phong Nha bao gồm 162 trang.

Trong báo cáo của mình, ông đã vẽ lại sơ đồ vị trí các bản văn tự được đánh số từ 1 đến 97 trong hang khảo sát (Hang Bi Ký). Ông cho biết, các bản văn tự từ 1 đến 7 được thấy ở phần trên các măng đá mà phần lớn đã chạm vú đá tạo thành các cột nhũ đá ghép. Từ số 8 đến 59, các văn tự được khắc theo hàng trên một vách tối đang chuyển thành trong suốt. Từ số 60 đến 67, các văn tự hiện rõ ràng trên nền trầm tích trắng. Từ số 68 đến 73, các văn tự co cụm lại trong một lỗ bên thành hang. Các số từ 74 đến 82 được viết bằng màu đen trên một nền cứng. Từ số 95 đến 97 tách biệt khá rõ trên vách đối diện. Ông nhận xét: “Sự khác biệt trong cách viết chứng tỏ chữ viết đã tồn tại trên lớp phủ vách động vào thời đó và cả bây giờ”.

Trong quá trình tìm các bản văn tự Chăm, C. Paris đã đào bới lớp đất tích tụ trong các đài bán nguyệt nhỏ được hình thành bởi nước trên mặt đất, ông tìm thấy 3 bức tượng nhỏ bằng đất, đáp ứng khá tốt với dấu hiệu nhận dạng của tượng bị ném xuống sông trước đó. C. Paris viết: “Người dân nói rằng bức tượng bị ném xuống nước vốn được mang từ trong hang có văn tự khó đọc, và rằng những người tổ tiên ấy đã mang bức tượng đặt ở lối vào để tránh phải di chuyển dưới lòng đất lúc làm lễ tế” . C. Paris cũng đã tìm thấy một mẫu đất sét có văn tự còn giữ được tính mềm mại nguyên thủy và phải có hai ngày phơi ngoài trời để làm cho chúng cứng lại. Nhận xét về loại gạch làm đền thờ trong hang ông cho rằng: “Gạch ở đây tương tự gạch ở các tháp miền Nam... Nhưng khi xem xét bàn thờ ở lối vào đúng theo kiểu kiến trúc Chàm và các viên gạch của bàn thờ trong động vẫn còn chúng tôi có thể cho rằng người Chàm đã làm hai bức tượng, một tượng đặt ở lối vào cửa động và tượng kia đặt trong động và rằng bức tượng thứ nhất đã chịu số phận như bức tượng thứ hai”.

Cùng với việc thám sát động Phong Nha, ông C.Paris đã khảo sát thêm vùng Troóc và hang động vùng Lạc Sơn, Thiết Sơn (Tuyên Hóa). Ở Lạc Sơn, ông phát hiện thấy bàn thờ của người Chàm và 32 văn tự được khắc trên vách đá. Xuôi về làng Trung Ái (Quảng Trạch), ông phát hiện trên gò đất có một ngôi miếu và trong đó có hai bức tượng cụt tay góc Chàm; trong đó một bức vẫn còn trên bệ tượng.

Chuyến thám sát của nhà khoa học Pháp Camille Paris đến vùng bắc Đồng Hới, đặc biệt là động Phong Nha cuối thế kỷ XIX đã cho thấy những điểm sáng về phần đất nguyên sơ của người Chăm (Chàm) trên đất Quảng Bình

Sang đầu thế kỷ XX, Tạp chí Extreme Asie số 34 năm 1929 có đăng bài Một cuộc du ngoạn ở  Phong Nha (Excursion aux Grottes de Phong Nha) của giáo sư P. Antoine kể về cuộc thám hiểm Phong Nha kéo dài 4 ngày đêm trong động. Theo P. Antoine, đây là lần thứ hai ông tới động Phong Nha. Lần trước, ông chỉ xem qua loa và chỉ mới đi vào được hai động bên ngoài theo bản đồ hướng dẫn của Madrolle và bản báo cáo của nhà thiên văn học người Anh, ông Barton tại sở Du lịch Huế.

Như vậy, trước chuyến thám hiểm lần hai này của P. Antoine đã có hai cuộc thám hiểm của người Pháp - ông Madrolle và của người Anh - ông Barton. Theo tài liệu sau này của ông Boufỉe cho biết thì ông Barton đã ở trong động suốt 14 ngày.

