.

Chuyện về Thiếu tướng Hoàng Sâm

Thứ Ba, 09/02/2016, 17:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Hoàng Sâm tên thật là Trần Văn Kỳ, sinh năm 1915 ở làng Lệ Sơn, nay là xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa. Người con của danh hương Lệ Sơn đến với cách mạng rất sớm, năm 12 tuổi Trần Văn Kỳ được tổ chức cách mạng chọn cử sang Thái Lan học tập. Tại đây Hoàng Sâm may mắn được gặp Bác Hồ - Đó là may mắn đầu tiên trong đời hoạt động của ông.

Thiếu tướng Hoàng Sâm (bên phải) đang nói chuyện với cụ Bùi Kỷ (Chủ tịch Ủy ban Liên Việt) tại Đại hội Luyện quân lập công do quân và dân Liên khu 3 tổ chức tại Sở Kiện, Phủ Lý, Hà Nam, năm 1948.        Ảnh: TƯ LIÊåU
Thiếu tướng Hoàng Sâm (bên phải) đang nói chuyện với cụ Bùi Kỷ (Chủ tịch Ủy ban Liên Việt) tại Đại hội Luyện quân lập công do quân và dân Liên khu 3 tổ chức tại Sở Kiện, Phủ Lý, Hà Nam, năm 1948. Ảnh: Tư liệu

Lúc đó Bác mang tên Thầu Chính, chọn ông làm liên lạc cho Bác với tên gọi Hoàng Sâm. Năm 1933, Hoàng Sâm được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông đã bị lộ tung tích, bị mật thám Pháp ở Thái Lan, cảnh sát Thái Lan truy bắt và trục xuất khỏi đất Thái Lan. Tổ chức bí mật đưa ông sang Trung Quốc hoạt động rồi trở về Cao Bằng tham gia công tác của Tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng.  

Cuối năm 1940, Hoàng Sâm được cử đi dự lớp huấn luyện mở tại Tĩnh Tây –Trung Quốc do các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp giảng dạy. Năm 1941, theo chỉ thị của Bác, Đội du kích Pắc Bó được thành lập.

Đây là đội du kích đầu tiên  có 12 người do đồng chí Lê Quảng Ba làm Đội trưởng và Hoàng Sâm làm Đội phó. Sau một thời gian Hoàng Sâm làm Đội trưởng. Đội hoạt động với vai trò nòng cốt xây dựng lực lượng bán vũ trang trong phong trào cách mạng Cao Bằng vừa tuyên truyền cách mạng, bảo vệ các cơ quan của Đảng, các cuộc họp của các tổ chức cách mạng vừa tiểu phỉ cho đến năm 1943.

Đầu tháng 12 năm 1944, Bác Hồ triệu tập đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Vũ Anh đến Pắc Bó để nghe báo cáo phong trào cách mạng 3 tỉnh Cao-Bắc-Lạng và chủ trương phát động chiến tranh du kích của Liên Tỉnh ủy. Bác chỉ định và giao nhiệm vụ đồng chí Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm công tác thành lập lực lượng vũ trang tập trung. Đồng chí Võ Nguyên Giáp chọn bước đầu 34 cán bộ và chiến sỹ biên chế vào Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Ngày 22 tháng 12 năm 1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân chính thức thành lập và ra mắt tại cây đa Tân Trào. Đồng chí Hoàng Sâm được cử làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên. Đội có 31 nam và 3 nữ, biên chế thành 3 tiểu đội.

Trong một dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, khi giới thiệu về các cán bộ và đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đồng chí Võ Nguyên Giáp nói: "Đây là Hoàng Sâm, Đội trưởng. Từ lúc bé đã thoát ly gia đình làm cách mạng, bôn tẩu từ trong nước sang Thái Lan và Trung Quốc, trở về hoạt động ở miền biên giới. Bao nhiêu năm bị giặc truy nã, đã từng lặn lội trong dân chúng các dân tộc Kinh, Mán, Thổ, Nùng, đã từng vũ trang chiến đấu nhiều với quân tuần tiễu của Pháp, đã làm cho bọn thổ phỉ nghe tiếng là kinh sợ".

Với việc ra đời Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tại Cao-Bắc-Lạng đã hình thành 3 thứ quân: quân chủ lực, các đội vũ trang địa phương và các đội tự vệ bán vũ trang. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Hoàng Sâm, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã lập nên hai chiến công Phai Khắt (25-12-1944), Nà Ngần (26-12-1944) mở đầu truyền thống "đánh thắng trận đầu" của quân đội ta. Và cũng là lực lượng có danh tiếng vang lừng răn đe quân Nhật, Pháp, ngụy quân ngụy quyền trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nhưng vận mệnh của đất nước đang bị thù trong giặc ngoài đe dọa nghiêm trọng. Thực dân Pháp núp bóng quân đội Anh đánh chiếm Nam Bộ. Quân Tưởng Giới Thạch cùng bọn Quốc dân đảng phản động dưới danh nghĩa vào miền Bắc Việt Nam tước vũ khí quân Pháp nhưng âm mưu chính là lật đổ Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa để lập chính phủ tay sai mới. Biết rõ âm mưu mới của thực dân Pháp.

