.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh:

Khởi sắc Quy Đạt

Thứ Tư, 26/02/2014, 10:21 [GMT+7]

(QBĐT) - Ba năm qua, cùng với việc thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, đồng thời triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thị trấn Quy Đạt đã có sự chuyển biến về mọi mặt. Kết quả rõ nét nhất là kinh tế- xã hội phát triển ổn định, bộ mặt đô thị khởi sắc và công tác xây dựng Đảng bước đầu đi vào nền nếp.

 

Hàng hoá chợ Quy Đạt phong phú.
Hàng hoá chợ Quy Đạt phong phú.

Chuyển biến rõ nét nhất trên lĩnh vực xây dựng Đảng ở Đảng bộ thị trấn là đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Đặc biệt thông qua việc chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn và các nghị quyết chuyên đề của Huyện ủy, mà trọng tâm là đợt sinh hoạt chính trị theo tinh thần Nghị quyết TW 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", gắn với đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 03, các chi bộ, đảng viên đều có việc làm cụ thể thiết thực mang lại hiệu quả, có sự chuyển biến về hành động làm theo Bác.

Đảng bộ thị trấn có 325 đảng viên, sinh hoạt tại 16 chi bộ. Thực hiện chương trình hành động sau đại hội Đảng bộ thị trấn, Đảng uỷ đã tập trung kiện toàn sắp xếp lại tổ chức, theo tinh thần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Kết quả qua đánh giá chất lượng tổ chức đảng theo Hướng dẫn số 05-HD/BTCTU ngày 8-11-2011 của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ về "Đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên", trong 16 chi bộ có 2 chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu (chi bộ tiểu khu 5 và chi bộ tiểu khu 7); chi bộ trong sạch vững mạnh có 10 chi bộ; hoàn thành tốt nhiệm vụ 1 chi bộ; hoàn thành nhiệm vụ 3 chi bộ.

Cấp uỷ đảng cùng phối hợp với Mặt trận luôn thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", xem đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt chương trình hoạt động của địa phương. Nhờ thực hiện tốt việc tuyên truyền các nội dung của phong trào nên mỗi khu dân cư, mỗi tầng lớp nhân dân đã nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của việc giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa. Mặt trận và các tổ chức thành viên như Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... phân loại cụ thể từng đối tượng, từng hộ gia đình, từ đó động viên, giúp đỡ đoàn viên, hội viên phát triển kinh tế.

Điển hình trong phong trào xoá đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu là tiểu khu 7 thị trấn Quy Đạt. Tiểu khu 7 có 164 hộ dân với 657 nhân khẩu; trung bình mỗi năm, người dân tiểu khu thu nhập đạt gần 20 triệu đồng/người; có 100% con em trong tiểu khu đến trường đúng độ tuổi, 100% em thi đỗ tốt nghiệp THPT, hàng chục em thi đỗ các trường đại học, cao đẳng, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua hàng năm, nay ở dưới mức 10%.

Bên cạnh việc triển khai thực hiện tốt 6 nội dung cuộc vận động, UBMT thị trấn đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các khu dân cư tuyên truyền vận động mọi tầng lớp nhân dân thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 03-CT/TW về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", trọng tâm là xoá bỏ các phong tục tập quán lạc hậu và khơi dậy phong trào văn hoá văn nghệ rộng khắp trong nhân dân.

Nhìn lại bức tranh kinh tế của Quy Đạt những năm về trước, do khó khăn về nguồn lực, trình độ dân trí thấp nên bà con chưa mấy chú trọng đến việc khai thác tiềm năng, thế mạnh ở địa phương. Là địa bàn trung tâm huyện, có lợi thế để phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp-TTCN, nhưng tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này còn khiêm tốn. Thấy được vấn đề đó nên từ sau đại hội, Đảng uỷ, UBND thị trấn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ từng vấn đề, từng việc cụ thể.

