.

Xin cho em một công việc

Thứ Tư, 04/10/2017, 14:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Đó là điều ước lớn nhất của cô bé Hồ Thị Hương, sinh năm 1992, nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) ở xã Hải Trạch (Bố Trạch) trong câu chuyện với chúng tôi vào một buổi chiều tháng chín, khi bão số 10 vừa tan ít ngày.

Hồ Thị Hương với tấm bằng đại học loại giỏi.
Hồ Thị Hương với tấm bằng đại học loại giỏi.

Sâu trong con hẻm nhỏ chạy ra phía biển ở làng Lý Hòa có gia đình hai vợ chồng ông bà Hồ Trung, sinh năm 1954; Phan Thị Hoa, sinh năm 1956. Họ đều là cựu chiến binh thuộc Trung đoàn 186, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình từng tăng cường cho mặt trận Quảng Trị trong những năm kháng chiến chống Mỹ khốc liệt. Hai vợ chồng cùng nhập ngũ tháng 2-1974 đến tháng 10-1978 thì ra quân.

Ông Hồ Trung cho biết: “Thời gian này, chiến trường bắt đầu chuyển dịch sâu vào phía Nam, chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đơn vị tôi ở lại Quảng Trị có nhiệm vụ khôi phục vết thương chiến tranh, ổn định cuộc sống nhân dân dọc theo địa bàn đường 9, Đông Hà, Cam Lộ, Hướng Hóa... Đến năm 1978, tôi ra quân”.

Vợ chồng ông Hồ Trung có 5 người con, Hồ Khắc Hiếu (sinh năm 1981), Hồ Thị Hoài (sinh năm 1983), Hồ Thị Hạnh (sinh năm 1989), Hồ Thị Hương (sinh năm 1992) và Hồ Thị Tuất (sinh năm 1994). Trong 5 người con chỉ có Hồ Thị Hoài, Hồ Thị Tuất bình thường còn 3 anh em Hồ Khắc Hiếu, Hồ Thị Hạnh và Hồ Thị Hương đều bị di chứng da cam từ bố, là NNCĐDC, cơ thể khiếm khuyết, tàn tật.

So với các anh em mình, Hồ Thị Hương sáng dạ hơn, can đảm, nghị lực vượt qua khiếm khuyết để đến trường học chữ. Hương tâm sự: “Từ khi ý thức được sự bất hạnh bản thân và gia đình, em chỉ nung nấu một ý chí là làm sao vượt qua nghèo khó, bệnh tật để học thật giỏi, sau này kiếm một chút nghề gì đó tự nuôi sống bản thân mình, không là gánh nặng của gia đình, xã hội”. Từ suy nghĩ đó, những năm học tiểu học đến phổ thông trung học, Hương luôn là học sinh ngoan hiền. Tốt nghiệp THPT, Hương thi đỗ vào Trường đại học Quảng Bình, chuyên ngành sư phạm Sử.

Bốn năm nỗ lực hết mình trên giảng đường đại học (tháng 10-2010 đến tháng 10-2014), kết quả xứng đáng dành cho Hương là tấm bằng cử nhân loại giỏi. Ra trường, cảm thông hoàn cảnh Hương, Trường tiểu học và THCS xã Hưng Trạch tiếp nhận em vào làm giáo viên dạy hợp đồng tại điểm trường Bồng Lai từ tháng 3-2016 với mức lương 2,9 triệu đồng. Hương bảo: “Em cứ tưởng cuộc đời đã mỉm cười với những số phận thiệt thòi như em. Trong một năm công tác tại Trường tiểu học và THCS Hưng Trạch, đầu tuần em lên trường, cuối tuần mới về với gia đình, dù nhà xa trường gần 20 cây số, nhưng em luôn nhủ lòng cần cố gắng bảo đảm giờ giấc cho dù ngày nắng hay mưa gió, rét mướt, trở thành giáo viên dạy tốt, sống hòa đồng cùng tập thể sư phạm trong nhà trường”. Kể đến đây, mặt Hương chùng xuống buồn buồn: “Dạy được một năm, theo chủ trương tinh giảm biên chế, em bị chấm dứt hợp đồng, đến tháng 4-2017, em nghỉ hẳn ở nhà, trở thành người thất nghiệp”.

 Vợ chồng ông Hồ Trung và ba người con là nạn nhân chất độc da cam.
Vợ chồng ông Hồ Trung và ba người con là nạn nhân chất độc da cam.

Là NNCĐDC, cơ thể khiếm khuyết, sức khỏe yếu, nhưng Hồ Thị Hương với một nghị lực phi thường, đã biết vươn lên trong cuộc sống. Nhiều lúc em băn khoăn, nhớ trường, lớp, nhớ học sinh, lại mở những trang giáo án từng một thời gian gắn bó với mình, tấm bằng cử nhân loại giỏi rơi ra... nước mắt lại chực trào. “Cho em một công việc đúng chuyên môn, bằng cấp mình từng học, đó là ước muốn duy nhất của cuộc đời em. Để em còn có tương lai sau này. Để một mai ba mẹ già yếu mất đi, em không còn là gánh nặng cho cuộc đời, cho xã hội”.

Hồ An