.

Những cánh én nhỏ

Thứ Bảy, 20/06/2015, 17:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Một buổi sáng cách đây hai năm về trước, khi bão số 10 vừa đi qua, thành phố Đồng Hới tan hoang sau bão. Trong quán cà phê cóc bên đường Trần Hưng Đạo có bốn bạn trẻ hội ngộ cùng nhau. Ba trong số họ hoạt động ở lĩnh vực báo chí. Chủ đề các bạn đưa ra là bằng các mối quan hệ, thông qua tác nghiệp hàng ngày, mạng xã hội... nhanh chóng kết nối, kêu gọi những nhà hảo tâm trong và ngoài nước góp công, góp sức, tiền của, vật chất, chung tay giúp đỡ đồng bào mình khắc phục hậu quả thiên tai. Nhóm thiện nguyện không tên của những người làm báo (tôi tạm gọi như vậy!) ra đời từ đó.

Công việc lặng thầm

Nhóm thiện nguyện không tên gồm: Ngô Thanh Long, phóng viên phòng Văn hóa- Xã hội, Báo Quảng Bình; Đặng Hiền, phóng viên phòng chuyên đề, Đài PT-TH tỉnh; Phan Tứ, phóng viên Đài Truyền thanh- Truyền hình huyện Bố Trạch. Nhóm có sự góp mặt của “Hiệp sỹ tình nguyện” Lê Quang Toán, một trong 10 gương mặt tiêu biểu của thành phố Đồng Hới.

Nhớ lại những ngày sau bão số 10, nhà báo Ngô Thanh Long tâm sự: “Ban đầu chẳng ai lường hết khối lượng công việc nhiều đến thế đâu. Chúng tôi bàn nhau chia vùng ra: Phan Tứ lo Bố Trạch, Đặng Hiền ở Đồng Hới, tôi với Lê Quang Toán hết Quảng Ninh rồi đến Lệ Thủy, Minh Hóa... vừa tiến hành công tác chuyên môn, vừa khảo sát những gia đình khó khăn nhất, thiệt hại nhất để ghi hình, chụp ảnh rồi đăng lên mạng xã hội tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng. Kết quả thật bất ngờ, chúng tôi đã có hàng trăm đoàn từ thiện kết nối và về trực tiếp cứu trợ cho bà con vùng bão”.

Phan Tứ chia sẻ: “Nguyên tắc được chúng tôi thống nhất là giúp đỡ người dân phải thiết thực, đúng người, đúng địa chỉ. Vì thế nhóm phân công nhau đi cơ sở. Sau khi có sự phản hồi từ nhà tài trợ, nhóm tiếp tục tư vấn nên giúp gì cho bà con. Kết thúc một chuyến thiện nguyện, nhóm làm báo cáo gửi lại cho nhà tài trợ. Chính sự vô tư, trong sáng của các thành viên đã giúp nhóm trở thành một địa chỉ đỏ để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tìm đến, góp phần cùng cộng đồng giúp nhân dân vùng lụt bão khắc phục hậu quả thiên tai, tái thiết lại cuộc sống”.

Nhóm thiện nguyện trong ngày khởi công xây dựng nhà cho mệ Nguyễn Thị Thẻn.
Nhóm thiện nguyện trong ngày khởi công xây dựng nhà cho mệ Nguyễn Thị Thẻn.

“Ngoài Lê Quang Toán, ba thành viên còn lại đều đã có gia đình. Thú thật... say mê với công tác thiện nguyện lắm lúc quên cả đường về nhà”- Đặng Hiền cho biết- “Rất may, gia đình ai cũng cảm thông với công việc của nhóm. Đơn cử như ba và chồng mình, thấy nhóm vất vả, ba thì cho mượn phòng khách của nhà làm nơi tập kết hàng hóa, áo quần. Chồng thì xắn tay áo lên, đi thiện nguyện cùng nhóm”.

Một năm khép lại với những phóng viên đam mê làm thiện nguyện khi đúng vào ngày tiễn ông Táo về trời, họ kịp làm một cái lễ nhà mới nho nhỏ cho mệ Nguyễn Thị Thẻn, cựu thanh niên xung phong ở thôn Thống Nhất, xã An Ninh (Quảng Ninh), ngôi nhà được xây nên từ sự vận động kinh phí của nhóm. Trong ngôi nhà mới, mệ Thẻn xúc động lần tìm những bàn tay thiện nguyện bắt thật chặt: “Mệ cám ơn các con... sống đến gần cuối đời mệ mới có cái chổ chui ra chui vô ấm cúng như ri!”

