Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Thủ tướng Hà Lan M.Rút-tơ

Cập nhật lúc 09:30, Thứ Năm, 29/09/2011 (GMT+7)

Ngày 28-9, tại Phủ Thủ tướng Hà Lan đã diễn ra lễ đón trọng thể Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân cùng Ðoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đang thăm chính thức Vương quốc Hà Lan.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Thủ tướng M.Rút-tơ. Ảnh: ÐỨC TÁM (TTXVN).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Thủ tướng M.Rút-tơ. Ảnh: ÐỨC TÁM (TTXVN).

Ngay sau lễ đón, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hà Lan M.Rút-tơ đã có cuộc hội đàm trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác trong năm lĩnh vực ưu tiên là thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, nông nghiệp, dầu khí, cảng biển, dịch vụ hậu cần... và đẩy mạnh việc triển khai Thỏa thuận đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chân thành cảm ơn Thủ tướng M.Rút-tơ và nhân dân Hà Lan đã dành cho Ðoàn sự tiếp đón nồng hậu; khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Hà Lan, một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong Liên hiệp châu Âu (EU). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới, hội nhập và quyết tâm vượt qua những khó khăn hiện nay để đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

Bày tỏ vui mừng được đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Ðoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam sang thăm chính thức Hà Lan, Thủ tướng M.Rút-tơ chúc mừng những thành tựu quan trọng của nhân dân Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Thủ tướng M.Rút-tơ khẳng định, Hà Lan mong muốn tiếp tục tăng cường quan hệ nhiều mặt cùng có lợi với Việt Nam, một thị trường mới nổi nhiều tiềm năng tại khu vực châu Á.

Hai Thủ tướng đã thông báo cho nhau tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đường lối đối nội và đối ngoại của mỗi nước; đồng thời trao đổi những biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương, đặc biệt trong các lĩnh vực hợp tác kinh tế ưu tiên như nông nghiệp, cảng biển và dầu khí, và hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nước; chia sẻ quan điểm về các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng M.Rút-tơ đánh giá cao sự phát triển tốt đẹp gần đây trong quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Hà Lan. Trong thời gian qua, hai bên thường xuyên trao đổi nhiều đoàn cấp cao tạo khuôn khổ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực ưu tiên. Quan hệ giữa hai nước trên các lĩnh vực như hợp tác phát triển, quốc phòng, giáo dục và đào tạo, y tế cũng không ngừng được mở rộng và phát triển. Về đầu tư - thương mại, Hà Lan hiện là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất của Việt Nam và là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu (Hà Lan hiện có 153 dự án đang hoạt động ở Việt Nam với số vốn đầu tư 5,6 tỷ USD, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2010 đạt gần hai tỷ USD và tám tháng đầu năm 2011 đạt hơn 1,76 tỷ USD). Hợp tác trong khuôn khổ Ðối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước đã đi vào giai đoạn cụ thể khi hai bên đang hoàn tất và triển khai các chương trình hợp tác lớn.

Về lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ Ðối tác chiến lược, Việt Nam mong muốn Chính phủ Hà Lan quan tâm hỗ trợ Việt Nam xây dựng Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu và mở rộng nghiên cứu quy hoạch đồng bằng sông Hồng; xây dựng hợp tác Dịch vụ khí hậu và nước nhằm triển khai sáng kiến của Tổ chức Khí tượng thế giới; xây dựng các giải pháp thiết kế đê biển, hỗ trợ công nghệ, thiết bị quản lý đê biển; trồng rừng chắn sóng bảo vệ đê... 

Hai Thủ tướng nhất trí cho rằng quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư giữa hai nước còn rất nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác hơn nữa. Hai bên cũng nhất trí cần tiếp tục củng cố các cơ chế hợp tác hiện có, nhất là khuôn khổ Ðối tác chiến lược Việt Nam - Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi thương mại, hợp tác đầu tư giữa hai nước, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, dầu khí, năng lượng, cảng biển và dịch vụ hậu cần.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã mời Thủ tướng Hà Lan M.Rút-tơ thăm chính thức Việt Nam. Thủ tướng Hà Lan đã vui vẻ nhận lời. Thời gian cụ thể của chuyến thăm sẽ được thu xếp qua đường ngoại giao.

Ngay sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hà Lan M.Rút-tơ đã chứng kiến lễ ký kết Nghị định thư sửa đổi Hiệp định vận tải hàng không Việt Nam - Hà Lan và Bản ghi nhớ giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Hạ tầng và Môi trường Hà Lan về xây dựng dịch vụ khí hậu.

Thông báo với báo chí về kết quả cuộc hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hà Lan M.Rút-tơ cho biết, hai bên hài lòng nhận thấy quan hệ hai nước đang có những bước phát triển quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Nổi bật là trên lĩnh vực đầu tư - thương mại, hợp tác trong khuôn khổ Ðối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước đã đi vào giai đoạn triển khai cụ thể thông qua các chương trình, dự án hợp tác lớn. Nhiều triển vọng hợp tác đang mở ra trong các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, dầu khí, cảng biển, đóng tàu. Hợp tác phát triển về giáo dục - đào tạo, y tế được đẩy mạnh.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao nhằm tạo điều kiện thúc đẩy các quan hệ hợp tác song phương trên các lĩnh vực khác, đồng thời củng cố các cơ chế hợp tác hiện có, nhất là khuôn khổ Ðối tác chiến lược Việt Nam - Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi thương mại, hợp tác đầu tư giữa hai nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực ưu tiên hợp tác là nông nghiệp, dầu khí, cảng biển và dịch vụ hậu cần.

