.

Ghi từ hội thi KHKT học sinh trung học lần thứ 2: Ý tưởng sáng tạo và nhiều khả năng ứng dụng vào thực tiễn

Thứ Sáu, 23/01/2015, 13:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Hội thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THCS và THPT năm học 2014-2015 do Sở Giáo dục-Đào tạo tổ chức vừa kết thúc. Thành công của hội thi đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng giáo viên, học sinh và những người tham dự, về một thế hệ học trò đam mê nghiên cứu khoa học.

Hội thi Khoa học kỹ thuật là một trong những hoạt động dành cho học sinh phổ thông từ lớp 9 đến lớp 12, diễn ra ở gần 200 trường THCS và THPT trên địa bàn toàn tỉnh bắt đầu từ tháng 9-2014, đã thu hút hàng trăm dự án, ý tưởng sáng tạo. Đây là một sân chơi nhằm khuyến khích các em ở lứa tuổi học sinh nghiên cứu khoa học, công nghệ, kỹ thuật và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn của cuộc sống... Nhằm góp phần thúc đẩy đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học cũng như việc đánh giá kết quả học tập, phát triển năng lực học sinh, nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học. Tạo cơ hội để học sinh giới thiệu thành quả nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của mình đến với mọi người và có thể ứng dụng vào đời sống xã hội.

Hội thi đã thu hút đông đảo học sinh tham gia, với 78 dự án của 52 đơn vị (hội thi lần thứ nhất năm học 2013-2014, chỉ có 37 dự án của 25 đơn vị tham gia). Có những đơn vị sau vòng sơ loại vẫn có 3-4 dự án tham gia dự thi ở khu vực trưng bày, như Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp, THPT Đồng Hới, THPT Đào Duy Từ, THPT Lê Hồng Phong, THPT Lệ Thủy, THPT Minh Hóa. Đáng ghi nhận những đơn vị vùng sâu vùng xa như Trường THCS và THPT Trung Hóa, THCS và THPT Hóa Tiến, THCS và THPT Bắc Sơn... vẫn có dự án tham dự cuộc thi lần này. Đặc biệt, 8/8 Phòng GD-ĐT các huyện, thị, thành phố đều đã có sản phẩm dự thi tại khu vực trưng bày với 29 dự án (hội thi lần thứ nhất chỉ có 3 Phòng GD-ĐT với 9 dự án tham gia).

Sau khi chấm vòng sơ loại, có 61 dự án nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của 106 học sinh thuộc 46 đơn vị đã lọt vào vòng dự thi tại khu vực trưng bày, bao gồm các lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học và Khoa học xã hội-Nhân văn. Theo đánh giá của Ban giám khảo, các đề tài tham gia hội thi lần này đã đi vào chiều sâu, gắn bó chặt chẽ với thực tiễn cuộc sống, tìm cách giải quyết những vấn đề đời sống đặt ra trong sản xuất, trong sinh hoạt hàng ngày và đặc biệt là trong hoạt động dạy ở trường và học ở nhà.    

Lãnh đạo Sở GD-ĐT trao thưởng cho các em học sinh có dự án đạt giải nhì tại hội thi.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT trao thưởng cho các em học sinh có dự án đạt giải nhì tại hội thi.

“Chất lượng các dự án khá tốt, nhất là các dự án về Vật lý và Công nghệ. Những dự án đạt giải cao đã thể hiện sự dày công nghiên cứu của tập thể và cá nhân học sinh cũng như sự đầu tư của nhà trường, các giáo viên trong công tác tư vấn và hướng dẫn; nội dung trình bày trong báo cáo thể hiện được quy trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, xác định đúng mục tiêu và phương pháp nghiên cứu. Có những dự án có ý tưởng sáng tạo và khả năng ứng dụng vào thực tiễn cao như các dự án: “Hệ thống giao thông thông minh” (đạt giải nhất) của em Nguyễn Ngọc Đạt, học sinh lớp 12A6 Trường THPT Đào Duy Từ; dự án “Tạo chế phẩm trừ sâu sinh học từ dịch cây xoan, cây na và cây cúc vạn thọ” của hai em Trần Khánh Linh, Hoàng Thái Bảo, học sinh Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp; dự án “Phương pháp nhận biết trực tiếp tia sáng bằng công nghệ hơi sương và nước vôi” của nhóm các em Nguyễn Thị Bình và Lê Nhật Phương, học sinh Trường THCS Quảng Thọ; dự án “Xe quét rác đa năng” của em Trần Xuân Tính, học sinh Trường THPT Quảng Ninh; dự án “Thiết kế bàn học sinh hỗ trợ dạy học tích cực” của các em Cao Thị Linh, Dương Công Hưng, học sinh Trường THCS Tân Thủy... Ngoài ra, còn có rất nhiều dự án khác thể hiện ý tưởng độc đáo, khả năng tư duy sáng tạo mà các em học sinh đưa đến hội thi lần này đã làm nhiều người khâm phục. Đặc biệt, hầu hết các em đều tự tin, trả lời lưu loát, rõ ràng các câu hỏi chất vấn của Ban giám khảo, điều này thể hiện các em nắm chắc kiến thức, phương pháp và mục đích nghiên cứu dự án của mình”- thầy giáo Trương Duy Quyền, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Phó trưởng ban giám khảo hội thi cho biết.

