.

Quảng Ninh với công tác dân tộc

Thứ Hai, 10/02/2014, 08:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 2013, tiếp tục thực hiện Nghị Quyết TW7 (khóa XI) “Về công tác dân tộc”,  Nghị quyết của Huyện ủy về phát triển kinh tế-xã hội 2 xã miền núi và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, công tác dân tộc trên địa bàn huyện Quảng Ninh được cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở tiếp tục quan tâm và đã có tác động tích cực đến đời sống mọi mặt của đồng bào Vân Kiều, giúp bà con yên tâm định canh định cư, phát triển sản xuất, góp phần ổn định tình hình chính trị trên địa bàn biên giới phía tây của huyện.

Huyện Quảng Ninh có  800 hộ với hơn 3.300 khẩu đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống tại 2 xã Trường Xuân và Trường Sơn. Ở đây, địa hình miền núi không mấy thuận lợi, nhiều bản giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2013, hộ Vân Kiều còn 640 hộ nghèo (trong đó xã Trường Sơn có 453 hộ, chiếm tỷ lệ 74,3% tổng số hộ dân tộc thiểu số; ở xã Trường Xuân có 184 hộ, chiếm tỷ lệ 98,4% tổng số hộ dân tộc thiểu số). Với mặt bằng dân trí thấp, tỷ lệ người lớn tuổi mù chữ còn cao,tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của nhà nước còn phổ biến... nên công tác dân tộc gặp không ít khó khăn.

Để tạo được chuyển biến tích cực trong công tác này, Đảng bộ huyện Quảng Ninh đã chú trọng xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ tại cơ sở. Đến nay, ở 2 xã Trường Xuân và Trường Sơn, 100% thôn, bản có tổ chức đảng và đảng viên. Đảng viên đồng bào dân tộc Vân Kiều có 97 người; tổng số đoàn viên, hội viên trong các đoàn thể chính trị - xã hội có 1.792 người. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người Vân Kiều luôn được chăm lo, số lượng cán bộ là người dân tộc ngày càng tăng, trong đó: cán bộ huyện có 1 người, cán bộ xã có 8 người, cán bộ thôn bản có 25 người, đại biểu HĐND huyện 1 vị, đại biểu HĐND xã có 14 vị.

Trong năm 2013, tình hình dân tộc trên địa bàn huyện cơ bản ổn định. Ban dân vận Huyện ủy và Phòng Dân tộc tiếp tục thực hiện chương trình phối hợp, thường xuyên nắm chắc tình hình đời sống bà con dân tộc để tham mưu cho lãnh đạo huyện về các vấn đề nổi lên như tình hình thiếu đất sản xuất của bà con, tình hình tranh chấp đất đai giữa người dân bản Nà Lâm với doanh nghiệp Hồng Đức, của bà con xã Trường Sơn với các lâm trường...

Lãnh đạo huyện Quảng Ninh thăm, kiểm tra mô hình nuôi ong lấy mật tại xã miền núi Trường Xuân.
Lãnh đạo huyện Quảng Ninh thăm, kiểm tra mô hình nuôi ong lấy mật tại xã miền núi Trường Xuân.

Trong năm, huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng cấp tỉnh, tiến hành cấp đổi, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đồng bào, đề nghị UBND tỉnh thu hồi đất các lâm trường, công ty để giao cho đồng bào sản xuất. UBND tỉnh đã thu hồi và giao cho UBND huyện cấp 491ha đất sản xuất  cho 179 hộ thuộc 4 bản ở xã Trường Sơn; đang hoàn thành thủ tục thu hồi 12,5ha đất của công ty Hồng Đức để giao đất sản xuất cho 12 hộ dân ở bản Nà Lâm, xã Trường Xuân.

Các chính sách hỗ trợ của các cấp cho đồng bào Vân Kiều được quan tâm thực hiện đảm bảo, kịp thời. Trong năm, đã thực hiện hỗ trợ cho 100% số hộ Vân Kiều các nhu yếu phẩm như gạo, muối, dầu ăn; hỗ trợ giống lúa, giống cây lâm nghiệp, tiền điện thắp sáng cho hộ nghèo... với tổng số tiền hỗ trợ hơn 560 triệu đồng. Thông qua các kênh vốn, đồng bào 2 xã miền núi được cho vay hơn 3,3 tỷ đồng để phát triển sản xuất, ổn định đời sống, làm nhà ở... Con em Vân Kiều được hỗ trợ miễn giảm học phí và được học tập ở trường dân tộc nội trú của huyện. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học ở miền núi được đầu tư xây dựng khang trang, đội ngũ giáo viên được quan tâm, bố trí phù hợp.

Hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể ở 2 xã Trường Xuân và Trường Sơn thường xuyên được quan tâm và có nhiều chuyển biến; công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi đến bà con Vân Kiều được thường xuyên triển khai. Các mô hình kinh tế như nuôi gà thả đồi, nuôi ong lấy mật, trồng cỏ chăn nuôi... được đầu tư nhân rộng ở hai xã miền núi.

Sau cơn bão số 10, và ảnh hưởng cơn bão số 14, việc ủng hộ đồng bào miền núi khắc phục hậu quả, ổn định đời sống được đặc biệt quan tâm. Đoàn thanh niên huyện đã phối hợp với chính quyền kêu gọi tài trợ và huy động ngày công để dựng lại 9 căn nhà bị sập, tốc mái cho đồng bào ở xã Trường Xuân. Các nguồn hàng viện trợ về lương thực, thực phẩm của các tổ chức, cá nhân ủng hộ được ưu tiên phân bổ cho đồng bào dân tộc để bà con sớm ổn định cuộc sống.

Không chỉ quan tâm việc nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào dân tộc, việc bảo tồn những di sản văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Vân Kiều luôn được cấp ủy, chính quyền, và các ban, ngành quan tâm. Các lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào được khôi phục, các bài hát, điệu múa dân gian và một số lễ hội truyền thống như lễ mừng lúa mới, lễ lấp lỗ, lấp giống, đám cưới cổ của người dân tộc Bru-Vân Kiều được phục hồi và duy trì, nâng cao đời sống tinh thần cho bà con.

Với sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên và sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của các cơ quan trong thực hiện công tác dân tộc, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Vân Kiều ở huyện Quảng Ninh tiếp tục được ổn định; đồng bào tích cực thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, hăng hái lao động, sản xuất để ổn định, phát triển kinh tế, góp phần  giữ vững an ninh chính trị, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống xã hội ở vùng cao, biên giới.

Duy Hiền