.

Báo điện tử và những kỷ niệm khó quên

Thứ Bảy, 20/06/2015, 19:54 [GMT+7]

(QBĐT) - So với các báo bạn trong khu vực thì Báo Quảng Bình điện tử có tuổi đời còn rất trẻ, nhưng không vì thế mà ít đi sự yêu mến của bạn đọc trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là người Quảng Bình ở xa quê hương. Có mặt ở Phòng Báo điện tử từ thuở mới thành lập, đến nay đối với tôi có rất nhiều kỷ niệm mà có lẽ dấu ấn khó quên nhất là khoảng thời gian tác nghiệp đưa tin về lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp và siêu bão số 10 năm 2013.

1. Những ngày cuối tháng 9-2013, theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương một cơn bão mạnh hình thành ngoài biển Đông đang di chuyển nhanh vào khu vực miền Trung với sức gió giật trên cấp 12 (thực tế khi bão đổ bộ vào Đồng Hới sức gió đã lên cấp 16-17).

Cùng với cả tỉnh, Ban Biên tập Báo Quảng Bình cũng đã lên kế hoạch phòng chống bão để bảo vệ tài sản cơ quan, đồng thời cắt cử phóng viên theo các đoàn kiểm tra của tỉnh, cũng như bám sát ở các địa phương, các ngành nhằm kịp thời thông tin cho người dân. Riêng Phòng Báo điện tử được “lệnh” trực 24/24 giờ với phương châm đưa tin phản ánh “nhanh nhất, kịp thời nhất, sát thực nhất” về diễn biến của cơn bão này.

Cũng may lúc đó phòng dù chỉ có 3 anh em nhưng đều là nam giới nên sau khi tạm giằng néo nhà cửa đã túc trực ở cơ quan để làm nhiệm vụ. Lúc đầu cứ tưởng bão số 10 sẽ dạo qua sơ sơ nhưng không ngờ bão đổ bộ trực tiếp mà TP. Đồng Hới dường như trở thành tâm điểm để trận cuồng phong này quăng quật. Từ sau buổi trưa ngày hôm đó (30-9-2013), cơn bão bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Bình, và mỗi lúc lại có cường độ mạnh hơn. Cơ quan Báo Quảng Bình ngoài bộ phận phóng viên đã về cơ sở, còn lại Ban Biên tập và lực lượng phòng chống lụt bão mà phần lớn là anh chị em ở Phòng Hành chính-Trị sự.

Ở tầng 4, Phòng Báo điện tử bắt đầu cập nhật thông tin từ cơ sở gửi về để đưa lên mạng internet nhằm chuyển tải tình hình bão lũ cho bạn đọc. Càng về chiều bão càng dữ dội làm cả tỉnh, cả thành phố chìm trong cảnh “mưa to gió lớn”, kèm theo đó là tin tức thiệt hại ở các địa phương được phóng viên liên tiếp gửi về Phòng Báo điện tử để xử lý.

Phóng viên Báo Quảng Bình điện tử tác nghiệp Ảnh: Hương Lê
Phóng viên Báo Quảng Bình điện tử tác nghiệp. Ảnh: Hương Lê

Thời điểm này, toàn tỉnh đã mất điện hoàn toàn nên muốn chuyển tin các phóng viên chỉ còn cách bám trung tâm chỉ huy phòng chống lụt bão ở các địa phương, còn ở Báo Quảng Bình nguồn điện từ máy phát dự phòng được dành riêng cho Phòng Báo điện tử làm nhiệm vụ. Ngồi trong ngôi nhà 5 tầng của Báo vừa đưa vào sử dụng nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được sự rung lắc mỗi khi gió giật, còn nước mưa thì bắt đầu theo các khe hở của cửa sổ chảy vào gây “ngập lụt cục bộ” ở phòng.

Thấy nguy cơ nước mưa có thể làm hư hỏng các thiết bị điện tử, những tấm khăn trải bàn khổ lớn được đưa vào làm thành tuyến đê ngăn nước. Khi đó tôi là người trực tiếp xử lý tin, bài, ảnh, và khi xong mỗi đợt cập nhật lại cùng biên tập viên Ngọc Hải, quản trị mạng Xuân Hoàng phải dùng chổi quét nước ra ngoài nhưng vẫn không xuể, một lúc sau Mạnh Hùng ở Phòng Hành chính-Trị sự lên chi viện thì tình hình mới tạm ổn.