Trong bài viết của P. Antoine có những chi tiết đáng quan tâm. Trước hết là việc thờ cúng ở Phong Nha, P.Antoni viết: “Trong gian thứ nhất, ở bên phải, dưới vòm hang có ba cái bàn thờ nhỏ như thường thấy ở trong các chùa khác. Nhiều tàn hương và giấy bạc rải rác trên mặt đất chứng tỏ rằng những vị thần của động này được nhiều tín đồ thờ phụng cúng bái. Vả lại động Phong Nha cũng được dân chúng địa phương gọi là Chùa Hang. Ông từ giữ chùa ở cách đó 200 mét, trong một túp lều hẻo lánh giữa dãy đá hình bán nguyệt, trên hữu ngạn con sông”.

Cuộc thám hiểm của P.Antoni lúc bấy giờ hết sức khó khăn, vất vả. Họ phải đi bằng bè và dùng đến hàng trăm bó đuốc. Chỉ có thám hiểm ba gian hầm theo tuyến chúng ta đi du lịch ngày nay, họ phải mất 4 ngày đêm. Từ gian hầm số hai sang gian hầm số ba (theo cách gọi của P.Antoni) chỉ dài 400 mét mà họ phải trải qua 3 giờ đồng hồ và dùng hết 50 bó đuốc. Ở gian hầm Khắc Chữ (ngày nay ta gọi là hang Bi Ký), ông đã khảo sát khá kỹ và cũng như ông C. Paris, P. Antonie đã bắt gặp những chữ chàm được khắc trên đá ở một khe khá sâu không lối thoát. Tuy đã cố gắng tìm con đường thoát để tiếp tục cuộc du ngoạn nhưng cuối cùng họ chỉ có lối thoát duy nhất là quay lại theo hướng đông nam để ra cửa hang.

Tháng 5 năm 1929, ông M. Bouffier cùng các ông Charly, Pasqualaggi tổ chức một cuộc thám hiểm khác nhằm mục đích “Tiếp tục cuộc thám hiểm trước chúng tôi đã đến nhưng phải dừng lại”. Theo Boufier, đoàn của ông không nghiên cứu sâu và chi tiết những điều đã được khám phá trước đây, mà chính là tìm ra nguồn gốc con suối từ trong động chảy ra bằng cách theo con suối đó cho đến tận cùng để “cố gắng chứng minh giả thiết – có nhiều khả năng đúng đắn – cho rằng có một khúc suối lộ thiên nối liền với khúc suối ngầm trong động”, đó là con suối có tên là Rào Te nằm ở phía tây nam được ghi trên bản đồ hay không?

Cuộc thám hiểm của Buofier chỉ kéo dài trong 3 ngày nhưng phương tiện chuẩn bị khá đầy đủ. Đoàn của ông đi bằng hai thuyền độc mộc chở đầy các bó đuốc, 6 hộp các buya cung cấp chất đốt cho 3 cây đèn đất, nửa tá bao sáp, hai đèn bão thắp bằng dầu hỏa, 2 ngọn đèn điện, 1 chạy bằng máy điện, 1 chạy bằng pin (có 6 cặp pin dự trữ, mỗi cặp dùng trong 10 giờ). Đoàn của Boufier tiến vào sâu hơn lộ trình của P. Antone, theo như bản báo cáo thì ông đã vào hang số 4, nghe tiếng reo của một ngọn thác và đột ngột chảy xuống một ngọn suối. Ở đây họ gặp những cành cây trôi dạt nghi ngờ  sự nối thông với một dòng suối lộ thiên bên ngoài nhưng họ cũng không thể đi đến ngọn nguồn.

Ngày nay, với việc khảo sát của Hội Hang động Hoàng Gia Anh, thì việc chứng minh sông ngầm trong động Phong Nha là một hệ thống sông ngầm được nối thông với hệ thống sông suối lộ thiên là điều hiển nhiên, nhưng công việc của đoàn thám hiểm Boufier tại thời điểm đó là một cố gắng lớn.

Ngoài Phong Nha, nhiều nhà thám hiểm cũng đã thám sát một số hang động trong dãy núi đá vôi Kẻ Bàng. Đáng chú ý là cuộc thám hiểm Hang Đen (Trou Noir) , nay gọi là Hang Tối của E. Suluy. Theo mô tả của Suluy thì Hang Tối là một hang động đầy bí ẩn, vì thế, ngày nay trong việc khai thác tuyến du lịch này những người quản lý du lịch ở Phong Nha – Kẻ Bàng cần phải có sự khảo sát thận trọng.

Những cuộc thám sát, nghiên cứu hang động  của các nhà khoa học phương Tây giữa thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX cho chúng ta thấy không những về cảnh quan, kiến tạo địa chất lúc bấy giờ mà còn có các dấu tích văn hóa Chăm và phong tục, tập quán của cư dân bản địa. Đó là những tư liệu quý để hoạch định một chiến lược bảo tồn, phát huy hiệu quả một cách bền vững của Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng.

Phan Viết Dũng