.

Hoa của núi rừng

Thứ Năm, 17/11/2016, 15:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Có những thầy giáo người Kinh đã gắn bó cả sự nghiệp của mình nơi biên cương để gieo chữ cho con em đồng bào. Có những người là con em của đồng bào dân tộc thiểu số đã nỗ lực hết mình, vượt qua muôn vàn khó khăn để trở thành những thầy cô giáo dạy chữ Bác Hồ nơi ngàn sâu. Những thầy cô giáo đó đang ngày đêm viết tiếp bài ca người giáo viên nhân dân và họ chính là những bông hoa đẹp nhất của núi rừng Trường Sơn.  

Bài 1: Hơn 30 năm “gieo chữ” giữa đại ngàn Trường Sơn

Hơn 30 năm qua, thầy Đinh Văn Hướng (sinh năm 1960, ở xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa) đã băng rừng, vượt suối lên cắm bản gieo chữ cho các học trò giữa đại ngàn Trường Sơn. Hạnh phúc lớn nhất của thầy chính là nhìn thấy các học trò của mình biết đọc, biết viết con chữ Bác Hồ, lớn lên làm những việc có ích cho quê hương.

Men theo con đường gập ghềnh, dốc dựng đứng đến với bản Ra Mai, xã Trọng Hóa, tôi đến gặp người thầy trọn đời gắn bó với đồng bao dân tộc thiểu số để gieo chữ. Hỏi chuyện về thầy Hướng, thầy Nguyễn Đại Khờn, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS số 2 Trọng Hóa trả lời rằng: Ở đây, ai cũng quý mến và gọi thầy là Hồ Hướng, vì thầy đã gắn bó với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số hơn 30 năm rồi. Cũng chừng ấy thời gian, thầy đã hiểu hết văn hóa, ngôn ngữ của đồng bào. Hiện thầy vẫn còn trên lớp đó, em lên gặp đi”.  

Trong cái rét đầu mùa, thầy Hướng vẫn đang say sưa dạy cho các em từng con chữ, phép toán. Tiếng của thầy nhẹ nhàng ấm áp, tiếng học trò đọc bài vang cả một góc núi rừng. Trò chuyện với tôi, thầy Hướng bắt đầu câu chuyện: năm 1978, thầy tốt nghiệp sư phạm, về giảng dạy tại Trường cấp 1 Dân Hóa (nay là Trường tiểu học và THCS Dân Hóa). Dạy ở đây được 4 năm, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thầy rời xa mái trường thân yêu và lên đường làm nhiệm vụ. Đến năm 1986, thầy rời quân ngũ rồi trở về tiếp tục theo sự nghiệp “trồng người”.

Thầy Đinh Văn Hướng trên bục giảng.
Thầy Đinh Văn Hướng trên bục giảng.

Ngày đó, thầy quyết định vào với trẻ em đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa. Lúc đó đây là một vùng biệt lập hoàn toàn, nằm sâu trong núi, cách quê của thầy khoảng 70km đường rừng, đi bộ nguyên một ngày mới vào tới. Họ chỉ có 9 hộ, với 32 nhân khẩu sống biệt lập trong các hang núi heo hút giũa đại ngàn Trường Sơn, trình độ dân trí thấp nên việc đưa cái chữ đến với trẻ em nơi đây quả là một điều hết sức khó khăn. Để dạy được con chữ cho học trò, thầy phải học tiếng của người Rục để biết giao tiếp, phải đi vận động từng nhà đồng bào mới chịu cho con em đến lớp.

Việc khó khăn nhất đối với giáo viên cắm bản chính là ngôn ngữ giao tiếp. Để vượt qua rào cản này, thầy phải vừa dạy học trò, vừa nhờ trò dạy lại tiếng. Có khi hai bên chưa hiểu ngôn ngữ nhau, thầy phải dùng cử chỉ, hành động để dạy. Ngày đó cuộc sống hết sức khó khăn, học sinh đến trường không đủ sách vở, bảng đen, phấn, thầy phải cắt từng mảnh ván nhỏ, lấy than củi để viết chữ dạy học trò.

Khó khăn chồng chất khó khăn, xa vợ xa con nhiều lúc muốn về nhà nhưng thời tiết mưa lũ nên có khi 3 tháng thầy mới về nhà được một lần. Lúc đó, cơm không có ăn, thầy phải vào rừng cùng dân bản để đào củ mài, củ nu, hái rau rừng ăn qua ngày. Mắc bệnh sốt rét thường xuyên nhưng nhìn lại những chặng đường đã đi được, nhất là tình yêu với học trò nơi đây thầy càng quyết tâm bám trường, bám lớp dạy chữ cho các em”, Suốt hơn 27 năm “cắm bản” gieo chữ ở đồng bào Rục, đến năm 2013, thầy Hướng chuyển về công tác tại Trường tiểu học và THCS số 2 Trọng Hóa, nhiều người dân nơi đây đã khóc. Thầy kể: “Lúc đó nhiều người còn làm đơn gửi lên Phòng Giáo dục-Đào tạo để xin cho mình ở lại.

Với 31 năm dạy chữ vùng cao, thầy không thể nhớ hết đôi chân của mình đã vượt bao nhiêu đèo, lội bao nhiêu con suối, đến bao nhiêu hộ dân để vận động học sinh tới lớp. Và thành quả của thầy hôm nay là nhiều thế hệ học sinh đồng bào Rục đã biết đọc, biết viết, làm những người có ích cho xã hội, cho đất nước như: anh Hồ Phong, hiện là công an; anh Hồ Tiến Nam hiện là giáo viên dạy Trường tiểu học Yên Hợp... Giữa đại ngàn Trường Sơn nơi miền biên cương xa xôi, người thầy giáo ấy vẫn ngày đêm miệt mài bám bản, bám làng với sự nghiệp trồng người.

Xuân Vương

Bài 2: Những người con ưu tú của bản làng