.

Tiếp tục phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Hai, 03/03/2014, 13:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, trên cơ sở kết quả bình xét, đề nghị của các địa phương, UBND tỉnh đã có quyết định số 198/QĐ-UBND ngày 25-1-2013 công nhận chính thức 106 người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số. Kể từ khi được công nhận danh hiệu nói trên, những NCUT trong đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh ta đã ra sức phát huy vai trò đầu tàu của mình ngay tại bản làng cư trú, trở thành những tấm gương luôn tích cực đi đầu trong việc chấp hành, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...

Tỉnh ta hiện có 21.353 người là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 2,48% dân số toàn tỉnh và 8,2% dân số vùng miên núi), chủ yếu thuộc 2 dân tộc thiểu số: Bru-Vân Kiều (Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì), Chứt (Sách, Mày, Rục, A rem, Mã Liềng)... Đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh ta có bản sắc văn hóa rất đa dạng, phong phú; có truyền thống yêu nước, đoàn kết đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bản làng quê hương.

Nhiều già làng, trưởng bản, NCUT trong cộng đồng là những điển hình tiêu biểu trong phong trào cách mạng qua các thời kỳ. Với đồng bào các dân tộc thiểu số, “tai nghe không bằng mắt thấy, miệng nói không bằng tay làm”, bằng chính những việc làm, hành động cụ thể của mình, thời gian qua, các cụ vẫn luôn chứng tỏ bản thân là những tấm gương sáng tại các bản làng, được dân làng suy tôn, kính trọng. Tiếng nói, việc làm của già làng, trưởng bản, NCUT trong cộng đồng người dân tộc thiểu số đã giữ một vai trò hết sức quan trọng, tác động mạnh mẽ đến mọi tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...

Già làng Hồ Văn Pan (người dân tộc Vân Kiều) trú tại bản Cây Bông, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thuỷ trước đây thuộc diện hộ nghèo. Được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp chính quyền về nguồn vốn cũng như kỹ thuật, kinh nghiệm làm ăn sản xuất, Hồ Văn Pan đã tiến hành khai hoang trồng lúa nước 2 vụ/năm, nhờ đó bình quân mỗi năm gia đình ông thu được 5 tấn thóc, cơ bản đáp ứng đủ lương thực cho cả gia đình trong năm. Ông Pan nuôi thêm 2 con lợn nái, 6 lợn thịt.

Ngoài ra, tận dụng lợi thế của vùng gò đồi, gia đình Hồ Văn Pan còn khai hoang để trồng thêm cây keo lai, bạch đàn và cây ăn quả, nuôi thêm bò, dê... Đến nay Hồ Văn Pan đã sở hữu một trang trại gồm 20ha rừng trồng, 20 con bò laisind, 15 con dê, 2.000m2 ao cá nước ngọt... Mỗi năm trừ tất cả các khoản chi phí, Hồ Văn Pan cũng thu về hơn 100 triệu đồng tiền lãi ròng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều lao động khác tại địa bàn. Không chỉ chú trọng làm giàu cho bản thân, trong quá trình làm ăn, Hồ Văn Pan còn tích cực trong việc hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm cho những hộ khác cùng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.

Già làng Lê Văn Tiêu (bản Cồn Cùng, xã Kim Thủy) dày công sưu tầm những loại nhạc cụ truyền thống để truyền dạy lại cho bà con Vân Kiều giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.
Già làng Lê Văn Tiêu (bản Cồn Cùng, xã Kim Thủy) dày công sưu tầm những loại nhạc cụ truyền thống để truyền dạy lại cho bà con Vân Kiều giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Tiêu biểu như việc ông thường xuyên cho bà con trong bản mượn bò để cày kéo; hướng dẫn nhiều hộ cách thức chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả... Đặc biệt, thời gian qua già Pan đã cho hàng chục người dân trong bản mượn khoảng 60 triệu đồng để đầu tư làm ăn, trang trải mọi chi phí trong cuộc sống cũng như lúc ốm đau. Làm được nói được, cứ mỗi khi ở bản xảy ra tình trạng vợ chồng cãi nhau, thanh niên rượu chè bê tha..., nhờ tiếng nói và uy tín của già Pan, nhiều vụ việc đã được giải quyết một cách tốt đẹp, thấu đáo...

