.

"Có những điều đốt mãi chẳng thành tro"

Thứ Năm, 11/02/2016, 10:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Gần 40 năm đã trôi qua, cuốn nhật ký chiến trường giờ nhiều trang đã nhạt nhòa nét mực. Lần giở những trang giấy ố vàng, nỗi xúc động chợt trào dâng khi gặp lại ở đó những dòng tâm sự của người lính trẻ trên chiến trường nóng bỏng. Trong từng trang viết, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước xen lẫn những tâm tư rất đỗi đời thường. Chủ nhân cuốn nhật ký và những người đồng đội đã sống, chiến đấu và hy sinh lặng lẽ, để lại những hồi ức, những câu chuyện tuyệt đẹp cho những người đang sống hôm nay...

 

Liệt sĩ Hồ Ngọc Anh (bên trái) và em trai Hồ Ngọc Dũng tại thành phố Vũng Tàu năm 1975.
Liệt sĩ Hồ Ngọc Anh (bên trái) và em trai Hồ Ngọc Dũng tại thành phố Vũng Tàu năm 1975.

Chủ nhân của cuốn nhật ký là liệt sĩ Hồ Ngọc Anh (sinh năm 1955 tại xã Sơn Trạch, Bố Trạch). Năm 1971, tạm biệt gia đình và bạn bè, anh lên đường nhập ngũ, biên chế vào C15, thuộc lực lượng bộ đội đặc công Quân khu 4 lúc bấy giờ. Năm 1973, anh được cử đi học tại Trường kỹ thuật thông tin Hiệp Hoà (Hà Bắc).

Khi chiến dịch Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn cao điểm, anh cùng nhiều học viên khác, trong đó có em trai ruột là Hồ Ngọc Dũng (sinh năm 1956) được điều động vào thành phố Vũng Tàu để tiếp quản hệ thống thông tin liên lạc của địch và học tiếp chương trình cho đến năm 1977 thì ra trường.

Là một trong những sinh viên xuất sắc của trường, sau khi tốt nghiệp, Hồ Ngọc Anh đã được giữ lại trường làm công tác giảng dạy, nhưng anh đã có nguyện vọng được trực tiếp tham gia công tác tại các đơn vị nên được cấp trên điều về Quân khu 5.

Cuối năm 1977, khi chiến trường Tây Nam đang trong giai đoạn nóng bỏng, anh cùng đồng đội lên đường và đóng quân tại tỉnh Tây Ninh.

Bắt đầu từ đây, cuốn nhật ký đã ghi lại những tháng ngày gian khổ của anh và đồng đội. Nhưng với tình yêu Tổ quốc và nhiệt huyết của tuổi trẻ, họ đón nhận những tháng năm khốc liệt ấy với tâm thế nhẹ nhàng và sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách. Ngày 16-12-1977, anh viết "Chúng tôi nhận nhiệm vụ đi phục vụ chiến đấu ở biên giới. Thật là sôi nổi, thật là nhẹ nhàng của một người lính khi đi xa. Gần 12 giờ, chúng tôi có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất, nghỉ ít phút là chúng tôi lại lên xe về Tây Ninh luôn...".

Là những người lính thông tin, nhiệm vụ của anh Hồ Ngọc Anh và đồng đội là luôn đi trước để chuẩn bị hệ thống thông tin phục vụ chiến dịch. Họ âm thầm len lỏi giữa rừng trong đêm hoặc buổi sáng tinh mơ để tránh tai mắt của địch. Có những hôm trước trận đánh, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, họ trở về đơn vị, được đồng chí thủ trưởng đơn vị khen ngợi và tự tay dọn cơm, cảm giác ấm áp và hạnh phúc như đang sống giữa gia đình thân yêu.

Tình yêu và niềm tin của những người dân nơi biên giới khốc liệt cũng góp phần động viên họ rất nhiều "Sáng nay trên đường hành quân, tôi bắt gặp nhiều cảnh tượng và ánh mắt khiến tôi vô cùng xúc động. Mọi người thấy chúng tôi trên xe đi vào nơi biên giới xảy ra chiến sự, đã gửi theo nhiều ánh nhìn lưu luyến. Tôi cảm nhận được những cái nhìn gần gũi, thân thiện...".

Ngày 23-12-1977, nhật ký viết: "Chiến dịch bắt đầu từ 6 giờ sáng ngày 22-12-1977. Hướng ở đây là hướng chính. 7 giờ quân ta đã làm chủ toàn bộ chiến trường và bao vây, gọi địch đầu hàng. Ngày 23 ta bắt được 128 binh lính. Chúng tôi rất phấn khởi khi nghe tin chiến sự, nó củng cố lòng tin cho chúng tôi, động viên chúng tôi trên mặt trận không tiếng súng để hoàn thành nhiệm vụ...".

Mùa khô năm 1978, chiến sự ở biên giới Tây Nam ngày càng ác liệt khi quân Pôn Pốt tăng cường lực lượng quân sự, áp sát biên giới, tiến hành hàng loạt hoạt động gây hấn và tàn sát người dân nơi đây. Lúc này, nhiệm vụ của những người lính thông tin càng nặng nề hơn khi họ phải kịp thời chuẩn bị đường dây liên lạc trước từng trận đánh.

