.

Những kỷ niệm không quên với Đại tướng

Thứ Bảy, 19/10/2013, 07:58 [GMT+7]
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013).

(QBĐT) - ...Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã đi xa mãi mãi, nhưng trong lòng tôi, tên gọi thân mật của Đại tướng: Anh Văn, cùng với ánh mắt, nụ cười hiền lành trên gương mặt đôn hậu, phong thái giản dị, cởi mở, thân mật, đặc biệt là tinh thần "dĩ công vi thượng" không bao giờ mờ phai.

Những ngày phụ trách Phòng Tuyên huấn kiêm Tổng biên tập Báo Quân khu 5 (QK5) và được điều về làm Trưởng phòng Báo chí-Thông tấn quân sự Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng, tôi may mắn có ba lần được trực tiếp gặp và nghe Đại tướng nói chuyện. Phong thái của Đại tướng để lại trong tôi những ấn tượng hết sức sâu sắc, vì Đại tướng nói ngắn gọn, nội dung thiết thực nhưng là những vấn đề có tầm nhìn xa rộng, thấu suốt cả quá khứ, hiện tại, tương lai; mang tầm chiến lược quan trọng.

Lần thứ nhất tại Đà Nẵng vào cuối năm 1977, Quân khu 5 tổ chức hội nghị tổng kết cuộc chiến tranh chống Mỹ. Đại tướng đã vào dự.

Sau khi biểu dương những thành tích xuất sắc, Đại tướng căn dặn:

- Chiến tranh kết thúc, nhưng hai nhiệm vụ chiến lược, đặc biệt là nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của QK5 vẫn rất nặng nề, quan trọng và lâu dài. QK5 là một trong những địa bàn quân sự rộng lớn nhất với 7 tỉnh đồng bằng nằm dọc ven biển, 4 tỉnh Tây Nguyên có đường biên giới khá dài tiếp giáp hai nước bạn Lào, Cam-pu-chia; có dân số khá lớn, nhiều dân tộc; có Đà Nẵng, Chu Lai, Quy Nhơn, Cam Ranh là những hải cảng có giá trị lớn cả về kinh tế và quốc phòng; có Hoàng Sa bị chiếm đoạt trái phép và Trường Sa đã được thu hồi.

Thực tiễn cho thấy QK5 luôn là một hướng chiến lược cực kỳ quan trọng, kết nối chặt chẽ và tác động trực tiếp đến hai miền Bắc Nam nước ta trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Như các đồng chí đã được thông báo, kế hoạch hậu chiến của địch ở LK5 rất thâm độc, ngày càng phức tạp, nhất là ở Tây Nguyên.

Riêng với các đồng chí LK5, tôi muốn nói thêm rằng các đồng chí hiểu rõ hơn ai hết thực dân Pháp đã dùng Hoàng Sa làm bàn đạp nổ phát súng đầu tiên để xâm lược nước ta, chiếm QK5, Tây Nguyên, nhằm cắt đôi nước ta. Lịch sử có lặp lại lần thứ 2 hay không, nhưng từ mảnh đất LK5 này, Nguyễn Huệ đã tiến quân vào Nam dẹp loạn, làm nên chiến thắng Rạch Gầm, Xoài Mút, và cũng từ đây Nguyễn Huệ đã kéo quân ra giải phóng Bắc Hà...

Chính vì vậy, cán bộ, chiến sỹ QK5 phải thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng thường trực, không một phút lơ là, lơi lỏng, phải đặt nhiệm vụ trung tâm huấn luyện sẵn sàng chiến đấu cao lên hàng đầu, có lệnh là hành quân được ngay...

Quả thật, những lời Đại tướng huấn thị lần ấy cứ như những lời tiên tri và là mệnh lệnh của trái tim. Bởi vì, chỉ sau đó một vài năm, QK5 đã vô cùng vất vả dẹp loạn Fulrô ở Tây Nguyên; gửi quân vào mặt trận Tây Ninh, chi viện cho QK7; mở cuộc phản công toàn tuyến trên chiến trường 4 tỉnh Đông Bắc Cam-pu-chia, đồng thời cũng đã điều nhiều sư đoàn ra chia lửa với quân và dân Miền Bắc trong cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc do Trung Quốc gây hấn...

Lần thứ hai tại nhà khách Chính phủ ở Hà Nội vào hạ tuần tháng 2-1989.

Với cương vị Phó Thủ tướng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ, tiếp thân mật Thống chế Mehra, Tư lệnh không quân và là thống soái chỉ huy lực lượng không quân và các lực lượng phòng không toàn Ấn Độ, dẫn đầu phái đoàn quân sự cấp cao Ấn Độ sang thăm nước ta. Tôi được giao nhiệm vụ trực tiếp đi làm tin thông tấn quân sự.

Ngài Mehra không ngớt lời ca ngợi các chiến tích vĩ đại của ta, đặc biệt là ca ngợi Đại tướng là một vị tướng huyền thoại mãi mãi của nhân loại.

