.

Kỹ năng sống: Hành trang cho con trẻ trưởng thành

Thứ Sáu, 05/06/2015, 14:55 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ năm 2011- 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống lồng ghép vào các môn học ở bậc tiểu học. Đây là một chủ trương cần thiết và đúng đắn nhằm trang bị cho các em những kỹ năng cơ bản, giúp các em tự tin, chủ động, cũng như khả năng phản ứng, xử lý các tình huống trong cuộc sống một cách linh hoạt và nhạy bén. Tuy nhiên, môn học này vẫn còn nhiều khó khăn...

Xã hội ngày càng phát triển, các bậc cha mẹ càng bận rộn hơn với cuộc sống mưu sinh, không có nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc cho con trẻ một cách trọn vẹn. Bên cạnh đó, những tác động và ảnh hưởng từ cuộc sống hiện đại đòi hỏi trẻ phải tự chủ và linh hoạt để ứng xử hiệu quả những tình huống nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày. Vì thế, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ là việc cần và không thể thiếu.

Dạy lồng ghép kỹ năng sống nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức cũng như kỹ năng giải quyết một cách chủ động, tích cực và hiệu quả nhất các tình huống, yêu cầu của cuộc sống khi gặp phải. Hiện nay, các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Đồng Hới đã thực hiện khá tốt việc lồng ghép môn kỹ năng sống vào tiết học. Vì chưa có tài liệu chuẩn về môn kỹ năng sống nên Phòng GD- ĐT thành phố Đồng Hới đã biên soạn khung tài liệu chuẩn, tiến hành hội thảo, thống nhất ý kiến của các giáo viên về khung tài liệu, các nhà trường dựa vào khung tài liệu chuẩn để truyền đạt cho các em.

Kỹ năng tự phục vụ bản thân rất cần thiết cho trẻ.
Kỹ năng tự phục vụ bản thân rất cần thiết cho trẻ.

Qua mỗi năm, chương trình dạy kỹ năng sống luôn được điều chỉnh theo hướng cập nhật, đổi mới những kỹ năng cần thiết cho học sinh để theo kịp xu thế phát triển của xã hội. 7 nhóm kỹ năng chính được nhà trường đưa vào dạy: Kỹ năng tự phục vụ (gấp quần, áo, chăn màn; tự đánh răng, rửa mặt, tắm rửa...); kỹ năng giao tiếp (giao tiếp với bạn bè, thầy cô và mọi người xung quanh); kỹ năng tự bảo vệ bản thân; kỹ năng lãnh đạo; kỹ năng thuyết trình; kỹ năng tìm kiếm và chia sẻ thông tin và kỹ năng giải quyết vấn đề.

Cô Nguyễn Thị Việt Hà, chuyên viên phụ trách bậc tiểu học, Phòng GD-ĐT thành phố Đồng Hới cho biết: “Theo nhận xét từ phía phụ huynh và nhà trường thì từ khi trường lồng ghép kỹ năng sống vào các tiết học, nhiều em đã có những tiến bộ rõ rệt, trưởng thành lên từng ngày qua từng chuyên đề được học. Có em từ ngày đầu đến lớp còn rụt rè, thiếu tự tin thì đến nay đã thực sự mạnh dạn, đã có thể bình tĩnh trước mọi tình huống. Lồng ghép kỹ năng sống vào các tiết học là việc làm cần thiết nhưng vẫn còn đó những nhiều khó khăn như thiếu cơ sở vật chất, giáo viên chưa được đào tạo bài bản, chưa sách chuẩn về kỹ năng sống nên nhiều thầy cô vẫn còn lúng túng”.