Để phát huy tối đa lợi thế khu vực trung tâm huyện có sức mua lớn, nơi tập trung đầu mối giao thông, Đảng uỷ, UBND thị trấn đã có chính sách ưu tiên khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư vào thương mại dịch vụ, tiểu thu công nghiệp. Đối với lĩnh vực công nghiệp và TTCN chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo phát triển các cơ sở sản xuất chế biến các loại nông sản, lâm sản và các loại nguyên liệu tại chỗ. Thời gian qua trên địa bàn Quy Đạt đã hình thành một số cơ sở sản xuất công nghiệp-TTCN quy mô nhỏ, bước đầu phát huy hiệu quả. Nổi bật có Công ty TNHH Hường Tiến của cựu chiến binh Cao Văn Hường, kinh doanh vật liệu xây dựng tổng hợp với doanh thu 4-7 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động, với mức thu nhập bình quân 2-3 triệu đồng/ tháng...

Trong lĩnh vực thương mại-dịch vụ, địa phương ưu tiên phát triển các ngành nghề kinh doanh phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng; các loại dịch vụ như sửa chữa điện, điện tử, cơ khí dịch vụ ăn uống, nhà hàng khách sạn...Trong tương lai, thị trấn Quy Đạt sẽ trở thành hạt nhân phát triển, với các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, sửa chữa điện tử, cơ khí, chế biến các loại nông sản và lâm sản. Việc tập trung khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống ở nông thôn như: đan lát, mộc dân dụng, nón lá cũng được huyện đặc biệt quan tâm nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.

Đảng uỷ, UBND thị trấn khuyến khích hộ buôn bán cá thể phát triển hoạt động thương mại, chủ yếu tập trung kinh doanh tại chợ Quy Đạt và địa điểm mặt tiền hai bên tuyến đường trung tâm huyện. Đi tiên phong có Công ty TNHH Diến Hồng, đã đầu tư 20 tỷ đồng xây dựng siêu thị, bước đầu hoạt động kinh doanh hiệu quả.  Siêu thị Diến Hồng hiện kinh doanh trên 3.000 danh mục hàng hóa, trong đó có cả các sản phẩm nông sản được người dân địa phương sản xuất: đậu, mè, rau, củ, quả và các sản phẩm truyền thống khác. Bình quân một ngày, siêu thị đón hàng trăm khách hàng đến tham quan và mua sắm, với lượng hàng hóa và dịch vụ bán ra đạt 50 triệu đồng, trong đó có ngày cao điểm đạt 150 triệu đồng. Siêu thị hiện giải quyết việc làm cho 50 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 2,2 triệu đồng/người/tháng. Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích hộ kinh doanh đầu tư vào chợ Quy Đạt.

Chợ Quy Đạt là chợ lớn nhất huyện, từ bao đời nay vẫn duy trì một tháng 6 phiên, các phiên chợ họp vào ngày 5, 10, 15, 20, 25 và cuối tháng âm lịch. Với Quy Đạt, vào những ngày trùng phiên chợ, người dân khắp nơi đổ về mua sắm chật kín cả khoảnh sân rộng trước chợ. Ngoài các sản vật địa phương, còn có tư thương từ Ba Đồn, Đồng Hới và ở Huế, Đông Hà đem hàng hóa lên trao đổi. Người Quy Đạt bây giờ đời sống khá dần lên, hộ giàu tăng mạnh, hộ nghèo giảm xuống nên sức mua cũng tăng dần theo.

Bí thư Đảng uỷ thị trấn Trần Xuân Tương cũng bộc bạch với chúng tôi về những tồn tại, hạn chế mà Đảng bộ thị trấn đang tập trung khắc phục trong thời gian tới. Đó là, năng lực lãnh đạo, điều hành của một số cán bộ còn hạn chế, thậm chí có người thiếu gương mẫu, có sai phạm trong chỉ đạo làm mất uy tín trong quần chúng nhân dân. Chất lượng hiệu quả sinh hoạt chi bộ chưa cao, việc tuyên truyền vận động nhân dân thay đổi tư duy kinh tế, xoá bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại Nhà nước chưa được đẩy mạnh, hiệu quả thấp.

Tr.T