.

Phát huy dân chủ là chìa khóa thành công

Thứ Hai, 03/03/2014, 09:21 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng ở Đảng bộ tỉnh ta cho thấy, tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh đều thu được kết quả khá toàn diện, vị thế lãnh đạo của Đảng đối với xã hội được khẳng định. Có được kết quả đó là nhờ cấp uỷ các cấp kiên trì nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy dân chủ trong sinh hoạt và thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng.

Kết quả rõ nhất sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới là, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh ta đã có những đổi mới quan trọng, trong đó đề cao nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản trong hoạt động của Đảng. Nguyên tắc này được ví như xương sống làm cho Đảng luôn vững mạnh trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức; bảo đảm thống nhất ý chí và hành động.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp đã thực sự coi trọng công tác xây dựng Đảng, tập trung xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; quán triệt sâu sắc nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách, thực hiện nghiêm túc kiểm điểm tự phê bình và phê bình hằng năm; nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp uỷ, sinh hoạt chi bộ, cơ bản khắc phục được sinh hoạt hình thức.

Đã tích cực chỉ đạo, kiểm tra, giám sát về phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; chủ động đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, vu cáo, chống phá Đảng, Nhà nước; chống nguy cơ tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ; quán triệt và thực hiện nghiêm túc Quy định những điều đảng viên không được làm. Tuyệt đại bộ phận cán bộ, đảng viên gương mẫu trong công tác, tích cực rèn luyện phẩm chất đạo đức, giữ gìn đoàn kết nội bộ; thực hiện nghiêm túc việc bảo vệ bí mật của Đảng trong phát ngôn, tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ sinh hoạt Đảng được thực hiện tốt; sự đoàn kết nhất trí trong Đảng bộ có nhiều tiến bộ, thực hiện tốt quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, giữa các ngành với địa phương và trong từng địa phương, đơn vị; dân chủ và kỷ luật trong Đảng được tăng cường; việc phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động từng bước được củng cố.
Đại bộ phận cán bộ, đảng viên có lập trường kiên định, vững vàng, có tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong công tác. Đảng bộ đã khơi dậy được khí thế cách mạng của quần chúng, thực hiện tốt nhiệm vụ của cấp ủy các cấp đã đề ra, làm tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước, đoàn kết giúp nhau phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức, kỷ luật của Đảng được giữ vững; đoàn kết nội bộ có nhiều tiến bộ.

Đó là những cơ sở tốt để không ngừng củng cố tổ chức đảng, tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng, tạo được sự đồng tâm nhất trí, đoàn kết trong nội bộ Đảng, niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về vai trò lãnh đạo của Đảng tiếp tục được củng cố.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ kiểm tra việc thực hiện nghị quyết của Đảng ở cơ sở.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ kiểm tra việc thực hiện nghị quyết của Đảng ở cơ sở.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mặt trái cơ chế thị trường, tác động của khủng hoảng kinh tế, tư tưởng chủ quan, giáo điều rập khuôn về xây dựng XHCN, nôn nóng muốn tiến nhanh lên CNXH trong một thời gian ngắn; vì vậy, trong tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng vẫn còn có biểu hiện thiếu thống nhất từ trên xuống dưới; trong việc vận dụng để đề ra mục tiêu phấn đấu cụ thể thì có một số tổ chức đảng còn thiếu tính khả thi; một số nơi nghị quyết của cấp ủy đề ra còn biểu hiện sự nhất trí chưa cao.

Trong một số cơ quan, địa phương, đơn vị vẫn còn có tư tưởng địa phương chủ nghĩa, cục bộ, mất đoàn kết; chế độ tự phê bình và phê bình không được thực hiện nghiêm chỉnh; ý thức tổ chức kỷ luật trong chấp hành chỉ thị, nghị quyết, nguyên tắc sinh hoạt Đảng, phục tùng tổ chức, phục tùng tập thể không nghiêm túc; một số đảng viên thiếu gương mẫu, gây trở ngại cho việc thực hiện. Chính vì vậy, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ có một số nơi chưa nghiêm, hạn chế năng lực lãnh đạo và ý chí chiến đấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng; đồng thời, làm phai nhạt mục tiêu, lý tưởng của Đảng, một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu lòng tin vào sự lãnh đạo của cấp ủy đảng.

Do đó, từ năm 1989 đến cuối năm 2013, các tổ chức đảng có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật 39 tổ chức đảng và 4.180 đảng viên có vi phạm trong việc chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; 20 tổ chức đảng và 2.257 đảng viên có vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; 17 tổ chức đảng và 178 đảng viên vi phạm về mất đoàn kết nội bộ; 67 đảng viên tham ô, hối lộ, thất thoát, lãng phí; 248 đảng viên vi phạm về cố ý làm trái và 865 đảng viên do thiếu trách nhiệm, buông lõng lãnh đạo, quản lý.

