Hội Khuyến học xã Bảo Ninh: Những nỗ lực đáng ghi nhận

Cập nhật lúc 07:33, Thứ Tư, 19/09/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Sự nghiệp giáo dục-đào tạo của xã Bảo Ninh trong những năm qua đã và đang thu được những thành tích đáng phấn khởi: cơ sở hạ tầng được địa phương đầu tư xây dựng khang trang; phong trào thi đua dạy tốt học tốt ngày càng phát triển mạnh mẽ... Có được kết quả đó chính là nhờ địa phương đã tích cực chăm lo cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài.

Những năm 90 trở về trước, trong điều kiện kinh tế, đời sống của người dân xã Bảo Ninh còn nhiều khó khăn, vất vả nên nhiều con em của địa phương chẳng mấy chú trọng đến trường học chữ. Tỉ lệ học sinh tới trường rất thấp, đặc biệt số lượng học sinh  học xong bậc THCS tiếp tục thi vào THPT chỉ đếm trên đầu ngón tay, nói gì tới chuyện thi vào đại học...

Nhớ lại khoảng thời gian đó, ông Trần Ngoan, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Bảo Ninh cho biết: "Lúc đó, hầu hết bà con ở đây đều có tư tưởng cho con cái họ học xong cấp 1 để biết chữ, sau đó ở nhà theo bố mẹ ra biển đánh bắt cá, tôm kiếm sống qua ngày. Họ cho rằng, học chữ nhiều cũng chẳng làm được gì trên mảnh đất toàn cát và gió Lào này. Do đó, hầu hết phụ huynh đều không mấy quan tâm tới việc học của con em họ!".

Nhưng đó là chuyện của gần hai chục năm về trước. Bây giờ đến với Bảo Ninh, thì nhiều người sẽ bất ngờ bởi phong trào "người người làm khuyến học, nhà nhà làm khuyến học, thôn làm khuyến học, dòng họ làm khuyến học..." của người dân vùng cát nơi đây. Có lẽ cũng bắt đầu từ việc xã Bảo Ninh chăm lo tới hoạt động khuyến học, khuyến tài mà sự nghiệp giáo dục của địa phương đã có những bước tiến mới mẻ.

Năm 2001, Hội Khuyến học xã Bảo Ninh được thành lập, là một trong những Hội Khuyến học được thành lập khá sớm ở tỉnh ta. Trải qua chặng đường hơn 10 năm hoạt động, Hội đã gặt hái được nhiều thành quả đáng tự hào: nhiều năm liền được Trung ương Hội Khuyến học, UBND tỉnh, thành phố đánh giá cao trong công tác xã hội hoá giáo dục; là đơn vị có thành tích xuất sắc thực hiện chỉ thị 50 về công tác khuyến học...

Trong đó, kết quả nổi bật nhất là ngay sau khi Hội Khuyến học xã Bảo Ninh chính thức đi vào hoạt động được một thời gian ngắn, địa phương chính thức được công nhận phổ cập tiểu học đúng độ tuổi. Đến năm 1996, xã vinh dự có một ngôi trường tiểu học được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Theo ông Trần Ngoan, những năm trở lại đây, nhờ đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài mà chất lượng giáo dục của địa phương được nâng lên đáng kể. Rõ nét nhất là, năm 2000, địa phương vui mừng, phấn khởi khi toàn xã có tới 6 em học sinh thi đỗ vào đại học; năm 2005, Bảo Ninh tiếp tục có 20 học sinh thi đỗ đại học... và năm nay đã có trên 40 em học sinh thi đỗ các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc. Hiện tại, toàn xã đã có gần 3.000 học sinh đang theo học tại các cấp học với 4 ngôi trường trong xã. Đáng chú ý là cả 4 trường học gồm: trường mầm non, tiểu học số 1, tiểu học số 2, THCS đều đã đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1 và đang phấn đấu cho giai đoạn 2.

Hàng năm, xã Bảo Ninh tập trung phần lớn ngân sách của xã để chi cho đầu tư  phát triển giáo dục. Cụ thể, trong hai năm (2010 và 2011), xã đã đầu tư khoảng 17 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, trang bị vật chất cho các trường học. Đáng kể, một trong những cách làm hiệu quả trong hoạt động xã hội hóa giáo dục của địa phương chính là, đối với các công trình hạ tầng có quy mô lớn thì xã chịu trách nhiệm đầu tư, nhưng đối với các công trình nhỏ thì xã kêu gọi đóng góp, hỗ trợ của người dân và các tổ chức hảo tâm cùng vào cuộc. Vì vậy, hoạt động xã hội hóa giáo dục đã tạo thành sức mạnh và có sức lan tỏa sâu rộng trong quần chúng nhân dân.

Bên cạnh đó, địa phương đã tổ chức hoạt động khuyến học, khuyến tài về tận từng gia đình, từng thôn, xóm. Nhờ vậy, hiện toàn xã có 8 thôn nhưng có đến 14 chi hội khuyến học  và  có thêm 9 dòng họ khuyến học. Bình quân nguồn quỹ của mỗi chi hội khuyến học luôn duy trì từ 15 đến 25 triệu đồng/ năm và mỗi dòng họ luôn có từ 10 tới 15 triệu đồng/năm. Theo đó, trong xã đã xuất hiện nhiều điển hình trong phong trào khuyến học, khuyến tài như: chi hội thôn Đông Dương và thôn Sa Động có nguồn quỹ khuyến học trên 50 triệu đồng với 100% số hộ trong thôn là hội viên Hội Khuyến học; dòng họ Nguyễn ở thôn Trung Bính; dòng họ Phạm ở thôn Trung Bính...

Đặc biệt, thông qua sự đóng góp hảo tâm của nhân dân và các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh, quỹ Hội Khuyến học của xã đã đạt con số trên 100 triệu đồng. Nhờ có tổng nguồn quỹ khuyến học khá lớn nên hàng năm, cứ vào dịp lễ, Tết Nguyên đán, ngày giỗ tổ ở các dòng họ... các giáo viên, học sinh có thành tích xuất sắc trong công tác dạy và học ở xã lại được làm lễ báo công và phát thưởng với nhiều phần quà có giá trị từ 50 đến 500 nghìn đồng/học sinh (tùy theo cấp học) nhằm động viên và cổ vũ tinh thần hiếu học của các học sinh.

Từ sự động viên, khen thưởng kịp thời của Hội Khuyến học xã, chi hội thôn và dòng họ khuyến học mà số lượng học sinh đến trường ngày một đông hơn và nhiều em học sinh đã bắt đầu chú tâm, chăm lo tới việc học chữ. Đồng thời, thông qua hoạt động khuyến học, khuyến tài, các bậc phụ huynh cũng dần quan tâm hơn đến việc học tập của con em và hăng hái tham gia vào Hội Khuyến học.

                                                                                  N.L
 

,
.
.
.