.

"Chiến sĩ" cầm bút

Chủ Nhật, 21/06/2015, 14:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Dấn thân vào những điểm nóng, những trận chiến ác liệt, hiểm nguy để phản ánh kịp thời những thông tin nóng bỏng của cuộc chiến cũng như tinh thần dũng cảm và ý chí kiên cường của quân và dân tỉnh nhà trong chiến tranh chống giặc ngoại xâm, họ chính là những phóng viên chiến trường.

Cầm bút cũng như cầm súng

Vào một ngày đầu tháng sáu, chúng tôi tìm về nhà của ông Trần Quốc Vinh, cựu phóng viên Báo Nhân dân. Ông Vinh dù ở tuổi 83 nhưng vẫn minh mẫn. Nhắc lại một thời tác nghiệp trên chiến trường, đôi mắt ông bừng sáng, kỷ niệm xưa về những ngày làm báo gian lao mà anh dũng vẫn còn nguyên vẹn trong ông.

Năm 1967, ông được phân công nhiệm vụ làm phóng viên thường trú Báo Nhân dân tại Quảng Bình-Vĩnh Linh. Những phóng viên chiến trường ngày đó đều phải đến những điểm nóng, nơi đánh phá ác liệt nhất để khai thác tư liệu viết bài như các chốt giao thông, bến phà, làng chiến đấu, làng sản xuất... Ngày đó con đường Ba Trại từ Phong Nha xuống Cảng Gianh là nơi bị đánh phá ác liệt nhất, máy bay đánh bom suốt ngày đêm.

Ông vẫn còn nhớ một cán bộ Tỉnh ủy đã từng nói “Ai đi qua đoạn đường này 10 lần xứng đáng được phong anh hùng” nhưng đối với ông đó lại là con đường quen thuộc trong mỗi lần đi tác nghiệp. Ông quan niệm, một phóng viên chiến trường thì dũng cảm phải gắn với sự thông minh, không gian khó nào có thể làm chùn bước.

Ông Trần Quốc Vinh, cựu phóng viên Báo Nhân dân với bộ sưu tập những bài viết của chính mình trong thời gian làm phóng viên chiến trường.
Ông Trần Quốc Vinh, cựu phóng viên Báo Nhân dân với bộ sưu tập những bài viết của chính mình trong thời gian làm phóng viên chiến trường.

Đến tận bây giờ, dù đã hơn 40 năm trôi qua nhưng ông vẫn còn nhớ như in những lần chết hụt trong quãng đời làm phóng viên chiến trường của mình. Ông kể, trong một lần tác nghiệp khi đi qua bến đò ngang ở phà Gianh, đang đi thì thuyền bị máy bay thả rocket, hoảng quá cô lái đò liền nhảy xuống sông còn ông vì quá bất ngờ nên nằm sát trong mạn thuyền. “Nước sông bắn tung tóe làm thuyền chao đảo rất mạnh, những tiếng nổ chát chúa ngay sát bên nhưng may không trúng thuyền. Được một lúc thì tôi nghe thấy tiếng máy bay xa dần, lúc này cô dân quân mới bơi lại thuyền tìm tôi và tiếp tục hành trình, vậy là tôi thoát chết trong gang tấc”.

Dịp khác, cũng trong một lần về tác nghiệp ở xã Quảng Phong thì thấy máy bay của địch bay qua. “Cứ tưởng máy bay sẽ bay thẳng đến vùng khác, ai ngờ bất thình lình nó quay ngoắt lại, dội bom ngay trúng chỗ tôi đứng. May mà lúc đó tôi đã kịp chạy xuống hầm”, ông Vinh nói.

Cầu nối của những chiến công

Như những phóng viên chiến trường khác, ông Vinh luôn viết về những tấm gương dũng cảm, những người dân gan dạ xả thân vì đất nước bằng tình cảm chân thành và mến mộ. Lật dở từng trang báo đã bạc màu vì thời gian nhưng vẫn được ông nâng niu cất giữ, ông hồi tưởng về một thời xa xưa.

Ngày đó, tại các bến đò, máy bay giặc oanh tạc suốt ngày đêm nên việc vận chuyển lương thực cũng như đưa bộ đội qua sông được xem là nhiệm vụ nguy hiểm nhất. Tình cờ, ông nghe được từ những người bộ đội kể về một người lái đò tên Nguyễn Văn Tương ở xã Hạ Trạch (Bố Trạch).

Qua lời kể, người lái đò này là một tấm gương tiêu biểu về sự kiên cường, bất chấp nguy hiểm, ngày ngày vẫn chèo đò đưa hàng hóa và  người qua sông. Ông quyết định đi xe đạp từ Đồng Hới ra Hạ Trạch để tìm cho bằng được ông Tương. “Thời điểm này nói đi Đồng Hới ra Hạ Trạch thì đơn giản. Nhưng thời chiến thì những chuyến đi kiểu như thế có thể khiến phóng viên đổi mạng bất cứ lúc nào”, ông Vinh nói.

Chỉ sau một thời gian ngắn khi bài báo được đăng thì anh Tương đã được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng. Không chỉ có anh Tương, chị Niên (trong bài "Người hộ lý hết lòng vì sản phụ"), mẹ Choàng (bài "Những hạt gạo vì tiền tuyến") mà còn rất nhiều tấm gương khác nữa đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng, Huy hiệu Bác Hồ từ những bài báo ông đã viết.

Ông Vinh cho hay, ngày đó, để xét tặng các danh hiệu Anh hùng, Huân chương Lao động, các cấp bộ, ngành cũng thường thông qua báo cáo thành tích từ các địa phương nhưng chỉ báo cáo từ một chiều, khó kiểm chứng. Bởi vậy, việc xét tặng trên cơ sở từ những bài báo đã đăng thì có tính sát thực và chính xác hơn vì phóng viên đã đến tận nơi để gặp nhân vật cũng như được kiểm chứng tại các đơn vị, địa phương. “Trước đây, Bác Hồ thường có thói quen đọc báo Nhân dân, khi thấy gương nào xuất sắc, điển hình Người lại lấy bút ghi vào một bên tờ báo để cán bộ văn phòng tập hợp và xét tặng Huy hiệu Bác Hồ”, ông Vinh chia sẻ.

Lan Chi