Lúc này ở nhà người thân liên tục gọi điện thông báo tình hình thiệt hại, nhưng 3 anh em cũng chỉ biết an ủi, động viên rồi trở lại công việc đã được giao. Có những khi do máy phát điện tạm ngừng để tiếp nhiên liệu, anh em bèn thắp nến để làm việc, giờ nghĩ lại cảnh đó thấy “tự hào” vì sự sáng tạo này.

Đến khoảng hơn 6 giờ tối khi bão đã bắt đầu suy yếu, vừa nghe tin cột phát sóng trung của Đài tiếng nói Việt Nam ở phường Đồng Phú (TP. Đồng Hới) bị gãy đổ gây thương vong, tôi bèn rủ Ngọc Hải tiếp cận hiện trường. Hai anh em lò dò chạy xe máy ra đường với cảm giác bàng hoàng bởi cả thành phố như vừa qua một trận B52 rải thảm khi cây cối, nhà cửa, bảng hiệu... bị vặn xoắn ngổn ngang khắp nơi. Và hơn 2 tiếng đồng hồ sau thời điểm đó những hình ảnh đầu tiên về thiệt hại do cơn bão số 10 gây ra đã được cập nhật lên Báo Quảng Bình điện tử.

2. Trong khi người dân Quảng Bình đang gồng mình khắc phục thiệt hại do bão số 10 gây ra thì tiếp tục nhận được hung tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, người con ưu tú của quê hương đã từ trần vào lúc 18 giờ 9 phút ngày 4-10-2013, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Để phục vụ công tác tuyên truyền về lễ Quốc tang của Đại tướng, lãnh đạo Báo Quảng Bình đã lập một kế hoạch rất chi tiết phân công phóng viên thực hiện các phần việc cụ thể, qua đó như là nén tâm hương tưởng nhớ công ơn của Người. Với suy nghĩ đã hàng chục năm xa quê đây là lần trở về mãi mãi của Đại tướng trên đất mẹ Quảng Bình yêu dấu nên Ban Biên tập đặc biệt chú trọng phản ánh đậm nét về lễ viếng, lễ truy điệu, lễ đón linh cửu và lễ an táng, cũng như những tình cảm của người dân dành cho Người.

Do vậy, toàn thể phóng viên được huy động về Lệ Thủy, Quảng Ninh, ngược lên Minh Hóa, Tuyên Hóa, rồi ra Bố Trạch, Vũng Chùa (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch) để có thể phản ánh một cách chân thực nhất về diễn biến của lễ Quốc tang Đại tướng. Ở Phòng Báo điện tử lúc này, tôi được lãnh đạo “cho” ở nhà để sẵn sàng tường thuật trực tiếp các hoạt động diễn ra trong lễ Quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Dù rất yêu mến Đại tướng-một người luôn lấy “dĩ công vi thượng” làm kim chỉ nam cho cuộc đời hoạt động cách mạng của mình-và rất muốn ra hiện trường tác nghiệp nhưng tôi đành cắn răng ở lại cơ quan để làm nhiệm vụ. Rồi sau đó, trong hai ngày 12 và 13-10-2013, những hình ảnh đậm nét về lễ Quốc tang Đại tướng đã kịp thời được cập nhật lên Báo Quảng Bình điện tử để bạn đọc trong, ngoài tỉnh và đồng bào ở xa Tổ quốc theo dõi tưởng nhớ về vị anh hùng dân tộc.

Tối muộn ngày 12-10, khi lượng tin, bài, ảnh gửi về Báo Quảng Bình điện tử ít dần, tôi tìm về UBND tỉnh để thắp hương tưởng niệm, đồng thời ghi vào sổ tang tưởng nhớ và tự dặn lòng mình sẽ cố gắng để học tập và làm theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong công việc cũng như trong cuộc sống.

Ghi lại hai kỷ niệm trong dịp mừng 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam để tự nhủ rằng, dù trong hoàn cảnh nào nếu còn đó lòng yêu nghề với cái tâm thật trong sáng thì sẽ vượt qua những khó khăn của bản thân để hoàn thành công việc, xứng đáng với các bậc cha anh đi trước đã xây dựng một nền báo chí có bề dày truyền thống của dân tộc.

Trần Minh Văn