.

Hết lòng vì việc chung

Thứ Năm, 05/10/2017, 08:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Đó là cựu chiến binh Cao Sỹ Điều ở thôn Liên Trung, xã Cảnh Dương (Quảng Trạch). Năm 1959, gia đình anh Cao Sỹ Điều đi khai hoang lập làng mới ở thôn 19-5 xã Quảng Đông. Lớn lên, anh tham gia thiếu niên quân và dân quân du kích tại thôn19-5; năm 1977 anh nhập ngũ vào Lữ đoàn 101 Vùng 5 Hải quân.

Hơn 6 năm phục vụ quân đội, trong đó có 4 năm tham gia chiến đấu tại chiến trường nước bạn Căm-pu-chia, năm 1984, anh hưởng chế độ phục viên. Sau khi kết hôn với người bạn đời ở xã Cảnh Dương, anh trở về quê hương sinh sống. Năm 1997, anh được kết nạp vào Đảng và Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Năm 2000, anh mạnh dạn đảm nhận việc đưa tang bằng xe công nông, thay cho kiểu đưa tang truyền thống phải dùng tới 30 người khỏe mạnh để di quan ra nghĩa địa. Việc làm của anh được người dân ủng hộ. Cuối năm 2003, xã Cảnh Dương được UBND tỉnh và Sở Công nghiệp (nay là Sở Công thương) đầu tư xây dựng làng nghề với diện tích trên 10ha.

Sau khi được tuyên truyền vận động, do nhận thức được ý nghĩa, tác dụng của dự án làng nghề, nhân dân Cảnh Dương đã tự nguyện di dời gần 2.800 ngôi mộ và hơn 50 lăng mộ của các dòng họ, trong đó có gần 1.000 ngôi mộ vô chủ (do quá lâu năm) về nơi tập kết để bàn giao mặt bằng cho dự án.

Ảnh 6 : CCB Cao Sỹ Điều kiểm tra phương tiện trước khi đưa tiễn người quá cố.
CCB Cao Sỹ Điều kiểm tra phương tiện trước khi đưa tiễn người quá cố.

Trong thời gian gần 2 năm, toàn bộ công việc đào bốc, hốt liệm, di chuyển... đều do anh thực hiện. Đặc biệt, có những ngôi mộ vừa mới “hết tang”, anh phải dùng ni lông bao nguyên quan tài để chuyển đi, anh làm việc cẩn thận và có trách nhiệm nên được người tin tưởng.

Từ đó đến nay anh đảm nhận hầu hết công việc tang hiếu ở quê, trung bình mỗi năm có 50-60 người quá cố, 40-50 trường hợp bốc hốt, di dời, tu bổ lăng mộ. Ngoài ra, anh còn sẵn sàng phục vụ bà con các xã trong vùng, khâm liệm nạn nhân tai nạn giao thông, tai nạn trên sông biển. Nhiều trường hợp gia đình phải mời anh đi theo tàu tìm kiếm trên biển, nếu may mắn gặp được thi thể nạn nhân trôi dạt thì anh Điều sẽ trực tiếp tiến hành công việc khâm liệm.

Dù biết trước là rất khó khăn, anh vẫn sẵn sàng thu xếp để đáp ứng yêu cầu của bà con một cách tận tình, nếu việc tìm kiếm không có kết quả thì anh không nhận thù lao. Anh còn tình nguyện giúp đỡ nhiều gia đình đi bốc hài cốt liệt sỹ tại các nghĩa trang ở các tỉnh phía nam, đưa các anh chị về an nghỉ ở quê hương và coi đó như việc làm tri ân những người đồng đội.

Anh nhẩm tính, gần 20 năm qua đã tự tay bốc hốt, di chuyển gần 3.000 ngôi mộ; đưa đón, khâm liệm gần 1.000 trường hợp qua đời do nhiều nguyên nhân. Gần 5 năm lại đây, thực hiện quy định loại bỏ xe công nông, xe tự chế, gia đình anh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua sắm ô tô, tổ chức dịch vụ tang lễ trọn gói. Mô hình đã tạo việc làm cho 4-5 lao động, trong đó có con trai anh là một đảng viên trẻ tích cực, năng động.

Từ việc lo hậu sự, xe đưa đón và thủ tục mai táng, anh vừa làm trọn công tác nghĩa tình đồng đội của Hội Cựu chiến binh cùng bà con trong và ngoài địa phương với mức phí phù hợp. Anh Điều còn tích cực tham gia tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt nếp sống văn minh về tang hiếu. Nhân dân địa phương đã thực hiện đúng quy định của hương ước làng xã, chỉ lưu thi thể người quá cố 24 giờ, chậm nhất là 36 giờ kể từ khi qua đời là tiến hành đưa tang.

Ngoài ra, nhân dân còn tự giác không rải giấy tiền, vàng mã khi đưa tang, vừa tiết kiệm chi phí, không gây phản cảm cho mọi người, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, anh đã có sáng kiến chế tạo bộ khung định hình huyệt mộ bằng thép, từ đó đã khắc phục tình trạng cát lở khi đào huyệt, làm ảnh hưởng những ngôi mộ gần kề.

Sự sáng tạo và tinh thần tận tụy, nhiệt tình, chu đáo, biết chia sẻ... của anh đã được nhân dân mến phục và ghi nhận. Cựu chiến binh Cao Sỹ Điều luôn phát huy bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ và phẩm chất của người đảng viên, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, lấy việc hết lòng phục vụ nhân dân làm lẽ sống...

Nguyễn Tiến Nên