.

Hoa của núi rừng - Bài 2: Những người con ưu tú của bản làng

Thứ Hai, 21/11/2016, 10:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong kỳ trước, tôi đã nhắc đến thầy giáo Đinh Văn Hướng, người đã từng có 27 năm cắm bản gieo chữ cho đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa (Minh Hóa). Sau khi thầy Hướng chuyển trường, một người học trò xuất sắc của thầy, cũng là người con ưu tú của đồng bào Rục - Hồ Tiến Nam đang tiếp bước thầy để truyền dạy con chữ Bác Hồ cho học sinh người Rục.

>> Hoa của núi rừng - Bài 1: Hơn 30 năm “gieo chữ” giữa đại ngàn Trường Sơn

Thầy giáo Hồ Tiến Nam đang dạy học cho các em nhỏ đồng bào Rục.
Thầy giáo Hồ Tiến Nam đang dạy học cho các em nhỏ đồng bào Rục.

Để có được ngày hôm nay, Hồ Tiến Nam đã trải qua một chặng đường gian khó. Nhà Nam có 8 anh chị em, anh là con thứ 7 trong gia đình nghèo. Trước năm 1959, ông bà và bố mẹ Nam còn ở trong hang đá. Sau đó, Bộ đội Biên phòng phát hiện và đưa họ về với thế giới văn minh. Khi được giáo viên vận động đến lớp. Không lâu sau, Nam đã biết đọc, biết viết rồi nói tiếng Kinh thành thạo. Được thầy cô dạy bảo, anh sớm nhận thức rằng: chỉ có học được cái chữ Bác Hồ mới hi vọng thoát nghèo. Từ suy nghĩ đó, Nam càng quyết tâm học hành. Trong ba năm đầu học tại Trường tiểu học Yên Hợp, Nam luôn dẫn đầu lớp về thành tích học tập. Học xong kỳ 1 năm lớp 3, anh băng rừng vượt suối về Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện để học. Đường đi lại khó khăn vất vả, nhưng anh vẫn quyết tâm đến lớp.

Có lần từ nhà đến trường, bố mẹ không có tiền cho nên Nam phải gùi sắn ra chợ Trung Hóa bán lấy tiền đi xe ôm. Nhiều lần không bán được sắn, Nam phải đi bộ về xuôi luôn. Gần 7 năm trôi qua, đôi chân bé nhỏ, đen nhẻm của anh vẫn bền bỉ trên con đường mòn xuyên qua những cánh rừng già, những con suối sâu thẳm. Học xong cấp 2, Nam lại tiếp tục học cấp 3 ở Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh. Ba năm sau, Nam được tuyển vào Trường đại học Quảng Bình chuyên ngành sư phạm tiểu học. Sau 5 năm dùi mài kinh sử, năm 2013, anh đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại khá, được phân công về Trường tiểu học Yên Hợp công tác và trở thành người Rục đầu tiên làm thầy giáo.

Như vậy, sau hơn 50 năm rời khỏi hang đá, đồng bào Rục đã có người con đầu tiên làm thầy giáo. Đó như là một sự khẳng định cho sự phát triển của đồng bào trong hành trình hòa nhập với cộng đồng.

Qua những chuyến công tác giữa đại ngàn Trường Sơn, tôi đã gặp Hồ Đào, chàng trai ở bản ông Tú, xã Trọng Hóa. Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo có 10 anh chị em. Thương cha mẹ vất vả khó khăn, anh đã quyết tâm học tập thật tốt để nuôi hy vọng thoát nghèo. Những năm cấp 1, anh phải trèo đèo, bơi nước về Trường tiểu học Hưng học. Lên cấp 2, hàng ngày, anh cùng những người bạn trong bản đốt đuốc từ 3 giờ sáng băng suốt vượt rừng lên học ở xã Dân Hóa, sau đó thi đỗ vào Trường THPT nội trú tỉnh. Qua 3 năm, anh tiếp tục đi học cử tuyển ngành Sư phạm Hóa ở Trường đại học Sư phạm Huế. Năm 2011, anh tốt nghiệp đại học rồi về nhận tác tại Trường tiểu học và THCS số 2 Trọng Hóa cho đến nay.

Cô Hồ Thị Tha tại điểm Trường mầm non bản Ba Loóc.
Cô Hồ Thị Tha tại điểm Trường mầm non bản Ba Loóc.

Vợ anh Đào cũng là cô giáo mầm non người Khùa thuộc dân tộc Bru – Vân Kiều tên là Hồ Thị Tha ở bả Y Leeng, xã Dân Hóa. Chị Tha sinh năm 1983 trong một gia đình nghèo có 5 chị em. Bố mẹ cô đều là nông dân. Việc nhà vất vả nhưng Hồ Thị Tha vẫn chăm chỉ đến trường. Buổi đến lớp, buổi lên rẫy kiếm cái ăn nhưng từ năm lớp 1 đến lớp 9 cô đều đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi của trường.

Năm 2006, cô học xong cấp hai rồi thi đỗ vào Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh nhưng không được đi học vì tuổi lớn. Sau đó, chị Tha được nhận vào làm cán bộ bán chuyên trách ở xã. Trong thời gian công tác, khát vọng đến trường vẫn luôn cháy trong cô. Vì đam mê con chữ nên ngoài giờ làm việc ở xã, cô đã đi xe khách về Quy Đạt học bổ túc văn hóa THPT tại Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Minh Hóa. Ba năm sau, cô tốt nghiệp và có tấm bằng cấp 3, cô nộp hồ sơ đi học lớp trung cấp mầm non ở Hà Nội. Vượt qua rất nhiều khó khăn, năm 2011, Hồ Thị Tha tốt nghiệp và được nhận vào công tác Trường mầm non xã Dân Hóa, dạy ở điểm trường Ba Loóc. Chị Hồ Thị Tha chia sẻ: “Dù vất vả nhưng vợ chồng tôi rất yêu nghề, yêu bọn trẻ. Mỗi ngày được đi dạy chúng là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với chúng tôi”...

Xuân Vương

Bài cuối: Hạnh phúc giữa đại ngàn