.
Ý kiến bạn đọc:

Lại chụp ảnh và khám bệnh... miễn phí

Thứ Ba, 18/04/2017, 09:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Cách đây gần 3 năm, một hiệu ảnh ở một tỉnh phía Bắc đã về Quảng Bình, Đồng Hới tổ chức chụp ảnh miễn phí cho cựu chiến binh để làm sổ vàng truyền thống của hội cơ sở (được hội cấp trên giới thiệu về các chi hội).

Khi đến chụp, người của hiệu ảnh chỉ cần lấy gương mặt để ghép vào quân phục có cả quân hàm, huân chương, huy chương các loại. Nhìn thấy ảnh mẫu đẹp ai cũng muốn in thành ảnh lớn để treo trong nhà, thế là nhà ảnh tha hồ chụp và thu lãi.

Điều đáng nói là người hội viên trong ảnh có khi thực tế chỉ là chiến sĩ, hạ sĩ quan hay dân quân tự vệ nhưng lại được mang quân hàm cấp tá, úy và đeo các loại huân chương, huy chương theo yêu cầu. Ở quê tôi đã từng có CCB là dân quân tự vệ, nhưng khi qua đời, gia đình đã đem ảnh sĩ quan cấp úy ra thờ làm cho người đến viếng hoàn toàn ngạc nhiên và không đồng ý.

Thiết nghĩ, quân hàm và huân chương, huy chương là do Quân đội, Nhà nước phong tặng để ghi nhận quá trình cống hiến, lập công, có khi phải hy sinh cả xương máu của người chiến sĩ, đâu phải ai cũng có quyền được đeo. Vậy tại sao nhà ảnh lại có quyền gắn vào cho mọi người. Đây là việc làm sai trái không thể chấp nhận.

Mới đây, trong những ngày đầu tháng 4-2017, Chi hội CCB của một phường nọ lại tiếp nhận được thông báo của hội cấp trên đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty TNHH Sơn Huy đến chụp ảnh miễn phí làm quà tặng logo có hình các vị lãnh tụ... Vẫn chiêu bài chụp ảnh miễn phí ấy, nhưng thực tế là các hội viên đều được mời chào làm ảnh lớn bán với giá 300.000đ đến 600.000đ/tấm tùy theo kích cỡ, đắt hơn rất nhiều so với giá của các hiệu ảnh ở Đồng Hới. Nhiều hội viên cho biết, do chi hội thông báo nên phải đi chụp chứ không tình nguyện, bởi trước đó họ đã chụp rất nhiều lần ở các Hội NCT, Nông dân, CCB... rất tốn kém.

Ngoài chụp ảnh ra, cách đây gần 1 tháng cũng có Công ty Dược 108 Hà Nội về các tổ dân phố tổ chức "Khám bệnh miễn phí" cho nhân dân. Khi nghe con số 108 nhiều người nhầm tưởng đó là đơn vị thuộc Quân y viện 108 nên hào hứng đi khám.

Đến nơi thấy họ dùng máy siêu âm đen trắng cũ kỹ để khám và bất cứ ai cũng đều mang các trọng bệnh: Gan nhiễm mỡ, sỏi thận, phì đại tiền liệt tuyến... và qua tư vấn đều phải mua thuốc để trị nếu không sẽ nguy hiểm. Chưa bàn tới chất lượng thuốc, chỉ nói đến giá cũng đã quá đắt đỏ so với thị trường, nhiều người đã phải bỏ hàng triệu đồng để mua thuốc, chẳng hạn cụ Ái đã mua 3 hộp Tràng Vị Khang với giá 1.050.000đ.

Qua bài viết này, tác giả chỉ mong cơ quan, đoàn thể, chính quyền cấp trên cần nghiên cứu, xem xét kỹ trước khi giới thiệu các đơn vị, doanh nghiệp về làm dịch vụ tại cơ sở.

Trần Ngọc Phơn