Điện Biên Phủ đã và sẽ mãi mãi thôi thúc các thế hệ người Việt Nam vững bước tiến lên

Cập nhật lúc 07:52, Thứ Hai, 07/05/2012 (GMT+7)

Lịch sử quân sự thế giới đã ghi nhận trận chiến ở Điện Biên Phủ là một trong những trận chiến vĩ đại và oanh liệt nhất, bên cạnh những trận chiến nổi tiếng như Waterloo, Borodino, Xtalingrat...
 

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Có những cuộc chiến không đạt được ý nghĩa gì ngoài sự phá hủy đi những nền văn minh, thậm chí làm chậm lại quá trình tiến bộ của nhân loại; nhưng cũng có những cuộc chiến làm cho cục diện thế giới thay đổi theo hướng tích cực và đó là những cuộc chiến mang tầm vóc lịch sử mà ý nghĩa, ảnh hưởng của nó vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Trận Điện Biên Phủ được ghi nhận là một cuộc chiến như thế! Với Điện Biên Phủ, Hồ Chí Minh và dân tộc Việt Nam đã đóng nhát đanh đầu tiên lên nắp chiếc quan tài của Chủ nghĩa thực dân cũ. Gần 60 năm qua, kể từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ, lần lượt các nước thuộc địa coi Điện Biên Phủ là ngọn cờ tiên phong, đã đứng lên lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, xây dựng nền độc lập, tự do, khẳng định sự bình đẳng giữa các dân tộc. Không phải bất kỳ một sự khởi đầu nào cũng có những kết quả tốt đẹp như vậy!

Nhưng cũng không phải dân tộc nào, trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn, lại có thể làm nên một chiến thắng lẫy lừng như thế. Điện Biên Phủ, với dân tộc Việt Nam ta, không phải là một chiến thắng ngẫu nhiên hay lệ thuộc vào một yếu tố khách quan nào đó, mà chính là sự tiếp nối truyền thống của một quá trình liên tục luôn chiến thắng giặc ngoại xâm của dân tộc ta trong suốt mấy nghìn năm lịch sử, cộng với đường lối cách mạng giải phóng dân tộc sáng suốt do Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh lãnh đạo.

Để thực hiện mục tiêu "bẻ gãy xương sống" của Chính quyền và Quân đội Việt Minh còn hết sức non trẻ, thực dân Pháp được Mỹ viện trợ toàn bộ vũ khí và 80% chi phí, nhằm tăng cường quân số, hỏa lực và khả năng cơ động, đảm bảo thực hiện một kế hoạch quy mô lớn nhất. Điện Biên Phủ trở thành căn cứ quân sự khổng lồ, một pháo đài mà tướng Navarre cho rằng "không thể công phá". Nhận định của Navarre không phải không có lý, bởi Pháp cho rằng rừng núi Tây Bắc cực kỳ hiểm trở. Câu đố mà phía Việt Nam phải giải là làm sao để huy động và vận chuyển một lượng quân lương đủ mạnh để có thể tương quan với lực lượng mà Pháp đã bố trí ở Điện Biên (?!). Vào thời đó, một người gánh 25kg gạo đi từ miền xuôi lên, ăn dọc đường đã mất 20kg, chưa nói còn bị máy bay Pháp luôn uy hiếp; nhưng nếu không giao chiến bằng một trận quyết chiến chiến lược quy mô lớn, thì cả hai bên không thể buộc đối thủ phải ngưng chiến, điều đình trong thế thua trận và chiến tranh sẽ kéo dài vô thời hạn. Điện Biên Phủ là cái kết thúc phải đến với bên này hoặc bên kia - thắng trận hay là thua trận. Tính quyết định của trận đánh chính là ở đó!

