.
Chào năm học mới 2017-2018:

Quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2017-2018

Thứ Ba, 05/09/2017, 08:19 [GMT+7]

(QBĐT) -  Năm học 2016-2017 là một năm đầy cam go đối với ngành Giáo dục - Đào tạo Quảng Bình, khi phải chịu ảnh hưởng nặng nề của sự cố môi trường biển và các trận lũ kép trong tháng 10 và 11 năm ngoái. Nhưng vượt lên bao khó khăn, thách thức, thầy và trò toàn tỉnh đã đoàn kết cùng nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học, được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen. Chào năm học mới 2017-2018, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đinh Quý Nhân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT.

PV: Năm học 2017-2018 sẽ là năm chuẩn bị thực hiện Chương trình tổng thể giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới trong toàn quốc, vậy ngành GD-ĐT Quảng Bình đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm cho năm học này như thế nào, thưa đồng chí?

- Đồng chí Đinh Quý Nhân: Năm học 2017-2018 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì vậy toàn ngành đã xác định nhiệm vụ trọng tâm cho năm học này như sau:

Trước hết, tập trung rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới trường, lớp và cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh; hoàn thành việc rà soát, quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn theo hướng cụm trường, liên trường, các điểm chính, điểm trường lẻ, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương, đáp ứng nhu cầu giáo dục; thực hiện xã hội hóa giáo dục, nhất là bậc học mầm non; khắc phục tình trạng mạng lưới trường, lớp manh mún ở một số địa phương; ưu tiên dành quỹ đất, ngân sách cho các dự án đầu tư xây dựng trường, lớp, đặc biệt ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số, khu đông dân cư...

Cùng với bằng khen của UBND tỉnh, Sở GD-ĐT đã trao thưởng cho 36 em học sinh đạt giải tại kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia lớp 12 năm học 2016-2017.
Cùng với bằng khen của UBND tỉnh, Sở GD-ĐT đã trao thưởng cho 36 em học sinh đạt giải tại kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia lớp 12 năm học 2016-2017.

Thứ hai, ngành GD-ĐT tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục; triển khai thực hiện chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông, chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông; quản lý và sắp xếp đội ngũ giáo viên, CBQL theo chuẩn để bảo đảm chất lượng, hiệu quả công việc, gắn với việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục, đặc biệt là đội ngũ đang công tác tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở GD-ĐT.

Thứ ba, ngành tập trung nâng cao chất lượng giáo dục gắn với đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, gắn với định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông.

Thứ tư, ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy, học và quản lý giáo dục. Phát triển hệ thống hạ tầng CNTT theo hướng đồng bộ, hiện đại và bảo đảm an toàn thông tin mạng; khai thác sử dụng có hiệu quả kho bài giảng e-learning, ngân hàng đề thi của ngành phục vụ nhu cầu tự học của học sinh và đổi mới, sáng tạo trong hoạt động dạy học; nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ, giáo viên, học sinh - sinh viên, góp phần phát triển nguồn nhân lực CNTT đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ năm, ngành tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất (CSVC) bảo đảm chất lượng các hoạt động GD-ĐT; tiếp tục thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên đến năm 2020; xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai công tác xây dựng CSVC, thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; ưu tiên địa phương khó khăn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc.

PV: Để bảo đảm thực hiện thành công các nhiệm vụ năm học mới, ngành GD - ĐT đã có những giải pháp gì, thưa đồng chí?

- Đồng chí Đinh Quý Nhân: Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm năm học mới, toàn ngành tập trung thực hiện các nhóm giải pháp cơ bản sau đây:

Tăng cường kỷ cương, thực hiện cải cách thủ tục hành chính về GD-ĐT; thực hiện có hiệu quả việc phân công, phân cấp, nâng cao trách nhiệm thực thi nhiệm vụ, trách nhiệm giải trình và chất lượng công tác phối hợp trong xử lý công việc; tăng cường giao quyền chủ động cho các địa phương trong quản lý giáo dục, cho các cơ sở giáo dục và giáo viên trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương và khả năng học tập của học sinh - sinh viên; tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên, nhân viên, nhất là nhân viên nấu ăn, bảo vệ các trường học.

Nâng cao năng lực lãnh đạo của CBQL giáo dục các cấp; tiếp tục quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý có chất lượng tốt; thực hiện đánh giá, phân loại cán bộ quản lý theo chuẩn; theo Quy định số 01/QĐ-TU ngày 3-3-2016 của Tỉnh ủy và Quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, tại Quyết định số 577/QĐ-SGDĐT ngày 30-3-2016 của Sở GD-ĐT; thực hiện công tác bổ nhiệm CBQL giáo dục các cấp căn cứ năng lực quản trị trường học và bảo đảm chuẩn chức danh theo quy định; chăm lo và đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục theo hướng chuẩn hoá, đồng bộ hoá.

Huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT để tăng cường đầu tư CSVC, thiết bị dạy học; tham mưu, hướng dẫn các địa phương thực hiện xây dựng nhà công vụ, nhà bán trú cho giáo viên, học sinh để phát triển giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tăng cường hiệu quả, đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho phát triển GD-ĐT; nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công. Sở GD-ĐT chủ động tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh về các giải pháp đẩy mạnh thu hút nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho ngành học MN, phổ thông theo hướng thành lập trường chất lượng cao, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tư nhân có khả năng đầu tư.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đánh giá chất lượng giáo dục; tiếp tục thực hiện công tác khảo thí theo hướng đánh giá năng lực người học, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin CNTT trong khảo thí, bảo đảm công bằng, khách quan, chính xác, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho người dạy và người học.

Chú trọng công tác truyền thông về GD-ĐT; đẩy mạnh tuyên truyền về đổi mới GD-ĐT; đổi mới công tác thông tin, truyền thông để thống nhất về nhận thức, tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia, đánh giá, phản biện của xã hội đối với công cuộc đổi mới, phát triển GD-ĐT.

PV: Chuẩn bị cho khai giảng năm học mới 2017-2018, dư luận xã hội rất quan tâm đến vấn đề mô hình trường học mới; việc Bộ GD-ĐT có chủ trương tạm dừng tổ chức các cuộc thi giải Toán, tiếng Anh qua mạng... Vậy quan điểm của đồng chí về vấn đề này như thế nào?

Giám đốc Sở GD-ĐT Đinh Quý Nhân trao cờ thi đua xuất sắc của Bộ GD-ĐT cho 4 tập thể dẫn đầu phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học” năm học 2016-2017.
Giám đốc Sở GD-ĐT Đinh Quý Nhân trao cờ thi đua xuất sắc của Bộ GD-ĐT cho 4 tập thể dẫn đầu phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học” năm học 2016-2017.

- Đồng chí Đinh Quý Nhân: Trong những năm qua, việc áp dụng mô hình trường học mới ở cấp tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện mô hình trường học mới đã gặp không ít khó khăn... về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, sĩ số học sinh/lớp đông... dẫn đến việc tổ chức hoạt động giáo dục hiệu quả thấp, gây tâm lý băn khoăn, hoài nghi trong phụ huynh học sinh, chưa tạo được sự đồng thuận cao trong chính quyền cấp huyện, cấp xã và toàn xã hội. Trước tình hình đó, Sở GD-ĐT đã thống nhất việc triển khai thực hiện mô hình trường học mới trong thời gian tới, cụ thể như sau:

Cấp tiểu học: Tiếp tục thực hiện mô hình trường học mới (VNEN) đối với các trường đang tham gia xuyên suốt hết cấp tiểu học vì quyền lợi học sinh, nhưng phải bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất cao của đội ngũ giáo viên, CBQL giáo dục, cha mẹ học sinh, toàn xã hội và các điều kiện về CSVC, đội ngũ, sĩ số học sinh/lớp; không triển khai nhân rộng toàn phần các trường còn lại.

Cấp THCS: Triển khai mô hình trường học mới trên tinh thần tự nguyện, đồng thuận, thống nhất cao của nhà trường, phụ huynh, các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương. Đối với những trường chưa có sự đồng thuận cao trong phụ huynh học sinh, nhân dân và chính quyền địa phương, nguồn lực chưa bảo đảm thì không áp dụng mô hình trường học mới, có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của mô hình trường học mới để áp dụng vào đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện, bảo đảm nguyên tắc lấy hoạt động của học sinh làm trung tâm.

Đối với chủ trương của Bộ GD-ĐT, trong năm học 2017-2018 tạm dừng tổ chức các cuộc thi giải Toán, tiếng Anh qua mạng. Về ý kiến cá nhân, tôi hoàn toàn tán thành chủ trương này của Bộ GD - ĐT.

Đối với ngành GD-ĐT Quảng Bình, từ đầu năm học 2016-2017, Sở đã tổ chức các hội nghị chuyên đề về đổi mới các kỳ thi, cuộc thi..., trong đó có chủ trương mà Bộ GD-ĐT nêu ra trong năm học này, phần lớn các ý kiến đã thể hiện sự thống nhất cao về việc tạm dừng tổ chức các cuộc thi giải Toán, tiếng Anh trên mạng internet. Từ năm học 2017-2018, Sở sẽ thực hiện không tổ chức thi giải Toán, Tiếng Anh trên mạng, quan tâm tổ chức các cuộc thi học sinh giỏi về văn hóa, khoa học - kỹ thuật, đồng thời xem xét để giảm một số hội thi, cuộc thi do Sở GD-ĐT tổ chức, nhằm không gây áp lực cho học sinh, phụ huynh học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Nội Hà (thực hiện)