Để gieo hạt vô tư...

Năm 2014 tiếp nối với hàng chục chuyến đi thiện nguyện. Lúc này công việc chuyên môn của các thành viên trong nhóm trở lại với nhịp đập bình thường. Đối tượng nhóm hướng đến là đồng bào, học sinh dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

Ngày 19-5-2014, Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên vận động Hiến máu tình nguyện (HMTN) Quảng Bình được thành lập trực thuộc Hội CTĐ tỉnh, nhà báo Ngô Thanh Long với lòng nhiệt huyết của mình chuyển sang làm cố vấn truyền thông cho CLB, cùng với Ban chủ nhiệm CLB định hướng cho gần 100 tình nguyện viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, trực tiếp hiến máu cứu người; tuyên truyền về căn bệnh tan máu bẩm sinh-Thalassemia; đặc biệt định hướng cho các bạn trẻ hướng về địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thắp sáng ngọn lửa thiện nguyện, khơi dậy sức trẻ sống cống hiến và được cống hiến...

Như những dòng suối nhỏ cùng hòa vào sông lớn yêu thương, nhóm thiện nguyện của những người làm báo và “Hiệp sỹ tình nguyện” Lê Quang Toán, CLB Thanh niên vận động HMTN kết nối với nhau, đồng hành với hàng trăm nhóm thiện nguyện khác khắp cả nước thực hiện những hành trình thiện nguyện không mệt mỏi.

“Trong những chuyến công tác lên miền núi, lên với đồng bào dân tộc, chúng tôi thấy cuộc sống bà con ở đây rất nghèo khổ, học sinh đến trường thiếu áo quần, sách vở, dép đi... Đơn cử như Trường tiểu học số 2, Kim Thủy (Lệ Thủy) vì chưa có mô hình bán trú nên các em học sinh dân tộc Vân Kiều thường đến trường với bữa cơm trưa đựng trong bao ni-lon, các em ăn xong xuống suối giặt sạch mang về ngày mai dùng gói tiếp. Năm 2014, nhóm tiến hành ba đợt vận động giúp học sinh của trường có được sách vở học tập, áo đồng phục, áo ấm mùa đông và tặng thêm cặp lồng cho các em đựng cơm mỗi buổi đến trường”- nhà báo Ngô Thanh Long nhớ lại.

Sau Trường tiểu học số 2 Kim Thủy, dấu chân thiện nguyện của Thanh Long, Phan Tứ, Đặng Hiền, Quang Toán lần lượt đến với đồng bào và học sinh Vân Kiều xã Trường Sơn, Trường Xuân (Quảng Ninh); đồng bào A Rem xã Tân Trạch, đồng bào Ma Coong, xã Thượng Trạch (Bố Trạch) đồng bào Khùa xã Trọng Hóa, đồng bào Rục xã Thượng Hóa (Minh Hóa). Áo ấm, áo đồng phục, sách vở, đồ dùng học tập... là những món quà yêu thương được nhóm thiện nguyện ưu tiên cho trẻ dân tộc vào đầu mùa tựu trường.

Cuối năm, khi “năm hết, tết đến”, các thành viên trong nhóm hội ngộ cùng nhau bàn chuyện chăm lo tết cho đồng bào. Quà tết không cao sang nhưng trọn vẹn cả tấm lòng của những người làm báo dưới xuôi gửi lên cho bà con: một thùng mỳ tôm, chục cân gạo, cân đường, ít cá khô, chai nước mắm, chai dầu ăn...

Đinh Hợp, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch hay Nguyễn Chí Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch bảo rằng: “Cứ cuối năm mà chưa thấy thằng Long, thằng Toán, Phan Tứ, Đặng Hiền nhóm của bây đâu, y như rằng bà con nhắc”. Thì nhóm cũng đã tự hứa, cố gắng sống cho trọn nghĩa, vẹn tình với đồng bào. Hứa với bà con là phải lên!...

Công việc gieo hạt vô tư, lặng thầm của những nhà báo thiện nguyện như cánh én nhỏ, góp chút xuân an lành cho cuộc đời.

P.V