.

Lệ Thủy: Chủ động canh chừng "giặc lửa" trong mùa khô

Thứ Năm, 18/06/2015, 07:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, cùng với những nỗ lực nhằm thúc đẩy nền kinh tế- xã hội huyện của phát triển, Lệ Thủy cũng tích cực chú trọng công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Nhiệm vụ này càng trở nên bức thiết khi diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, nắng nóng kéo dài kết hợp với gió phơn tây-nam thổi mạnh vào mùa khô.

Xây dựng chương trình, kế hoạch bảo vệ rừng, phương án phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, PCCCR đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra luôn được xem là nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Hạt Kiểm lâm Lệ Thủy.

Bởi vậy, ngay từ đầu năm, Hạt Kiểm lâm đã chủ động tham mưu với UBND huyện phê duyệt các kế hoạch và chương trình hành động phù hợp với đặc điểm tình hình cụ thể ở địa phương. Nhờ vậy, thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn của các lực lượng chức năng cũng như ý thức bảo vệ và phát triển rừng của các chủ rừng được giao khoanh nuôi, bảo vệ không ngừng được nâng cao.

Theo thống kê, huyện Lệ Thủy có gần 108.000 ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 76% tổng diện tích tự nhiên của toàn huyện. Trong đó rừng tự nhiên là 68.200 ha, rừng trồng 32.836 ha, đất trống 6.957 ha. Hàng năm, khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 thời tiết khô hạn, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ những ngày cao điểm có lúc lên đến 39-40oC kết hợp với gió tây nam thổi mạnh làm cho thảm thực bì khô, dẫn đến nguy cơ cháy rừng ở Lệ Thủy luôn ở mức cao. Địa bàn đi lại phức tạp nên khi cháy rừng xảy ra, công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều diện tích rừng thông nhựa đang trong thời kỳ khai thác của huyện Lệ Thủy có nguy cơ xảy cháy rất cao.
Nhiều diện tích rừng thông nhựa đang trong thời kỳ khai thác của huyện Lệ Thủy có nguy cơ xảy cháy rất cao.

Vì thế, để chủ động PCCCR, các ngành chức năng huyện Lệ Thủy đã chủ động chia các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy để ứng phó kịp thời khi xuất hiện điểm phát lửa. Theo đó, có 4 vùng trọng điểm được xác định gồm: Vùng Quốc lộ 1-ven biển với diện tích khoảng 2.000 ha thuộc xã Sen Thủy, Hưng Thủy và diện tích rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Nam Quảng Bình; vùng phía trước gồm các xã: Mỹ Thủy, Tân Thủy, Dương Thủy, Thái Thủy, Văn Thủy, Làng Thanh niên lập nghiệp An Mã với khoảng 4.000 ha, trong đó diện tích rừng thông nhựa chiếm khoảng 2/3; vùng đường 15 với khoảng 4.000 ha rừng trồng tại các xã Kim Thủy, Trường Thủy, Mai Thủy, Phú Thủy, thị trấn Nông trường Lệ Ninh và Chi nhánh Lâm trường Kiến Giang; vùng phía tây huyện gồm các xã: Lâm Thủy, Ngân Thủy và một số diện tích rừng cao su của Công ty TNHH MTV Lệ Ninh. Vùng này chủ yếu là rừng tự nhiên, ít khi xảy ra cháy, nhưng nếu có cháy rừng thì rất khó khoanh vùng dập tắt bởi địa hình phức tạp.

Tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo các vấn đề cấp bách trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR huyện Lệ Thủy là tất cả các địa phương, đơn vị phải thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

Theo đó, khi xảy ra cháy rừng thì chính quyền cơ sở, chủ rừng ở nơi xảy ra cháy phải chủ động huy động mọi lực lượng, phương tiện tại chỗ tham gia dập lửa để cứu rừng. Trường hợp vượt quá tầm kiểm soát của lực lượng cứu chữa tại chỗ phải khẩn trương báo cáo về Ban chỉ huy của huyện để huy động lực lượng ứng cứu.

Các tổ chức, cá nhân ở gần rừng, hoạt động trong rừng khi phát hiện cháy rừng phải kịp thời dập lửa và báo ngay cho lực lượng Kiểm lâm, chính quyền cơ sở nơi gần nhất để huy động lực lượng dập tắt đám cháy. Chủ tịch UBND xã, thị trấn, Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và PCCCR các cấp có quyền huy động mọi lực lượng, phương tiện, dụng cụ trên địa bàn để chữa cháy rừng kịp thời (trong trường hợp cấp thiết)...

Một trong những biện pháp quan trọng được Lệ Thủy triển khai nhằm làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR là đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Tổ chức làm bản cam kết thực hiện quy ước bảo vệ rừng đến tận mỗi người dân; đồng thời phối hợp với Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng, PCCCR một cách rộng rãi bằng các bản tin hàng ngày và thông báo cấp độ cháy rừng để các địa phương, chủ rừng được biết.

Năm 2014 vừa qua, trên địa bàn Lệ Thủy chỉ xảy ra duy nhất 1 vụ cháy rừng thông nhựa ở xã Trường Thủy với diện tích 3,7 ha, thiệt hại khoảng 25%. Vụ cháy rừng xảy ra trong điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt, nắng nóng, nhiệt độ cao, gió tây nam thổi mạnh nhưng nhờ huy động kịp thời nhiều lực lượng, phương tiện tham gia ứng cứu nên đã được dập tắt, hạn chế tối đa thiệt hại. Năm nay, mặc dù thời gian gần đây thời tiết nắng nóng kéo dài nhưng địa phương chưa xảy ra vụ cháy rừng nào.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Xuân Quế, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: Xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR là nhiệm vụ hàng đầu nên thời gian qua, đơn vị đã đẩy mạnh việc phối hợp giao đất, giao rừng nhằm xác định quyền làm chủ cho các lâm trường, xí nghiệp, các tổ chức, hộ gia đình; khuyến khích trồng rừng, xây dựng vốn rừng, bảo vệ rừng trong các thôn, bản, làng, hộ gia đình và cộng đồng dân cư.

Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra giám sát thực hiện kế hoạch, các biện pháp PCCCR từ huyện đến xã, thị trấn, các khu dân cư, thôn, làng, bản và đến từng chủ rừng. Đối với các tổ chức, cá nhân tham gia chữa cháy rừng bị tai nạn rủi ro trong lúc làm nhiệm vụ thì Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR các xã, các cơ quan có liên quan lập hồ sơ để người bị tai nạn được hưởng chính sách theo quy định của pháp luật; giúp đỡ kinh phí hỗ trợ trong thời gian điều trị...

Tỉnh ta đang ở vào thời điểm nắng nóng kết hợp với gió tây nam thổi mạnh, nhiều diện tích rừng rất dễ xảy cháy. Điều này đòi hỏi chính quyền các cấp và người dân phải hết sức cảnh giác để chủ động đối phó với “giặc lửa” trong mùa khô.

Hồng Phúc