.

"Nhìn" Đại tướng ở góc gần

Thứ Hai, 08/02/2016, 21:00 [GMT+7]

(QBĐT) - “May mắn nhất của cuộc đời tôi, ấy là được gần gũi Đại tướng, chẳng cầu mong gì khác hơn là được giữ cho mình những khoảnh khắc hiếm hoi bình dị của một nhân cách lớn lao, của một con người đầy cá tính”-Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng đã mở lời như vậy khi nói về câu chuyện cả cuộc đời ông chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và tôi hiểu, chính nhờ “cơ duyên” đó của ông mà nhiều người mới biết đến, mới hiểu sâu sắc hơn về chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở một góc nhìn gần.

Dường như tôi có chút chất “Quảng Bọ” trong người

Cơ duyên nào để ông được nhiều lần gặp gỡ và ghi lại những khoảnh khắc quý giá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp? Nghe câu hỏi đó, nhà báo, NSNA Trần Hồng cười bảo: “Đến bây giờ tôi cũng không biết rõ vì điều gì nữa”. Rồi ông kể: Năm 1992, khi đến dự triển lãm ảnh đầu tiên của tôi ở 45 Tràng Tiền (Hà Nội), Đại tướng chăm chú xem, ghi cảm tưởng rồi hỏi tôi 1 câu với phong cách rất nhà binh: Đồng chí phóng viên, Trung tá Quân đội Trần Hồng trả lời cho tôi, trong 87 bức ảnh này, đồng chí thích nhất bức nào?

Tôi trả lời rằng: “Thưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh, tôi thích tất cả. Vì tất cả đó là của tôi và tôi chịu trách nhiệm từng tác phẩm của tôi đến cùng”. Thế là Đại tướng dành cho tôi nụ cười cực hiền cùng một câu nói rất là “xứ Bọ”: “Cậu ranh lắm!”. Có phải, câu trả lời của tôi đã tìm được sự đồng cảm với “chất Bọ” nên tôi được Đại tướng “để ý” chăng?

Sau đó, mỗi lần gặp Đại tướng, tôi làm việc say sưa, chụp ảnh liên tục. Có lẽ ông thấy một cậu phóng viên tác nghiệp nhiệt tình, nghiêm túc, đầy trách nhiệm nên cảm tình chăng?... Nhà báo Trần Hồng nói mà như tự vấn lòng mình rồi nhanh chóng trở lại với phong thái lanh lẹ, vui tươi thường thấy, cười nói với chúng tôi: Vì lẽ gì không còn quan trọng nữa, quan trọng là tôi đã có cơ may trong đời mà không phải đồng nghiệp nào cũng có được.

Rồi Trần Hồng say sưa kể về những lần gặp gỡ Đại tướng, về những bức ảnh mà đằng sau đó là cả những câu chuyện, những cuộc tiếp xúc; là tình cảm, tâm tư, là cốt cách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; là sự tôn kính, ngưỡng mộ của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế dành cho người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Ông kể, hầu hết những cuộc triển lãm ảnh của tôi, Đại tướng đều đi xem. Riêng triển lãm về Đại tướng thì ông không đến. Sau đó, tôi mang ảnh đến nhà cho ông xem, cũng là một cơ hội để được tiếp cận, ghi lại những khoảnh khắc đời thường của Đại tướng. Và bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang chơi đàn piano đã ra đời trong khoảnh khắc hiếm hoi như thế.

Thấy Đại tướng chơi đàn, tôi mừng không thể tả vì đúng với ao ước của tôi bấy lâu nay. Nó đến bất ngờ quá, tôi chụp liền 3 cuộn phim, trong đó có 1 cuộn đen trắng. Tôi tập trung quan sát: niềm vui, sự trầm lắng, bình thản trên sắc diện ông biểu hiện rất rõ. Thích lắm! Khoảnh khắc đầy nhân văn ấy của Đại tướng là một trong những bức ảnh mà tôi tâm đắc.

Chuyến về Quảng Bình năm 2004 đầy ấn tượng cũng là may mắn của tôi. Tôi nói với người lái tàu: “Hôm nay có một vị khách đặc biệt đi trên một chuyến tàu không đặc biệt” (Đại tướng về thăm quê trên chuyến tàu bình thường như bao người khác - NSNA Trần Hồng).

Với chuyến đi ấy, tôi đã cảm nhận được tình cảm yêu mến, sự kính trọng vô bờ bến của những người dân Quảng Bình dành cho Đại tướng và sự gần gũi, giản dị, đầy chân tình của Người. Tôi cũng rất biết ơn tỉnh Quảng Bình đã giúp đỡ tôi rất nhiều để có cuộc triển lãm ảnh đầu tiên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngay tại quê nhà vào năm 2006.

