.
Bài dự thi viết về "Gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến xuất sắc" tỉnh Quảng Bình lần thứ II, năm 2015-2016:

Người cựu binh không đầu hàng số phận

Thứ Ba, 23/06/2015, 17:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Và mọi người sẽ càng khâm phục hơn khi được biết vợ chồng Thìn hiện đang nuôi dưỡng 3 người con nằm bán thân bất toại trên 3 chiếc võng mà theo như lời tâm sự của anh: "Các con tui đạp, quậy dữ lắm. Mỗi chiếc võng mới mua về dùng lâu nhất cũng được hơn chục ngày thì rách tươm. Số tiền chế độ của Nhà nước hỗ trợ người tàn tật vài trăm ngàn hầu như chỉ đủ để mua võng cho chúng nó mà thôi...".

Nỗi đau chất chồng

Anh Nguyễn Ngọc Thìn, sinh năm 1964, hiện trú tại thôn 1, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, Thìn lấy vợ là Cao Thị Loan (sinh năm 1963) từ đầu năm 1984. Cưới nhau được chừng vài tháng, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh khăn gói lên đường nhập ngũ ở nhà vợ của anh sinh hạ đứa con trai đầu lòng, kháu khỉnh là cháu Nguyễn Tiến Đinh. Niềm vui vừa mới nhen lên ngắn ngủi, đã sớm vụt tắt khi cháu mắc phải căn bệnh hiểm nghèo. Chỉ sau một thời gian phát bệnh, mới hơn 2 tuổi đầu, cháu Đinh đã mãi mãi về bên kia thế giới, để lại nỗi đau tột cùng cho đôi vợ chồng nghèo...

Năm 1987, anh Thìn xuất ngũ trở về quê hương. Năm 1988, vợ chồng Thìn tiếp tục có con trai thứ hai, đặt tên là Nguyễn Văn Lâm. Cháu Lâm lúc mới sinh ra cân nặng hơn 4kg, mặt mũi sáng sủa, nhanh nhẹn lắm. Nhưng ai ngờ, được hơn 3 tháng tuổi thì cháu Lâm cũng mắc chứng bệnh tương tự như người anh cả xấu số. Đến 24 tuổi, cháu Lâm cũng bỏ mặc ba mẹ mà ra đi về nơi vĩnh hằng). Năm 1989, vợ chồng Thìn sinh con thứ 3 và đặt tên là Nguyễn Lành. Chỉ sau vài tháng, cháu Lành lại mắc chứng bại não rồi sống theo kiểu thực vật cho tới nay...

Cứ mỗi lần cho con ăn, vợ chồng anh Thìn phải đè chân, ghì tay mới có thể đút được từng thìa cơm cho con ăn.
Cứ mỗi lần cho con ăn, vợ chồng anh Thìn phải đè chân, ghì tay mới có thể đút được từng thìa cơm cho con ăn.

Anh Thìn với ánh mắt đỏ hoe tâm sự với chúng tôi: "Thấy vợ chồng tui ăn ở hiền hậu, không gây hại cho ai, nhiều người động viên "quá tam ba bận" anh, chị cứ thử sinh thêm một lần nữa xem sao, may ra có được đứa con lành lặn mà nương tựa khi về già...". Thấy người ta có lời khuyên chân thành, đúng với tâm nguyện, hai vợ chồng anh quyết định sinh thêm 2 mặt con nữa. Ai ngờ, cả hai đứa Nguyễn Lan (sinh năm 1991), Nguyễn Phận (sinh năm 1994) cũng mắc chứng bệnh bại não chỉ sau vài tháng ra đời...

Mỗi lần cho con ăn, vợ chồng anh Thìn phải mở võng, bế từng đứa xuống nền nhà, rồi đè chân, ghì tay mới có thể đút từng thìa cơm cho con ăn. Và suốt mấy chục năm qua, những bữa cơm đầy cực hình ấy luôn chan đầy giọt nước mắt đau đớn lẫn tình thương yêu bao la của người mẹ, người cha đáng thương. Sinh con ra, phận làm cha, làm mẹ, ai chẳng mong con mình được lành lặn, bình thường như bao đứa trẻ cùng trang lứa. Nhưng cái ước mơ ấy đối với vợ chồng anh Thìn và chị Loan không bao giờ trở thành hiện thực hhư bao người khác...