Vậy là bắt đầu những ngày luồn rừng trong cái nắng khô khốc của mùa khô phương nam, những đêm gió chướng lùa ràn rạt, hun hút. Vừa làm nhiệm vụ, họ vừa căng mình theo dõi lính Pôn Pốt rình rập, phục kích. Sau những khoảnh khắc căng thẳng đối đầu với cái chết rất gần, người lính trẻ Hồ Ngọc Anh lại bầu bạn với cuốn nhật ký mà ở đó, giữa những tin chiến sự nóng bỏng, là tình yêu rất đỗi ngọt ngào anh gửi về cho mẹ cha, anh chị em và cho cô bạn gái anh đã kịp hẹn thề trước lúc lên đường...

Những trang nhật ký cuối cùng với nét mực bị phai mờ bởi thời gian đã khép lại khi mùa khô ác liệt năm 1978 chưa kịp đi qua. Chúng tôi đã tìm gặp anh Hồ Ngọc Dũng, người đồng đội và cũng là em trai của của liệt sĩ Hồ Ngọc Anh để tìm hiểu về những ngày cuối cùng của chủ nhân cuốn nhật ký. Anh Dũng cho biết: Tháng 6-1978, anh Anh cùng đồng đội làm nhiệm vụ ở khu vực biên giới để chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Căm - Pu - Chia. Cũng như bao lần thực hiện nhiệm vụ khác, họ lại luồn rừng rải đường đường dây thông tin liên lạc.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trên đường trở về đơn vị, anh đã bị quân Pôn Pốt phục kích và hy sinh. Đó là vào cuối tháng 11-1978, trước ngày Căm - Pu - Chia được giải phóng hơn một tháng. Trong số những kỷ vật mà đơn vị chuyển về cho gia đình có cuốn nhật ký ghi lại những tháng ngày anh chiến đấu ở chiến trường Tây Nam nóng bỏng...

Cùng với cuốn nhật ký, phía sau sự hy sinh của liệt sĩ Hồ Ngọc Anh là một chuyện tình rất đẹp. Người bạn gái quê nhà mà anh từng gửi gắm nỗi niềm tâm sự trong cuốn nhật ký chiến trường là chị Nguyễn Thị Phương Hồng, một giáo sinh sư phạm. Cha mẹ hai bên cũng đã gặp gỡ để bàn chuyện kết tóc xe tơ cho họ. "Gia đình dự định tổ chức lễ kết hôn cho anh chị vào dịp tết năm 1978. Nhưng rồi anh hy sinh, đám cưới được mong đợi ấy đã không bao giờ diễn ra...", anh Dũng chia sẻ.

Những trang nhật ký mùa đông 1977.
Những trang nhật ký mùa đông 1977.

Người chứng kiến tất cả chuyện tình đẹp đẽ ấy của liệt sĩ Hồ Ngọc Anh và Nguyễn Thị Phương Hồng là anh Đặng Ngọc Nọi, người bạn và cũng là người đồng đội của anh. Năm 1978, anh Nọi là người mang những kỷ vật của liệt sĩ Hồ Ngọc Anh về cho gia đình.

Cũng từ đây, sợi dây tình cảm giữa anh Nọi và gia đình anh Anh ngày một bền chặt, trong đó có thành viên chưa chính thức là chị Hồng. Và tự lúc nào không rõ, anh Nọi đem lòng yêu mến bạn gái cũ của bạn mình, người mà trước đây anh đã từng được nghe kể trong những lần cùng đồng đội nằm gai nếm mật giữa rừng. Biên giới Tây Nam im tiếng súng, năm 1979, anh Nọi lại cùng đồng đội được điều động ra biên giới phía Bắc đang ở thời khắc ác liệt.

Giữa chiến trường khói lửa, anh vẫn luôn đau đáu nhớ về chị Hồng và người đồng đội đã hy sinh. Và tình yêu giữa anh Nọi và chị Hồng âm thầm đến như một lẽ tự nhiên khi hình ảnh anh Hồ Ngọc Anh tựa như là sợi dây kết nối giữa hai người. Một năm sau, anh được nghỉ phép về thăm nhà và đám cưới của họ đã diễn ra trong niềm vui và chúc phúc của tất cả mọi người.

Tôi đã may mắn được trò chuyện với chị Hồng, nhân vật trong câu chuyện đẹp như cổ tích ấy. Chị Hồng và anh Nọi hiện sống ở Đồng Nai cùng ba người con đã trưởng thành. Thời gian qua đi, tóc họ đã bạc, nhưng ký ức về những tháng năm tuổi trẻ vẫn in đậm trong lòng họ, thiêng liêng và sống động. Gần 40 năm qua, họ luôn sắp xếp thời gian và những bận rộn thường nhật để nhiều lần có mặt trong ngày giỗ của liệt sĩ Hồ Ngọc Anh.

Trong một dịp về quê giỗ bạn, anh Nọi đã làm một bài thơ tặng bạn. "Bài thơ ấy, anh Nọi thầm thì đọc riêng cho anh trai tôi trong ngày giỗ. Chúng tôi trân trọng những tâm tư sâu kín ấy giữa hai người nên bài thơ vẫn ở nguyên trên bàn thờ anh tôi!", chị Hồ Thị Hồng Hà, em gái liệt sĩ Hồ Ngọc Anh chia sẻ.

Có ai đó đã từng viết về những điều thiêng liêng, đẹp đẽ trong cuộc sống bằng câu thơ "Có những điều đốt mãi chẳng thành tro". Vâng, cuốn nhật ký chiến trường của liệt sĩ Hồ Ngọc Anh và chuyện tình cảm động của những người lính chính là những điều thiêng liêng đẹp đẽ đã vượt qua bao thử thách của lửa đạn và thời gian để mãi trường tồn...

Ngọc Mai