.

Hiệu quả của một phong trào

Thứ Sáu, 30/09/2016, 08:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiện nay, trong thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập kinh tế, lực lượng công nhân viên chức lao động nữ đóng vai trò hết sức quan trọng. Phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” ra đời đã giúp nhiều chị khẳng định vị trí của mình trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ cán bộ, công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) ra đời vào năm 1989 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, đến nay đã tròn 27 năm. Suốt thời gian qua, phong trào đã trở thành một nét đẹp truyền thống trong các phong trào thi đua của nữ cán bộ, CNVCLĐ.

“Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao vị trí, vai trò của người phụ nữ trên các lĩnh vực công tác, xã hội và gia đình. Từ khi ra đời, phong trào luôn được các cấp công đoàn trong tỉnh chú trọng, quan tâm và xem đây là một tiêu chí để đánh giá kết quả hoạt động hàng năm của đơn vị.

Với nhiều hoạt động thiết thực, Công đoàn các cấp đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến về mục tiêu, ý nghĩa, nội dung của phong trào để vận động nữ CNVCLĐ tích cực tham gia hưởng ứng. Nội dung tuyên truyền gắn với việc tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm các ngày lễ Quốc tế Phụ nữ 8-3, thành lập Hội LHPH Việt Nam 20-10, Ngày gia đình Việt Nam 28-6...

Thông qua sinh hoạt nữ công, chị em cùng trao đổi, học tập kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ, về cuộc sống gia đình và xã hội, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá.

Phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” những năm qua đã giúp nhiều chị em phát huy vai trò và vị trí của mình trong phát triển kinh tế-xã hội.
Phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” những năm qua đã giúp nhiều chị em phát huy vai trò và vị trí của mình trong phát triển kinh tế-xã hội.

Đặc biệt, để phù hợp với yêu cầu của phong trào ở từng lĩnh vực, từng ngành nghề, mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã cụ thể hóa nội dung và xây dựng cho đơn vị mình, ngành mình những tên gọi phù hợp như: Công đoàn ngành Giáo dục với phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, công đoàn ngành Y tế với phong trào “Thực hiện 12 điều y đức, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Công đoàn Viên chức tỉnh gắn phong trào thi đua với cuộc vận động xây dựng người cán bộ công chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”..., 5 năm qua, đội ngũ CNVCLĐ Quảng Bình nói chung, nữ CNVCLĐ nói riêng tăng nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng.

Hiện toàn tỉnh có 29.808 nữ CNVCLĐ, chiếm tỷ lệ 54,82% CNVCLĐ toàn tỉnh. So với 5 năm trước, chất lượng của lao động nữ được nâng lên. Số cán bộ, công nhân viên chức được qua trường lớp đào tạo bài bản dần được tăng lên. Toàn tỉnh có 26.692/29.808 chị có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề cao, trong đó có 639 chị có trình độ trên đại học, 13.710 trình độ đại học, 3.787 trình độ cao đẳng, 7.310 chị có trình độ trung sơ cấp và 2.086 chị có tay nghề thợ từ bậc 1-7.

Không chỉ năng động, giỏi giang trong công tác chuyên môn, nữ CNVCLĐ còn khẳng định vai trò quan trọng của mình trong việc xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Các chị đã nhận thức sâu sắc quan điểm gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Do đó, dù bận rộn công việc chuyên môn, các chị đều dành thời gian chăm sóc, vun vén cho tổ ấm gia đình. Không ít chị chịu khó và thành công trong việc tăng gia, sản xuất cải thiện cuộc sống cho gia đình. Một số chị còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, là lực lượng nòng cốt trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở nơi mình cư trú.

Hàng năm, 100% nữ cán bộ, CNVCLĐ đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và đã có trên 98% chị em đạt danh hiệu. Từ những kết quả nói trên có thể khẳng định, dù ở vị trí, ngành nghề nào, là cán bộ lãnh đạo, quản lý hay lao động trực tiếp, trên mọi lĩnh vực và cương vị công tác, nữ CNVCLĐ tỉnh ta đều thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng và đức tính cần cù, sáng tạo, vượt khó, là người vợ đảm, dâu hiền trong gia đình.

Tuy nhiên, chị Hoàng Thị Kim Cúc, Trưởng ban nữ công, Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Công tác vận động nữ CNVCLĐ với phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc” hiện nay có nơi, có lúc chưa được quan tâm thỏa đáng. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp điều kiện lao động, chính sách tiền lương, BHXH, BHYT, nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, đời sống tinh thần của nữ CNVCLĐ vẫn còn nhiều hạn chế. Tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ được việc thanh toán chế độ thai sản, chế độ ốm đau cho nữ CNVCLĐ. Tỷ lệ nữ CNLĐ trực tiếp sản xuất được khen thưởng chưa tương xứng với sự cống hiến của chị em.

Cũng theo chị Hoàng Thị Kim Cúc, trong thời gian tới, nhằm bảo đảm quyền lợi cho nữ CNVCLĐ và đưa phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” phát huy hiệu quả hơn Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo công đoàn các cấp đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động công tác nữ công; tiếp tục tuyên truyền sâu rộng nội dung phong trào thi đua đến từng nữ cán bộ, CNVCLĐ, gắn phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hành phúc” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động nhằm thu hút đông đảo nữ CNVCLĐ hưởng ứng tham gia; chủ động phối hợp với chính quyền, chuyên môn cải thiện điều kiện làm việc và kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ ở các đơn vị, doanh nghiệp; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác nữ công nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp cho phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” tiếp tục phát triển, đạt chất lượng, hiệu quả cao.

P.V