Em Nguyễn Ngọc Đạt, học sinh lớp 12A6 Trường THPT Đào Duy Từ hồ hởi chia sẻ, mỗi ngày đến trường chứng kiến cảnh khi đi qua các ngã ba, ngã tư đường phố có tín hiệu đèn giao thông, nhưng nhiều người vẫn “vô tư” vượt đèn đỏ, gây nguy hiểm cho chính bản thân mình và những người cùng tham gia giao thông. Nếu ở những ngã ba, ngã tư có camera tự động ghi hình thì để xử phạt những người này sẽ rất mất thời gian khi phải lục và xem lại toàn bộ băng hình... nên em băn khoăn, trăn trở rất nhiều. Khi Sở GD-ĐT phát động cuộc thi, được sự động viên, hỗ trợ của bạn bè, thầy cô giáo, em đã mạnh dạn tham gia với ý tưởng nghiên cứu “Hệ thống giao thông thông minh” nhằm tăng cường cảnh báo để nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông và đặc biệt là ghi lại được hình ảnh, biển số xe của người vượt đèn đỏ, hỗ trợ tích cực cho các cơ quan chức năng xử lý đúng người, đúng tội, lập lại trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường. Còn một điều quan trọng nữa là, hệ thống này thiết kế nhỏ gọn, dễ vận hành sử dụng, giá thành thấp nên có thể áp dụng được cho tất cả các nút giao thông. Và em đã vinh dự giành được giải nhất của hội thi. Đây sẽ là niềm động viên, khích lệ rất lớn trên con đường học vấn của em sau này.

Hội thi đã khép lại, với kết quả đã trao: 1 dự án xếp giải nhất, 7 dự án xếp giải nhì, 18 dự án xếp giải ba, 29 dự án xếp giải khuyến khích và đã chọn được 4 dự án xuất sắc nhất để tiếp tục tham gia hội thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học toàn quốc sắp tới. Đây là một thành công đáng ghi nhận của ngành GD-ĐT trong việc quan tâm, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học của học sinh, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, trong hội thi lần này vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: một số đơn vị chưa nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa của hội thi là đổi mới mục tiêu dạy học hiện nay, mà cho rằng đây là hoạt động mang tính phong trào, nên việc triển khai chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa động viên khích lệ kịp thời giáo viên và học sinh tham gia hội thi.

Có một số giáo viên và học sinh chưa nắm chắc nội dung, thể lệ cuộc thi, nên để xảy ra sai sót; đề tài còn làm vội vã chưa được kiểm chứng nhiều trong thực tế, dẫn đến tính ứng dụng và sức thuyết phục chưa cao.

Các dự án đều là công trình nghiên cứu của học sinh dưới sự hướng dẫn của  thầy cô giáo trong trường, chưa phối hợp, liên kết với Sở Khoa học-Công nghệ, hay các nhà khoa học trong tỉnh; đồng thời cũng chưa tranh thủ sự giúp đỡ của cán bộ, giáo viên, sinh viên Trường đại học Quảng Bình và các trường trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn.

Thầy giáo Trương Đình Châu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định: mặc dù không tránh khỏi những mặt hạn chế cần rút kinh nghiệm, nhưng hội thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học lần thứ hai, năm học 2014-2015 nhìn chung đã đạt được mục đích, là phát huy khả năng sáng tạo, tạo ra sân chơi bổ ích, trí tuệ và khoa học cho học sinh THCS và THPT; tìm kiếm những ý tưởng khoa học mới, lạ, độc đáo, những sáng kiến và giải pháp cụ thể, thiết thực để chuẩn bị tâm thế cho học sinh tỉnh ta tham gia các sân chơi lớn trong nước và khu vực. Từ đó thúc đẩy phong trào học tập nghiên cứu khoa học và sáng tạo trong học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, góp phần đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường. Cuộc thi đã đánh giá và xác định được những tập thể, cá nhân, những dự án có giá trị khoa học và thực tiễn với những ý tưởng sáng tạo đáng trân trọng từ lứa tuổi học sinh trung học. Và để hội thi ngày càng có chất lượng, rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, các trường đại học, trung cấp chuyên nghiệp, các nhà khoa học trong tỉnh... tạo điều kiện cho các em học sinh thể hiện niềm đam mê nghiên cứu khoa học, cống hiến sức trẻ của mình cho sự phát triển đi lên của tỉnh nhà.

Nội Hà