.

Chuyện "trồng người" ở một mái trường vùng cao

Thứ Ba, 29/11/2016, 08:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Nằm ở địa bàn xã miền núi rẻo cao, điều kiện kinh tế còn lắm khó khăn, mặt bằng dân trí còn nhiều hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo xếp vào tốp đầu của huyện..., Trường THCS Thanh Thạch chính thức được thành lập vào năm 2003. Hoạt động trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn trăm bề, nhiều phụ huynh chưa thực sự quan tâm tới việc học tập của con em, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đối với nhiệm vụ “trồng người” của nhà trường.

Xã miền núi rẻo cao Thanh Thạch (huyện Tuyên Hóa) có địa hình lắm núi đồi, khe suối, dân cư phân bố tại nhiều cụm điểm khác nhau. Để học được con chữ, nhiều học sinh nơi đây ngày ngày phải vượt qua quãng đường gian khó hơn 3 km đường núi đồi ghập ghềnh mới có thể tới được lớp học.

Đã thế, vào những lúc xảy ra mưa lớn kéo dài, toàn xã bị chia cắt, cô lập thành nhiều vùng khác nhau bởi nước khe, suối dâng cao, rất nguy hiểm. Không ít buổi đang dạy nửa chừng, các giáo viên ở xã Thanh Thạch buộc phải cho học sinh nghỉ học đột xuất để đảm bảo an toàn...

Lật lại từng trang nhật ký của trường, thầy giáo Nguyễn Thanh Lương, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Thạch cho biết: Năm học 2011 - 2012, nhà trường có 15 học sinh bỏ học; đến năm 2012 - 2013, có 8 học sinh bỏ học. Kể từ năm 2013 đến nay, số học sinh của trường bỏ học là 9 em. Đa số các trường hợp học sinh bỏ học đều "rơi" vào lớp 8 trở lên.

Nhiều cán bộ, giáo viên Trường THCS Thanh Thạch vẫn đang ở nội trú trong những căn phòng tạm bợ.
Nhiều cán bộ, giáo viên Trường THCS Thanh Thạch vẫn đang ở nội trú trong những căn phòng tạm bợ.

Thầy Lương giải thích thêm, đa số các trường hợp bỏ học là do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà đông anh em..., nên cứ đến độ tuổi này là các em đều theo cha mẹ lên rừng mưu sinh, thậm chí vào miền Nam làm thuê. Với thực trạng trên nếu thiếu đi sự tận tình và trách nhiệm của đội ngũ thầy, cô giáo nhà trường, chắc rằng con số học sinh bỏ học hàng năm ở đây sẽ còn cao gấp bội.

Nhiều năm nay, hầu như tuần nào, tháng nào chúng tôi cũng đều cắt cử giáo viên trèo núi, lội khe về tận từng nhà học sinh để nhắc nhở một số phụ huynh tạo điều kiện thuận lợi cho các em đến lớp chuyên cần hơn. Nói như vậy để thấy rằng, ở địa phương vẫn có không ít phụ huynh đang xem nhẹ việc học tập của con em, thiếu tinh thần hợp tác thường xuyên với nhà trường...

Số lượng học sinh bỏ học từ vài ngày cho đến vài tuần/1năm học mà không có lý do là không ít. Dù nhà trường đã quán triệt với các giáo viên chủ nhiệm, nếu lớp nào để xảy ra tình trạng học sinh bỏ học không lý do thì giáo viên đó phải đứng ra chịu trách nhiệm trước tập thể. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, hầu hết các giáo viên của trường đều ra sức phát huy trách nhiệm của mình trong việc duy trì sĩ số, chất lượng. Nhưng vẫn có những trường hợp trớ trêu, thầy cô đã nhiều lần lặn lội tới gia đình vận động đến rớt nước mắt mà học sinh vẫn kiên quyết bỏ học...”, thầy giáo Nguyễn Thanh Lương nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chính nhờ sự kiên trì, khéo léo trong công tác vận động học sinh đến lớp học chữ, những năm gần đây, đội ngũ giáo viên của Trường THCS Thanh Thạch đã hạn chế được khá nhiều trường hợp học sinh bỏ học giữa chừng. Thậm chí, có hàng chục trường hợp học sinh dù đã bỏ học cả năm trời, nhưng nhờ sự thuyết phục khéo léo của các giáo viên, nhiều em đã trở lại trường tiếp tục học để tốt nghiệp bậc THCS.

Đơn cử như các trường hợp: em Ngô Văn Tuyến (lớp 8) bỏ học năm 2010-2011, nhà trường đã vận động trở lại học và tốt nghiệp bậc THCS năm 2012-2013; em Ngô Thị Phương (lớp 9) bỏ học năm 2013-2014, giáo viên đã vận động trở lại học chữ và tốt nghiệp bậc THCS năm 2014-2015...

Được biết, không ít thầy, cô giáo Trường THCS Thanh Thạch dù điều kiện kinh tế gia đình không mấy khấm khá, nhưng vì sự nghệp "trồng người" ở vùng cao, họ vẫn sẵn sàng bỏ tiền túi hỗ trợ tiền học, tiềm mua sắm sách, vở, bút, mực, thậm chí áo quần... để "kéo" học sinh đến lớp chuyên cần hơn.

Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Lương cho biết thêm, Trường THCS Thanh Thạch hiện có 23 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Học sinh của trường đầu năm học 2016-2017 có 216 em (trong đó có 213 học sinh là con em của đồng bào công giáo) tham gia học tập tại 8 lớp.

Trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn đủ thứ, diện tích chật hẹp, nên mọi hoạt động ngoại khoá của nhà trường như dạy thể dục, sinh hoạt giữa giờ, chào cờ đầu tuần... đều phải tập trung ở giữa khuôn viên sân trường. Chúng tôi buộc phải sắp xếp vị trí học tập, thời gian giảng dạy các môn học thật hợp lý để hạn chế tối đa tiếng ồn, gây mất tập trung giữa các lớp với nhau.

Với đặc thù của trường có đa số học sinh là con em của đồng bào công giáo, nhà trường phải linh hoạt trong việc tổ chức giờ học, thời gian tổ chức thi cử để học sinh vừa có điều kiện đi lễ tại nhà thờ, học tập giáo lý..., vừa có điều kiện tham gia học tập kiến thức ở trường học chữ được tốt hơn.

V.M