Tấm gương Hồ Văn Pan mới chỉ là một dẫn chứng nhỏ trong 106 tấm gương NCUT của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh ta mà chúng tôi có dịp nêu ra trong phạm vi bài viết này. Ông Đặng Thái Tôn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: NCUT ở tỉnh ta thuộc nhiều thành phần khác nhau, có người hiện đang là già làng, trưởng bản, có người là cán bộ nghỉ hưu...

Thời gian qua, bằng chính ngôn ngữ, văn hoá, sự am hiểu phong tục tập quán bản địa, sự tín nhiệm của cộng đồng dân cư..., rất nhiều NCUT ở tỉnh ta thực sự đã trở thành chỗ dựa tinh thần khá vững chắc đối với đồng bào. Họ chính là những tuyên truyền viên đắc lực trong việc chuyển tải hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cộng đồng dân cư... Một số NCUT còn tích cực tham gia cùng với chính quyền địa phương để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp đất đai giữa dân bản với lâm trường như ở xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), Ngân Thuỷ (huyện Lệ Thuỷ)... Qua các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, NCUT đã kịp thời chuyển tải nhiều ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đồng bào tới các cấp chính quyền; đóng góp nhiều ý kiến liên quan tới việc phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng tại địa phương.

Bên cạnh đó, NCUT luôn chủ động tham gia cùng cấp uỷ, chính quyền các cấp trong việc xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở, nhất là trong công tác tập hợp quần chúng tham gia giám sát, quản lý các chương trình, chính sách nhà nước đầu tư vào địa bàn. NCUT có vai trò quan trọng trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình như các tấm gương Hoàng Bảo (bản Xà Khía, xã Lâm Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ), Hồ Văn Xen (bản Thượng Sơn, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh), Quách Tẩm (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch), Cao Quý Nhèng và Hồ Pheo (xã Dân Hoá huyện Minh Hoá)...

Nhờ phát huy có hiệu quả vai trò NCUT trong đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh ta đã tạo ra được những "cầu nối" rất quan trọng giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với người dân. Những đóng góp thiết thực của NCUT đã giúp đồng bào dân tộc ngày càng có thêm tiến bộ vượt bậc. Hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", thời gian qua, NCUT tích cực vận động nhân dân thực hiện, chấp hành nghiêm túc những quy ước, hương ước của địa phương.

Nhờ đó, nhiều hủ tục lạc hậu tại các bản làng đã dần bị xoá bỏ (chẳng hạn như việc cưới hỏi, ma chay không còn tổ chức dài ngày; bà con di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa khu vực dân cư sinh sống; thực hiện ăn uống hợp vệ sinh...), tiêu biểu như tấm gương bà Hồ Thị Bông (bản Cây Sú, xã Trường Sơn) và ông Hồ Thao (bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân) ở huyện Quảng Ninh... Cùng với những hoạt động nói trên, để  giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, một số NCUT đã dày công sưu tầm, truyền dạy lại cho bà con các làn điệu dân ca, chơi nhạc cụ truyền thống như Hồ Văn Ai (bản Khe Cát, xã Trường Sơn), Lê Văn Tiêu (bản Cồn Cùng, xã Kim Thủy)...

Ngoài ra, NCUT cũng đã cung cấp cho lực lượng công an nhiều nguồn tin quý giá liên quan đến tình hình an ninh trật tự tại bản làng; tham gia có hiệu quả công tác bảo vệ đường biên cột mốc, chống xâm canh, xâm cư, tranh chấp đất đai, góp phần ổn định tình hình biên giới, giữ vững chủ quyền an ninh quốc gia. Bằng hành động, việc làm cụ thể, nhiều NCUT đã làm gương và tích cực vận động, giáo dục con cháu, cộng đồng tham gia bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn hóa mới, gia đình văn hóa, làng bản văn hóa, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang...

Văn Minh