.

Thư gửi quê nhà

Thứ Hai, 08/02/2016, 19:38 [GMT+7]

(QBĐT) - Hơn hai năm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vĩnh biệt chúng ta về an nghỉ vĩnh hằng tại Vũng Chùa-Đảo Yến. Sinh thời, quê hương Quảng Bình canh cánh bên Người, “Quảng Bình là nhà tôi, khi nào rảnh việc nước thì tôi về nhà”. Không thăm quê được, mỗi khi Quảng Bình có sự kiện trọng đại gì, Đại tướng đều gửi thư. Nhân dịp tỉnh Quảng Bình trở về địa giới cũ, Người viết thư căn dặn “… dựa vào dân chúng ta sẽ khắc phục được, vì nhân dân giành những thắng lợi mới”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc Báo Quảng Bình. Ảnh: Tư liệu
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc Báo Quảng Bình. Ảnh: Tư liệu

Hành trình bức thư Đại tướng 25 năm trước

Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi may mắn gặp gỡ rất nhiều người từng gắn bó với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vào dịp tháng 6 - 2015, khi ra Hà Nội công tác cùng nhà báo Hồng Hiếu (Đài PT-TH Quảng Bình), vinh dự khi được anh Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông và chị Hoàng Thị Ái Nhiên, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam mời cơm.

Câu chuyện của những người con Quảng Bình chợt nhiên hướng về Đại tướng, anh Đỗ Quý Doãn bảo rằng: “Với Quảng Bình, những khi Đại tướng không về thăm được, Bác thường viết thư. Mình còn nhớ Bác có gửi một bức thư tay nhân dịp tái lập tỉnh; hai lá thư cho Đảng bộ và nhân dân huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa khi chia tách huyện. Các bạn làm báo tỉnh nhà thử về tìm lại xem những bức thư này giờ đang ở đâu. Đây là những tư liệu quý về tình cảm Đại tướng với quê hương”.

Cơ duyên khác trong hành trình tôi đi tìm những lá thư Đại tướng gửi quê hương khi thân thiết với ông Mai Xuân Thu, Chủ tịch Hội bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Quảng Bình; nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy. Ông Mai Xuân Thu kể: “Tháng 7 năm 1989, chia tách tỉnh Bình Trị Thiên thành ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, tôi lúc đó là Tỉnh ủy viên lâm thời, Chánh văn phòng Tỉnh ủy. Ông Thái Bá Nhiệm làm Bí thư Tỉnh ủy và ông Trần Sự là Chủ tịch UBND tỉnh.

Một buổi sáng tháng 5 năm 1990, đồng chí  Bí thư Tỉnh ủy trao cho tôi lá thư tay bảo thư Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi cho Đảng bộ, nhân dân Quảng Bình, Văn phòng Tỉnh ủy hãy cho ban hành rộng rãi trong toàn cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng biết”.

Sau khi đánh máy phổ biến rộng rãi, ông Mai Xuân Thu lưu trữ bức thư trong tủ tài liệu của mình. Thời gian, công việc, vị trí công tác thay đổi cho đến khi ông Thu về hưu, bản gốc thư Đại tướng gửi cho quê nhà nhân dịp tái lập tỉnh vẫn cứ nằm yên trong tủ hồ sơ của ông.

Ngày Đại tướng về an nghỉ tại Vũng Chùa - Đảo Yến, thương tiếc Đại tướng, ông Mai Xuân Thu lục tìm những kỷ niệm của Người với Quảng Bình trong đống tài liệu nhuốm bụi thời gian... Rồi từ trong tờ báo Quảng Bình ố vàng, lá thư Đại tướng Võ Nguyên Giáp rơi ra.

Một ngày xuân nắng ấm, ông Mai Xuân Thu gọi tôi đến trân trọng đưa cho xem thư Đại tướng, một lá thư tay gồm hai trang viết trên giấy khổ A4 màu mỡ gà. Cho dù thời gian trải qua 25 năm  bức thư vẫn nguyên lành tròn nét chữ Đại tướng nghiêng nghiêng.