“Lồng lộng một Võ Nguyên Giáp ở phía không phải là huyền thoại”

Đó là chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà nhà thơ Trần Đăng Khoa đã cảm nhận được khi xem những bức ảnh của tác giả Trần Hồng. Quả vậy! Xem ảnh của nghệ sĩ Trần Hồng, dường như chúng ta biết được nhiều hơn, nhất là những “góc khuất” trong con người Đại tướng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần về thăm quê hương Quảng Bình năm 2004 (Ảnh: Trần Hồng)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần về thăm quê hương Quảng Bình năm 2004. (Ảnh: Trần Hồng)

Bên cạnh những bức ảnh về một số hoạt động ngoại giao, những chuyến về thăm quê, thăm lại chiến trường xưa... thì phần lớn các bức ảnh, tác giả Trần Hồng đã ghi lại những khoảnh khắc đời thường nhất của Đại tướng. Đó là hình ảnh Người thâm trầm, sâu lắng bên cây đàn piano, là khoảnh khắc bồi hồi xúc động khi đứng bên tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, là phút giây xúc động rơi nước mắt khi gặp lại người bạn cũ, là lúc Người run rẩy thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên ở quê hương Lệ Thủy, Quảng Bình, hay phút giây thư thái khi Đại tướng tập thiền, rồi những khoảnh khắc quây quần bên gia đình...

Công chúng không chỉ thấy vị Đại tướng lừng lẫy năm châu như từng biết mà còn được ngắm hình ảnh một người cha chu đáo, một người ông hiền từ, một nghệ sĩ phiêu lãng, một người con quê hương giàu ân nghĩa... trong con người ông.

Tác giả Trần Hồng chia sẻ: Khi chụp ảnh Đại tướng, dễ nhất là tìm được sự đồng cảm rất nhanh. Ở Đại tướng có đức tính mà nhiều người rèn luyện cũng khó có được: đó là sự giao cảm, mối quan hệ với tất cả mọi người, không kể cấp bậc, vị trí, quốc gia... Ban đầu, người ta hơi sợ vì ông quá “đồ sộ” nhưng chỉ trong thời gian ngắn đã có sự giao cảm, gần gũi như ông cháu, cha con hay giữa 2 người bạn thân tình.

Nhưng cái khó đối với người cầm máy khi chụp Đại tướng là ông quá vĩ đại, nhân văn; thật khó để bắt kịp tư tưởng, suy nghĩ, nhân cách vĩ đại của Người. Và tôi cố gắng tìm ra, toát ra được cái lớn từ những điều nho nhỏ. Ông cũng cho biết, tất cả những bức ảnh ông chụp Đại tướng hoàn toàn chân thực, không có sự can thiệp, chỉnh sửa, bởi “Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì chỉ ghi chép chân thực về ông là đã “sướng” rồi!”. Tự thân những việc làm, lời nói, cử chỉ, sở thích... của Đại tướng toát lên một cách tự nhiên về sự vĩ đại và nhân cách cao cả của Người.

Có lẽ, chẳng có lời nhận xét nào chính xác hơn để nói về những tác phẩm chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp của tác giả Trần Hồng như lời nhà thơ Trần Đăng Khoa đã khẳng định. “Nhiều bức ảnh tuyệt vời ta biết, là những bức ảnh từ xa, ngắm Đại tướng từ xa, người ngắm luôn ngước lên. Còn Trần Hồng là nhìn gần. Nhiều khi không còn khoảng cách. Như con ngắm cha, cháu ngắm ông. Đó là cái nhìn của người thân trong một gia đình ấm cúng. Vì thế, anh cho chúng ta nhiều bức ảnh có giá trị...”.

Vốn là phóng viên ảnh Báo Quân đội Nhân dân, ông đã từng giành 20 giải thưởng ảnh trong nước và quốc tế. Nhưng có lẽ, người ta nhớ ông nhiều nhất là bộ ảnh chân dung Mẹ và bộ ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Hơn 40 năm cầm máy, với hơn 2.000 bức ảnh chụp Đại tướng mà nhà báo, NSNA Trần Hồng gần như nhớ vanh vách từng câu chuyện đằng sau mỗi tấm hình ấy. Điều đó đủ để thấy ông tôn quý, kính trọng nhân vật của mình như thế nào. Với ông, đó là cả gia tài trong sự nghiệp làm báo của mình.

Trần Hương Lê