Vận dụng tư tưởng phê bình và tự phê bình của Hồ Chí Minh

Cập nhật lúc 07:54, Thứ Ba, 15/05/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", nhóm giải pháp thứ nhất là "nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu của cấp trên". Học tập nghị quyết, mỗi cán bộ đảng viên càng thấm thía trách nhiệm, nghĩa vụ của mình và càng thấu hiểu thêm tư tưởng của Bác Hồ về đấu tranh trong phê bình và tự phê bình.

Theo Bác, tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc xây dựng Đảng, là vũ khí sắc bén trong công tác xây dựng Đảng và là quy luật phát triển của Đảng. Người cho rằng trong sinh hoạt và trong công tác hoạt động thực tiễn, ai cũng có ưu điểm và khuyết điểm, cái hay và cái dở, cái thiện và cái ác, cái tiên tiến và cái lạc hậu.

Vì vậy phải biết động viên, khuyến khích làm cho phần tốt có điều kiện phát huy nảy nở; ngược lại, những thói hư tật xấu cần phải làm cho không có đất sinh sôi và mất dần đi. Muốn làm được điều đó, thang thuốc hay nhất là tự phê bình và phê bình, là cùng giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, làm cho nội bộ đoàn kết. Bác viết: "Chúng ta phải ráo riết dùng phê bình và tự phê bình để giúp nhau sửa chữa cho hết những bệnh ấy. Có như thế Đảng mới chóng phát triển. Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau. Mục đích là cho mọi người học lẫn ưu điểm của nhau và giúp nhau chữa những khuyết điểm".

Rõ ràng tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc. Kết quả thực hiện nguyên tắc đó phụ thuộc phần lớn vào ý thức trách nhiệm, thái độ của mỗi cán bộ, đảng viên và của các tổ chức đảng.

Bác chỉ rõ: mỗi cán bộ, đảng viên trước tiên phải có thái độ thành khẩn, phải trung thực và kiên quyết, phải xuất phát từ cái tâm trong sáng của mỗi người, phải thật thà, dũng cảm, không thêm bớt, không che giấu khuyết điểm của mình. Có như vậy tổ chức đảng mới mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên mới tốt hơn. Cách phê bình phải thành thật, giàu lòng nhân ái, khách quan. Thái độ phê bình phải có văn hóa, mang tính chất xây dựng chứ không phải nói xấu nhau, trù dập, "đao to, búa lớn".

Muốn làm cho việc tự phê bình và phê bình đạt hiệu quả tốt thì phải làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ vai trò trách nhiệm của mình có liên quan mật thiết, tác động tới tập thể và cộng đồng. Lãnh đạo các cấp, các ngành ở mỗi đơn vị, cơ sở trước hết phải thật sự trung thực, thành khẩn làm gương tự phê bình. Đi đôi với tự phê bình là phải biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến, nhận xét phê bình đúng của nhân dân, của quần chúng.

Bác Hồ căn dặn: "Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa chữa cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người. Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét".

Tư tưởng trên của Bác là định hướng để Đảng ta tiếp tục vận dụng thực hiện khi chỉ đạo toàn Đảng thực hiện nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Những vấn đề đó không còn mới nhưng cấp bách. Nghị quyết nêu rõ: "Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương tập trung kiểm điểm, đánh giá làm rõ tại sao những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra nhiều năm nhưng chậm được khắc phục, có mặt còn yếu kém, phức tạp thêm; làm rõ nguyên nhân trở ngại trong việc lãnh đạo thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng". Nghị quyết của Trung ương cũng yêu cầu các cấp ủy đảng, các đồng chí lãnh đạo các cấp "nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, nêu gương bằng hành động thực tế".

Chỉ thị số 15 ngày 24-02-2012 của Bộ Chính trị xác định rõ: "Tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhất là những mặt còn yếu kém, không nể nang, né tránh; đề ra các biện pháp khắc phục, sửa chữa thiết thực, khả thi. Thực hiện các giải pháp bảo đảm đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp "chống và xây", "xây và chống", nói đi đôi với làm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, trì trệ nhất hiện nay. Khắc phục tư tưởng coi khuyết điểm chỉ là của người khác, đơn vị khác".

Tự phê bình và phê bình là việc làm thường xuyên, thường xuyên phải làm, là việc làm như Bác so sánh với "rửa mặt hàng ngày". Bài học mà Đảng ta đã đúc rút là muốn cho Đảng luôn vững mạnh thì phải biết tự phê bình, phê bình và kịp thời đổi mới để tiến lên. Những vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay không mới nhưng rất cần quan tâm và kịp thời giải quyết. Toàn Đảng, toàn dân ta đang làm và đều mong muốn làm tốt, làm được để Đảng ta ngày càng vững mạnh.

Nghị quyết của Đảng lần này yêu cầu phải tự phê bình, phê bình sâu, rộng, toàn diện, làm từ trên xuống; và quan trọng phải vì dân, vì Đảng mà làm, dựa vào Đảng, vào dân mà làm. Chúng ta càng thấm thía những kinh nghiệm mà Bác đã dạy: "Dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng.
Vì vậy chúng ta phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng... Mà muốn hiểu biết, học hỏi dân chúng, thì ắt phải có nhiệt thành, có quyết tâm, phải khiêm tốn, phải chịu khó. Nếu không vậy dân chúng sẽ không tin chúng ta. Biết, họ cũng không nói. Nói họ cũng không nói hết lời. Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên".

                                                                                       Lê Trọng Duận


 

,
.
.
.