.

Trọn đời gắn bó với nghiệp "trồng người"

Thứ Ba, 26/05/2015, 15:38 [GMT+7]

(QBĐT) - Dù đã nghỉ hưu nhưng nhà giáo ưu tú Phạm Thị Hồng Tự, hiện đang sinh sống tại xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa vẫn luôn say mê với công tác khuyến học của địa phương cũng như đối với sự nghiệp giáo dục của huyện. Ngoài ra, nhà giáo ưu tú này còn là tấm gương sáng, mẫu mực trong mọi hoạt động của địa phương, được nhiều người mến phục...

 

Nhà giáo ưu tú Phạm Thị Hồng Tự.
Nhà giáo ưu tú Phạm Thị Hồng Tự.

Nhẹ nhàng, cởi mở, nghiêm túc là những cảm nhận đầu tiên của tôi khi tiếp xúc với nhà giáo ưu tú Phạm Thị Hồng Tự. Dù đã về nghỉ hưu được 2 năm nhưng nói về nghề dạy học thì cô vẫn còn say mê lắm. Cô cho biết, suốt 35 năm công tác trong ngành Giáo dục, dù đạt được nhiều thành tích cao nhưng không lúc nào cô tự bằng lòng với bản thân mình mà luôn nỗ lực, phấn đấu vươn lên.

Bởi cô nghĩ, người giáo viên cũng giống như người lính trên mặt trận. Mặt trận ấy không tiếng súng, nhưng nếu người lính không có bản lĩnh và ý chí quyết tâm cao thì sẽ đem lại hệ lụy xấu cho cả một thế hệ.

Tốt nghiệp Trường trung học sư phạm Đông Hà (hệ 10+2) năm 1978, cô giáo Phạm Thị Hồng Tự được điều về nhận công tác tại Trường PTCS phường 4, thị xã Đông Hà, tỉnh Bình Trị Thiên cũ. Năm 1985 cô được chuyển về Trường PTCS Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, đến năm 1989 thì được điều chuyển về công tác tại Trường tiểu học Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa cho đến khi về hưu.

Trong suốt thời gian làm nghề giáo, cô Tự đã có 22 năm trực tiếp giảng dạy, 13 năm làm quản lý với chức vụ Phó hiệu trưởng nhà trường. Dù ở cương vị nào cô cũng cống hiến hết mình, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo của đơn vị, của huyện, của tỉnh, luôn được các cấp lãnh đạo đánh giá cao và là tấm gương điển hình trong công tác giảng dạy cũng như rèn luyện đạo đức, lối sống theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Vì lòng yêu nghề, mến trẻ cùng với tinh thần trách nhiệm cao trước tập thể mà cô Tự chưa bao giờ từ chối một nhiệm vụ nào được giao.

Trong 22 năm trực tiếp giảng dạy, cô đã có 11 lần đi thi giáo viên dạy giỏi các cấp; nhiều lần dạy phục vụ chuyên đề, hội thảo của ngành; 5 năm liền tham gia tập huấn thay sách từ lớp 1 đến lớp 5 rồi về truyền đạt lại cho giáo viên trong huyện. Trong 13 năm làm quản lý, cô đã cùng với tập thể nhà trường xây dựng Trường tiểu học Văn Hóa là trường thứ 3 trong huyện trở thành trường chuẩn quốc gia, đến nay trường đã đạt chuẩn ở mức độ 2 và là đơn vị được đánh giá có chất lượng cao về mọi mặt.

Chia sẻ về kinh nghiệm giảng dạy, cô Tự bộc bạch: “Người giáo viên phải để hết tâm huyết, tâm tư và tình cảm của mình vào từng tiết dạy, từng trang giáo án và biết chia sẻ tình cảm với học sinh, có như vậy mới có được những giờ dạy hay và giúp các em thêm yêu môn học của mình. Với tôi, mỗi tiết dạy là một khám phá nên tôi luôn cố gắng tìm những cái hay, cái mới trong bài giảng, giúp các em hiểu và nhớ bài nhanh, đạt kết quả học tập cao.

Tuy đã là giáo viên giỏi nhiều năm nhưng chưa bao giờ tôi bằng lòng với chính bản thân mình, cứ sau mỗi bài giảng, sau mỗi lần thực tập hay hướng dẫn giáo viên tôi vẫn còn cảm thấy bao điều băn khoăn trăn trở bởi có điều gì đó chưa thực sự toàn vẹn. Chính từ sự lo lắng đó mà bản thân lại tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu, tìm ra phương án tốt nhất.

Đối với đồng nghiệp trong trường, tôi luôn tận tình giúp đỡ, chỉ bảo từ phương pháp giảng dạy, cách truyền thụ kiến thức đến phong thái lên lớp sao cho nhẹ nhàng mà hiệu quả. Đặc biệt là cách quán xuyến học sinh trong lớp sao cho tất cả các em đều được quan tâm, được khích lệ và được hoạt động cùng bạn bè một cách sôi nổi, hồn nhiên”.

Trong những năm giảng dạy của mình, cô giáo Phạm Thị Hồng Tự luôn có những ý tưởng sáng tạo đổi mới phương pháp giảng dạy, tổ chức học tập và tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh. Cô đã dìu dắt nhiều giáo viên trở thành giáo viên dạy giỏi, tham gia bồi dưỡng giáo viên giỏi của huyện nhiều năm. Năm 2000, được bổ nhiệm làm Hiệu phó Trường tiểu học Văn Hóa, cô đã cùng với tập thể nhà trường không ngừng phấn đấu để trường trở thành một trong những điểm sáng giáo dục của huyện.

Với những cống hiến không ngừng đó, cô giáo Phạm Thị Hồng Tự đã được Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng nhiều bằng khen; nhiều năm liên tục đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua, giáo viên giỏi các cấp. Năm 1999 cô được công nhận là giáo viên giỏi xuất sắc cấp quốc gia và năm 2002 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Hiện nay dù đã nghỉ hưu nhưng nhà giáo ưu tú Phạm Thị Hồng Tự vẫn say mê với công tác khuyến học, là tấm gương sáng, mẫu mực trong mọi hoạt động của địa phương, được mọi người mến phục.

V.M-Văn Tư