.

Phục thiện...

Thứ Bảy, 25/11/2017, 11:11 [GMT+7]
(QBĐT) - Khi đang là sinh viên năm thứ ba của Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, Nguyễn Văn Sỹ theo bạn bè xấu rồi trở niên nghiện ngập, tiêm chích ma túy. Mọi khoản tiền gia đình chu cấp để theo học đại học, Sỹ dùng mua ma túy sử dụng. Con đường học vấn của Sỹ cũng dừng lại từ đó... 9 lần cai rồi tái nghiện, đến lần thứ 10, anh quyết tâm xích chân, tự nhốt mình trong phòng để đoạn tuyệt với ma túy. Những tháng ngày vật vã với cơn thèm thuốc dần qua đi... Với quyết tâm phục thiện, Sỹ tranh thủ sự ủng hộ của gia đình để mở lớp dạy học. Giờ đây, anh đang làm “thầy” của gần 200 học sinh.
 
Quá khứ sa ngã
 
Nguyễn Văn Sỹ sinh ra trong một gia đình đông con, nhưng có truyền thống hiếu học ở thôn Eo Rú, xã Hoa Thủy (Lệ Thủy). Giống như những người anh, người chị của mình, từ nhỏ, Sỹ đã học rất giỏi. Liên tục từ năm lớp 8 đến lớp 12, Sỹ đều nằm trong đội tuyển dự thi học sinh giỏi môn Hóa học cấp huyện, tỉnh. Tốt nghiệp cấp 3, Sỹ thi đậu vào Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, chuyên ngành điện dân dụng với số điểm 25,75, một số điểm đáng mơ ước của nhiều học sinh tại thời điểm đó. Là một sinh viên chăm chỉ, thông minh, 3 năm liền, Sỹ giành được học bổng của trường. Thế nhưng, vào đầu năm thứ 3 đại học, gia đình Sỹ đã xảy ra một biến cố lớn, bố của anh mất sau một vụ tai nạn giao thông. Sau đó không lâu, vì buồn bã, chán nản, lại bị bạn bè lôi kéo, Sỹ đã rơi vào con đường nghiện ngập...
 
“Trong một lần về quê đi chơi với mấy đứa bạn, uống rượu say, chúng nó rủ mình thử ma túy, lúc đó mình suy nghĩ nông cạn, cho rằng thử một lần thì sẽ không sao, nhưng rồi không kiềm chế được bản thân, đua đòi với bạn bè, sau nhiều lần sử dụng, mình đã trở nên nghiện ngập lúc nào không biết”, Nguyễn Văn Sỹ ngậm ngùi kể lại giây phút sa ngã. 
“Thầy giáo Sỹ” (ngoài cùng bên trái) trong buổi lễ khánh thành phòng học “Chung tay góp sức” do Công an huyện Lệ Thủy quyên góp xây dựng.
“Thầy giáo Sỹ” (ngoài cùng bên trái) trong buổi lễ khánh thành phòng học “Chung tay góp sức” do Công an huyện Lệ Thủy quyên góp xây dựng.
Sa chân vào con đường ma túy, Sỹ trở thành một người hoàn toàn khác. Anh xao lãng việc học hành, dù lúc tỉnh táo vẫn tự dặn lòng phải quyết tâm lấy bằng được bằng đại học còn dang dở. Những lúc lên cơn, Sỹ chỉ nghĩ đến việc làm gì để có tiền mua thuốc. Số tiền 1,5 triệu đồng hàng tháng gia đình chu cấp không đủ, Sỹ bắt đầu vay mượn, cầm cố xe máy và tất cả những gì có thể bán được để có tiền mua ma túy sử dụng.
 
Năm 2010, gia đình phát hiện Sỹ nghiện ma túy nên đã đưa anh vào một trại cai nghiện tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Lần cai đầu tiên tiên của Sỹ kéo dài hơn 10 ngày. Cắt được cơn, anh lại vào Đà Nẵng học tiếp. Thế nhưng, nỗi ám ảnh của “cái chết trắng” vẫn đeo bám anh. Sỹ tái nghiện và liên tục sau đó phải đi cai thêm 8 lần nữa. “Có những lần cai nghiện kéo dài hơn 4 tháng trời nhưng vẫn không thể thành công, mình lại tái nghiện”, Sỹ cho biết. 9 lần cai nghiện nhưng bất thành, gia đình Sỹ và ngay cả bản thân anh đã thực sự buông xuôi, mặc kệ số phận. Sỹ bỏ nhà ra đi, anh vào Đà Nẵng rồi Sài Gòn, lang thang làm thuê kiếm tiền mua ma túy, cũng chính ma túy đã kéo anh vào những tệ nạn xã hội khác. Sỹ đi trộm cắp, buôn ma túy lẻ... để có tiền thỏa cơn thèm thuốc của mình...
 