Sau ngày 2-9-1945, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã đưa nhiều đơn vị quân đội lên Tây-Bắc giữ chính quyền và đánh chặn địch. Đó là các đơn vị được gọi chung là "đoàn quân Tây tiến". Năm 1947, đồng chí Hoàng Sâm được cử chỉ huy chung lực lượng Tây tiến. Sau chiến thắng Sông Lô năm 1947, đồng chí được cử phụ trách quân sự khu giải phóng 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên.

Ngày 1 tháng 1 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 111-SL phong quân hàm Thiếu tướng cho đồng chí Hoàng Sâm lúc đó là Khu trưởng Chiến khu II. Hoàng Sâm là 1 trong 10 tướng lĩnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm 1951, Thiếu tướng Hoàng Sâm được điều làm Phái viên của Bộ Quốc phòng tham gia các chiến dịch lớn cùng với các Đại đoàn 304, 312. Với cương vị  Phái viên của Bộ Tổng tư lệnh và Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Hoàng Sâm đã đóng góp nhiều kinh nghiệm chỉ huy chiến dịch rất tốt. Năm 1953-1954 ông là Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304, Chỉ huy trưởng Mặt trận Trung Lào.

Chiến dịch Trung Lào từ tháng 12 năm 1953 đến tháng 5 năm 1954, phối hợp giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam với Quân giải phóng nhân dân Lào  tại khu vực Ma Ha Xay, Nhon Ma Rạt, Thà Khẹt, đường số 9 nhằm tiêu diệt sinh lực địch, phối hợp với Chiến dịch Điện Biên Phủ trong chiến cuộc Đông-Xuân năm 1953-1954.

 Gia đình Thiếu tướng Hoàng Sâm.                 Ảnh: Tư liệu
Gia đình Thiếu tướng Hoàng Sâm. Ảnh: Tư liệu

Thiếu tướng Hoàng Sâm chỉ huy chiến dịch Trung Lào đã giải phóng vùng Thà Khẹt, đường số 9 từ biên giới Việt Nam đến sông Mê Kông ở Trung Lào, thừa thắng tiến tới giải phóng tỉnh A Tô Pơ và cao nguyên Bô Lô Ven, tiếp đó phối hợp với Quân giải phóng Căm-Pu-Chia giải phóng hầu hết tỉnh Công Pông Chàm.

Sau Hiệp đinh Giơ-ne-vơ ông chỉ huy tiếp quản Sơn Tây, Hà Đông rồi tiếp quản thành phố Hải Phòng. Từ năm 1955 đến 1968, Thiếu tướng Hoàng Sâm làm Tư lệnh các Quân khu: Tả Ngạn, Hữu Ngạn, Quân khu 3. Giữa năm 1968, Thiếu tướng Hoàng Sâm được lệnh vào làm Tư lênh Quân khu Trị Thiên. Đồng chí cùng đi chiến dịch với cán bộ chiến sĩ qua nhiều vùng ác liệt B52 rải thảm ở Hướng Hóa, A Sầu, A Lưới.

Ông không may lâm bệnh nặng phải ra Bắc điều trị và hy sinh trên đường ra Bắc tháng 12 năm 1968.
Hai mươi ba năm mang quân hàm Thiếu tướng chỉ huy nhiều đơn vị quân đội, làm nên nhiều chiến tích vẻ vang trên nhiều chiến trường, nhiều vùng chiến lược quan trọng.

Thiếu tướng Hoàng Sâm là đại biểu Quốc hội khóa II và khóa III. Ông xứng đáng với nhiều huân chương cao quý mà Đảng và Nhà nước phong tặng, trong đó Huân chương Quân công hạng Nhất. Đặc biệt, năm 1999, ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn liền với Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng ngay từ khi mới thành lập đến lúc ông hy sinh. Trọn đời ông đã cống hiến cho Tổ quốc và nhân dân.

Hơn 40 năm xa nhà đi theo cách mạng giải phóng dân tộc, Thiếu tướng Hồng Sâm chưa có dịp về thăm lại nơi chôn rau cắt rốn. Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông làm cho ông trở thành một danh tướng vì nước vì dân, làm rạng rỡ thêm quê hương Lệ Sơn, quê hương Tuyên Hóa và Quảng Bình. Mỗi người dân Lệ Sơn, Tuyên Hóa, luôn tự hào và tưởng nhớ về ông học tập tấm gương kiên trung một lòng một dạ vì Đảng, vì dân của ông. 

Nguyễn Viết Mạch