.
Vấn đề hôm nay:

"Nóng" với kỳ thi THPT Quốc gia

Chủ Nhật, 14/09/2014, 21:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 9-9, Bộ Giáo dục-Đào tạo đã chính thức ban hành quyết định số 3538 phê duyệt phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) từ năm 2015. Theo đó, kỳ thi quốc gia sẽ được tổ chức trong các ngày 9, 10, 11 và 12-6-2015. Sau khi phương án trên được thông qua, nhiều nhà chuyên môn, thầy cô giáo, học sinh và các bậc phụ huynh đã có nhiều ý kiến phản hồi, nêu rõ sự đồng tình và cả những băn khoăn...

Trả lời câu hỏi về quan điểm của mình đối với sự thay đổi này, đồng chí Đoàn Đức Liêm, Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định: Đông đảo cán bộ, giáo viên và nhân viên toàn ngành nhất trí với chủ trương cần tổ chức sớm một kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích: xét tốt nghiệp và căn cứ để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Trước khi Bộ đưa ra quyết định chính thức, cùng với các Sở GD-ĐT các tỉnh, thành trong cả nước, Sở GD-ĐT Quảng Bình đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến về các phương án thi.

Kết quả sau khi nghiên cứu 3 phương án Bộ GD-ĐT công bố và phân tích mục đích cũng như tính hiệu quả của kỳ thi, 85% cán bộ quản lý và giáo viên tỉnh ta đã đề nghị Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia theo phương án 1-Thi theo môn.

Cụ thể: thi 8 môn gồm: Toán, Vật lý, Sinh học, Hóa học, Văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ; thi trong 4 ngày, một buổi thi một môn. Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn (gọi là các môn tối thiểu) gồm: 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn do thí sinh tự chọn trong các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.

Kết quả của 4 môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT; kết quả 4 môn thi này cũng được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo. Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi của kỳ thi THPT quốc gia còn lại để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ theo yêu cầu của ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quy định.

“Đây là phương án ít gây xáo trộn, không gây áp lực tâm lý cho cả thầy và trò tại thời điểm bắt đầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Việc thi theo môn và cho thí sinh chọn môn thi tạo thuận lợi cho việc ra đề thi, bảo đảm đánh giá được mức độ học vấn phổ thông, phân hóa trình độ, sở trường của học sinh, giúp các trường ĐH, CĐ có cơ sở lựa chọn thí sinh phù hợp với các ngành đào tạo của trường!”, đồng chí Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết thêm.

Còn với thầy giáo Lê Thanh Bình, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp cho biết: Trong 3 phương án được đưa ra, thì phương án 1 có tính khả thi cao nhất. Do vậy việc lựa chọn phương án này gần như đã được khẳng định trước khi Bộ đưa ra quyết định chính thức. Cũng có một số ý kiến cho rằng Bộ vội vàng quá, học sinh và thầy giáo làm sao theo kịp đề án và mong muốn đề án chỉ bắt đầu thực hiện vào năm học 2017-2018. Thật ra một khi phương án đã được lựa chọn thì có thể bắt đầu tiến hành luôn vào năm học 2015-2016. Nếu không học “lệch” thì đối với 4 môn thi tối thiểu, tôi nghĩ các thí sinh đều có thể hoàn thành...

Anh Lê Quang, công tác tại Ngân hàng Phát triển Quảng Bình, trao đổi: Với phương án này, trước hết là tiết kiệm được chi phí cho học sinh và phụ huynh. Và điều quan trọng nhất là sẽ tránh được tình trạng học “lệch”. Mặc dù chưa có con thi ĐH, CĐ nhưng khi Bộ GD-ĐT công bố phương án này, bản thân tôi và các đồng nghiệp đều rất quan tâm. Tuy nhiên nói gì thì nói, điều cốt lõi nhất, đó là: dù lựa chọn phương án nào thì giáo dục vẫn phải thực chất mới có thể mang lại hiệu quả như mong đợi!

Cùng với sự quan tâm của cán bộ, giáo viên và phụ huynh, thì các em học sinh, nhất là học sinh lớp 12, đã có nhiều ý kiến bàn luận sôi nổi về vấn đề này. Em Dương Kim Tiến, học sinh lớp 12 Trường THPT số 1 Bố Trạch cho biết: "Em nghĩ đây là một phương án phù hợp với xu thế phát triển. Với 4 môn thi tối thiểu, trong đó có ba môn bắt buộc và một môn tự chọn, học sinh hoàn toàn có thể thể hiện được năng lực của bản thân!".

Trả lời câu hỏi có hay không những ý kiến lo lắng về phương án này, nhất là đối với một số học sinh định hướng thi khối A, khối B, khối C..., Tiến cho biết, trước khi Bộ quyết định phương án này, bản thân em và nhiều bạn cùng lớp cũng đã có những lựa chọn của mình. Riêng em đã xác định sẽ thi khối A. Và khi phương án này được quyết định, em vẫn tự tin mình sẽ thi tốt vì em học đều các môn. Nhiều bạn em dù có chút lo lắng nhưng về cơ bản mọi người đều sẵn sàng chuẩn bị cho kỳ thi...

Về vấn đề miễn thi ngoại ngữ cho các thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ, nhiều ý kiến cho rằng với tình trạng chứng chỉ ngoại ngữ được cấp tràn lan như hiện nay, thì việc tổ chức cho tất cả các thí sinh thi ngoại ngữ là điều cần thiết. Và trong trường hợp miễn thi ngoại ngữ thì Bộ phải có quy định cụ thể các loại chứng chỉ nào thì được miễn, chứng chỉ nào không, chứ không chỉ quy định chung chung. Một số phụ huynh thì lo lắng,mấu chốt thành bại của phương án được Bộ GD-ĐT lựa chọn là chất lượng một kỳ thi quốc gia.

Nhiều năm qua, chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT như thế nào thì chúng ta đã rõ. Nếu đổi mới thành một kỳ thi quốc gia trong năm tới, mà chất lượng không thay đổi, sẽ dẫn đến “vàng thau lẫn lộn”. Các trường ĐH sẽ không tuyển được học sinh tốt bằng các trường tự tổ chức thi tuyển như trước đây.Và mong muốn Bộ GD-ĐT cần có một lộ trình cụ thể để con em họ có đủ thời gian chuẩn bị tâm thế cho một kỳ thi quốc gia, chứ không phải áp dụng ngay từ năm học này...

Có thể nói, đứng trước những đổi thay quan trọng nói chung và kỳ thi THPT Quốc gia nói riêng, việc có nhiều ý kiến phản hồi cả tích cực lẫn lo lắng là điều đương nhiên, nhất là đối với các bậc phụ huynh có con em chuẩn bị tham gia kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015.

Mong rằng, bên cạnh việc phát huy những điểm ưu việt, tích cực của phương án này, Bộ GD-ĐT và các ban ngành chức năng sẽ tiếp tục có những văn bản hướng dẫn cụ thể để cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh nắm rõ nhằm chủ động chuẩn bị tốt, gặt hái thành quả ngay từ mùa thi đầu tiên vào năm 2015.

Ngọc Mai-Nội Hà