.

Di tích lịch sử đình làng Thuận Bài

Thứ Hai, 11/01/2016, 09:20 [GMT+7]
(QBĐT) - Trên đường thiên lý Bắc Nam, cách bến phà Gianh 2 km về phía Bắc, rẽ trái 200m là đình làng Thuận Bài di tích lịch sử cách mạng điển hình tiêu biểu cho vùng đất địa đầu Bắc sông Gianh. Đình nằm ở vị trí trung tâm làng, trên một khoảng đất cao bằng phẳng. Phía Tây giáp đê sông Gianh, phía Bắc là lũy tre làng, phía Nam là cánh đồng và xưởng phà Bắc, phía Đông giáp Quốc lộ  1A.
 
Đình được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ XVI bằng vật liệu tranh tre, nứa lá để ghi nhận công lao của vị nhất tổ có công khai khẩn lập làng Đường Quốc Công Trần Đạt. Vào cuối thế kỷ XIV, khi nhà Trần lung lay, nhà Hồ lật đổ lập nên vương triều Hồ, Trần Đạt-một vị tướng của nhà Trần không chịu quy phục nhà Hồ đã cùng em là Trần Kế và Trần Thị Ngọc Tranh chạy vào vùng đất này gây dựng cơ nghiệp tại làng An Bài, phường Quảng Thuận ngày nay.
 
Sau khi phò giúp Giản Định Đế và Trùng Quang khởi nghĩa không thành, Trần Đạt về An Bài tiếp tục cuộc sống ẩn dật. Năm 1418, Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa. Ông ra Lam Sơn góp công đánh đuổi giặc Minh, được Lê Lợi ban chức Đường quốc công, các em trai ông là Thạch quốc công, cháu gái ông là Ngọc Dung được phong là Hoàng phi của Lê Lợi.
 
Trải qua nhiều thế kỷ, An Bài trở thành vùng đất địa đầu trong cuộc tương tàn giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn. Năm 1643, chúa Trịnh đưa quân theo vua Lê Thuận Tông vào lập tổng hành dinh ở An Bài và cho xây dựng hệ thống thành lũy sát bờ Bắc sông Gianh phục vụ cho việc bảo vệ bờ Bắc để đánh chiếm phía Nam. Tại đây trở thành nơi tập dượt của binh lính chuẩn bị cho đánh chiếm Nhật Lệ, Thuận Hóa,...
 
Đến giữa thế kỷ XIX (năm 1850), đình làng Thuận Bài được ông Trần Điển, một con cháu trong làng làm quan Tuần vũ tại Bình Thuận tài trợ về tài chính và được ông Trần Hồ Báu làm đốc công xây dựng lại đình làng Thuận Bài theo kiến trúc triều Nguyễn. Đình được dời về vị trí mới cách chỗ cũ 200m theo hướng Đông.
Ảnh 6 : Đình làng Thuận Bài hôm nay. Ảnh: P.V
Đình làng Thuận Bài hôm nay. Ảnh: P.V
Đình thiết kế theo hình chữ U, hai bên có tả vu hữu vu, có chuông gác trống. Xung quanh có tường xây bao bằng đá và có ba cổng tam quan. Cổng cuốn vòm, trên mái có đắp nổi ngói âm dương; có bức bình phong với qui an và hổ phục giữ. Hai bên co hai cột nanh, có lưỡng nghề canh giữ. Cột kèo được chạm trỗ trang trí hoa văn. Mái lợp bằng ngói liệt, các bờ nóc, bờ quyết có trang trí lưỡng long chầu nguyệt đắp nổi gắn mảnh sành sứ cổ. Bên trong hậu cung có nhiều hoành phi, câu đối và các chạm lọng cùng các đồ án thờ tự khác.
 
Đình làng là nơi tưởng nhớ các vị tiền bối đã có công khai khẩn, lập làng, nơi tập trung người dân trong làng về tụ hội trong các dịp lễ Tết và hội làng. Các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất phía Bắc sông Gianh. Mỗi lần trong làng có người đỗ đạt qua các lần thi cử, người dân trong làng tổ chức lễ rước chứng chỉ vào hậu đình, sau đó mở tiệc ăn mừng khoản đãi ở sân đình. Bởi vậy, Thuận Bài luôn là địa phương có nhiều người đỗ đạt trong các kỳ thi cử được đúc rút qua câu: “Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim”. Theo các gia phả trong làng thì có tới 31 vị có tên trong danh sách khoa bảng của làng.
 
Vào các dịp lễ Tết, đình là nơi các họ tộc trong làng tổ chức các cuộc thi, các trò chơi dân gian như thi nấu cơm, làm “cổ bánh dâng thần” do chị em phụ nữ đảm nhiệm. Ai được chọn bánh sẽ được dâng cúng lên bàn thờ chính của đình để thần ngự lãm. Đây là tàn dư của chế độ mẫu hệ còn sót lại và tín ngưỡng thờ nữ thần rất xa xưa của người Việt vẫn còn duy trì ở Thuận Bài; ngoài ra còn có thi đánh đu, thi cờ người. Vào ngày 7 tháng giêng âm lịch, đình là nơi làm lễ cầu an đầu năm để cầu mong một năm mới làm ăn phát đạt, con cháu đi làm ăn xa được may mắn, an lành.
 