Câu chuyện ông Mai Xuân Thu đưa tôi ngược về 25 năm trước: “Thật ra khi tái lập tỉnh, Đại tướng không bố trí được thời gian về Quảng Bình, vì thế bác luôn băn khoăn trong lòng. Bác nói “Từ lúc chia tỉnh chưa về thăm, tôi cũng áy náy. Mong các anh, đồng bào, đồng chí thông cảm”. Nhân dịp Hội thảo quốc tế về Bác Hồ tổ chức tại thành phố Vinh, từ ngày 23 đến ngày 26 năm 1990, Đại tướng cùng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tham dự.

Biết Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vào Quảng Bình còn mình phải quay ra Hà Nội, Đại tướng mới viết thư tay nhờ Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chuyển về quê, trực tiếp trao cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bá Nhiệm” .

Thư gửi quê nhà

Bức thư Đại tướng gửi Quảng Bình 25 năm về trước.
Bức thư Đại tướng gửi Quảng Bình 25 năm về trước.

“Anh Nhiệm, anh Sự, các anh!
Tôi vào họp Hội nghị khoa học toàn quốc ở Vinh, vào ngày 23, họp mấy ngày 24, 25, 26 rồi sáng 27 phải ra.

Rất nhớ quê nhà, rất mong vào thăm các anh, thăm đồng bào và chiến sỹ nhất trong dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác, nhưng lần này vẫn chưa thu xếp được. Bởi vì có những việc ở Hà Nội đang chờ, lại vì lần này vào thăm thì thăm cả ba tỉnh và có thời gian về Lệ Ninh. Tôi dự định sang tháng 7 (chưa biết có được không) sẽ đi máy bay vào Đà Nẵng rồi từ Đà Nẵng ra Huế, ghé lại Quảng Trị rồi ra tỉnh nhà, ở lại được mấy hôm thì tốt nhất.

Từ lúc chia tỉnh chưa về thăm, tôi cũng áy náy. Mong các anh, đồng bào và đồng chí thông cảm.
Kỷ niệm Bác Hồ là một thắng lợi lớn. Cuộc hội thảo quốc tế đạt kết quả lớn. Ngày 19-5 ở Hà Nội, các thành phố lớn, ở Vinh và Kim Liên đồng bào nô nức đổ ra đường suốt ngày đêm. Tấm lòng của dân đối với Bác thật là không có lời nào tả hết, nói lên hết được. Nên nhân dịp này đẩy mạnh phong trào, lấy năm 90 thành năm Bác Hồ để củng cố Đảng, tăng thêm lòng tin của nhân dân, củng cố cái đã làm được, vượt qua nhiều khó khăn về nhiều mặt.

Nêu cao tinh thần chủ động, tự lực, tự cường, độc lập suy nghĩ và sáng tạo đồng thời đoàn kết với các tỉnh bạn, rộng ra là tranh thủ đến mức cao sự hợp tác và giúp đỡ của các nước. Dự kiến cho hết những khó khăn, dựa vào dân chúng ta sẽ khắc phục được, vì nhân dân giành những thắng lợi mới.

Chúc các anh chị, các cháu mọi sự tốt đẹp
Nhờ chuyển lời thăm hỏi của tôi đến bà con cô bác, đến bạn bè thân thuộc
Chúc các đồng chí khỏe, làm ăn có hiệu quả”

Thân Văn
26-5-1990

Thư  Đại tướng gửi quê hương 25 năm về trước ngắn ngọn mà chan chứa ân tình. “Quảng Bình là nhà tôi...” nhưng nếu về sẽ phải thăm Huế, ghé Quảng Trị rồi mới đến Quảng Bình. Đại tướng căn dặn: “Nêu cao tinh thần chủ động, tự lực, tự cường, độc lập suy nghĩ và sáng tạo đồng thời đoàn kết với các tỉnh bạn, rộng ra là tranh thủ đến mức cao sự hợp tác và giúp đỡ của các nước. Dự kiến cho hết những khó khăn, dựa vào dân chúng ta sẽ khắc phục được, vì nhân dân dành những thắng lợi mới”... Cho dù thời gian can qua, lời căn dặn của Đại tướng vẫn còn nguyên giá trị.

Quảng Bình không phụ lòng mong muốn Đại tướng, tri ân Đại tướng, vững vàng cất cánh vươn cao trên con đường đổi mới.

Ngô Thanh Long