.

Mừng, lo nơi cửa ngõ di sản

Thứ Hai, 27/11/2017, 14:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Bây giờ Sơn Trạch (Bố Trạch) đã có dáng dấp và sắc thái  cửa ngõ của Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng. Tuy nhiên, có những sự đổi thay khiến bao người khấp khởi mừng vui đón nhận, nhưng cũng có những sự thay đổi khiến lòng người âu lo.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, từ thuở là Chủ nhiệm Hợp tác xã hợp nhất Phong Nha (gồm các thôn Hà Lời, Na, Phong Nha ngày nay) cho đến giờ đây, chưa bao giờ ông Nguyễn Văn Đồng (86 tuổi) thấy cuộc sống và con người ở đây đổi thay nhanh chóng đến vậy.

Cửa ngõ Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng.   Ảnh: M.Qúy
Cửa ngõ Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng. Ảnh: M.Qúy

Bấy lâu có nằm mơ cũng không tưởng tượng được ẩn dưới những dãy núi đá vôi khô khốc kia là những hang động đẹp tựa chốn thiên đường. Để rồi sau đó, nó là Di sản thiên nhiên của thế giới. Sướng, vui và tự hào lắm chứ.

Ông Đồng kể, đất canh tác ở đây vốn ít, nghề ngỗng lại càng ít, chỉ độc một nghề chính là đi rừng. Đi rừng để mưu sinh, kiếm bát cơm. Nhưng phần lớn, đi rừng để lấy gỗ, để làm... “lâm tặc”. Của rừng đâu phải vô tận, hết gỗ lớn, rồi đến gỗ bé, rồi rừng kia cạn kiệt. Đó là thời trước.

Thời mà những cánh rừng cũng phải quay cuồng theo miếng cơm, manh áo. Nhưng, giờ thì người ta quay sang làm dịch vụ cho du khách. Du lịch, một ngành kinh tế mới, giờ đây trở thành là nguồn sống, nguồn mưu sinh chính của người dân. Không phải chính nhờ di sản mà cuộc sống của con người nơi đây đã đổi thay thì là gì.

Nói đâu xa, chính người con trai của ông sau mười mấy năm lập nghiệp ở phương Nam, giờ về đây lập Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis), này đã trở thành một công ty du lịch tiếng tăm ở vùng này đó thôi. Di sản thiên nhiên thế giới này đã mang lại cho người dân vùng cửa ngõ này lắm thứ, mà nhiều khi ông nghĩ phải hàm ơn.

Đang ngồi nhìn dòng sông Son trôi êm ả, bỗng chốc ông Đồng trở mình, ánh mắt ấy đau đáu hướng về phía những dãy nhà đông đúc xôm tụ, dáng dấp của một đô thị cửa ngõ di sản. Ông trở giọng, dòng sông Son thì vẫn vậy, vẫn lững lờ và mãi miết trôi như tự ngàn xưa, chỉ có cuộc sống hình như có cái nhịp điệu riêng của nó, ngày một hối hả, ngày một xô bồ hơn.

Giàu có lên là mừng lắm, nhưng chỉ sợ... ông dừng câu nói lấp lửng giữa chừng như một sự chờ đợi, như một câu hỏi. “Sợ gì ạ?” - “Sợ cái lối sống bon chen đến nghiệt ngã, mất đi sự gần gũi tình người. Rồi lũ trẻ, tôi lo lắm, bữa nay hư hỏng nhiều quá. Chỉ sợ chưa giàu, đã hư hỏng.

Ma túy, chích hút, trộm cắp,... và muôn vàn lý do khác để hư hỏng. Đổ lỗi cho hoàn cảnh xã hội thì không hẳn đúng, mà đổ lỗi cho gia đình quản không chặt cũng không hẳn”, ông nói với giọng trầm ngâm. Đó đâu phải là sự nhạy cảm, hay lối suy nghĩ lo xa quá mức đến lẩn thẩn theo kiểu người già.

Đúng là giờ đây, cơ hội để làm giàu, để sung túc không thiếu, nhưng đối với lớp trẻ sa sẩy, lơi lỏng một chút sẽ lỡ bước sinh hư, kiểu học đòi ăn chơi theo chốn phố thị. Nhất là trong thời kỳ phát triển, hình như sợi dây văn hóa, truyền thống và gia đình ngày càng không đủ chặt để trói buộc, níu giữ người trẻ rời xa những cám dỗ, học đòi lối sống hưởng thụ.