Vào các tiết thanh minh, ngày 5 tháng 5 âm lịch, rằm tháng 7, rằm tháng 10 mừng cơm mới đều được tổ chức tại đình làng. Năm 1885, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Thuận Bài có nhiều con em tham gia vào phong trào Cần Vương. Khi Vua Hàm Nghi ra Tuyên, Minh Hóa và bị thực dân Pháp bắt năm 1888, thì đình làng Thuận Bài là nơi địch đã đưa vua Hàm Nghi về giam giữ. Nhân dân Thuận Bài đấu tranh để đòi gặp mặt nhà Vua.
 
Đây là địa điểm ghi dấu nơi dừng chân cuối cùng của vua Hàm Nghi trước khi bị Pháp bắt đi đày biệt xứ. Thực dân Pháp đã bắt 30 người dân Thuận Bài đi làm cu li tại Roòn và họ bị dìm chết. Hàng năm vào ngày 28 tháng 1 âm lịch, tại đình làng, nhân dân trong làng đã tổ chức cúng tập thể cho 30 người, gọi là ngày giỗ culi.
 
Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đình làng Thuận Bài là nơi tổ chức lực lượng tập trung diễn thuyết. Tại đây, các đồng chí Trần Sớ, Trần Mạnh Hổ, Ma Văn Thay, Trần Quang đã tập trung lực lượng huấn luyện, trang bị vũ khí để nhân dân tham gia giành chính quyền ngày 23 tháng 8 năm 1945 thắng lợi. Cách mạng thành công, đình được dùng làm trụ sở của Ủy ban hành chính kháng chiến.
 
Ngày 6-1-1946, đình là nơi tổ chức bầu cử Quốc hội Việt Nam khóa đầu tiên.Trong quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp, đình làng là nơi tổ chức quyên góp “Tuần lễ vàng, tuần lễ đồng” và phát động nhân dân tiết kiệm “Hũ gạo nuôi quân”, tổ chức nấu cháo cứu đói 300 người tại đình làng. Kháng chiến bùng nổ, đình làng vẫn là nơi che giấu các cán bộ cách mạng về hoạt động: Đặng Gia Tất, Trần Hoàn, Lê Khai, Trần Hồ Lung,...
 
Đặc biệt, đình làng Thuận Bài còn là nơi tập kết cho Đoàn 365 về chuẩn bị đánh trận đồn Mỹ Hòa, là cơ sở để lực lượng công an tổ chức bắt sống tên mật thám khét tiếng Lê Hồng Đức. Đình làng còn là địa điểm để tập trung huấn luyện dân quân du kích từ năm 1949-1952. Tòa máng đình là nơi cất giấu vũ khí bí mật của du kích xã, phối hợp thành công với bộ đội chủ lực đánh đồn Thuận Bài giết nhiều tên Pháp, hòa chung với khí thế của phong trào “Quảng Bình quật khởi”.
 
Vào những năm hòa bình, đình làng là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, nơi tổ chức các sinh hoạt, hội làng rất sôi nổi. Năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, đình làng Thuận bài trở thành tọa độ chính của bom Mỹ để ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam. Đình làng Thuận bài trở thành một trong 12 trạm trung chuyển lớn nhất miền Bắc.
 
Tại đây đã tập kết các kho hàng lớn chứa lương thực, vũ khí đạn dược chi viện chiến trường miền Nam. Các bệ thờ, các vách ngăn được nhân dân trong làng chủ động tháo dỡ để chứa hàng. Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, mặc cho máy bay và bom đạn Mỹ liên tục dội xuống, nhưng hàng hóa vẫn được bốc chuyển an toàn.
 
Cũng tại mái đình này, đêm 9-3-1968 đã ghi nhớ gương hy sinh anh dũng của 12 chiến sỹ trong đơn vị vận tải dũng cảm cứu hàng dưới pháo sáng và bom Mỹ. Các anh đã được ghi ơn và công nhận liệt sỹ, chiến công của các anh đã gắn bó với mái đình thân yêu này. Chiến tranh càng ngày càng khốc liệt hơn, đình làng Thuận Bài trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt bên cạnh phà Gianh.
 
Ban chấp hành Đảng ủy xã Quảng Thuận đã cùng với nhân dân làm tốt công tác phòng tránh, hỗ trợ cho công nhân, bộ đội hạn chế sự thiệt hại do đế quốc Mỹ gây ra. Dân quân Quảng Thuận tham cùng tham gia tháo gỡ thủy lôi trên sông Gianh. Đình làng là nơi chứng kiến và là điểm tập kết dừng chân của bộ đội trên đường vào Nam đánh giặc và còn là nơi che chở hàng nghìn lượt các em nhỏ Quảng Bình, Vĩnh Linh sơ tán ra Bắc.
 
Đình làng Thuận Bài đã góp sức cùng với quân và dân Quảng Thuận làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Năm 1968, Cảng Gianh là nơi tập kết hàng hóa trong chiến dịch VT5. Hàng ngàn, vạn tấn hàng hóa, vũ khí, đạn dược chi viện chiến trường, đình làng Thuận Bài một lần nữa trở thành bãi đỗ chính hàng hóa chi viện chiến trường. Đình là một địa điểm trong hệ thống đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình, góp phần cùng nhân dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. 
 
Đình làng Thuận Bài là di tích lịch sử cách mạng gắn với những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc, ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Di tích đình làng Thuận Bài đã được xếp hạng cấp tỉnh và được trùng tu năm 1993. Đình còn là nơi gắn với những sinh hoạt văn hóa mang đậm đà bản sắc của cư dân ruộng nước xứng đáng là địa điểm du lịch tâm linh và du lịch về nguồn mỗi khi du khách đến với Quảng Bình.
 
Trần Thị Diệu Hồng
(Đồng Mỹ, Đồng Hới)