Trung ương Đảng, Bác Hồ đã quyết định những chiến lược và sách lược mà phía đối phương không ngờ tới. Trong khi Pháp đang triển khai xây dựng căn cứ Điện Biên Phủ bằng viện trợ tối đa của Mỹ, phía Việt Nam đã phán đoán đúng tình hình và vừa đẩy mạnh hoạt động ở các chiến trường sau lưng địch, vừa tiến hành củng cố hậu phương cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cải cách ruộng đất là một trong những giải pháp làm cho nông dân nghèo - lực lượng chủ lực của Quân đội Việt Nam lúc đó - yên tâm về gia đình vợ con mình ở nhà, quyết chí theo Đảng để diệt giặc ngoại xâm. Những người con đất Việt được giác ngộ chính nghĩa, được khơi dậy những khả năng tiềm tàng từng hun đúc nên dòng máu chống ngoại xâm trong nhiều thế kỷ, đã làm được những việc phi thường. Hàng chục vạn người lao mình ra phía trước, không đèo cao, suối sâu nào ngăn nổi. Chiếc xe đạp thồ đã thắng cầu hàng không của đế quốc; lý tưởng cách mạng và chính nghĩa đã thắng bạo tàn; chiếc xẻng và hàng trăm ki-lô-mét công sự được đào bằng máu, thanh danh và vận mệnh của cả một dân tộc, cộng với cách đánh và nghệ thuật quân sự tài tình đã thắng những cỗ đại bác được mệnh danh là "công cụ để đập nát đối phương".

Nhiều nhà sử học phương Tây khẳng định, Điện Biên Phủ vừa là một thất bại chính trị hết sức nặng nề, vừa là một thất bại quân sự vô cùng thảm hại, vì đó là lần đầu tiên một cường quốc thực dân bị một nước thuộc địa nhỏ bé đánh bại. “Thất bại Điện Biên Phủ đã gieo nỗi kinh hoàng ghê gớm trên khắp địa cầu mà ngay cả trận Waterloo thời Napoleon cũng không gây nhiều chấn động dữ dội đến thế”(1). Thất bại đó báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ. Điện Biên Phủ là một trận đánh có quy mô lớn nhất kể từ sau Đại chiến thế giới lần thứ II. Sau khi thua trận, quân đội Pháp vẫn không muốn tin rằng, thắng lợi của Việt Nam là kết quả của tinh thần yêu nước dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cho đến nay, sau gần 60 năm đã qua, trận đánh lừng lẫy này vẫn làm cho nhiều nhà nghiên cứu quân sự nước ngoài kinh ngạc về khả năng của dân tộc Việt Nam. Thắng thực dân Pháp bằng trận Điện Biên Phủ là một sự thật, nhưng đối với chủ nghĩa thực dân, có vẻ như là một điều phi lô-gíc.

“Nước Pháp đã đưa những tướng và nguyên soái lừng lẫy nhất của họ sang tham gia cuộc chiến tranh Đông Dương. Hết người này đến người khác, những tướng lĩnh đó đã mất tiếng tăm hoặc sinh mạng, đôi khi là cả hai... Các tướng của Lầu Năm Góc dường như cũng nghiêng theo con đường như vậy. Họ dường như nghĩ rằng với sự ủng hộ của Mỹ, họ có thể làm tốt với Ngô Đình Diệm hơn là người Pháp với Bảo Đại. Những mảnh vụn của máy bay Mỹ, xe tăng và những cỗ pháo trong thung lũng Điện Biên Phủ là lời cảnh cáo khá đủ cho những điều sẽ xảy ra vào cuối con đường. Nước Mỹ có thể nhiều tướng hơn Pháp nhưng sinh mạng và tiếng tăm của họ, hoặc cả hai, cũng có thể bị hủy diệt. Kết quả cuối cũng sẽ giống nhau. Họ không có đủ khả năng để buộc người Việt Nam quỳ gối..."(2).

Tháng 4 năm 1975, sau Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, dân tộc Việt Nam đã lặp lại điều đã làm với thực dân Pháp năm 1954. Điều mà thực dân, đế quốc tưởng như phi lô-gíc trong kết cục của Pháp ở Điện Biên Phủ đã được tái thể hiện đối với Mỹ trên các chiến trường miền Nam mà đỉnh cao là cuộc tổng tiến công chiến lược vào Sài Gòn. Non sông Việt Nam liền một dải đã sạch bóng quân xâm lược. Với kết quả này, Việt Nam đã đi tiên phong dẫn đường cho các dân tộc thuộc địa trên thế giới, đưa chủ nghĩa thực dân cả cũ và mới đến chỗ cáo chung.