Anh Nguyễn Trọng Lịch, Trưởng Công an xã Sơn Trạch cho biết: xã Sơn Trạch được đánh giá và phân loại 1, phức tạp về an ninh trật tự. Cùng với đó quá trình chuyển đổi, phát triển kinh tế là điều kiện cho các hoạt động phạm pháp và nảy sinh các hoạt động phạm pháp.

Vài năm trở lại đây, Sơn Trạch trở thành điểm nóng về ma túy. Cả xã giờ đây có hơn 60 đối tượng nghiện và liên quan đến ma túy. Song đáng sợ hơn cả là hiện trên địa bàn xã đã có 3 người nhiễm HIV/AIDS, một người đã chết. Hầu hết số người này bấy lâu đi làm ăn xa, nay trở về không may mang theo mầm bệnh.

Còn ông Nguyễn Công Trứ, Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch cho rằng: sự phát triển về đời sống, kinh tế-xã hội thường kéo theo nó những mặt trái khó có thể tránh khỏi, khi giờ đây Sơn Trạch đang là mảnh đất cho nhiều người ở nơi khác về đây mưu sinh. Khi khách trong nước, ngoài nước đổ về đây nườm nượp.

Rồi khi thôn quê trở thành phố xá thêng thang, mọi thói tật theo đó dạt, trôi về. Lo lắng lắm chứ? Các biện pháp hành chính, quy định, giáo dục, phòng ngừa, tuyên truyền của cấp trên địa phương đã được triển khai quyết liệt và triệt để cả. Quan trọng giờ đây là ý thức, nhận thức trong mỗi một gia đình và mỗi một con người.

Tôi đang ngồi với anh Lịch, Trưởng Công an xã, thì có cậu bé đến làm chứng minh thư để vào Nam đi làm ăn. Đó là H.V.L, 18 tuổi. Từ khi bố L. đi tù, thôn xóm thương tình cho gia cảnh nghèo mà còn gặp cảnh éo le, xét cho cái hộ cận nghèo. L. là anh cả, đang học lớp 10 trung học phổ thông thì bỏ. Sao không gắng học hết phổ thông?

Em bỏ học để đứa em có tiền đi học. Bố mẹ đâu? Cậu bảo, bố đi tù rồi vì buôn bán thuốc nổ. Mẹ ốm đau bệnh tật không ai làm ra tiền, nên em phải đi làm nuôi em ăn học. Thủ tục làm chứng minh nhanh gọn, để định danh cho một công dân. Ờ thì ho

Sơn Trạch đã có dáng dấp của một đô thị nơi cửa ngõ di sản.
Sơn Trạch đã có dáng dấp của một đô thị nơi cửa ngõ di sản.

àn cảnh như thế, giờ chỉ mong cậu chín chắn, để người mẹ và người em ở nhà còn có chỗ trông nhờ...

Rời trụ sở UBND xã, tôi loanh quanh ở đây thêm mấy vòng nữa. Sơn Trạch đã có dáng dấp của một đô thị nơi cửa ngõ Di sản thiên nhiên thế giới, dù vẫn còn nhiều việc phải làm. Các loại hình dịch vụ ăn uống, nhà hàng, nhà nghỉ, home stay... để phục vụ khách du lịch thi nhau mọc lên san sát. Rời vùng đất di sản, tôi cứ bị ám ảnh nỗi lo lắng, cùng sự lo xa của ông Nguyễn Văn Đồng rằng, sợ cái lối sống bon chen đến nghiệt ngã...

Sợ rồi lũ trẻ, với muôn vàn lý do để hư hỏng. Và, nữa là môi trường xã hội, môi trường du lịch liệu có bảo đảm yên bình cho dòng người vẫn không ngừng tuôn về đây để thưởng lãm một di sản thiên nhiên kỳ thú? Khi chỉ hơn 2 tháng trước, ở ngay đây đã xảy ra 2 vụ trộm cắp, cướp giật tài sản liên tiếp của khách du lịch nước ngoài. May mà đối tượng sau đó đã bị bắt, tài sản của du khách được trả lại kịp thời.

Được biết, đó là một trong số đối tượng nói trên là con nghiện đang cần tiền để mua ma túy. Phát triển là điều đáng mừng, nhưng phát triển không phải là nguyên cớ cho những mặt trái xã hội đan xen, đồng hành, bởi rồi đây, cuộc sống và con người nơi đây sẽ còn nhiều đổi thay khác nữa.

Dương Công Hợp