Không cam chịu đầu hàng số phận

Cuộc chuyện trò giữa chúng tôi và anh Thìn chợt đứt quãng khi tiếng đàn lợn, gà kêu oang giữa trưa hè nóng bức. "Các chú ngồi đợi tui một lát. Đã đến giờ phải cho các con ăn. Và cả cho đàn lợn, đàn gà ngoài vườn ăn nữa..." - anh Thìn nói.

Hoàn tất công việc cho các con và đàn lợn, gà ăn xong, anh Thìn tiếp tục câu chuyện với chúng tôi: Rời quân ngũ với đôi bàn tay trắng, vợ chồng anh chọn một khoảnh đất hoang trong làng rồi cắm lều để ở. Quê anh ở miền núi rẻo cao, dân cư thưa thớt, đất hoang lúc đó nhiều lắm. Vừa làm vừa tích trữ được ít vốn anh vay thêm một ít để mua một cặp bò về nuôi.

Thời điểm đó, quê anh đồng cỏ bạt ngàn nên đàn bò béo tốt lắm. Đàn bò được nhân lên thành ba, bốn, năm con..., ra hơn 20 con bò. Cuộc sống ngày một đổi thay, theo chủ trương của Nhà nước, toàn bộ diện tích đất trống, đồi núi trọc dần dà được bà con phủ xanh. Thiếu diện tích đồng cỏ để nuôi bò đàn, anh bán hết để chuyển sang nuôi lợn, gà với quy mô lớn. Buổi đầu mới bắt tay vào nuôi lợn, gà, do thiếu kinh nghiệm nên ngay từ lứa nuôi đầu tiên gia đình đã lỗ hơn 60 triệu đồng...

Bí thư Đảng uỷ xã Lâm Hoá Nguyễn Tư Thoan ngồi bên cạnh nói xen vào, anh Thìn là người giàu nghị lực lắm. Dù gặp thất bại trong chăn nuôi lợn, gà, nhưng anh ấy vẫn quyết tâm vay mượn thêm để đầu tư vào làm ăn. Ngoài ra, vợ chồng Thìn còn mạnh dạn thế chấp 2 sổ đỏ đất vườn nhà và đất rừng để quyết tâm làm lại từ đầu.

Nhờ cần cù chịu khó đầu tư làm ăn sản xuất, đến nay, Nguyễn Ngọc Thìn đã trở thành ông chủ của một gia trại chăn nuôi với quy mô mỗi năm xuất chuồng khoảng 200 con lợn thịt, trên 2.000 con gà và ngan. Anh Thìn đã nuôi được 14 lợn nái chất lượng cao, gia đình  chủ động được về con giống, không phải mua ngoài, bảo đảm an toàn hơn về khâu phòng dịch trong chăn nuôi. Cơ ngơi của Thìn hiện nay chưa thực sự nổi trội nếu đem so sánh với những hộ chăn nuôi lớn ở vùng đồng bằng, nhưng nếu xét trong điều kiện ở một xã miền núi rẻo cao với điều kiện kinh tế nghèo bậc nhất tại huyện Tuyên Hoá thì rất đáng để nhiều người thán phục.

Và mọi người sẽ càng khâm phục hơn khi được biết vợ chồng Thìn hiện đang nuôi dưỡng 3 người con nằm bán thân bất toại trên 3 chiếc võng mà theo như lời tâm sự của anh: "Các con tui đạp, quậy dữ lắm. Mỗi chiếc võng mới mua về dùng lâu nhất cũng được hơn chục ngày thì rách tươm. Số tiền chế độ của Nhà nước hỗ trợ người tàn tật vài trăm ngàn hầu như chỉ đủ để mua võng cho chúng nó mà thôi...".

Chia tay cựu binh Thìn giữa tiết trời nóng hực cuối buổi chiều mùa hạ, chúng tôi chợt nhớ tới lời tâm sự rất mộc mạc của anh: "Lợn, gà tay tui nuôi khá tốt, nhưng vẫn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, bị tư thương ép giá. Các chú về thành phố hỏi xem nơi nào bao tiêu được sản phẩm lợn, gà thì mách dùm tui với nhé...".

Văn Minh