Ấm áp tình thương
(QBĐT) - Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh tiếp nhận quản lý nuôi dưỡng 20 người già yếu, neo đơn và 23 trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Nơi đây đã trở thành mái nhà chung, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, giáo dục văn hóa, hướng nghiệp tạo việc làm và tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng xã hội. Với mong muốn bù đắp phần nào thiệt thòi cho những đứa trẻ mồ côi, thiếu thốn tình yêu thương, trung tâm luôn quan tâm, nỗ lực để mang đến niềm vui, sự ấm áp cho các em, đặc biệt mỗi dịp Trung thu về.
Dù đã được nghe lãnh đạo trung tâm thông báo về buổi phá cỗ Trung thu hơn tuần nay nhưng các em vẫn không giấu nổi niềm hân hoan, háo hức chờ đợi mâm cỗ Trung thu có rồng bay, phượng múa, có chú Cuội thổi sáo, chị Hằng trên cung trăng, có bánh nướng, bánh dẻo, kẹo, hoa quả đủ các loại, các màu sắc và những chiếc đèn ông sao lung linh sắc màu.
Bà Trần Thị Mỹ, Phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh cho biết: “Ở trung tâm, mỗi cháu một hoàn cảnh, một số phận, có cháu mồ côi cha mẹ, có cháu tàn tật hoặc thiểu năng trí tuệ. Hiểu được những thiệt thòi, mất mát ấy, chúng tôi luôn dành những tình cảm đặc biệt, động viên các cháu cố gắng vươn lên trong học tập và cuộc sống. Sắp tới Tết Trung thu, trung tâm đã và đang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như hướng dẫn các cháu tập luyện các tiết mục văn nghệ, múa hát để biểu diễn vào đêm phá cỗ; phối hợp với một số đơn vị, doanh nghiệp và nhà hảo tâm tổ chức Tết Trung thu; thăm hỏi, tặng quà cho các cháu. Những món quà tuy giá trị vật chất không lớn nhưng rất có ý nghĩa, tạo điều kiện để các cháu được đón một cái tết Trung thu ấm áp, đủ đầy”.
Trung thu đến, các em lại được phá cỗ, trông trăng, xem múa lân, văn nghệ.... |
Mỗi cháu có một hoàn cảnh khác nhau nhưng ấn tượng với chúng tôi hơn cả là cháu Hồ Dưỡng (7 tuổi) đến từ xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa. Nói đến sự sống của Hồ Dưỡng, người ta không thể không nhắc tới công lao của các chiến sỹ Bộ đội Biên phòng thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo. Em là trường hợp không may mắn khi sinh ra đã mất mẹ, theo hủ tục ở quê nhà, em phải bị chôn theo mẹ nhưng em may mắn được các chiến sĩ cứu sống và đưa về nuôi dưỡng ở trung tâm. Từ ngày đến môi trường mới, em nhận được sự chăm sóc ân cần của những “người cha, người mẹ” tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Năm nay là năm thứ 5 em đón Trung thu cùng mọi người tại đây. Khi được hỏi về Tết Trung thu mắt em sáng lên và nói: Cháu thích Trung thu lắm vì được xem múa lân, được phá cỗ, ăn bánh trung thu, được tặng đồ chơi...
Em Hoàng Thị Mỹ Lụa, năm nay em 13 tuổi, đang học lớp 7. Hoàn cảnh của em thật đáng thương, bố mẹ mất khi em còn nhỏ, ba chị em được Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh nuôi dưỡng khi em còn mẫu giáo. Năm nay là năm thứ 7 em đón Trung thu tại ngôi nhà chung này. Khi được hỏi cảm nhận của em về Tết Trung thu, em tâm sự: Càng lớn em càng cảm nhận được sự thiệt thòi của mình so với các bạn bè cùng trang lứa, nhưng bù lại, ở trung tâm chúng em được thương yêu, được quan tâm chăm sóc, học hành đến nơi đến chốn, được các cô chú chỉ bảo nên dần quên đi quá khứ thiệt thòi. Mỗi năm Trung thu đến, được cùng các bạn, các anh chị phá cỗ trông trăng, được xem múa lân, văn nghệ em thấy ấm áp và hạnh phúc lắm.
Mặc dù chịu thiệt thòi không có bố, mẹ nhưng các em có nhiều hơn những ông bố, bà mẹ đang hàng ngày chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy dỗ các em nên người, mang lại niềm vui và sự ấm áp tình người trong mỗi chúng em. Chắc hẳn rằng, sự rộn ràng, náo nhiệt, vui tươi của Tết Trung thu hàng năm tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Bình sẽ là một đoạn ký ức đẹp đi theo các em trên con đường dài phía trước để đến một tương lai tươi sáng.
Thanh Hoa