Đại tướng nhiều lần đập nhè nhẹ vào cánh tay ngài Mehra như muốn nhắc đừng ca ngợi nhiều về Đại tướng. Về phần mình, sau khi hỏi cảm tưởng chuyến đi thăm Việt Nam của ngài Mehra và phái đoàn, Đại tướng tỏ ra rất điềm đạm:

- Trong lịch sử giữ nước và dựng nước từ ngàn xưa cho đến nay của Việt Nam, đối với Ấn Độ, luôn luôn là lịch sử của mối tình đoàn kết, hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, hai dân tộc. Nhờ Ngài chuyển lời cảm ơn chân thành của Chính phủ Việt Nam đến Chính phủ, nhân dân Ấn Độ đã không ngừng giúp đỡ Việt Nam cả tinh thần và vật chất quý báu trong chiến tranh cũng như trong hòa bình xây dựng đất nước.

Đại tướng nói tiếp: - Việt Nam đã đánh thắng những kẻ thù xâm lược hùng mạnh bậc nhất thế giới là vì Việt Nam đã tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự.
Còn các tướng lĩnh chúng ta, cho dù có tài giỏi đến đâu, nhưng nếu không có một tập thể lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn, không có một dân tộc anh hùng và một quân đội anh hùng, thì cũng không thể làm nên công trạng và thành tích nào... Ngài Mehra luôn gật đầu và có vẻ rất tâm đắc.

Riêng tôi, tôi rất tự hào và cảm kích Đại tướng thật khiêm tốn, đặc biệt là không nói gì về mình, bao giờ cũng đề cao vai trò của tập thể lãnh đạo, nhân dân và quân đội.

Lần thứ ba tại Plây ku cuối tháng 12-1989. Đại tướng thay mặt Chính phủ nghênh đón cánh quân lớn của QK5, làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường 4 tỉnh Đông Bắc Cam-pu-chia gồm Ra-ta-na-ki-ri, Mon-đun-ki-ri, Stung-treng, Prea K-Vi-hia, rút toàn bộ về nước.

Đại tướng rất quý mến anh em làm báo. Tôi thay mặt đoàn đề nghị, Đại tướng sẵn lòng cùng phu nhân Đặng Bích Hà chụp ảnh chung với các phóng viên, còn kéo cả anh hùng Núp, đồng chí Nguyễn Văn Sỹ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, Thượng tướng Trần Văn Quang, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, cùng đứng vào cho đông vui.

Tôi xúc động nhất là cuộc gặp mặt của Đại tướng với các anh trong Bộ Tư lệnh và cán bộ Binh đoàn 15. Mọi người ngồi quây quần vui vẻ, sum vầy quanh Đại tướng như anh em trong một nhà. Đại tướng nở nụ cười hiền lành, đôn hậu nói:

- Ông cha ta ngày xưa có câu: “Trường Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (Trường Sơn một dải, nương thân muôn đời). Thời đại Hồ Chí Minh chúng ta, đều lấy Việt Bắc, Tây Nguyên và nhiều vùng rừng núi khác làm căn cứ địa vững chắc cho cách mạng, cho kháng chiến. Đây là một nhân tố mang ý nghĩa quyết định sống còn. Lịch sử cho thấy Việt Nam-Lào-Cam-pu-chia luôn có chung một kẻ thù xâm lược, vì vậy Tây Nguyên luôn là căn cứ địa cách mạng của ba nước Đông Dương. Binh đoàn 15 ta phải động viên toàn thể cán bộ, chiến sỹ, công nhân... làm hết sức mình xây dựng Tây Nguyên thật giàu mạnh, vững chắc cả về kinh tế, an ninh, quốc phòng, mới đáp ứng được vị trí quan trọng của Tây Nguyên trong thời kỳ mới.

Bỗng dưng, tôi thấy Đại tướng lặng đi và nói hơi nghẹn ngào: - Sự hy sinh và công lao của đồng bào các dân tộc thiểu số lớn lắm, không gì sánh được. Nhưng bà con miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa còn khổ cực quá! Nhiều đêm mình thấy lòng đau xót, trăn trở, cảm thấy như mình có lỗi, chưa làm tròn trách nhiệm với đồng bào. Chúng ta phải đời đời nhớ ơn và đền đáp một cách xứng đáng nhất.

Xây dựng căn cứ địa vững chắc, trước hết là căn cứ địa lòng dân. Có dân là có tất cả. Mất lòng dân là mất tất cả. Ta yêu thương người, thì người yêu thương ta. Ta chăm lo cho người, thì ắt người sẽ tin tưởng và theo ta.

Với tinh thần quân dân cá nước, quân dân một ý chí, có thể làm được gì cho đồng bào các dân tộc thiểu số có cuộc sống tốt hơn, cho dù là nhỏ nhất, cán bộ chiến sỹ Binh đoàn 15 phải cố gắng làm hết sức mình.

Và lần này, Đại tướng đã đề xuất rất sớm ý kiến đi trước thời gian, gợi mở Binh đoàn 15 cần nghiên cứu mô hình kinh tế trang trại ở Tây Nguyên, vùng sản xuất chuyên canh lớn v.v... mới có thể thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia lao động, qua đó cải thiện được đời sống...

Giờ đây, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã đi xa mãi mãi, nhưng trong lòng tôi, tên gọi thân mật của Đại tướng: Anh Văn, cùng với ánh mắt, nụ cười hiền lành trên gương mặt đôn hậu, phong thái giản dị, cởi mở, thân mật, đặc biệt là tinh thần "dĩ công vi thượng" không bao giờ mờ phai.

Đại tá Hồ Ngọc Sơn