Hoàn lương
 
Chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Văn Sỹ ở thôn Eo Rú, xã Hoa Thủy (Lệ Thủy) đúng lúc anh đang dạy toán cho các em. Nhìn chàng trai nhỏ nhắn, xăm trổ đầy mình đó không ai nghĩ anh đang làm thầy của gần 200 học sinh. Ngoài những em tự nguyện đến đăng kí học thêm ở nhà, anh còn miễn phí phụ đạo môn toán cho 70 em học sinh lớp 12.
 
Tranh thủ lúc thầy giáo Sỹ đang bận, chúng tôi chuyện trò với bà Nguyễn Thị Thủy là mẹ của Sỹ. “Đầu năm 2016, sau một thời gian tự cai nghiện và theo anh trai sang làm việc ở Lào, nó về thăm nhà và nói sẽ chứng minh cho mọi người thấy mình đã cai được ma túy. Thú thật, lúc ấy tui đã không tin. Nhưng rồi thương con, khao khát con mình trở lại làm một con người bình thường, tui đã dùng tất cả những tình cảm thiêng liêng có được để động viên, giúp đỡ con trai hoàn lương”, bà Thủy cho biết.
 
Từ chỗ chỉ dạy kèm cho một em học sinh lớp 11, dần dần có nhiều em tự nguyện đến xin bồi dưỡng, học thêm. Đến nay, anh đang dạy cho gần 200 em học sinh từ lớp 9 đến 12 và ôn thi đại học. Em Hoàng Đức Thắng, học sinh lớp 12A Trường THPT Hoàng Hoa Thám cho hay: “Em học ba môn khối A với anh Sỹ từ năm lớp 11 để năm nay thi đại học, từ ngày được anh Sỹ dạy kèm, em học hành tiến bộ hơn nhiều”.  
Lớp học của Nguyễn Văn Sỹ ngày càng thu hút đông đảo học sinh tham gia.
Lớp học của Nguyễn Văn Sỹ ngày càng thu hút đông đảo học sinh tham gia.
Trong điệu bộ chững chạc của một thầy giáo, Nguyễn Văn Sỹ tâm sự: “Gần đây có 70 em học sinh lớp 11 và 12 muốn tôi phụ đạo thêm môn toán. Tôi đã đồng ý giúp các em. Hiện nay, mỗi ngày tôi dạy ít nhất 4 ca, nhiều nhất là vào ngày chủ nhật với 7 ca học, mỗi ca hơn 20 học sinh”. Về những hình xăm trổ khắp người, Sỹ cho biết mình xăm lúc đi lang thang. “Có lần vào mùa hè mặc áo quần ngắn, phụ huynh đưa con đến xin học thấy tôi nằm ngủ bên võng không dám gọi dậy vì không nghĩ tôi là người dạy kèm các em. Cũng có nhiều em lần đầu gặp tôi không dám nói chuyện vì sợ. Nghĩ cũng buồn, nhưng niềm vui vẫn không ít. Năm ngoái, tôi ôn thi đại học cho 27 em thì có gần chục em đậu, còn lại học cao đẳng, những em bị hỏng kiến thức cũng được tôi củng cố lại nên học lực khá hơn, gia đình các em đã bắt đầu yên tâm để con theo học lớp tôi”. 
 
Thượng tá Trương Minh Vũ, Trưởng Công an huyện Lệ Thủy cho biết, tệ nạn ma túy ở địa bàn các xã cụm đường 15 của huyện Lệ Thủy rất đáng báo động. Lực lượng công an và chính quyền các địa phương đã nỗ lực không mệt mỏi để ngăn chặn tình trạng này. Diễn đàn “Cùng lắng nghe và chia sẻ” do Công an huyện Lệ Thủy thành lập là một trong những sáng kiến để kết nối, vận động các đối tượng nghiện ma túy và gia đình phối hợp ngăn chặn tệ nạn này. Thông qua diễn đàn, anh Nguyễn Văn Sỹ được trao đổi, chia sẻ tâm tư tình cảm và thêm quyết tâm từ bỏ “cái chết trắng”. Tấm gương phục thiện của “thầy giáo Sỹ” là minh chứng rõ ràng cho những nỗ lực của các đối tượng lầm lỡ làm lại cuộc đời. Và với tinh thần kết nối, sẻ chia, Công an Lệ Thủy đã kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng phòng học khang trang giúp Nguyễn Văn Sỹ vững bước trên con đường hoàn lương.
 
Nguyễn Hoàng