Những kinh nghiệm quý của chiến thắng Điện Biên Phủ là bài học cho các thế hệ Việt Nam, đó là: Kinh nghiệm về tiến hành huy động sức mạnh toàn dân, toàn diện, sức mạnh trong nước kết hợp với quốc tế; về xây dựng và phát huy ý chí quyết thắng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; về phát huy tinh thần độc lập, tự chủ không chỉ trong nghệ thuật Quân sự, mà cả trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội; đặc biệt là kinh nghiệm về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Hội đủ các yếu tố này thì không có khó khăn nào mà dân tộc Việt Nam lại không có thể vượt qua...

Những chiến thắng oanh liệt trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc đã trở thành những ký ức hào hùng, trở thành sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn luôn cổ vũ chúng ta, thúc giục dân tộc chúng ta tiếp tục vượt qua mọi khó khăn thách thức để thực hiện những khát vọng cao cả. Trong cuộc hành trình để thực hiện những khát vọng đó, sự hiện diện của quá khứ ngay trong cuộc sống ngày hôm nay sẽ là lời nhắc nhở, động viên chúng ta. Bằng nhiều cách khác nhau, chúng ta phải làm cho những ký ức hào hùng đó luôn hiện hữu một cách đầy đủ và ý nghĩa của nó trường tồn cùng dân tộc...

Thập niên đầu tiên của Thế kỷ XXI đã đi qua, dân tộc Việt Nam đang bước vào thời kỳ cách mạng mới trong bối cảnh quốc tế có những thay đổi rất nhanh chóng, phức tạp. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội dù còn gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng chắc chắn sẽ tiếp tục có những bước tiến mới. Công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đang tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn, diện mạo của đất nước có nhiều thay đổi, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, những thành tựu đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, đất nước vẫn đang còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, các lĩnh vực văn hóa, xã hội còn nhiều bất cập, một số mặt còn rất bức xúc trong nhân dân. Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, chất lượng nguồn nhân lực, hiệu quả nền kinh tế, kết cấu hạ tầng... chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị- xã hội và đe dọa chủ quyền quốc gia...

Bối cảnh quốc tế và thực tiễn cách mạng nước ta hiện nay đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải luôn kiên định con đường và mục tiêu đã chọn, quyết tâm bảo vệ các thành quả cách mạng; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; nguyện cùng các dân tộc trên thế giới phấn đấu cho cuộc sống hòa bình của nhân loại, sự phồn vinh của mỗi dân tộc và hạnh phúc của mỗi con người.

Chúng ta đang tiến tới tương lai với sự hậu thuẫn của hàng ngàn năm lịch sử và thành tựu của gần 70 năm xây dựng chế độ mới. Thời cơ để phát triển đất nước đang là một hiện thực, thúc giục sự nỗ lực cố gắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Một dân tộc đã từng làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, đã lập chiến công "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" ở Điện Biên Phủ, đã chiến đấu kiên cường và vượt qua những khó khăn, thử thách ác liệt nhất, chắc chắn có đủ sức mạnh, nghị lực và tài năng để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Toàn thể đồng bào và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, đồng tâm, hiệp lực, tập trung mọi suy nghĩ và hành động vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quyết tâm đẩy mạnh sâu rộng và toàn diện sự nghiệp đổi mới, hội nhập với thế giới, nhất định chúng ta sẽ đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong muốn.

                                                                   Trương Tấn Sang

                                   Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam

-----------

(1): Nhà sử học Mỹ Bec-na Phon,

(2): Hồi ký của Nhà báo Uyn-Phret Bớc-xét

Nguồn: QĐND
 

,
.
.
.