Thủ tướng M.Rút-tơ khẳng định ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ với EU và các nước thành viên EU, cũng như tăng cường hợp tác giữa hai nước trên các diễn đàn quốc tế để cùng đối phó  những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực.

Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hà Lan M.Rút-tơ đã tham dự Hội nghị bàn tròn với các Tổng giám đốc điều hành một số tập đoàn hàng đầu của hai nước. Tại cuộc họp, hai Thủ tướng khẳng định đây là cơ hội để hai bên trao đổi những vấn đề về chính sách và biện pháp tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước. Hai nhà lãnh đạo cho rằng, những kết quả đạt được trong quan hệ Việt Nam - Hà Lan đã và đang tạo cơ sở vững chắc cho việc thúc đẩy quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, bền vững, bình đẳng và cùng có lợi, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước việc Hà Lan đang là đối tác kinh tế châu Âu hàng đầu của Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương đang tăng nhanh chóng, trung bình gần 20%/năm, đưa Hà Lan trở thành một trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đánh giá cao các vị đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu của Hà lan đã đến dự và đặt những câu hỏi thiết thực đối với lãnh đạo các bộ, ngành chức năng, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, qua đó tạo điều kiện cho cuộc trao đổi đi vào thực chất, đồng thời chứng tỏ sự quan tâm của các doanh nghiệp Hà Lan đối với việc tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam. Khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hà Lan sang hợp tác đầu tư, làm ăn hiệu quả tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn trong thời gian tới, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng hai nước sẽ thường xuyên có các cuộc gặp, trao đổi, bàn thảo về những vấn đề liên quan, tiếp tục đề ra các kế hoạch hợp tác cụ thể.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng M.Rút-tơ cũng khẳng định cam kết mạnh mẽ của hai Chính phủ trong việc ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư, kinh doanh trong thời gian tới.

* Chiều 28-9 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Giáo sư Xi Vơ-men, cố vấn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về biến đổi khí hậu, kiểm soát lũ lụt và quản lý nước. Giáo sư Xi Vơ-men, nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp Hà Lan, rất quan tâm hỗ trợ Việt Nam giải quyết những vấn đề do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Giáo sư đã nhận lời mời làm Trưởng nhóm cố vấn về biến đổi khí hậu cho Thủ tướng Chính phủ nước ta.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam coi thích ứng với biến đổi khí hậu là vấn đề sống còn của đất nước và huy động nguồn lực của toàn xã hội để thực hiện. Theo đó, Việt Nam đã phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho các vùng của Việt Nam đến năm 2100 và xây dựng kế hoạch hành động quốc gia... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng sau khi cùng Thủ tướng Hà Lan ký Thỏa thuận đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, hai bên đã tích cực triển khai thực hiện thỏa thuận, trong đó thống nhất triển khai nghiên cứu trên tám nhóm vấn đề về quản lý nước như đánh giá tài nguyên nước, nước cho lương thực, hạ tầng ngành nước...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn Giáo sư Xi Vơ-men và các cộng sự trong việc giúp Việt Nam xây dựng Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua, đồng thời đề nghị giáo sư tiếp tục phối hợp rà soát kỹ các dữ liệu sử dụng để xây dựng Kế hoạch châu thổ sông Cửu Long, đưa ra các giải pháp ứng phó trong bối cảnh Việt Nam có nguy cơ mất an ninh về tài nguyên nước với hàng loạt dự án phát triển thủy điện đang có kế hoạch xây dựng trên dòng chính Mê Công và các dự án chuyển nước sẽ được triển khai... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Giáo sư Xi Vơ-men và các cộng sự chủ động có đề xuất để Chính phủ Hà Lan hỗ trợ một phần kinh phí cho xây dựng kế hoạch ở Việt Nam.

Giáo sư Xi Vơ-men cho biết, phía Hà Lan đã cử chuyên gia sang Việt Nam điều phối nghiên cứu hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và tháng 11 tới sẽ họp tại Việt Nam để tập hợp các nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm nay. Giáo sư Xi Vơ-men cũng cho biết, Việt Nam đã cùng với Hà Lan xây dựng nhóm công tác để nghiên cứu, tập hợp triển khai có hiệu quả các dự án, bởi khu vực đồng bằng sông Cửu Long có nhiều điểm tương đồng với Hà Lan về điều kiện thổ nhưỡng, do đó với kinh nghiệm, công nghệ hiện đại, giải pháp quản lý nước đã thực hiện, Hà Lan mong muốn chuyển giao cho Việt Nam áp dụng. Giáo sư Xi Vơ-men khẳng định sẽ hợp tác tốt nhất với các ngành hữu quan của Việt Nam để xây dựng tầm nhìn cho đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững trong 100 năm tới.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến với Chủ tịch Hạ viện Giơ-đi Vơ-bét và Phó Chủ tịch Thượng viện Hà Lan.

                                                                                          Theo NDĐT

,
.
.
.