Cấp ủy các cấp đã điều hành các hoạt động theo đúng Quy chế làm việc; thường xuyên giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể cấp ủy, Thường trực cấp ủy, từng đồng chí cấp ủy viên, nhất là thẩm quyền, trách nhiệm của các đồng chí trong thường trực cấp ủy trong mối quan hệ với cấp ủy. Cấp ủy đã đề cao trách nhiệm của tập thể, đồng thời phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong việc thảo luận, bàn, quyết định những vấn đề quan trọng theo thẩm quyền, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ.

Nhìn chung, hoạt động của ban thường vụ cấp ủy đã tập trung vào những vấn đề mang tính chất định hướng ở tầm chiến lược về các chủ trương, chính sách lớn, liên quan đến việc lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng; các vấn đề lớn, mang tính định hướng trong chương trình làm việc toàn khóa, hằng năm và những vấn đề cụ thể có tính quan trọng, cấp bách theo đề xuất của HĐND, UBND và các ngành về quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, các địa bàn trọng điểm, về vận dụng các cơ chế, chính sách của Nhà nước; về những chủ trương huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển; về chủ trương đầu tư những dự án quan trọng, sử dụng nhiều đất hoặc có ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều đối tượng xã hội, đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại trên địa bàn... Việc phân công, phân cấp xử lý công việc giữa cấp ủy các cấp và cá nhân các đồng chí cấp ủy viên phụ trách từng lĩnh vực ngày càng cụ thể hơn.

Các quyết định của cấp ủy đều được bàn bạc, thảo luận và quyết định tập thể bảo đảm dân chủ, khách quan, không có tình trạng độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ, hoặc lợi dụng danh nghĩa tập thể để thực hiện mục đích cá nhân. Trong triển khai thực hiện đã có sự phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cấp uỷ viên chịu trách nhiệm chính và cá nhân, tổ chức phối hợp, từ đó góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng bộ.

Trên cơ sở thẩm quyền, trách nhiệm, từng đồng chí trong thường trực cấp ủy, cấp ủy viên đã bám sát các địa bàn, lĩnh vực phân công để hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đề xuất, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; đồng thời, chịu trách nhiệm trước tập thể về nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách; nêu cao tinh thần trách nhiệm trước công việc; không có tình trạng dựa dẫm vào tập thể, lợi dụng danh nghĩa tập thể; hoặc tình trạng không xác định rõ trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, hoặc tình trạng thành tích thuộc về cá nhân, còn trách nhiệm thuộc về tập thể.

Đã chú trọng xây dựng mối quan hệ, lề lối làm việc giữa ban thường vụ cấp ủy với thường trực HĐND, UBND các cấp đảm bảo dân chủ, đúng quy định, không có sự áp đặt. Tỉnh uỷ luôn gương mẫu thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, xin ý kiến Trung ương về những vấn đề vượt quá thẩm quyền, những vấn đề quan trọng và phức tạp. Đã duy trì thường xuyên chế độ làm việc theo quy chế; quy định cụ thể về chế độ làm việc của các đồng chí cấp ủy viên phụ trách địa phương, đơn vị để giúp cấp ủy chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện nghị quyết của Đảng ở các địa phương, đơn vị nhằm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện và hiệu quả hơn.

Nhìn chung, việc xây dựng các chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động cũng như các quyết định của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy về công tác cán bộ, kết nạp đảng viên, chuyển đảng viên chính thức, xóa tên đảng viên, khen thưởng, kỷ luật của Đảng đều được tập thể thảo luận dân chủ, thẳng thắn, phát huy được trí tuệ tập thể trong việc ra các nghị quyết, quyết định để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đặt ra. Sau thảo luận, các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của tập thể được chấp hành cơ bản nghiêm túc. Các đồng chí bí thư, thường trực cấp ủy đều tôn trọng các ý kiến thảo luận, ý kiến của tập thể; không có biểu hiện trù dập, thành kiến với người có ý kiến khác với mình.

Những kết quả đạt được trong 30 năm đổi mới của Đảng bộ tỉnh Quảng Bình trên các mặt đã ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc về lãnh đạo, về tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các cấp ủy, trước hết là ở cơ sở. Các tổ chức đảng đã có sự đổi mới trong lãnh đạo, phát huy dân chủ trong sinh hoạt, đoàn kết nội bộ, thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở; kịp thời giải quyết những vướng mắc nảy sinh, những vấn đề nổi cộm, bức xúc tại địa phương, đơn vị, tạo bầu không khí dân chủ trong sinh hoạt và trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Trọng Thái