Trường tiểu học Chu Văn An được đánh giá là trường có sự đầu tư bài bản, khoa học vào bộ môn kỹ năng sống. Với tinh thần “học kỹ năng sống là quá trình trải nghiệm”, trong mỗi giờ lên lớp, các giáo viên luôn tìm tòi những tình huống liên quan đến cuộc sống hàng ngày của các học sinh, cùng các em trải nghiệm và giải quyết các tình huống khi gặp phải để chọn những cách giải quyết phù hợp nhất làm hành trang sống cho riêng mình. Qua mỗi giờ lên lớp, bài học ngoại khóa, mỗi chuyến dã ngoại, các em hào hứng hơn, tự khám phá được nhiều điều trong cuộc sống,  để trang bị vốn kỹ năng sống cho mình. Các học sinh khối 1,2 được tự mình đi siêu thị, đi chợ, đi nhà sách... khối 3,4,5 thì được đến các bến xe, nhà ga, sân bay để tìm tòi cách đi xe, đi tàu, đi máy bay khi không có người thân bên cạnh.

Nhờ môn kỹ năng sống mà các em đã biết được giao tiếp như thế nào có văn hoá, cách đối xử với bạn bè xung quanh như thế nào để tránh xung đột thông qua kỹ năng giao tiếp; xác định mục tiêu và lập kế hoạch cho bản thân; biết từ chối hay tự bảo vệ bản thân, cách phòng tránh khi bị xâm hại; biết chia sẻ yêu thương với những người thân yêu trong gia đình cũng như bạn bè cùng trang lứa còn gặp khó khăn; biết tự điều chỉnh được những hành vi của mình sao cho đúng đắn, biết thích nghi với cuộc sống hiện tại, biết chăm sóc và bảo vệ bản thân, biết nhận xét đúng sai và bảo vệ lẽ phải... Đó thật sự là những kiến thức rất bổ ích và cần thiết cho các em.

Một tiết học nấu ăn  của học sinh Trường tiểu học Chu Văn An.
Một tiết học nấu ăn của học sinh Trường tiểu học Chu Văn An.

Tuy nhiên, việc triển khai các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh như thế nào cho hiệu quả, đó là trăn trở của nhà trường và những người làm công tác giáo dục hiện nay. Tùy vào hoàn cảnh thực tế của từng địa phương, từng trường để triển khai cho thật hiệu quả. Như học sinh thành phố dễ dính vào các tệ nạn xã hội, trò chơi điện tử bạo lực, tệ nạn ma túy, cờ bạc... nhưng học sinh ở nông thôn thì tình trạng ngại ngùng, thiếu hiểu biết, ngại nói lên ý kiến của mình, rụt rè, thiếu tự tin... vô hình gây thiệt hại cho các em khi bước vào đời. Vì thế nên tùy theo từng địa phương, từng nhà trường để có những phương pháp giáo dục kỹ năng sống phù hợp.

Tuy ý thức được tầm quan trọng của việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh nhưng hiện nay việc thực hiện vào trong nhà trường vẫn còn hạn chế, việc chủ động tổng hợp các kĩ năng mềm mới chỉ ở một số giáo viên, chưa trở thành một quy định yêu cầu như một số nội dung khác. Thời gian dạy một tiết rất ngắn nên việc lồng ghép cũng chỉ trong một thời gian hạn hẹp, vì vậy, giáo viên khó kết hợp được nếu không khéo léo. Mặt khác, thiếu kinh phí, cơ sở vật chất để dạy kỹ năng sống cho học sinh cũng là điều mà các thầy cô lo lắng. Học sinh muốn học bơi lội thì phải có bể bơi, muốn nấu ăn thì phải có nhà bếp... nhưng nhiều trường vẫn dạy kỹ năng trên lý thuyết mà thiếu thực hành.

Vì vậy, ngành Giáo dục- Đào tạo nên đưa kỹ năng sống thành một môn học, đồng thời có đào tạo, tập huấn và trao đổi kinh nghiệm cho giáo viên; phối hợp giữa nhà trường với các gia đình học sinh và xã hội trong việc dạy, thực hành tại nhà và ngoài xã hội, huy động sự đóng góp về vật chất để trang trải chi phí dã ngoại, thực hành, đa dạng hóa cách dạy một cách sinh động...

Thanh Hoa